Kỳ lạ về giấy khám sức khoẻ “siêu tốc”
Không cần đến cơ sở y tế khám vẫn được cấp giấy chứng nhận sức khoẻ, điều đặc biệt người cần muốn bao nhiêu cũng có. Điều lạ lùng này được PV mục sở thị từ Bệnh viện Xây dựngHà Nội.
Chỉ cần chi từ 100 nghìn đến 150 nghìn đồng cùng với dòng tin nhắn qua điện thoại di động, người có nhu cầu về giấy khám sức khoẻ có thể được “trang bị” ngay lập tức. Điều đặc biệt, qua quảng cáo cho thấy, nếu khách có nhu cầu, muốn mua bao nhiêu cũng được, trên giấy chứng nhận được mua – bán ấy ghi tên Bệnh viện Xây dựng Hà Nội.
Giấy chứng nhận sức khoẻ của Bệnh viện Xây dựng được cấp cho người không đến khám theo quy định
Đặt hàng trước, trả tiền sau
Biết tôi có nhu cầu kiếm giấy chứng nhận sức khoẻ (GCNSK) siêu tốc cho người nhà đang hoàn thiện hồ sơ xin việc làm, anh bạn thân tỏ ra hồ hởi giới thiệu: “Tôi có một địa chỉ cực hay. Ông chỉ cần lấy số điện thoại di động của người cung cấp GCNSK rồi nhắn tin và chỉ việc đợi sau vài phút phía đầu dây bên kia sẽ xác nhận, trả lời”.
Việc xuất hiện “nhà cung cấp” GCNSK kiểu mới này vừa giúp người có nhu cầu tiết kiệm về mặt thời gian đi lại, vừa tiết kiệm được thời gian vàng bạc không phải ngồi chờ đợi đến lượt mình khám tại các cơ sở y tế để ra được tờ GCNSK như mong muốn. Trong khi đó, người mua chỉ cần hẹn địa chỉ cụ thể, thậm chí là quán nước sẽ có người mang GCNSK đến giao tận nơi miễn là trả đủ tiền.
Thấy tôi ngạc nhiên, anh bạn bồi tiếp: “Ông không tin cứ lấy số điện thoại thử thao tác xem sao?”. Quả đúng như những gì anh bạn thân đã quảng cáo. Sau khi nhắn tin bằng máy di động, chúng tôi dễ dàng “mua” được GCNSK do Bệnh viện Xây dựng (Bộ Xây dựng) cấp, mà không cần phải trực tiếp đến bệnh viện khám hay làm các xét nghiệm gì. Chỉ sau khoảng 2 – 3 phút nhắn một tin nhắn, với nội dung “tôi cần lấy GCNSK, giá bao nhiêu?” vào số máy 0948984…, chúng tôi đã nhận được hồi âm: “Bạn nhắn thông tin: họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ, chiều cao, cân nặng của người cần làm, tớ lấy cho. Giá mỗi GCNSK bình thường bằng tờ giấy A3 là 100.000 đồng còn GCNSK dùng để thi bằng lái xe các loại là 150.000 đồng…”. Đề cập đến mong muốn làm GCNSK của một bệnh viện khác cấp, người này khẳng định chỉ lấy được của Bệnh viện Xây dựng, không làm được của bệnh việc khác!.
Có hay không sự tiếp tay của bệnh viện?
Video đang HOT
Anh Trần Tuấn Anh, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: “Từ khi xuất hiện dịch vụ cung cấp GCNSK này đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân rất nhiều. Trước kia, mỗi khi đi làm hồ sơ xin việc, tôi phải rất vất vả mới làm được tờ GCNSK, nào thì phải đi lại, xếp hàng chờ đợi cả buổi tại bệnh viện, thậm chí phải nhờ đội ngũ “cò” mồi ở cổng các bệnh viện, cũng khá tốn kém. Bây giờ có dịch vụ này, chẳng cần phải đi đâu hết, chỉ cần cầm máy điện thoại nhắn những thông tin mà họ yêu cầu và chỉ sau một vài tiếng đồng hồ là họ có thể đưa đến tận tay, theo đúng địa chỉ mà giá cũng chỉ 100.000 đồng một tờ GCNSK bình thường và 150.000 đồng đối với GCNSK đối với thi giấy phép lái xe. Nếu muốn dán ảnh, có đóng dấu giáp lai chỉ cần chuyển ảnh qua người làm dịch vụ là xong”.
