Kỳ lạ khỉ biết “buôn dưa lê” và cuộc săn thú cưng giá nghìn đô
Theo lời kể của anh Toàn, loài khỉ này hiện đang rất khan hiếm tại thị trường Việt Nam, có khả năng giao tiếp và “tám” chuyện loài người.
Động vật hoang dã đang trở thành thú cưng và được rao trên các diễn đàn mua bán sinh vật cảnh với giá siêu đắt đỏ lên tới 10.000 USD/con. Tuy nhiên, người mua chỉ quan niệm “thích là mua” chứ ít ai quan tâm đến việc nuôi những thú cưng đó sẽ bị xử phạt và vi phạm pháp luật.
Theo anh Toàn, khỉ Marmoset được chào bán 9.000USD/con.
9.000 USD một con khỉ “săn” từ Argentina
Thời gian vừa qua, trên các diễn đàn mua bán sinh vật cảnh, khỉ Marmoset được xếp vào top những thú cưng đắt đỏ và săn lùng nhiều nhất. Những chú khỉ này được nhiều người “săn” bởi sự đáng yêu từ vẻ ngoài tí hon của nó. Khỉ Marmoset có chiều dài khoảng 6 – 8cm. Từ năm 2008, giá của loại khỉ này được rao bán với giá 1.300-2.300USD/con. Cho đến nay, khỉ Marmoset được rao bán với giá 9.000 – 10.000 USD/con.
Trên một trang web có tư vấn, người nuôi khỉ Marmoset thường tách khỉ bé ra khỏi mẹ sau khi chúng được 3 đến 5 ngày tuổi, vì thế chúng cần được giữ ấm bằng đèn và rất cần bú sữa thường xuyên để tăng sức đề kháng cho cơ thể. Khi mới sinh, khỉ con đã mở mắt, lông nhiều, miệng đã có đầy răng và rất khỏe mạnh. Tứ chi và đuôi đã đủ cứng cáp để chúng bám vào cơ thể bố mẹ. Loài khỉ này có dáng vẻ xinh xắn, đáng yêu nên người nuôi rất thích nâng niu, vuốt ve chúng trên tay và cho bú bình…
Lần theo các trang mạng chuyên cung cấp sinh vật cảnh, tôi có được số điện thoại của một “tín đồ” sinh vật cảnh. Anh này tên Toàn. Theo chia sẻ của Toàn, hiện anh đang cần mua một cặp khỉ con siêu nhỏ hay khỉ Marmoset của Nam Mỹ với tiêu chuẩn như sau: Giống đực và cái, từ 3- 5 tháng tuổi, cân nặng từ 100 – 200gr, cao từ 50 – 100cm, đã biết ăn, không cắn…
Theo lời kể của anh Toàn, loài khỉ này hiện đang rất khan hiếm tại thị trường Việt Nam. Mới đây, anh có liên hệ với một đầu mối chuyên cung cấp sinh vật cảnh thì được hét giá lên tới 9.000 USD. “Tôi được biết, loại khỉ này có khả năng giao tiếp và “tám” chuyện giống loài người. Loại khỉ này quý hiếm lắm, nó nằm trong sách đỏ nên khó mua. Họ phải mang từ rừng Amazon về. Tôi cũng vừa hỏi được một địa chỉ, họ chào giá đến 9.000 USD/ con, khỉ được mua từ Ac- hen-ti-na”", anh Toàn nói.
Anh Nguyễn Đức Thọ – một cán bộ chuyên bảo tồn động vật hoang dã cho biết, khỉ Marmoset (hay còn gọi là khỉ lùn) vốn là loài động vật sống chủ yếu tại khu vực Nam Mỹ, là loài thuộc bộ linh trưởng nhỏ bé nhất. Chiều dài của một con Marmoset trưởng thành chỉ 12cm, với trọng lượng khoảng 170gr. Thức ăn chủ yếu của khỉ Maroset là côn trùng, lá cây, trái cây chín. Ngoài tự nhiên, khỉ lùn sống trong rừng nhiệt đới Amazon, các nước Nam Mỹ với từng bầy nhỏ (5-6 con). Theo anh Thọ, trong môi trường nuôi nhốt, khỉ Marmoset vẫn giữ thói quen dữ tợn khi bước vào thời kỳ giao phối và chúng có thể trở nên nguy hiểm khi tấn công cả chủ nuôi.
