Kỷ luật 7 cán bộ làm oan nhưng không bồi thường
Một vụ án oan xảy ra từ 20 năm trước, lúc ấy đã có bảy cán bộ tố tụng bị kỷ luật nhưng người bị oan thì không được cơ quan nào công khai xin lỗi, bồi thường.
Đó là trường hợp oan khuất của ông Chu Quang Hưng, ngụ 31 Kim Biên, phường 13, quận 5, TP.HCM. Ông Hưng không chấp nhận coi việc xử lý kỷ luật cán bộ gây oan cho ông như là một sự đền bù về thiệt hại rồi… phủi trách nhiệm.
Đình chỉ vì hành vi không cấu thành tội phạm
Năm 1995, ông Hưng (khi đó 48 tuổi) bị khởi tố, bắt tạm giam và truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân. Vụ án xuất phát từ một tranh chấp dân sự về việc mua bán nhà nhưng lại bị các cơ quan tố tụng TP.HCM hình sự hóa. Sau đó, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM có kết luận điều tra bổ sung, đề nghị truy tố ông thêm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản do ông nhiều lần vay mượn tiền, vàng của một người mà không thanh toán đúng hạn.
VKSND TP.HCM đã ban hành cáo trạng truy tố ông về hai tội danh này nhưng TAND TP.HCM đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Sau 13 tháng bị tạm giam, tháng 12.1996, ông Hưng được trả tự do. Đến năm 2005, VKSND TP.HCM đã ban hành các quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án đối với ông. VKSND TP.HCM xác định hành vi của ông Hưng là không cấu thành tội phạm. Các giao dịch của ông với những người khác chỉ là quan hệ dân sự.
Trụ sở VKSND và TAND TP.HCM là nơi ông Chu Quang Hưng thường xuyên tới gửi đơn yêu cầu xin lỗi, bồi thường. Ảnh: Phương Loan
“Ảnh hưởng tai tiếng đến TAND TP.HCM”
Liên quan đến vụ làm oan ông Hưng, bảy cán bộ tố tụng đã bị kỷ luật. Về phía công an, nguyên phó phòng CSĐT bị cảnh cáo, nguyên đội trưởng đội điều tra án trị an bị cảnh cáo, điều tra viên trực tiếp điều tra vụ án bị cảnh cáo và giáng một cấp hàm, từ đại úy xuống thượng úy. Về phía VKS, trưởng phòng kiểm sát án trị an bị khiển trách, hai kiểm sát viên bị cảnh cáo.
Về phía tòa, một thẩm phán bị khiển trách và không được tái bổ nhiệm. Người thẩm phán này đã có giải trình rằng do sốt ruột với việc người cháu (người tranh chấp việc mua bán nhà với ông Hưng) bị mất tiền nên ông ấy đã có sự can thiệp. Ngoài ra, lãnh đạo của ba ngành tố tụng đều phải kiểm điểm trách nhiệm quản lý và điều hành.
Video đang HOT
Ba cơ quan tố tụng đã có những buổi làm việc ghi nhận ý kiến của ông Hưng, đồng thời xin lỗi về những sai sót, gây ra những thống khổ cho gia đình ông.
Cụ thể, ông Võ Văn Măng, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, khi đó đã tổ chức buổi làm việc xin lỗi ông Hưng và thông báo kết quả xử lý kỷ luật. Bà Đồng Thị Ánh, Chánh án TAND TP.HCM khi đó, đã thay mặt Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo tòa xin lỗi ông và gia đình “vì thẩm phán của tòa có những sai sót, can thiệp mua bán nhà không đúng, gây ảnh hưởng không tốt đến gia đình ông, gây ảnh hưởng tai tiếng đến tòa”. Lãnh đạo tòa án mong ông thông cảm.
Ông Đặng Thế Hồng, Viện trưởng VKSND TP.HCM, khi đó đã mời ông Hưng đến thông báo về kết quả xử lý kỷ luật của các cán bộ tố tụng. Người đứng đầu VKS TP khi đó xin lỗi ông, mong ông thông cảm. “Chỉ riêng một vụ của anh mà ba ngành phải xử lý tới bảy cán bộ là một sự nghiêm túc và là một mất mát lớn. Mong rằng anh coi việc xử lý cán bộ của chúng tôi là một sự đền bù về thiệt hại đối với anh. Chúng tôi đã thấy thiếu sót và đã đình chỉ cho anh. Đó cũng là một biện pháp khắc phục. Rất mong anh chấp thuận việc xử lý này” – ông Hồng nói.
