Kỷ luật 2 sếp Chi cục Thú y TP.HCM sau vụ “heo an thần”
Ông Nguyễn Phước Trung – Giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM cho biết, Hội đồng kỷ luật của Sở này vừa có quyết định các hình thức kỷ luật đối với những cán bộ liên quan vụ 3.750 con heo bị tiêm thuốc an thần ở lò mổ Xuyên Á ( huyện Củ Chi, TP.HCM) vừa qua.
Cụ thể, Sở NN&PTNT vừa báo cáo UBND TP về việc xử lý các cán bộ vi phạm liên quan đến 3.750 con heo bị tiêm thuốc an thần tại cơ sở giết mổ Xuyên Á (huyện Củ Chi).
Hội đồng kỷ luật Sở NN&PTNT đã xử lý kỷ luật mức cảnh cáo đối với ông Phan Xuân Thảo – Chi cục trưởng Chi cục Thú y và Chăn nuôi TP.HCM. Hội đồng kỷ luật cũng đề nghị Ban giám đốc Sở điều chuyển ông Thảo về một đơn vị khác thuộc Sở. Ông Huỳnh Tấn Phát – Chi cục phó, bị mức kỷ luật khiển trách.
Hội đồng kỷ luật của Chi cục chăn nuôi thú y đã quyết định giáng chức đối với Trưởng và Phó trạm chăn nuôi thú y huyện Củ Chi, điều động hai nhân sự này về phòng tổ chức hành chính Chi cục Thú y để bố trí công tác khác.
16 viên chức trực tiếp thực hiện công tác kiểm soát giết mổ tại cơ sở có mặt tại ca trực ngày 28.9 bị cảnh cáo. 3 viên chức thực hiện công tác kiểm soát giết mổ nhưng nghỉ ca trong ngày 29.9 bị khiển trách; kéo dài thời gian nâng lương 6 tháng đối với 2 nhân viên hợp đồng lao động. Các trường hợp vi phạm không được bố trí công tác kiểm soát giết mổ trong thời gian tới.
Video đang HOT
Heo tiêm thuốc an thần ở lò mổ Xuyên Á bị đưa đi tiêu hủy.
Ông Trung cũng cho biết, đây mới là mức kỷ luật của Hội đồng kỷ luật Sở NN&PTNT, việc điều chuyển, giáng chức các cán bộ nêu trên còn chờ quyết định của Ban Giám đốc Sở NN&PTNT.
Trước đó, Đoàn thanh tra liên ngành Bộ NN&PTNT, Cục cảnh sát môi trường ( C49) đã bắt quả tang hành vi tiêm thuốc an thần vào lô heo 3.750 con tại cơ sở giết mổ Xuyên Á (huyện Củ Chi, TP.HCM). Sau đó, TP đã quyết định tiêu hủy toàn bộ số heo này do có dấu hiệu phát dịch lở mồm long móng.
Sau khi vụ việc xảy ra, Sở NN&PTNT đã yêu cầu Chi cục Thú y đình chỉ công tác tổ trưởng và hai tổ phó thuộc Chi cục Thú y để phục vụ điều tra, đồng thời yêu cầu 17 nhân viên thú y liên quan viết bản kiểm điểm, tường trình.
Cũng trong chiều nay (19.10), UBND TP.HCM đã có công văn khẩn gửi các đơn vị liên quan về thực hiện một số giải pháp cấp bách trong công tác quản lý hoạt động chăn nuôi kinh doanh giết mổ heo và thịt heo trên địa bàn TP.HCM.
Theo đó, UBND TP.HCM giao Sở NN&PTNT tăng cường kiểm sát việc giết mổ heo và vệ sinh thú y để kiểm soát chặt chẽ nguồn heo đưa giết mổ, đảm bảo giết mổ heo được thực hiện tại các cơ sở theo tập trung đáp ứng yêu cầu vệ sinh thú y. Đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra xử lý vi phạm, chú trọng kiểm tra đột suất đối với các cơ sở chăn nuôi giết mổ heo không đảm bảo vệ sinh an toàn chất lượng sản phẩm, để kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm.
Theo Danviet
Thịt heo bị tiêm thuốc an thần gây hại cho người ăn như thế nào
Lượng thuốc an thần tồn dư trong thịt heo có thể khiến người ăn bị hạ huyết áp, hô hấp chậm, rối loạn giấc ngủ...