Cũng theo anh Thọ, khỉ Marmoset có nguy cơ tiệt chủng. Đây là động vật hoang dã nên không thể thuần hóa. Theo những tài liệu mà tôi đã tiếp cận, khỉ Marmoset giao tiếp bằng nhiều hình thức phức tạp bao gồm âm thanh, hóa chất tiết ra từ tuyến trên ngực, bộ phận sinh dục hoặc các tín hiệu cử chỉ. Các nhà nghiên cứu cũng từng phát hiện ra đặc tính độc đáo của loài khỉ Marmoset khi chúng có thể giao tiếp, phân chia lượt nói với nhau để tránh chen ngang, cướp lời. Những buổi nói chuyện của khỉ Marmoset có thể kéo dài đến nửa tiếng, giữa những con thân quen và cả xa lạ. Đặc tính này ở loài khỉ đậm chất “buôn dưa lê” kiểu con người, khiến chúng càng được ưa thích vì hoạt ngôn, thân thiện và hòa đồng”.
Cũng theo tìm hiểu của PV, tại một số cửa hàng chuyên cung cấp thú cưng tại Hà Nội, TP.HCM, khỉ Marmoset dù được săn đón nhưng do số lượng quá ít, loài thú cưng này không thể trở nên phổ biến và nhanh chóng giảm sức hút. Những thông tin chào bán về loài khỉ này cũng vắng bóng trên các diễn đàn. Theo chia sẻ của chủ một cửa hàng sinh vật cảnh trên phố Hoàng Hoa Thám (Hà Nội): “Tôi có nghe về cơn sốt “săn” loại khỉ Nam Mỹ này. Tuy nhiên, tôi cũng chưa nhìn thấy loại khỉ biết “tám” chuyện. Nhưng theo tôi được biết, loại khỉ này bây giờ muốn mua phải đặt hàng từ nước ngoài. Các cửa hàng trong nước không còn chào bán”.
Video đang HOT
Bên cạnh loài khỉ Marmoset, nhím kiểng, khủng long 6 sừng, rồng Úc, ếch Pacman… là những vật nuôi đang khiến nhiều bạn trẻ phát cuồng, có giá siêu đắt đỏ.
Khi được hỏi về việc “săn” động vật trong “sách đỏ” về làm thú cưng trong nhà sẽ vi phạm pháp luật, anh Toàn ngập ngừng: “Mình nuôi một hai con làm cảnh chắc không vấn đề gì đâu. Mình có nuôi kinh doanh đâu mà sợ người ta để ý?! Với lại, tôi đang hỏi mua nhưng giá quá cao nên không “kham” nổi”.
Có thể bị phạt lên tới 300 triệu đồng
Theo tìm hiểu của PV, khoảng 5 năm gần đây, phong trào nuôi động vật hoang dã phát triển rất nhanh, do động vật hoang dã là loài dễ nuôi, có sức đề kháng tốt, dễ bán, lại được giá.
Tại cuộc hội thảo gần đây, ông Nguyễn Hữu Hưng, Trưởng phòng Pháp chế, Chi cục Kiểm lâm TP.HCM cho rằng, việc gây nuôi động vật hoang dã hiện nay diễn ra theo phong trào và chứa đựng nhiều rủi ro cho người dân. Nhiều năm trước nghề nuôi heo rừng tại TP.HCM phát triển mạnh, nay nhu cầu nuôi đã bão hòa nên giá bán heo giống giảm 30% so với trước. Việc này cũng xảy ra tương tự đối với người nuôi nhím. Hiện giá nhím giống lên đến trên 10 triệu đồng/cặp, khiến nhiều người đăng ký gây nuôi.
Do đó, ước tính khoảng 3-5 năm nữa thị trường nhím giống và thịt sẽ bão hòa do lượng cung cao. Ông Hưng cũng dẫn chứng tiếp việc gây nuôi kiểu phong trào là mới đây phong trào nuôi yến phát triển mạnh tại TP.HCM. Thật ra chỉ một số hộ nuôi yến thu được lợi nhuận cao đã kéo theo hàng trăm người bỏ tiền tỷ xây nhà nuôi yến.
Điều đáng nói hiện nay rất khó quản lý hoạt động nuôi động vật hoang dã vì còn thiếu các quy định pháp luật cụ thể. Chẳng hạn hiện nay chưa có thông tư hướng dẫn việc quản lý gấu nuôi, chưa có tiêu chuẩn ngành cho từng trại nuôi, việc nuôi chim yến cũng chưa có quy định. Khi đã thiếu quy chế, chủ trại nuôi sẽ không khai báo, đăng ký gây nuôi động vật hoang dã, hoặc bỏ bê không chăm sóc.
TS.Lê Vũ Khôi, đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, ở nước ta các trang trại chưa tạo điều kiện sinh sản khi nuôi hổ, gấu và những loài động vật quý hiếm khác mà chủ yếu là mua gom những cá thể bị săn bắn trái phép từ tự nhiên về nuôi. Làm như vậy là vi phạm pháp luật. Việc nuôi động vật hoang dã làm thú cưng cũng là vi phạm pháp luật.
