Kỷ luật đảng viên thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý theo 3 bước
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng ký ban hành Quyết định 684-QĐ/UBKTTW ban hành Quy trình tiến hành công tác kiểm tra và thi hành kỷ luật đảng của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Theo đó, ban hành kèm theo quyết định này các quy trình tiến hành công tác kiểm tra và thi hành kỷ luật đảng của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Cụ thể là các quy trình: Kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm; kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; kiểm tra việc thi hành kỷ luật đảng; xem xét, thi hành kỷ luật đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và cấp ủy viên cấp dưới trực thuộc Trung ương theo đề nghị thi hành kỷ luật; xem xét, thi hành kỷ luật đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý hoặc cấp ủy viên cấp dưới trực thuộc Trung ương theo kết luận kiểm tra; kiểm tra, đề nghị thi hành kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Bí thư, Bộ Chính trị do cấp ủy trực thuộc Trung ương đề nghị; giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng trực thuộc Trung ương; giải quyết tố cáo đối với đảng viên là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng đối với đảng viên; kiểm tra tài chính của cơ quan tài chính cấp ủy cùng cấp; kiểm tra tài chính của cấp ủy cấp dưới; kiểm tra tài chính đối với các cơ quan, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp trực thuộc cơ quan tài chính đảng ở Trung ương.
Ông Trần Quốc Vượng – Ủy viên Bộ Chính trị, Thành viên thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Ủy ban Kiểm tra các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương căn cứ vào quy trình của Ủy ban Kiểm tra Trung ương để ban hành quy trình của cấp mình.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 3/1/2018, thay thế các quy trình về công tác kiểm tra và thi hành kỷ luật đảng trong Quyết định số 1084-QĐ/UBKTTW ngày 5/12/2012 về ban hành Quy trình tiến hành công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Quy trình xem xét, kỷ luật đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý
Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và cấp ủy viên cấp dưới trực thuộc Trung ương theo đề nghị thi hành kỷ luật được thực hiện theo ba bước chặt chẽ: Bước chuẩn bị; bước tiến hành và bước kết thúc. Trong đó, ở bước cuối cùng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thảo luận, kết luận, biểu quyết quyết định thi hành kỷ luật hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền thi hành kỷ luật đối với đảng viên vi phạm.
Trong bước chuẩn bị: Căn cứ vào hồ sơ đề nghị thi hành kỷ luật và kết quả giám sát, nắm tình hình, vụ trưởng vụ lĩnh vực, địa bàn báo cáo, đề xuất với thành viên Ủy ban trực tiếp phụ trách địa bàn và các thành viên Ủy ban phụ trách vụ về kế hoạch kiểm tra, dự kiến đoàn kiểm tra; đề xuất Phó chủ nhiệm Ủy ban chỉ đạo đoàn kiểm tra. Vụ trưởng trình Thường trực Ủy ban xem xét, ban hành quyết định kiểm tra và kế hoạch kiểm tra. Đoàn kiểm tra phân công nhiệm vụ cho các thành viên; xây dựng lịch kiểm tra; chuẩn bị các tài liệu cần thiết cho việc kiểm tra.
Tại bước tiến hành: Đoàn kiểm tra triển khai quyết định, kế hoạch kiểm tra; thống nhất lịch làm việc; yêu cầu tổ chức đảng có liên quan phối hợp thực hiện. Đảng viên vi phạm báo cáo những vấn đề cần thiết, cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan.
Sau đó, Đoàn kiểm tra xem xét hồ sơ đề nghị thi hành kỷ luật; làm việc với tổ chức, cá nhân có liên quan; thẩm tra, xác minh những nội dung cần thiết và xem xét việc thực hiện nguyên tắc, quy trình, thủ tục thi hành kỷ luật; trao đổi với đảng viên vi phạm về những nội dung cần bổ sung vào bản tự kiểm điểm (nếu có) và tổ chức đảng có liên quan về việc thực hiện nguyên tắc, quy trình, thủ tục thi hành kỷ luật (nếu có).