Ông Hồng cũng mong ông Hưng cho biết ý kiến sớm để tổ chức tiếp cuộc họp giữa ông Hưng và các cán bộ có trách nhiệm trực tiếp xin lỗi ông Hưng nhằm khắc phục phần nào sự mất mát…
Trước những lời xin lỗi này, ông Hưng cho biết ông yêu cầu xử lý hình sự những người liên quan chứ không chỉ là xử lý kỷ luật. Cùng đó, ông yêu cầu các cơ quan này phải xin lỗi công khai, bồi thường thiệt hại cho ông.
Không cơ quan nào giải quyết bồi thường
Suốt 20 năm, ông liên tục kêu oan. Sau khi nhận các quyết định đình chỉ, ông Hưng liên tục gửi các đơn yêu cầu cơ quan tố tụng phải xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại cho ông.
Ông gửi đơn đến TAND Tối cao yêu cầu thực hiện việc bồi thường oan. Tháng 10.2015, TAND Tối cao đã chuyển đơn của ông đến VKSND Tối cao vì “đơn có nội dung thuộc thẩm quyền xem xét, giải quyết của VKSND Tối cao”.
Ông quay qua hỏi VKSND Tối cao thì tháng 11.2015, cơ quan này đã ra thông báo trả lại đơn cho ông với lý do “đơn của ông không thuộc thẩm quyền giải quyết của VKSND Tối cao”. Cơ quan này đã đề nghị ông gửi đơn đến TAND TP.HCM để được xem xét, giải quyết.
Ông Hưng gửi nhiều đơn yêu cầu xin lỗi công khai, bồi thường 1 đồng danh dự và 99 tỷ đồng cho những thiệt hại về vật chất và tinh thần mà ông đã gánh chịu hơn 20 năm qua. Tuy nhiên, đến nay ông vẫn chưa nhận được câu trả lời từ cơ quan chức năng. “Theo Nghị định 47/1997, lẽ ra cả ba cơ quan tố tụng phải chủ động và liên đới xin lỗi, bồi thường cho tôi đúng trình tự thủ tục do pháp luật quy định. Tuy nhiên, sau khoảng thời gian dài im hơi lặng tiếng thì họ lại đùn đẩy” – ông Hưng chua xót nói.
Chúng tôi đã liên hệ TAND TP.HCM và được lãnh đạo tòa cho biết sẽ cho kiểm tra lại vụ việc.
Tôi chờ buổi xin lỗi công khai Tôi năm nay đã 69 tuổi. 13 tháng bị tạm giam, tôi như không còn ý thức được ngày tháng. Những mất mát là không gì đong đếm được đối với gia đình tôi. Quá khứ u buồn vẫn còn đeo đẳng. Một lời xin lỗi trong phòng kín như vậy làm sao bù đắp được những tổn thất. Vợ tôi cũng bị bắt giam gần năm năm trong một vụ án lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm khác, rồi cũng được đình chỉ “do chuyển biến của tình hình”… Chúng tôi có bốn người con. Cha mẹ cùng bị bắt, các con không người cưu mang, dạy dỗ. Người con gái lớn bỏ nhà đi, đến khi mẹ được thả ra mới quay về. Hai người con trai tiếp theo đã chết mà nguồn cơn là do những lần bị bạn bè xấu rủ rê. Người con trai út nay nghiện ngập, giờ chỉ trông cậy vào bản lĩnh cai nghiện của nó thì mới mong thành người… Hơn 20 năm qua, tôi chờ một lời xin lỗi công khai trước đông đảo mọi người chứ không phải xin lỗi trong phòng kín. Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình khi còn là người đứng đầu ngành kiểm sát đã “đặt hàng” báo chí “rà xem còn vụ nào như Nguyễn Thanh Chấn”. Còn đương kim viện trưởng VKSND Tối cao thì phát biểu rằng “nếu phát hiện oan sai, tôi sẽ sửa ngay”. Tuy nhiên, đến nay tôi vẫn chưa nhận được lời xin lỗi công khai, bồi thường thỏa đáng nào từ các cơ quan có trách nhiệm. Ông Chu Quang Hưng, người bị khởi tố, truy tố oan VKSND TP.HCM là cơ quan phải bồi thường oan Ông Chu Quang Hưng được xác định bị oan năm 2005. Do ông liên tục khiếu nại nhưng đến nay chưa được giải quyết nên phải áp dụng Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước làm cơ sở pháp lý. Trường hợp này, tòa trả hồ sơ, VKS đình chỉ vì hành vi không cấu thành tội phạm nên theo Điều 26, Điều 31 luật nói trên, trách nhiệm xin lỗi, bồi thường oan sẽ thuộc VKSND TP.HCM. ThS Nguyễn Trương Tín, giảng viên ĐH Luật TP.HCM
Theo Phương Loan (Pháp luật TP.HCM)
Người đàn ông mong chờ lời xin lỗi vì án oan giết người
Tòa phúc thẩm tuyên ông không phạm tội giết người từ năm 1988 nhưng mãi tới năm 2011 ông mới nộp đơn yêu cầu xin lỗi, bồi thường thì đã hết thời hiệu...
