Kỷ luật học sinh: Đừng bắt trò phải xin lỗi công khai
Việc bắt học sinh phải xin lỗi công khai là hành vi phản giáo dục. Nó không làm cho trẻ tốt hơn, ngược lại khiến trẻ bị một cú sốc về mặt tâm lý.
Do xúc phạm nhóm nhạc BTS của Hàn Quốc, một nam sinh lớp 8 Trường THCS Ngô Quyền, quận Tân Bình, TP.HCM đã phải nhận lỗi về hành vi của mình trước hơn 1.000 học sinh (HS) của trường. Điều đáng nói, clip nhận lỗi của em đang được phát tán trên mạng xã hội với nhiều bình luận trái chiều.
Cú giáng mạnh vào tâm lý học sinh
Bà Tô Thụy Diễm Quyên, giảng viên các chương trình đổi mới giáo dục của Bộ GD&ĐT, cho biết xảy ra việc để học trò nhận lỗi công khai là do nhà trường đang thực hiện theo thông lệ đã có từ lâu. Họ đi theo lối mòn nên cho rằng mình đúng. Thế nhưng hiện nay sự tiến bộ của xã hội đã chứng minh hành vi trên là sai trái. “Bởi một đứa trẻ khi bị bêu riếu trước đám đông sẽ phản tác dụng trong giáo dục. Nó sẽ là cú sốc gây ảnh hưởng đến tâm lý khiến trẻ xấu hổ, từ đó nảy sinh thái độ sống tự ti, mặc cảm, bất mãn với cuộc đời” – bà Quyên nhấn mạnh.
Đề cập đến sự việc trên, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, cho hay nam sinh đã sai khi lập riêng một trang mạng để xúc phạm nhân phẩm của người khác. Việc làm của em đáng bị kỷ luật. Tuy nhiên, việc bắt HS đọc bản kiểm điểm công khai là phản sư phạm.
Ông Phú nói thêm: “Nếu là tôi, trong trường hợp này tôi sẽ mời gia đình và HS lên làm việc. Sau khi được nghe phân tích đúng sai, em sẽ làm bản tường trình và tháo gỡ thông tin đã đăng trên trang mạng. Đồng thời em sẽ phải viết một bản kiểm điểm kèm theo một lời xin lỗi đăng trên chính trang của mình. Tôi rất sốc khi xem clip đã quay em. Nó là một cú giáng rất mạnh vào tâm lý của em. Nếu thần kinh yếu, em có thể bỏ học và gặp nhiều vấn đề khác. Nhà trường đang chạy theo dư luận để trừng phạt trẻ thay vì giáo dục, uốn nắn để trẻ nhận thức đúng sai”.
Bên cạnh đó, cũng theo ông Phú, lứa tuổi của nam sinh này còn thiếu chín chắn. Cho nên khi sự việc xảy ra, nhà trường cần phải tìm hiểu xem động cơ của em, cần có sự tư vấn tâm lý, từ đó có nhiều chiều tác động để đưa ra một hình thức xử lý vi phạm phù hợp nhất.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mê Linh, quận 3, khẳng định: “Phương pháp của Trường THCS Ngô Quyền không mang tính giáo dục. Lẽ ra HS sai ở đâu thì phải sửa ở đó. HS xúc phạm người khác trên mạng xã hội thì phải để em đính chính, xin lỗi trên diễn đàn, sao lại bắt em phải xin lỗi công khai? Khi bắt đứa trẻ làm một việc không đúng sẽ khiến trẻ không phân biệt được đâu là phải là trái. Nhà trường là môi trường giáo dục giúp HS nhận thấy phải trái, đúng sai. Nhà trường hành xử không đúng nghĩa là trường không giáo dục được HS. Đó là thất bại lớn nhất của nhà trường”.
Trường THCS Ngô Quyền, quận Tân Bình, nơi xảy ra sự việc. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Cần sửa đổi, bổ sung Thông tư 08 “già cỗi”
Hiện nay các trường đang dựa vào quy định điều lệ trường và Thông tư 08 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn khen thưởng và thi hành kỷ luật HS để xem xét kỷ luật HS. Tuy nhiên, các nhà quản lý giáo dục cho rằng cần phải sửa đổi thông tư cho phù hợp với thực tế.
