Kỳ lạ loài cây “biết đi”, nổi tiếng với khả năng trườn bò khắp sa mạc
Loài cây này không chỉ có khả năng di chuyển mà chúng có thể sống tới cả trăm năm.
Bán đảo Baja California Sur là một dải đất tách rời Thái Bình Dương với vịnh California nằm ở vùng ven biển phía tây Mexico. Tổng diện tích của bán đảo Baja California là 143.390 kilômét vuông (55.360 dặm vuông Anh). Bán đảo tách khỏi đại lục Mexico qua vịnh California và sông Colorado, có các cầu bắc qua sông Colorado để đến bang Sonora. Có bốn khu vực sa mạc chính tại bán đảo: sa mạc San Felipe, sa mạc Bờ biển Trung tâm, sa mạc Vizcaíno và sa mạc đồng bằng Magdalena.
Theo Amusing Planet, trên bán đảo này, có một loài cây đặc hữu vô cùng độc đáo. Loài này chỉ được tìm thấy trên đất cát, nơi nó tạo thành quần thể lớn. Chúng “bò” khắp sa mạc với vẻ ngoài trông khá kinh dị. Đó là loài xương rồng quỷ bò.
Xương rồng quỷ bò là loài cây đặc hữu ở bán đảo Baja California Sur, Mexico. (Ảnh: IDSeed)
Xương rồng quỷ bò (tên khoa học Stenocereus eruca) hay còn gọi là xương rồng sâu bướm là một thành viên của họ Cactaceae. Nó là một trong những loài xương rồng đặc biệt nhất, thuộc chi Stenocereus tương đối nhỏ.
Xương rồng quỷ bò không mọc thẳng đứng như các loài xương rồng khác mà bò ngang trên mặt đất. Phần duy nhất hơi nhô lên khỏi mặt đất là phần ngọn của cây. Loài cây này thường mọc gần nhau với số lượng lên tới hàng trăm gốc.
Xương rồng quỷ bò có hình cột, thân rất nhiều gai, màu xanh kem, đường kính trung bình 5 cm và dài 1,5-2 m, chỉ có đầu cuối nhô lên khỏi mặt đất. Chiều cao 20-30 cm là bình thường vì cây xương rồng này nằm nghiêng . Những bông hoa lớn sống về đêm có màu trắng, hồng hoặc vàng; thường dài 10-14 cm với bầu nhụy có gai và ra hoa thưa thớt khi gặp mưa. Quả có gai dài 3-4 cm có hạt màu đen.
Xương rồng quỷ bò còn có một khả năng khác đó là tự hủy bản thân để phát triển. (Ảnh: IDSeed)
Xương rồng quỷ bò còn có một khả năng khác đó là tự hủy bản thân để phát triển. Cụ thể, chúng thường phát triển theo chiều hướng tiến về phía trước và tự hủy phần thân sau của mình. Phần đuôi của cây khi tự hủy sẽ đồng hóa với đất, biến thành chất dinh dưỡng nuôi cây. Sau khi loại bỏ phần này, mặt thân dưới của phần phía trước sẽ mọc ra rễ mới để cây có thể hút ngược chất dinh dưỡng.
Video đang HOT
Theo cuốn Gibson và Nobel, 1986, xương rồng quỷ bò được coi là “trường hợp nhân giống vô tính cực đoan nhất trong họ xương rồng”. Điều này có nghĩa là do sự cô lập và khan hiếm sinh vật thụ phấn, cây trồng có thể tự nhân bản. Cứ như vậy, xương rồng quỷ bò liên tục di chuyển và bò qua cả sa mạc.
Tốc độ tăng trưởng và di chuyển của xương rồng quỷ bò phụ thuộc vào khí hậu nơi nó sống. Tốc độ tăng trưởng thích nghi với môi trường biển ẩm ướt, vừa phải của bán đảo Baja và có thể đạt tới hơn 60 cm mỗi năm, nhưng khi được cấy vào môi trường nóng và khô cằn, xương rồng có thể phát triển chỉ cao tới 60 cm mỗi thập kỷ. Trong nhiều năm, toàn bộ cây xương rồng sẽ di chuyển từ từ, với các thân cây phân nhánh và bén rễ về phía ngọn đang phát triển, trong khi những phần thân già hơn sẽ chết và phân hủy. Nếu xương rồng quỷ bò được sống trong điều kiện thuận lợi, nó có thể sống tới trăm năm.