Trao đổi với PV báo Đời sống và pháp luật, luật sư Phạm Văn Phất (đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: “Khỉ Marmoset là động vật trong sách đỏ và không được phép nuôi tại nhà riêng làm cảnh. Động vật rừng nhóm IB, IIB là những loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm theo quy định của Chính phủ.
Theo quy định tại Nghị định số 99/2009/NĐ-CP ngày 2/11/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, người có hành vi săn, bắn, bẫy, bắt; nuôi, nhốt; giết động vật rừng trái quy định của pháp luật bị xử phạt hành chính. Với những động vật rừng hoặc bộ phận của chúng không thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm có giá trị như khỉ Marmoset thì có thể bị xử phạt lên tới 300 triệu đồng”.
Theo Đời Sống & Pháp Luật
Nữ "dị nhân" HN nói chuyện được với cụ rùa Hồ Gươm?
"Khi đi qua Hồ Gươm, tôi hay nói chuyện với cụ Rùa. Tất cả cuộc chuyện trò không cần giáp mặt, mà có thể thần giao cách cảm giống như tần sóng...", chị Hường cho biết.
Nói chuyện được với động vật
Như chúng tôi đã thông tin về những khả năng dị thường của chị Phạm Thị Hường ở phố Nguyễn Anh Ninh ( Hà Nội). Sau trận ốm, ngoài việc nói chuyện với người âm, chị Hường còn nói chuyện được với động vật. Theo mô tả của chị Hường, thì việc nói chuyện với động vật hoàn toàn thông qua một tần sóng và ý nghĩ.
Chị Hường cho biết: "Động vật cũng có những giao tiếp riêng, nhưng tôi có thể hiểu được chúng nói chuyện với nhau về điều gì, và hiểu rõ chúng nói với mình những gì. Tất cả những thông điệp ấy phát qua một tần sóng mà tôi hiểu được".
Trong một lần đến nhà riêng của ông Nguyễn Phúc Giác Hải, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng Tiềm năng Con người trên đường Bạch Đằng, chị Hường đã có cuộc nói chuyện với những con chim được nhốt trong lồng và một con mèo nhị thể mà ông Giác Hải đang nuôi. Đáng chú ý là cuộc giao tiếp của chị Hường với động vật không phát ra bằng lời mà qua một tần sóng.
Ông Giác Hải cho rằng, hầu hết các trường hợp ở nước ngoài mà con người chuyện trò được với động vật đều giống như chị Hường, tức là không thông qua lời nói hay hành động mà qua một tần sóng khác mà khoa học gọi là thần giao cách cảm.
Khi mới phát hiện ra khả năng giao tiếp được với động vật, chính chị Hường còn không tin vào bản thân mình. Thế nhưng, sau nhiều lần thử nghiệm với nhiều loại động vật thì chị Hường mới xác định về khả năng của mình. Tuy nhiên, khi đem chuyện nói với gia đình thì ai cũng cho rằng đó là chuyện đùa. Chỉ khi chị Hường giao tiếp với những con chim mà chồng chị là anh Nguyễn Đăng Dũng đang nuôi trong lồng, những con chim tỏ ra phấn khích hay buồn rầu tuỳ vào cách nói chuyện của chị Hường thông qua suy nghĩ thì mọi người mới tin là sự thật.
"Trước đây khi đi qua Hồ Gươm, tôi còn hay nói chuyện với cụ Rùa. Tất cả cuộc chuyện trò không cần phải giáp mặt nhau mà có thể thần giao cách cảm giống như tần sóng mà tôi nói chuyện với người âm. Thậm chí tôi còn giao tiếp được với muỗi".
Chị Hường còn cho hay:
Chị Hường khẳng định rằng mình hiểu loài vật nói gì.
"Không phải trường hợp duy nhất"
Nghiên cứu về khả năng dị thường này của chị Hường, Thiếu tướng, TS Chu Phác, Chủ nhiệm Bộ môn Cận tâm lý thuộc Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng Con người và nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải đều khẳng định, cô Hường không phải là trường hợp duy nhất nhưng là người đầu tiên ở Việt Nam có những biểu hiện về khả năng giao tiếp với động vật.
Trên thế giới cũng đã từng xuất hiện những người có khả năng giao tiếp với động vật. Qua so sánh, các nhà nghiên cứu nhận ra một điểm chung là sự giao tiếp với động vật hoàn toàn qua thần giao cách cảm, tức là qua suy nghĩ bằng một tần sóng có thể kiểm nghiệm được.
Tại nước Anh, bà Sonya Fitzpatrick không những giao tiếp được với chó mèo, mà còn nói chuyện được với rắn, lạc đà, ngỗng, ngựa và chim. Bà Sonya có lòng thương sâu đậm đối với thú vật, khi cha của bà giết mấy con ngỗng để ăn tiệc Giáng sinh, bà nhận ra là không phải ai cũng có tình cảm đối với thú vật. Vì vậy, trước cái chết của các bạn ngỗng, Sonya cố tình đóng kín khả năng nói chuyện của mình với thú vật suốt 44 năm.