Video đang HOT
Trường hợp phát hiện có nội dung vi phạm mới hoặc phải điều chỉnh, bổ sung đối tượng kiểm tra, thành phần đoàn kiểm tra thì trưởng đoàn kiểm tra báo cáo Thường trực Ủy ban xem xét, quyết định. Đoàn kiểm tra trao đổi với tổ chức đảng đã đề nghị thi hành kỷ luật về những nội dung vi phạm và những vấn đề còn khác nhau giữa kết luận của tổ chức đảng với kết quả thẩm tra, xác minh để làm rõ thêm về vi phạm của đảng viên.
Căn cứ vào kết quả xác minh, Đoàn kiểm tra hoàn chỉnh báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật, báo cáo Phó chủ nhiệm Ủy ban chỉ đạo đoàn kiểm tra trước khi trình Ủy ban. Trường hợp vi phạm thuộc thẩm quyền kỷ luật của Ủy ban thì đại diện Ủy ban nghe đảng viên vi phạm trình bày ý kiến trước khi trình Ủy ban.
Bước kết thúc: Đoàn kiểm tra báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật; trình bày đầy đủ ý kiến của đảng viên vi phạm và tổ chức đảng có liên quan. Đảng viên vi phạm trình bày bản kiểm điểm, tự nhận hình thức kỷ luật; đại diện tổ chức đảng quản lý đảng viên vi phạm trình bày ý kiến.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương thảo luận, kết luận; biểu quyết quyết định thi hành kỷ luật hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền thi hành kỷ luật đối với đảng viên vi phạm. Đại diện Ủy ban và đoàn kiểm tra công bố quyết định kỷ luật đến đảng viên và tổ chức đảng có liên quan.
Theo P.V (TTXVN)
Tổng Bí thư: Gia đình, anh em, vợ con không nên bố trí làm một nơi
"Thân quen "cánh hẩu", thích thì đưa vào, tạo vây cánh cho mình, rồi nói cho thật hay, cơ cấu, độ tuổi thế này, triển vọng thế nọ... đều liên quan đến đánh giá cán bộ cả. Gia đình, anh em, vợ con không nên bố trí ở một nơi. Nếu thật sự có tài, gia đình cách mạng, chúng ta khuyến khích, hoan nghênh, nhưng không vì thế mà đưa lên để tạo vây cánh", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Ngày 8.12, tại trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã họp, cho ý kiến về kết quả kiểm tra của 5 Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về thực hiện Kết luận số 24-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về đẩy mạnh công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo, gắn với thực hiện Quy chế bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử ban hành kèm theo Quyết định số 68-QĐ/TW ngày 4.7.2007 của Bộ Chính trị khóa X. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp.
Công tác quy hoạch cán bộ di dần vào nền nếp
Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra của 5 Đoàn công tác tại 10 địa phương và 5 cơ quan Trung ương cho thấy, các cấp ủy, tổ chức Đảng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, kết luận, quy định và hướng dẫn của Trung ương về công tác quy hoạch, luân chuyển, đào tạo bồi dưỡng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại và giới thiệu cán bộ ứng cử.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Công tác đánh giá cán bộ từng bước được đổi mới về nội dung và phương pháp; công tác quy hoạch cán bộ đã di dần vào nền nếp, cơ bản đảm bảo phương châm "động" và "mở", thực hiện đầy đủ các bước theo quy trình; việc rà soát, bổ sung quy hoạch được thực hiện nghiêm túc.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng và tạo nguồn cán bộ gắn với thực hiện luân chuyển để rèn luyện cán bộ được quan tâm; việc kết hợp luân chuyển, điều động cán bộ với sắp xếp, bố trí các chức danh lãnh đạo chủ chốt không phải người địa phương bắt đầu có sự chuyển biến.
Công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử cơ bản bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục, dân chủ, công khai gắn với quy hoạch, luân chuyển và kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ.
Công tác quy hoạch, luân chuyển, đào tạo bồi dưỡng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại và giới thiệu cán bộ ứng cử cơ bản đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, quy trình, điều kiện, tiêu chuẩn, thẩm quyền quyết định, từng bước đi vào nền nếp, đạt được kết quả quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.