Xương rồng quỷ bò là loài cây liên tục di chuyển và bò qua cả sa mạc. (Ảnh: IDSeed)
Hiện các nhà khoa học vẫn chưa giải thích được rằng tại sao xương rồng quỷ bò lại di chuyển. Giả thiết được nhiều người đồng ý nhất đó là chúng tiến hóa để sinh tồn. Bởi loài xương rồng này sống trên một dải đất bị cô lập, nơi không có sinh vật giúp chúng phát tán phấn hoa.
Do đó, xương rồng quỷ bò đã tiến hóa để sinh sản vô tính hoặc bằng cách nhân bản, trong đó các bộ phận của xương rồng tự tách khỏi phần đuôi phía sau và phát triển độc lập như một cây mới.
Ngày nay, xương rồng quỷ bò đang bị thu hẹp môi trường sống do tác động của thời tiết, con người… nên loài cây này đã được đưa vào danh sách thực vật có nguy cơ tuyệt chủng.
Tục dùng 'xương rồng' thúc đẩy nạn săn trộm hóa thạch ở Trung Quốc
Tại vùng nông thôn ở các tỉnh xa xôi của Trung Quốc, cơ quan thực thi pháp luật đang trấn áp hoạt động khai quật và buôn bán bí mật một số mẫu vật cổ xưa của đất nước: hóa thạch động vật được gọi là 'xương rồng'.
9 người đã bị bắt ở tỉnh Cam Túc trong nỗ lực trấn áp hoạt động buôn bán "xương rồng" và hơn 400kg hóa thạch đã bị tịch thu - Ảnh: Weibo
Theo trang SCMP, các hóa thạch đã được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc ít nhất vài thế kỷ, được một số người tin là có đặc tính chữa bệnh, bao gồm cả khả năng làm dịu thần kinh và cầm máu. Chúng đã được ghi chép trong một trong những tài liệu y học cổ nhất của Trung Quốc.
Tháng trước, Cơ quan an ninh công cộng tỉnh Cam Túc thông báo 9 người đã bị bắt ở vùng nông thôn của tỉnh này. Cơ quan chức năng cũng tịch thu hơn 400kg hóa thạch cổ xưa của các loài động vật.
Hóa thạch "xương rồng" chủ yếu bao gồm hài cốt của các động vật có vú lớn cổ đại như ngựa ba ngón, tê giác, hươu, gia súc, voi cũng như răng voi hóa thạch. Tuy nhiên, một số mẫu vật cổ xưa và quý hiếm hơn nhiều, thậm chí cả hóa thạch khủng long, có thể bị những kẻ săn trộm đánh cắp.
Theo Cơ quan an ninh công cộng tỉnh Cam Túc, nhóm bị bắt đã hoạt động từ năm ngoái, nhắm mục tiêu vào các khu vực không có tín hiệu liên lạc và phương tiện di chuyển để đào tìm hóa thạch rồi bán.
Cơ quan an ninh công cộng tỉnh Cam Túc nói rằng bị cáo, những người không quen biết với dân địa phương và giọng điệu cho thấy họ không đến từ khu vực này, đã làm dấy lên nghi ngờ. Vì thế, người dân địa phương đã báo cho chính quyền.
Cơ quan thực thi pháp luật địa phương ở một số vùng xa xôi của Trung Quốc đang trấn áp nạn trộm hóa thạch "xương rồng" - Ảnh: Wikipedia
Các báo cáo gần đây cho thấy hóa thạch đang bị đánh cắp từ nhiều khu vực khác nhau của Trung Quốc, gồm cả khu tự trị Nội Mông, tỉnh Ninh Hạ và Vân Nam, những nơi kém phát triển hơn.
Theo một nhà nghiên cứu tại Viện Cổ sinh vật có xương sống và Cổ nhân loại học thuộc Viện Khoa học Trung Quốc, hầu hết các hóa thạch "xương rồng" bị săn trộm đều có niên đại từ kỷ Đệ tứ, bắt đầu vào khoảng 2,6 triệu năm trước.
Nhà nghiên cứu (từ chối nêu tên) cho biết: " Khoảng thời gian không quá xa đồng nghĩa tỷ lệ vật liệu có giá trị khoa học trong số chúng khá thấp, nhưng có khả năng một số hóa thạch quý giá sẽ bị mất".
Nhiều người không biết "xương rồng" được gửi đi đâu. Thế nhưng, một nhà cổ sinh vật học ở tỉnh Cam Túc, được hãng truyền thông Red Star News (Trung Quốc) trích dẫn trong tháng này, cho biết hầu hết có khả năng đến những nơi liên quan đến chế biến y học cổ truyền Trung Quốc, trong khi một phần nhỏ hơn có thể được thu thập dưới dạng mẫu hóa thạch.
Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông ở tỉnh Hà Nam năm 2007, dân làng không hề biết "những viên đá ma thuật" mà họ đã sử dụng làm thuốc qua nhiều thế hệ chính là hóa thạch khủng long.
Xương giàu canxi đôi khi được đun sôi với các thành phần khác và dùng để điều trị nhiều loại bệnh khác nhau, hoặc nghiền thành bột nhão và bôi trực tiếp lên các vết gãy xương và vết thương. Dân làng cũng bán chúng với giá thấp cho các cửa hàng thuốc thảo dược trong khu vực.
Thời điểm đó, các nhà khoa học công bố phát hiện hơn 10 loại hóa thạch khủng long và động vật khác ở vùng Nhữ Dương và Loan Xuyên của tỉnh Hà Nam, gồm cả loài khủng long lớn nhất châu Á vào thời điểm đó. Điều này đã thu hút sự chú ý của cộng đồng khoa học quốc tế.
Dong Zhimng, một nhà khoa học hàng đầu đang làm việc tại Viện Cổ sinh vật có xương sống và Cổ nhân loại học thời điểm đó, nói hóa thạch khủng long đã bị hóa đá và hầu như không có giá trị y học, song người dân địa phương vẫn khai quật và bán chúng dưới dạng "xương rồng" và gây thiệt hại đáng kể.
Năm 2011, Trung Quốc bắt đầu thực thi luật bảo vệ hóa thạch, trong đó có "xương rồng".
Ngoài ra, kể từ năm 1977, hóa thạch đã bị loại khỏi Dược điển Trung Quốc, phản ánh cam kết "bảo vệ tài nguyên hoang dã và môi trường tự nhiên", thúc đẩy sự phát triển bền vững của y học cổ truyền Trung Quốc.
Bất chấp những biện pháp này, việc khai quật và buôn bán hóa thạch vẫn tiếp tục, dù theo cách thức âm thầm hơn. Những kẻ săn trộm mạo hiểm đến những khu vực khó tiếp cận, thường là ở vùng núi để tìm kiếm "xương rồng".
Nhà nghiên cứu của Viện Cổ sinh vật có xương sống và Cổ nhân loại học cho biết: " Không giống như các địa điểm hóa thạch khủng long, các địa điểm hóa thạch Kỷ Đệ tứ tương đối phong phú, do đó không thể đầu tư nhân lực và nguồn lực tương đương để bảo vệ chúng".
Theo một giáo sư từ Đại học Y học cổ truyền Trung Quốc ở thành phố Thượng Hải (yêu cầu giấu tên), hiệu quả của "xương rồng" trong y học cổ truyền còn gây tranh cãi và cần nghiên cứu thêm.
Ông nhấn mạnh, ngay cả khi được chứng minh là có hiệu quả, các lựa chọn thay thế vẫn tồn tại và các nhà nghiên cứu đang khám phá những lựa chọn khác. Ví dụ, một số nhà nghiên cứu Trung Quốc cho rằng vỏ hàu có thể thay thế cho "xương rồng".
Chuyên gia y học cổ truyền cũng đề cập rằng việc hạn chế khai thác trái phép đã dẫn đến các sản phẩm giả xuất hiện trên thị trường, điển hình được tạo ra bằng cách trộn đất vàng với chất kết dính và mảnh vụn "xương rồng".
Theo nhà nghiên cứu của Viện Cổ sinh vật có xương sống và Cổ nhân loại học, mối quan hệ giữa buôn bán hóa thạch và nghiên cứu khoa học rất phức tạp. Trong lịch sử, chẳng hạn như trong thời chiến, việc đào bới hóa thạch động vật bị hạn chế nên các cửa hàng bán "xương rồng" trở thành điểm đến quan trọng cho các nhà khoa học tìm kiếm tài liệu nghiên cứu.
" Thế nhưng ngày nay, chúng tôi hy vọng rằng hóa thạch có thể được khai quật một cách khoa học vì một số thông tin quan trọng, chẳng hạn như môi trường địa chất và tầng lớp nơi hóa thạch được chôn cất, có thể bị mất do khai quật nghiệp dư", ông nhận xét.
Sơn Vân
Vùng đất giúp con người 'xuyên không' từ quá khứ tới tương lai trong chớp mắt Xuyên không từ quá khứ tới tương lai, điều tưởng chừng như chỉ có trong phim khoa học viễn tưởng mà tại sao lại có thật? Bí mật là gì? Theo Amusing Planet, ở khu vực eo biển Bering nằm giữa lục địa Alaska (Mỹ) và Siberia (Nga), có một quần đảo được xem là đặc biệt nhất trên thế giới - quần...