Bà Tô Thụy Diễm Quyên cho hay Thông tư 08 đã ra đời từ năm 1988. Nhiều trường học đã dựa vào thông tư này để xử phạt HS. Trong đó có những hình thức kỷ luật không còn phù hợp như đuổi học HS. Vì xét cho cùng, nhà trường là môi trường giáo dục để hoàn thiện nhân cách, phát triển về năng lực và kỹ năng của một đứa trẻ. Nếu đứa trẻ bị đuổi học thì trong thời gian em ở bên ngoài sẽ không ai thực thi nhiệm vụ giáo dục. Như vậy trẻ sẽ dễ dàng trở nên vô giáo dục. Và hầu như những đứa trẻ bị đuổi học khi quay trở lại đều không tiến bộ hơn. Thậm chí khi đuổi học, nhà trường đang từ chối nhiệm vụ, sứ mệnh, trách nhiệm của nhà trường, đó là trách nhiệm của giáo dục.
Video đang HOT
Cũng theo bà Diễm Quyên, trước khi sửa đổi thông tư phải làm thế nào để giáo viên có nhiều giải pháp nhằm xử lý HS vi phạm.
Cùng quan điểm, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du nói rằng: “Thông tư 08 phải thay đổi. Bởi trong thông tư có những hình thức kỷ luật như khiển trách trước lớp, khiển trách trước hội đồng kỷ luật, cảnh cáo trước toàn trường có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của trẻ. Nghiêm trọng hơn, nó trái với Luật Trẻ em 2016. Do đó, Thông tư 08 phải được sửa đổi một cách sâu sắc để thích ứng với thời đại phát triển của xã hội” – ông Phú nói.
Hãy xử lý vi phạm của các em chứ đừng trừng phạt
Tôi không nói xử phạt mà là xử lý HS vi phạm. Vì những xử lý đó phải khoa học để tạo động lực, tạo tính hiệu quả chứ không phải là một sự trừng phạt. Chúng ta xử lý những HS vi phạm giúp các em có hành vi đúng, thái độ đúng.
Bà TÔ THỤY DIỄM QUYÊN, giảng viên các chương trình đổi mới giáo dục của Bộ GD&ĐT
Đang hoàn thiện thông tư mới thay thế Thông tư 08
Hiện nay việc xem xét kỷ luật HS phổ thông đang được quy định tại các thông tư quy định điều lệ nhà trường và các quy định liên quan khác… Trong đó, Thông tư 08 chỉ là một trong các quy định đó.
Đến nay Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện thông tư mới để thay thế Thông tư 08. Trong đó, việc kỷ luật HS phải bảo đảm nguyên tắc tôn trọng, vì sự tiến bộ của HS; lấy vận động, thuyết phục là chính, đặc biệt không làm tổn hại đến danh dự, tinh thần, sức khỏe của HS; chú trọng thực hiện các biện pháp kỷ luật tích cực, giúp HS nhận thức được khuyết điểm, khắc phục hậu quả (nếu có).
Ông BÙI VĂN LINH, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT
AN HIỀN ghi
NGUYỄN QUYÊN
Theo PLO
Phạt học sinh rồi quay clip để xoa dịu sự tức giận của fan BTS: Cách giáo dục ấu trĩ
Bắt học sinh kiểm điểm trước trường, quay clip và đưa ra lý do phạt vì sức ép fan BTS của phó hiệu trưởng được cho là phương pháp giáo dục ấu trĩ.
Sự việc trường THCS Ngô Quyền (Tân Bình, TP.HCM) bắt học sinh lớp 8 - người xúc phạm nhóm nhạc BTS Hàn Quốc trên mạng - đứng trước toàn trường đọc bản kiểm điểm gây xôn xao dư luận những ngày gần đây. Nhất là khi chính phó hiệu trường thừa nhận nhờ người quay cảnh này với lý do "xoa dịu sự tức giận của fan BTS" khiến dư luận phẫn nộ.
Học sinh này còn bị đình chỉ học 4 ngày, lao động công ích trong thời gian bị kỷ luật và bị đánh giá hạnh kiểm từ trung bình đến yếu trong học kỳ 1. Nhiều người cho rằng đó là phương pháp giáo dục ấu trĩ, thiếu nhân văn và khoa học, nhà trường đang bôi nhọ hình ảnh học sinh.