Gần 4.000 con heo tại cơ sở Xuyên Á vừa bị Cục Cảnh sát môi trường phát hiện bị tiêm thuốc an thần Combistress trước khi giết mổ. Đây là cơ sở giết mổ lớn nhất ở TP HCM, chiếm hơn 50% tổng lượng heo giết mổ tại thành phố. Điều khiến nhiều người lo lắng là thịt heo bị tiêm thuốc an thần này gây hại cho sức khỏe người dùng như thế nào và làm sao nhận biết thịt heo bẩn.
Các chuyên gia thú y khuyến cáo loại thuốc Combistress tiêm vào heo ngay trước khi giết mổ có thể tồn dư trong thịt gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Văn Thọ, Khoa Chăn nuôi Thú y, Đại học Nông Lâm TP HCM, Combistress chứa hoạt chất chính là Acepromazine. Acepromazine có tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương, an thần, chống căng thẳng, giúp thú vật trấn tĩnh và giảm lo lắng, chống ói mửa. Thuốc được dùng trước khi gây mê phẫu thuật để tránh con vật bài tiết quá nhiều nước bọt và dịch tiết ở đường hô hấp do tác dụng phụ của thuốc mê.
Thuốc an thần tiêm cho heo tại lò Xuyên Á. Ảnh: Thú y TP HCM.
Trong chăn nuôi thú y, các loại thuốc an thần thường được dùng làm thuốc tiền mê khi phẫu thuật hoặc giúp con vật an thần để thực hiện tiểu phẫu. Thuốc cũng có thể dùng để trấn an heo mẹ hung dữ cắn con không cho con bú. Ngoài ra loại thuốc còn được sử dụng khi vận chuyển vật nuôi đi xa để phòng chống say tàu xe, ói mửa, giảm tử vong. Thuốc còn làm các mạch máu heo co lại khiến thịt trông hồng hào, bắt mắt hơn. Dù vậy, các chuyên gia luôn khuyến cáo dùng thuốc cho heo với liều lượng phù hợp, không nên lạm dụng.
Trong các bệnh viện, nếu muốn dùng các loại thuốc này để gây mê cho người bắt buộc phải có chỉ định của bác sĩ. Còn trong lĩnh vực thú y, thuốc chứa hoạt chất Acepromazine chưa có quy định cụ thể và được bán bình thường ở các cửa hàng thuốc thú y. Song theo quy định về thời gian thì phải ngưng dùng thuốc trong vòng 5 đến 7 ngày trước khi thịt con vật thì mới đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Trường hợp heo được tiêm thuốc an thần ngay trước khi giết mổ, lượng thuốc tồn dư trong thịt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người ăn vì thuốc chưa được bài thải ra ngoài hết. Người ăn loại thịt này về lâu dài có thể bị giãn nở các mạch máu, hạ huyết áp, hô hấp chậm, rối loạn giấc ngủ. Triệu chứng càng nghiêm trọng hơn đối với người già, bệnh nhân và trẻ em.
Ông Thọ cho biết, hiện nay trên thị trường thuốc thú y, ngoài Combistress còn có Prozil là một loại thuốc thú y có chứa hai thành phần chính là Acepromazine và Atropin, cũng có tác dụng tương tự.
Theo tiến sĩ Thọ, bằng mắt thường khó nhận biết được miếng thịt nào có tồn dư thuốc an thần. Về cơ bản có một số dấu hiệu như miếng thịt có màu sắc thật bắt mắt khác lạ, đỏ tươi hơn bình thường, sờ tay vào thấy rất dính, rất dẻo, thịt sát tới da, rất ít mỡ, có thể nghi ngờ là heo khi còn sống đã được sử dụng thuốc không đúng quy định.
Theo Thi Trân (VNE)
Vận chuyển 3 tấn chim cút lậu, tài xế gợi ý chi 40 triệu đồng để được bỏ qua Liên tiếp gợi ý "chung chi" hàng chục triệu đồng cho lực lượng CSGT, cán bộ Chi cục Thú y để được bỏ qua vi phạm, tài xế bị đoàn liên ngành nghiêm khắc cảnh cáo, đồng thời kiên quyết lập biên bản xử phạt. Ngày 24/9, trao đổi với PV Dân trí, đại diện đoàn liên ngành phòng chống dịch (Chi cục...