Mãi đến năm 1994, một thí nghiệm đã mở lại khả năng kể trên của bà. Sonya tiết lộ với báo chí rằng thú vật rất thông minh và hiểu con người qua hình ảnh của ý nghĩ giống như bà giao tiếp với động vật bằng tần sóng.
Hay tại Namibia, cô bé Tippi sinh năm 1990 cũng giao tiếp được với hầu hết tất cả các loại động vật. Bố mẹ Tippi đều là nhiếp ảnh gia nên Tippi từ khi ra đời đã sống với người dân bộ lạc Himba. Từ 10 tháng tuổi, Tippi đã lảng vảng đi chơi cùng voi, báo đến rắn rết và chim chóc. Vì thế, cô bé hoàn toàn hiểu được ngôn ngữ của tất cả các loài động vật và chuyện trò với chúng qua ý nghĩ.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải cho hay: "Cứ ngỡ là chuyện giao tiếp với động vật chỉ có trong thần thoại hoặc truyện cổ tích. Nhưng thực tế thì khả năng ấy luôn tồn tại, vấn đề là ở chỗ chúng ta nghiên cứu như thế nào để chứng minh bằng khoa học hòng đem lại sự thuyết phục".
Cô bé Tippi người Namibia có thể nói chuyện với nhiều động vật khác nhau.
Khó nghiên cứu
Thiếu tướng, TS Chu Phác lại cho rằng, việc con người có thể giao tiếp với động vật là điều dễ hiểu. Ví dụ, thông dụng nhất là tại các trung tâm huấn luyện động vật để phục vụ công tác an ninh hoặc làm xiếc. Tuy nhiên, ông Phác nhấn mạnh: "Đó là con người dựa vào hành động để huấn luyện động vật chứ không phải nói chuyện với động vật".
Trường hợp của chị Phạm Thị Hường là dùng suy nghĩ thần giao cách cảm để nói chuyện với động vật nên ở Việt Nam là chưa từng có. Việc thế giới có nhiều trường hợp giống như chị Hường nhưng chưa có công trình nghiên cứu cụ thể nào, cho nên để chứng minh việc chị Hường giao tiếp được với động vật là không đơn giản.
Quan tâm đến khả năng dị thường của chị Hường, TS Nguyễn Hoàng Điệp, Giám đốc Trung tâm dịch thuật, dịch vụ Văn hoá & Khoa học - Công nghệ thuộc Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam cho hay, các nhà khoa học Nga đã nghiên cứu rất nhiều về vấn đề giao tiếp giữa con người với động thực vật. Thậm chí, họ còn chụp được những bức ảnh phát quang của thực vật khi tươi tốt và lúc đang héo úa.
Cũng theo ông Điệp, các nhà khoa học Việt Nam cũng đã thử nghiệm khi trồng 2 khóm chuối tiêu. Một khóm cạnh nhà và được con người thường xuyên nói chuyện, một khóm cách xa con người. Kết quả, khóm gần con người luôn xanh tốt và ra hoa kết quả sớm hơn rất nhiều. Như vậy, bước đầu có thể khẳng định, động thực vật có thể hiểu giao tiếp của con người và ngược lại, con người cũng có thể giao tiếp được với động thực vật. Trường hợp của chị Hường là một ví dụ, dù chưa được kết luận.
"Sự giao tiếp giữa tôi với động vật không phải bằng lời nói hay hành động như nghệ sĩ xiếc. Rất đơn giản, tôi và chúng nói chuyện với nhau qua một tần sóng của ý nghĩ. Qua tần sóng này, tôi cũng dùng để nói chuyện với người âm và tìm mộ liệt sĩ". Chị Phạm Thị Hường "Trên thế giới đúng là đã và đang có những trường hợp giao tiếp được với động vật. Đây là một trong những khả năng đặc biệt và thuộc loại hiếm của thế giới. Khả năng này có thể do bản thân con người tự có, hoặc do sự đột biến nào đó trong cơ thể con người". Thiếu tướng, TS Chu Phác (Chủ nhiệm Bộ môn Cận tâm lý - Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng Con người)
Theo vietbao
Học tiếng Nga để hiểu khách Nga Khách Nga tắm nắng Nha Trang. Ảnh: B.C Du khách Nga đến Nha Trang - Khánh Hòa nghỉ dưỡng quanh năm, thời gian lưu trú khá dài và nhu cầu hưởng thụ khá đa dạng. Rất tiếc, khả năng giao tiếp bằng tiếng Nga của đội ngũ CBCNV ngành du lịch địa phương không đáp ứng yêu cầu phục vụ du khách người...