Cùng chung tâm trạng, anh Nguyễn Tuấn Hùng, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết thêm: “Vừa qua cơ quan tôi có đợt thi chuyển ngạch cho nên nhiều người có nhu cầu GCNSK. Qua sự giới thiệu của bạn bè tôi đã liên lạc với số điện thoại trên. Lúc đầu cứ ngỡ họ không làm số lượng nhiều được nhưng qua trao đổi phía đầu dây kia cho biết không chỉ 15 – 20 tờ như đề cập mà muốn hàng trăm tờ cũng được. Không chỉ vậy, họ còn nhấn mạnh nếu làm nhiều sẽ được giảm giá từ 100.000 đồng/tờ xuống còn 70 – 80.000 đồng/tờ”. “Được việc thật đấy nhưng tôi choáng, không hiểu Bệnh viện hay là cái chợ nữa” – anh Hùng nhấn mạnh”.
Theo quy định của Bộ Y tế về thủ tục khám, cấp GCNSK được các cơ sở y tế, bệnh viện thực hiện, thì việc quản lý khám, cấp GCNSK rất chặt chẽ. Cụ thể, người muốn có GCNSK phải đến các bệnh viện, cơ sở y tế có thẩm quyền cấp GCNSK đăng kí số, mua giấy khám. Sau đó dán ảnh, điền thông tin cá nhân và đến các phòng khám chuyên để khám. Sau khi hoàn thành các bước này, người khám phải quay lại nơi đăng kí nộp giấy khám sức khoẻ để bộ phận này trình người có thẩm quyền kí, đóng dấu chứng nhận có đủ điều kiện về sức khoẻ hay không.
Tuy nhiên, hiện đang tồn tại dịch vụ cung cấp GCNSK từ xa, không cần đến bệnh viện khám mà lại có con dấu, chữ kí của lãnh đạo Bệnh viện Xây dưng (bộ Xây dựng) cho thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật về Luật khám chữa bệnh. Điều đáng nói, dù không trực tiếp đến khám, nhưng tất cả các thông tin về sức khỏe của đối tượng khám sức khỏe, từ mắt, mũi đến các bệnh về tim, mạch từ khám lâm sàng đến khám cận lâm sàng đều được ghi đầy đủ trên GCNSK và đều được kết luận là bình thường, với đầy đủ chữ ký, họ, tên của các bác sỹ khám và cuối cùng là ký tên, đóng dấu chức danh phó giám đốc Bệnh viện Xây dựng – TS. BS Bùi Ngọc Minh. Ngay cả phần kết luận của tất cả các GCNSK này đều ghi rõ: “Hiện tại đủ sức khỏe để học tập và làm việc đủ sức khỏe để lái xe mô tô hạng A1, lái xe ô tô hạng B1, B2…”.
Ngoài ra, tất cả những tờ GCNSK đều không ghi ngày khám sức khỏe cũng như ngày hết hạn khiến cho người dùng có thể sử dụng vào bất kỳ thời gian nào, trong khi đó GCNSK chỉ có giá trị trong vòng 6 tháng. Đặc biệt hơn, với kiểu “cấp” siêu tốc như vậy chắc chắn sẽ không tránh khỏi những trường hợp không đủ sức khỏe, cụt chân, cụt tay, mù mắt…, thậm chí là đã chết cũng vẫn được cấp GCNSK. Có thể thấy, không phải ngẫu nhiên trong các hồ sơ đều bắt buộc phải có GCNSK với thời gian khám gần nhất. Bởi lẽ, đây là điều kiện tiên quyết để xác định xem người đó có đảm bảo sức khỏe để công tác, học tập… hay không, rồi mới tính đến các điều kiện khác. Vậy mà không hiểu sao, hiện vẫn có rất nhiều GCNSK của Bệnh viện Xây dựng được cấp một cách tràn lan, không cần biết người đó như thế nào.
Ai cũng có thể mua?!
Tiếp tục tìm hiểu, chúng tôi thực sự “choáng” với kiểu dịch vụ mua bán GCNSK dễ hơn cả mua mớ rau ngoài chợ này. Theo quảng cáo của H. (người chuyên cung cấp GCNSK – PV) cho thấy ai cũng có thể “mua” được GCNSK, bất luận người đó có sức khỏe hay không miễn là sau khi nhắn tin, gọi điện thoại đặt hàng với khoảng thời gian từ 1 đến 2 giờ đồng hồ người mang GCNSK đến thì “khách” phải trả đủ tiền để nhận “hàng”. Cách mua – bán GCNSK siêu tốc này làm người ta giật mình về cái gọi là y đức của thầy thuốc.