Gửi đơn đến Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Thanh Hải (60 tuổi, ngụ ấp 11, xã Tân Hào, Giồng Trôm, Bến Tre) trình bày: "Tôi được tòa minh oan không phạm tội giết người từ năm 1988 nhưng đến nay tôi vẫn chưa hề được xin lỗi. Cả đời tôi sống trong tủi hổ. Tòa viết án nói tôi không có tội nhưng người đời đâu có biết chuyện đó".
Chứng cứ ngoại phạm
Oan khiên của ông Hải bắt đầu từ 39 năm trước. Đêm 30.12.1977, không gian tĩnh lặng của ấp 11 bị xé toang bởi tiếng chó sủa rần rần. Mọi người xôn xao, nhắm hướng tiếng chó sủa chạy tới và thấy một phụ nữ nằm bất tỉnh trên nền nhà, máu vương vãi...
Nạn nhân được đưa đi cấp cứu, điều trị hết 28 ngày. Bà xuất viện với sáu vết thương, mất 60% khả năng lao động. Kết quả giám định cho thấy bà bị tác động bởi vật cứng và dao nhọn đến đầu, cổ.
Ông Hải khi đó 20 tuổi, bị công an giữ, căn vặn liên tục: "Không phải mày thì ai! Bữa mày đi phụ chặt cây bắc rạp cưới, mày bắt chó của bả làm thịt. Bả chửi mắng, gia đình rầy la nên mày thù tức...". Áp lực nặng nề khiến ba tháng sau khi bị bắt, ông Hải nhận đại rằng đã cùng một người nữa chưa thành niên lẻn vào nhà nạn nhân gây án. Từ đó có lúc ông kêu oan, có lúc nhận tội. Sau 17 tháng bị tạm giam, ông được tại ngoại. Ra ngoài, ông lại kêu oan.
Suốt 10 năm, vụ án tưởng bế tắc bởi tang vật theo lời khai nhận tội của ông Hải gồm dao phay, dao nhọn, đèn pin, dao chuối, miếng sắt... đều không được thu giữ. Nếu đúng là ông Hải gây án thì ông không thể cầm hết hung khí như lời khai nhận. Trong khi đó, biên bản hiện trường và giám định vết thương của nạn nhân được mô tả không đủ để đối chiếu với các hung khí mà ông Hải khai.
Chứng cứ kết tội dần phá sản nhưng chứng cứ minh oan thì lộ rõ: Đúng là có việc ông Hải bắt chó của nạn nhân làm thịt nhưng hai bên đã thương lượng bồi thường xong. Bị mẹ la, ông Hải bỏ qua nhà bà Bảy Khỏe ở ấp Bình Thành ở từ trước khi vụ án xảy ra và không rời khỏi đó (từ ấp này đến ấp 11 - nơi xảy ra vụ án phải đi qua hai xã). Đêm xảy ra vụ án, ông đang ở ấp Bình Thành. Bà Bảy Khỏe xác nhận chuyện này. Nhiều người khác, trong đó có nữ công an viên phụ trách ấp 11 cũng lên tiếng về sự có mặt liên tục của ông Hải tại ấp Bình Thành trước và trong đêm xảy ra vụ án.
Ông Hải cặm cụi bên công việc hằng ngày, mòn mỏi mong chờ lời xin lỗi. Ảnh: PL
Kết tội dù không đủ cơ sở
Đến đây, tưởng chừng án oan của ông Hải đã rõ. Tuy nhiên, tháng 7.1987, ông lại bị tạm giam. Ba tháng sau, TAND tỉnh Bến Tre đưa vụ án ra xử sơ thẩm. Tại tòa, ông Hải phủ nhận lời khai nhận tội tại CQĐT, một mực kêu oan nhưng tòa vẫn kết án ông 14 năm tù và phạt người còn lại 5 năm tù về tội giết người (chưa đạt)...
Tại phiên phúc thẩm hồi tháng 12.1988, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM cho rằng ngoài lời nhận tội tại CQĐT thì không có chứng cứ khác để kết tội ông Hải. Ngay trong lời nhận tội của ông Hải cũng mâu thuẫn với thực tế hành động phạm tội và diễn biến tại nhà nạn nhân. Từ đó, tòa tuyên hai bị cáo không phạm tội và trả tự do cho họ.
"Rời trại tạm giam, tôi không thể tự đi, phải có người dìu. Những năm đầu tôi nằm một chỗ, hai đứa con chỉ trông vào vợ. Rồi tôi cũng gượng dậy làm lụng. Việc nhà nông không lúc nào ngưng tay nhưng kiếm được đồng nào cũng đổ vào thuốc thang hay trả nợ cũ để rồi lại vay thêm nợ mới. Các con tôi vì nhà nghèo, cha bệnh đều dở dang việc học. Mấy mươi năm qua, tôi cứ nhớ đó quên đó. Từng cơn đói lạnh cũng qua. Giờ tôi đã là một ông già mà oan khiên vẫn cứ dai dẳng" - ông Hải ngậm ngùi.