Liệu học sinh có phục?
Nhiều ý kiến phản đối với cách xử phạt trên. Chị Nguyễn Dương (Hà Nội) bày tỏ, hình thức phạt như vậy là quá nặng, không có chút nào gọi là nhân văn trong giáo dục con trẻ. Các con đang độ tuổi lớn, muốn khẳng định cái tôi và tiếng nói của bản thân thì bị nhà trường "dập tắt" như vậy. Liệu các con sẽ nghĩ sao về thầy cô của mình?.
Đành rằng ở cái tuổi nông nổi đó cần dạy dỗ, nhưng cũng không đến mức kiểm soát và bắt ép các em làm điều phi lí như vậy. "Nhà trường có nhiều cách xử lý khác như động viên, yêu cầu tháo bỏ, kiểm điểm trước lớp và khuyến khích các em thể hiện ý kiến cá nhân một cách đúng chừng mực nhất có thể", chị Dương nói.
Trường THCS Ngô Quyền (Tân Bình, TP.HCM) bắt một học sinh lớp 8 đứng trước toàn trường đọc bản kiểm điểm rồi quay clip đưa lên trang mạng, khiến dư luận bức xúc.
Anh Ngọc Anh (Đà Nẵng) bức xúc với việc thầy phó hiệu trưởng đưa ra cách lý giải "phạt để xoa dịu sự tức giận của fan BTS". Anh nói thời đại nào rồi vẫn sử dụng cách giáo dục kiểm điểm trước toàn trường và đình chỉ học 4 ngày chỉ vì sợ bị dân mạng phản ứng gắt với Ban Giám hiệu và gia đình học sinh.
"Lý do đó là bao biện cho phương pháp giáo dục ấu trĩ và không thể chấp nhận", anh Ngọc Anh nói. "Nói một cách hơi chua cay thì trường đang bôi nhọ hình ảnh học sinh vì các em ấy lăng mạ người khác. Quan trọng là sau kiểm điểm, điều để lại trong các em không phải là rút kinh nghiệm, mà đó là ấm ức và không nể phục".
Không đồng tình với các phạt của trường THCS Ngô Quyền, chị Hà Trang (Phú Thọ) bày tỏ, học sinh sai phạt là đúng, nhưng còn tùy thuộc vào mức độ sự việc để đưa ra hình thức kỷ luật. Một học sinh lớp 8 thì các em hiểu được bao nhiêu phần trăm trong lời nói lại và cũng chưa kiểm soát được cảm xúc nhất thời của bản thân... Vậy mà Nhà trường như tạt gáo nước lạnh vào các em.
Việc trường đưa ra lý do để bảo vệ chính em học sinh đó khỏi dư luận của fan hâm mộ càng thể hiện sự yếu kém trong khâu quản lý và ứng phó với sự cố học đường. Nói là để bảo vệ, xoa dịu dư luận nhưng lại đăng clip rõ mặt của học sinh lên mạng xã hội, vậy để bảo vệ điều gì?, chị Trang bức xúc.
Xử phạt cảm tính, không nghĩ đến tâm lý học sinh
Cô giáo Lê Thúy Hà (trường TH Đại Kim, Hà Nội) thốt lên, việc đình chỉ học với học sinh lớp 8 như vậy là quá nặng. Theo quy định, nếu học sinh vi phạm nội quy, buộc xử phạt đình chỉ học hoặc cảnh cáo trước trường, nhà trường phải có ý kiến từ lớp, từ giáo viên rồi mới đưa ra hội đồng kỷ luật chung để quyết định. Trong khi sự việc này không có gì to tát.
Ứng xử của các con nhiều khi không nằm trong quy định của trường, nhưng nhắc nhở và tìm hướng giải quyết thuyết phục, nhân văn là đủ. Thay vì hình phạt bắt học sinh đọc kiểm điểm trước hàng trăm học sinh trong trường làm các em thấy xấu hổ, sợ đám đông càng không đạt kết quả giáo dục.