Theo Quỳnh Chi (Người đưa tin)
Sức khỏe mua rẻ... như bèo
Chuyện tưởng đùa nhưng đã và đang tồn tại suốt nhiều năm qua trên địa bàn các thành phố lớn mà chưa có giải pháp xử lý dứt điểm, đó là tình trạng bán giấy chứng nhận sức khỏe trái phép, kéo theo nhiều hệ lụy xấu cho xã hội.
Từ bán trực tiếp
Một trong những điểm nóng về bán giấy chứng nhận khám sức khỏe trên địa bàn Hà Nội đã được phản ánh nhiều trong thời gian gần đây là khu vực trước cổng BV ĐK Hà Đông. Mới đầu tháng trước, lãnh đạo BV ĐK Hà Đông đã phải ra một công văn yêu cầu các cán bộ, y bác sĩ trong BV phối hợp cùng chính quyền địa phương chấn chỉnh hoạt động này. Thế nhưng có mặt tại đây vào ngày 8-9, chúng tôi tận mắt chứng kiến cảnh mồi chài bán giấy khám sức khỏe của các "cò mồi" trước cổng BV vẫn diễn ra khá tự do, công khai.
Các BV luôn quá tải nên nhiều người sẵn sàng bỏ tiền mua giấy khám sức khỏe (ảnh minh họa).
Đường Cù Chính Lan dẫn thẳng vào cổng BV dài chỉ chừng 50m. Thấy tôi tay cầm tập hồ sơ xin việc lững thững đi qua, bà bán hàng nước kiêm trông giữ xe vỉa hè gọi với "gửi xe, khám sức khỏe không?". Tạt vào uống cốc nước để tìm hiểu thực hư, bà chủ hàng tiếp tục đon đả giới thiệu "cháu đi làm giấy khám sức khỏe lái xe hay đi làm, bác bảo cô L. cô ấy làm cho, tội gì vào BV chờ đợi cả buổi chả đến lượt". Bà này chưa dứt câu thì người phụ nữ có tên L., chạc hơn 30 tuổi đang ngồi ở cửa nhà tiếp lời "làm sức khỏe gì đưa chị làm cho, chị chỉ lấy chút tiền công thôi còn giá khám như trong BV, vài phút có ngay".
Tôi tỏ ý nghi ngờ, hỏi lại "khám sức khỏe để xin việc, chị làm được không? Mà đây là làm ngoài hay làm trong BV, giấy khám sức khỏe của BV thật chứ?". Chị L. lên giọng khẳng định "tất nhiên là giấy chứng nhận của BV, chữ ký bác sĩ, dấu đỏ của BV đàng hoàng. Nếu em làm thì chị lấy 120.000 đồng, ngồi đợi lấy luôn không cần khám". Để có sức thuyết phục hơn, chị L. chào tiếp "nếu em làm thì ngồi đợi mấy phút, chị đi lấy giấy chứng nhận về thì đưa tiền cũng được, đảm bảo giấy của BV hợp lệ 100%"... Tìm hiểu thêm tôi được biết, ở khu vực này tồn tại khá nhiều "cò mồi" như L. Cơ quan chức năng của địa phương đã có lần rà soát, xử phạt gần chục đối tượng bán giấy chứng nhận sức khỏe trái phép trước cổng BV ĐK Hà Đông, nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa giải quyết được.
...Đến rao bán qua mạng
Ngoài hình thức bán giấy khám sức khỏe trực tiếp một cách "chui lủi" trước cổng các BV lớn, rất nhiều cá nhân, tổ chức còn đăng thông tin bán giấy khám sức khỏe trái phép trên các trang mạng Internet. Chỉ cần vào trang tìm kiếm của Google, dễ dàng tìm thấy hàng chục số điện thoại của những cá nhân rao thông tin làm, bán giấy khám sức khỏe mà không cần khám. Cũng chính điều này đã dẫn đến nhiều hệ lụy, nhiều câu chuyện bi hài, gây thiệt hại không nhỏ cho cộng đồng, xã hội.