Bị từ chối xin lỗi, bồi thường vì hết thời hiệu
Năm 2011, ông Hải làm đơn yêu cầu xin lỗi công khai, bồi thường thiệt hại vì bị làm oan. Tuy nhiên, TAND tỉnh Bến Tre trả lời ông rằng đến thời điểm đó đã hết thời hiệu giải quyết yêu cầu của ông. Bởi theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì thời hiệu yêu cầu chỉ là hai năm kể từ ngày có bản án có hiệu lực pháp luật xác định ông Hải bị oan. Nếu ông Hải có chứng cứ chứng minh đã gửi đơn yêu cầu trong vòng hai năm kể từ ngày 17.3.2003 (ngày Nghị quyết 388 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về bồi thường oan có hiệu lực) mà tòa chưa giải quyết xong thì tòa áp dụng Nghị quyết 388 để giải quyết. Tuy nhiên, ông Hải không cung cấp được chứng cứ này cho tòa.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hải cho biết do thiếu hiểu biết pháp luật, ông đã không kịp thời có yêu cầu xin lỗi, bồi thường. "Giờ tôi chỉ mong được trả lại lý lịch trong sạch, được công khai xin lỗi trước bà con xóm giềng bởi đến nay nhiều người vẫn đồn đãi rằng tôi là kẻ giết người. Con cháu tôi đi làm cũng gặp điều tiếng. Tôi phải dặn mấy đứa phôtô bên mình bản án của tôi để có đi đâu, làm gì mà ai không hiểu mình, nghĩ không đúng thì đưa ra cho người ta xem. Tôi chỉ cần lời xin lỗi công khai thôi mà sao khó quá!" - ông Hải buồn bã.
Có lợi cho dân thì nên làm Tòa áp dụng thời hiệu yêu cầu xin lỗi, bồi thường oan theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong trường hợp ông Hải là đúng. Tuy nhiên, phải căn cứ vào thực tế khách quan là ông Hải được tuyên vô tội từ năm 1988 nhưng mãi đến năm 2003 chúng ta mới có Nghị quyết 388 về bồi thường oan. Người dân, đặc biệt là ở vùng nông thôn ở giai đoạn này không biết và không thể biết được những văn bản pháp luật này để yêu cầu xin lỗi, bồi thường. Suy cho cùng, vấn đề này cũng có phần trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới nhân dân. Oan khiên mấy chục năm, dễ hiểu ông Hải đã phải ngậm đắng nuốt cay như thế nào. Theo tôi, trước mắt TAND tỉnh Bến Tre nên có những động thái tích cực để sửa chữa sai lầm trong quá khứ như đứng ra vận động giúp đỡ ông Hải về vật chất, đề nghị chính quyền địa phương tạo điều kiện khôi phục quyền lợi cho ông và những người dám đứng ra bảo vệ lẽ phải trong vụ án. Về lâu dài, tôi nghĩ ban soạn thảo dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước sửa đổi phải nghiên cứu tới những trường hợp như thế này. Luật gia Đồng Mạnh Hùng, Hội Luật gia TP.HCM Nhiều người bị liên lụy Trong bản án minh oan cho ông Hải, tòa phúc thẩm kiến nghị: "Suốt từ khi ông Hải bị tình nghi đến khi bị truy tố rồi xét xử ở cấp sơ thẩm, một số người đứng lên bảo vệ sự thật, bảo vệ cho ông Hải tránh bị oan... thì bị cơ quan nơi mình làm việc xử lý kỷ luật. Trong số đó có mẹ của ông Hải và vị nữ công an viên phụ trách ấp 11. Đề nghị các cơ quan có trách nhiệm phục hồi mọi quyền lợi cho những người dám đấu tranh bảo vệ người bị oan mà phải chịu kỷ luật". Thế nhưng 28 năm qua không ai trong những người này được phục hồi quyền lợi như tòa kiến nghị.
Theo Phương Loan (Pháp luật TP.HCM)
TAND tỉnh Bình Thuận gặp người tù oan Huỳnh Văn Nén thương lượng bồi thường Sáng 20.5, tại trụ sở TAND tỉnh Bình Thuận, ông Huỳnh Văn Nén và người đại diện Nguyễn Thận cùng các luật sư của ông này đã có buổi làm việc với đại diện TAND tỉnh Bình Thuận. Ông Huỳnh Văn Nén và người đại diện cùng các luật sư đến TAND tỉnh Bình Thuận sáng nay 20.5ẢNH: QUYNH ĐẠT Theo luật sư...