" Không phải cứ kỷ luật, cảnh cáo thôi học mới là giáo dục. Bởi những biến động tâm lý ở tuổi này rất khó lường trước, nhà trường có dám đảm bảo rằng sau lần phạt này các em sẽ ngoan ngoãn, hay các em sẽ có tư tưởng càng nổi loạn và làm trái với những gì thầy cô quy định nhiều hơn, lúc đó mới là nguy hiểm", cô Hà chia sẻ.
TS Nguyễn Kim Huệ, giảng viên tâm lý Đại học Sư phạm Hà Nội nhận định, quan điểm xử lý kỷ luật dù là học sinh hay giáo viên cũng phải dựa vào nội dung sai phạm cụ thể, không nên xử lý những tình huống này theo sức ép bất kỳ từ phía nào.
Nếu lần đầu sai phạm thì nên phân tích nhiều góc độ để các em hiểu, từng bước tăng từ phạt nhẹ đến nặng, khiển trách, cảnh cáo rồi đuổi học 7 ngày, 1 năm... Trường có thể cho các em cơ hội sửa sai, đó là cách giáo dục tốt nhất khi các em còn là học sinh.
"Tôi không đồng tình với hành vi bắt học sinh đứng đọc bản kiểm điểm trước toàn trường. Như vậy là phản giáo dục và bôi nhọ chính học sinh ấy. Tuổi 13 là thời kỳ khủng hoảng dậy thì của đại đa số nam sinh. Các em cần thầy cô theo sát định hướng, quan tâm bằng trái tim thấu cảm. Bị 'bêu' trước toàn trường như vậy có thể sẽ phản tác dụng", TS Huệ nói.
Theo cô Nguyễn Kim Anh, Hiệu trưởng THCS Cầu Giấy (Hà Nội), việc trường THCS Ngô Quyền ở TP.HCM vội vã xử lý như vậy là sai hoàn toàn so với Thông tư 08 của Bộ GD-ĐT.
Khi buộc phải kỷ luật một học sinh nào đó, nhà trường phải lập hồ sơ đề nghị xét kỷ luật (với những hình thức từ khiển trách trước Hội đồng nhà trường trở lên). Thông tư cũng quy định rất rõ về cách thức tiến hành kỷ luật học sinh như thế nào và thủ tục ra sao mới được phép đình chỉ học các em.
Đồng thời, Nhà trường không có quyền kết luận sự việc học sinh làm là phạm luật (chí có Tòa án nhân dân mới có chức năng này).
"Với vụ việc ở trường THCS Ngô Quyền, nếu em học sinh sai một, thì Ban Giám hiệu và cô giáo chủ nhiệm sai mười", vị hiệu trưởng nói và đặt câu hỏi "hậu quả để lại trong tâm lý của các em ai là người sẽ gánh chịu, chính tương lai của em chứ không phải thầy cô?".
Phó hiệu trưởng nhận sai vì hành xử thiếu kinh nghiệm
Ngày 8/11, ông Nguyễn Ngọc Thụ - Phó hiệu trưởng trường THCS Ngô Quyền (quận Tân Bình, TP.HCM) thừa nhận ông là người nhờ thầy giáo khác trong trường quay lại cảnh nam sinh N.H.M.Q (học sinh lớp 8) đọc bản kiểm điểm xin lỗi.
"Khi làm việc đó, tôi chỉ nghĩ đơn giản làm sao có thể xoa dịu sự tức giận của fan BTS và bảo vệ được sự an toàn cho em, tránh nguy cơ có thể xảy ra những điều không hay cho em", ông Thụ cho biết.
Ông Thụ nhận sai vì nóng vội nên hành xử thiếu kinh nghiệm và cho biết đáng lẽ nên có hình thức khác để công khai về quyết định kỷ luật em Q.
Theo VTC
Báo Hàn đưa tin nam sinh lớp 8 bị công khai kiểm điểm trước toàn trường vì lập trang mạng 'anti' nhóm nhạc BTS Cụ thể, tờ SBS News của Hàn Quốc đăng tải bài viết với tựa đề: "Học sinh anti BTS bị đình chỉ học, đọc bản kiểm điểm trước trường". Liên quan đến vụ việc nam sinh lớp 8 trường THCS Ngô Quyền (TP.HCM) bị kỷ luật đọc bản kiểm điểm công khai trước toàn trường vì lập trang mạng "anti" nhóm nhạc BTS...