Các bác sĩ Khoa Khám bệnh - Cấp cứu, BV Việt Đức kể lại câu chuyện vừa xảy ra tại BV này 2, 3 tháng trước. Một công ty phản ánh đến BV về một trường hợp nhân viên vừa xin vào lao động tại công ty. Theo đó, trong giấy chứng nhận khám sức khỏe của nhân viên này do BV Việt Đức cấp có ghi thông tin sức khỏe người được khám tốt, không có gì bất thường, song thực tế người nhân viên được khám sức khỏe này chỉ có 1 cánh tay, 1 cánh tay còn lại đã bị cụt từ nhỏ. Như thế có thể nói các bác sĩ khám sức khỏe cho người nhân viên này đã... không hề khám. Các bác sĩ Khoa Khám bệnh - Cấp cứu của BV Việt Đức phải lập tức đến xác minh lại trường hợp này và phát hiện, giấy khám sức khỏe của người nhân viên trên là giấy giả, con dấu không phải là dấu của BV Việt Đức.
Sau vụ việc trên, một nam điều dưỡng viên của khoa đã truy tìm thông tin trên mạng và phát hiện có nhiều người rao bán đầy đủ giấy khám sức khỏe của tất cả các BV lớn. Anh này đã trực tiếp gọi đến 1 số điện thoại của một người rao bán trên mạng để hẹn gặp nhằm mua 1 giấy khám sức khỏe của BV Việt Đức với giá 60.000đ, kết quả hóa ra các loại giấy khám sức khỏe này đều dùng dấu giả. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của cơ sở y tế, lợi ích của các cơ quan tuyển dụng lao động, học sinh hay đào tạo lái xe mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người mua giấy khám sức khỏe trái phép.
Cần siết chặt
Theo quy định, chỉ các BV, cơ sở y tế có đủ điều kiện khám sức khỏe đã được cơ quan chức năng của Nhà nước thẩm định thì mới được tổ chức khám, cấp giấy chứng nhận sức khỏe cho người dân. Việc quản lý, cấp giấy chứng nhận sức khỏe cũng phải được thực hiện một cách chặt chẽ. Quy định mới nhất của Bộ Y tế vừa ban hành tháng 4-2010 về tăng cường kiểm tra công tác khám sức khỏe nhấn mạnh, những trường hợp cố tình vi phạm trong việc cấp giấy chứng nhận sức khỏe, cấp giấy chứng nhận bừa bãi, không đúng sự thật có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy tố. Giám đốc các cơ sở y tế phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả khám sức khỏe, cũng như các hành vi vi phạm quy trình khám sức khỏe ở cơ sở mình. Tuy nhiên việc thực hiện quy định không hề dễ dàng.
Nhiều BV luôn đóng sẵn dấu đỏ ở mặt trong tờ giấy khám sức khỏe
Ông Nguyễn Khắc Hiền - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Sở Y tế đã có công văn chỉ đạo tất cả các đơn vị trong và ngoài công lập nghiêm túc thực hiện việc khám sức khỏe theo các quy định chuyên môn hiện hành. Đồng thời giao Thanh tra Sở Y tế xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh, kiểm tra công tác khám, cấp giấy chứng nhận sức khỏe tại các cơ sở khám sức khỏe trong và ngoài công lập. Điều quan trọng nhất là phải siết chặt kỷ luật công tác khám sức khỏe từ trong chính BV, xử lý nghiêm hành vi tuồn giấy chứng nhận sức khỏe đã đóng dấu ra ngoài hoặc cấp giấy chứng nhận sức khỏe không đúng quy định.
Cũng theo ông Hiền, nhiều BV hiện vẫn đóng sẵn dấu đỏ trên 2 mặt giữa của tờ giấy chứng nhận khám sức khỏe trước khi bán cho người bệnh đi khám sức khỏe tại các phòng chức năng. Việc này dễ bị các "cò mồi" lợi dụng để làm giả giấy chứng nhận, bán ra cho người bệnh tự điền các thông số sức khỏe mà không cần khám. Sắp tới, Sở sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nhằm siết chặt thực trạng này.
Theo An ninh thủ đô
Vào lớp 1 không biết đọc: Bị coi là tâm thần Chỉ còn hai tháng nữa là học sinh bước vào năm học mới. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm nhiều phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 nháo nhào đưa con đến phòng khám của các bệnh viện Nhi Đồng 1, 2 để xin "giấy chứng nhận sức khoẻ tâm lý, tâm thần" để nộp vào trường. Riêng với những...