Có tư tưởng cục bộ trong bổ nhiệm cán bộ
Tuy nhiên, qua kiểm tra cũng cho thấy, một số nơi việc tổ chức quán triệt Kết luận số 24-KL/TW, Quyết định số 68-QĐ/TW và các văn bản hướng dẫn của Trung ương về công tác quy hoạch, luân chuyển, đào tạo bồi dưỡng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại và giới thiệu cán bộ ứng cử chưa sâu rộng, chưa kịp thời; một số cấp ủy, tổ chức Đảng nhận thức chưa đầy đủ, sâu sắc về công tác quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại và giới thiệu cán bộ ứng cử; có nơi còn nhầm lẫn giữa luân chuyển cán bộ theo quy hoạch với điều động cán bộ.
Một số tổ chức Đảng đánh giá cán bộ chưa đúng thực chất, còn hình thức, nể nang, né tránh, ngại va chạm, tinh thần tự phê bình và phê bình chưa cao. Công tác quy hoạch cán bộ của một số địa phương, đơn vị, nhất là cấp xã còn hạn chế, chưa đảm bảo cơ cấu 3 độ tuổi, số lượng quy hoạch vào mỗi chức danh chưa đủ theo yêu cầu; quy hoạch còn mang tính cục bộ, khép kín trong nội bộ, chưa đảm bảo phương châm "động" và "mở"; tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số của một số địa phương, đơn vị còn thấp so với quy định.
Có nơi cán bộ được quy hoạch điều kiện, tiêu chuẩn, trình độ, năng lực không đảm bảo; việc rà soát, thẩm định cán bộ trước khi quy hoạch chưa toàn diện.
Công tác luân chuyển cán bộ chưa đồng bộ, số lượng cán bộ được luân chuyển chưa nhiều, chủ yếu được luân chuyển từ tỉnh về huyện, từ huyện về tỉnh và giữa các ngành, việc luân chuyển từ huyện sang huyện, xã sang xã, từ khối nhà nước sang khối Đảng, đoàn thể còn hạn chế; chưa có giải pháp theo dõi, đánh giá cán bộ luân chuyển.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo trong cuộc họp sáng nay. (Ảnh: TTXVN)
Việc luân chuyển cán bộ cấp xã lên huyện gặp khó khăn; chưa có chế độ, chính sách đối với cán bộ luân chuyển về công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; việc bố trí cán bộ sau khi luân chuyển còn bị động, khó khăn.
Công tác bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử có nơi còn tư tưởng cục bộ; tính tiền phong gương mẫu của một bộ phận cán bộ chưa cao, ngại việc khó, thích nhận việc dễ, có lợi ích.
Quy trình bổ nhiệm có trường hợp chưa chặt chẽ, chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn, không nằm trong quy hoạch đươc phê duyệt, bổ nhiệm số lượng cấp phó vượt quy định; có trường hợp bổ nhiệm quá nhanh, không đủ điều kiện, tiêu chuẩn nên sau khi bổ nhiệm đã xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng không tốt đến tâm lý cán bộ, đảng viên...
Không phải cứ đi luân chuyển là để lên cao hơn
Phát biểu kết luận cuộc họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Công tác cán bộ cực kỳ quan trọng, qua thực tiễn càng ngày càng thấy quan trọng, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, là gốc của mọi công việc, then chốt của then chốt. Bác Hồ từng nói, mọi việc thành bại đều do cán bộ, bố trí cán bộ đúng là khác, bố trí sai là khác, rất nguy hiểm.
Chính vì thế, vừa qua Đảng ta đã ban hành một loạt văn bản cụ thể, đồng thời cử các đoàn đi kiểm tra về công tác cán bộ và sang năm, Hội nghị Trung ương sẽ bàn chuyên đề về công tác cán bộ. Qua những điểm này cho thấy công tác cán bộ ngày càng được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt hơn.
Tổng Bí thư chỉ rõ: Công tác cán bộ gồm nhiều khâu, qua kiểm tra tại 15 đơn vị, nên soi vào những điểm, nội dung mấu chốt nhất trong Kết luận số 24-KL/TW và Quyết định số 68-QĐ/TW. Đó là công tác quy hoạch, bồi dưỡng đào tạo, tạo nguồn; luân chuyển cán bộ; đánh giá cán bộ; bố trí, sử dụng, giới thiệu ứng cử, quy trình thủ tục; trách nhiệm, thẩm quyền của người đứng đầu trong công tác cán bộ. Đó là hệ thống những việc phải làm xung quanh công tác cán bộ, nó liên quan đến nhau, không thể tách ra được.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: Làm tốt công tác quy hoạch cán bộ là để có tầm nhìn xa, có cái khung để đào tạo, bố trí cán bộ, nên phải "động" và "mở". Làm quy hoạch cán bộ không phải là làm công tác nhân sự, quy hoạch cán bộ cũng không phải là cái "khuôn cứng".
Đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn là trên cơ sở quy hoạch, nhưng đồng thời cũng phải mở rộng ra, chứ không phải chỉ nằm trong quy hoạch. Đào tạo nguồn là rất tốt, rất cần thiết, chứ không phải tranh thủ, phấn đấu vào lớp nguồn cốt để có cái mác lớp nguồn vào Trung ương, vào cấp ủy...
Hay luân chuyển cán bộ, nó khác với điều động cán bộ. Không phải cứ đi luân chuyển là để lên cao hơn, để về giữ chức nọ chức kia. Phấn đấu để được đi luân chuyển, "chạy" luân chuyển, về nơi nào thuận, dễ, ngon ăn, nhưng về chỉ làm cấp phó chẳng thể hiện được gì, chưa đủ 3 năm lại ngấp nghe đòi về... Rồi cứ nghĩ đi luân chuyển để làm cán bộ chứ không phải để trưởng thành. Cho nên phải uốn nắn, sau này đã có quy định đi luân chuyển phải đủ 36 tháng mới được về.
Tổng Bí thư lưu ý, công tác đánh giá cán bộ là rất khó, thông tin phải đầy đủ, nhiều kênh, nhiều chiều, thật sự trong sáng, công tâm, khách quan. Lấy phiếu tín nhiệm cũng là một cách đánh giá cán bộ, vừa qua Quốc hội, trong Đảng, các địa phương đã làm. Tuy nhiên, không cẩn thận lại là hình thức, hợp thức hóa để phiếu cao lên, mai kia cứ căn cứ phiếu đánh giá để đề bạt cán bộ.
Về công tác bố trí, sử dụng cán bộ, Tổng Bí thư chỉ ra rằng, có việc đề bạt, có việc phân công, có việc giới thiệu sang chính quyền, cần phải công tâm, khách quan. Tại sao người ta nói: Quan hệ, tiền tệ, hậu duệ, cuối cùng mới là trí tuệ? Thân quen "cánh hẩu", thích thì đưa vào, tạo vây cánh cho mình, rồi nói cho thật hay, cơ cấu, độ tuổi thế này, triển vọng thế nọ... đều liên quan đến đánh giá cán bộ cả. Gia đình, anh em, vợ con không nên bố trí ở một nơi. Nếu thật sự có tài, gia đình cách mạng, chúng ta khuyến khích, hoan nghênh, nhưng không vì thế mà đưa lên để tạo vây cánh.
Rồi quy trình thủ tục là một cách để hạn chế bớt tiêu cực, phát huy cái tốt cái đúng, cho nên phải rất chặt chẽ, bảo đảm uy nghiêm. Nhưng tại sao vừa qua có dư luận: Cái gì cũng làm đúng quy trình, nhưng cán bộ thì lại không đúng, tức là dùng quy trình để hợp thức hóa cái sai. Cuối cùng là trách nhiệm của ngươi đứng đầu rất quan trọng, đồng thời phải bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, biết lắng nghe, tôn trọng ý kiến tập thể...
Tổng Bí thư nhấn mạnh, công tác cán bộ rất nhiều việc, nhiều khâu, trên cơ sở kiểm tra thực tế tại 15 đơn vị, cần phát huy những mặt tốt, khắc phục những hạn chế, yếu kém, qua đó rút kinh nghiệm sửa chữa, góp phần tổng kết công tác cán bộ, chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương bàn chuyên đề về công tác cán bộ trong năm tới.
(*) Tít bài và các tít phụ do Dân Việt đặt.
Theo Danviet
Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Quân khu 1 bị kỷ luật cảnh cáo Trong thời gian giữ cương vị Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn, đồng chí Hoàng Công Hàm (Thiếu tướng, Đảng ủy viên, Phó Tư lệnh Quân khu 1) đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước và Quân đội trong công...