Kỳ lạ: “Cụ” cây báu vật, hàng trăm tuổi ở ngoại ô SG bỗng “bật gốc bay đi”
Cây cổ thụ, báu vật hàng trăm năm tuổi của người dân ngoại ô Sài Gòn bất ngờ “bay” hơn 1km từ ngoài đường vào trong khuôn viên dự án của công ty xây dựng khiến nhiều người bức xúc.
Cây sộp hàng trăm năm tuổi bất ngờ bị bật gốc “bay” hơn 1km từ ngoài đường vào khu dự án công ty bất động sản
Những ngày qua, người dân khu phố Trường Lưu (phường Long Trường, quận 9, TP.HCM) bức xúc khi biết cây sộp cổ thụ của dân làng địa phương bị một công ty xây dựng ngang nhiên bứng, chiếm làm của riêng. Bức xúc và phẫn nộ hơn hết là các cụ già trong khu phố, những người đã chứng kiến cây sộp tồn tại cùng những thăng trầm lịch sử của “vùng bưng sáu xã” ở ngoại ô Sài Gòn này.
Ông Trương Văn Ánh, Bí thư chi bộ, kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận khu phố Trường Lưu cho biết, sự việc xảy ra vào trưa 14.11, trên đường Trường Lưu (người dân thường gọi là đường Cây Sộp- PV) và vào lúc vắng người. Công ty bứng cây sộp cổ thụ là một đơn vị đang đầu tư dự án nhà ở cao cấp tại khu phố Trường Lưu.
“Tôi thấy một nhóm khoảng chục người kèm theo máy cẩu, máy xúc, máy cưa đến cạnh cây sộp. Sau khi thực hiện nghi thức tâm linh ngay gốc “cụ” cây, nhóm người này “tấn công”, cưa và bứng cây sộp rồi dùng xe tải chở đi. Khi cây chở đi, nhiều xe đất, cát đợi sẵn nhanh chóng san lấp hố sâu của gốc cây vừa bứng”, một người dân ở khu phố Trường Lưu nói.
Cũng theo người này, ban đầu nghĩ sự việc đã được cơ quan chức năng và người dân địa phương đồng ý nên không ngăn cản. Đến khi cổ thụ “biến mất” thì mới hay tin nhóm người này ngang nhiên chiếm đoạt “cụ” cây.
“Họ làm nhanh lắm, chỉ trong vòng chưa tới 2 giờ thì cây sộp đã bị bứng đi. Việc này giống như trong truyện cổ tích Cây đa thần bật gốc bay về trời quá”, người dân ở khu phố Trường Lưu chia sẻ.
Cây được xem là báu vật của người dân khu phố Trường Lưu
Ông Trương Văn Ánh cho biết, một số người dân ở khu phố có thấy việc công ty xây dựng ngang nhiên bứng “cụ” cây nhưng không dám phản ứng. Đến khi ông Ánh hay tin thì báu vật của người dân đã “chạy” hơn 1km từ đường và dự án bất động sản của công ty xây dựng.
“Từ lúc “cụ” cây bị bứng đi, vợ chồng tôi cũng như nhiều người dân địa phương tiếc nuối và rất tức giận những người đã chỉ đạo bứng cây sộp cổ thụ này. Cây sộp đã có hàng trăm năm tuổi, nó là tài sản quý giá nhất và được người dân Trường Lưu xem như báu vật. Vậy mà…”, ông An nói trong bức xúc.
Video đang HOT
Nằm đu đưa trên chiếc vong trong sân nhà, cụ ông Trần Văn Nữa (88 tuổi) chắp miệng bày tỏ sự tiếc nuối khi “cụ” cây của dân làng đã bị “bật gốc bay đi” mất.
“Lúc nhỏ tôi đã thấy cây sộp này rồi. Tôi không biết nó có từ lúc nào nhưng nghe ông nội kể nó có từ trước đời của ông tôi. Nhẩm tính thì nó phải vài trăm năm tuổi chứ không ít đâu”, cụ Nữa nói.
Cụ Nữa bày tỏ sự bức xúc khi cho rằng đây là tài sản quý giá, báu vật linh thiêng của dân Trường Lưu nhưng lại bị chiếm đoạt hết sức ngang ngược và tàn nhẫn. Cụ mong muốn chính quyền phải vào cuộc, buộc những ai lấy cây sộp phải trả lại nguyên trạng, đồng thời phải đảm bảo cây cổ thụ này sẽ phát triển trở lại.
Theo người dân, việc bứng cây cổ thụ này diễn ra rất nhanh và ví như sự tích “Cây đa thần bị bật gốc bay về trời”
“Lịch sử truyền thống Đảng bộ và Nhân dân phường Long Trường trong giai đoạn 1930 – 2010 cũng đã ghi nhận sự hiện diện của cây sộp. Vào tháng 3/1967, du kích xã Long Trường, huyện Thủ Đức (nay là phường Long Trường, quận 9-PV) cùng Đại đội 1 và 2 thuộc Tiểu đoàn 4 phục kích đoàn lính Mỹ càn vào khu vực cây sộp ấp Trường Lưu, diệt khoảng 100 tên, bắn cháy 4 xe bọc thép M113″, Bí thư chi bộ khu phố Trường Lưu Trương Văn Ánh nói.
Ông Ánh cho biết sau khi cây sộp bị bứng đi hàng chục người dân địa phương đã đến hiện trường và dự án công ty bất động sản đang chiếm giữ cây sộp để phản đối, yêu cầu trả lại “cụ” cây.
Theo ông Ánh, tại đây, người đại diện của công ty nói trên giải thích rằng, họ muốn đưa cây sộp về khu vực dự án để tôn tạo khang trang, sạch đẹp, xây dựng làm nơi để người dân có nơi tín ngưỡng.
Đại diện chính quyền phường Long Trường cũng có mặt, lập biên bản ghi nhận vụ việc cây sộp “bay mất”. Theo lãnh đạo phường Long Trường, cây Sộp khoảng 200 năm tuổi và không nằm trong dự án của công ty bất động sản mà thuộc tài sản chung của người dân địa phương.
Người dân Trường Lưu xem cây sộp như báu vật linh thiêng và là tài sản chung
Người dân yêu cầu những ai lấy cây sộp phải trả lại nguyên trạng, đồng thời phải đảm bảo cây cổ thụ này sẽ phát triển trở lại
Theo Danviet
Chuyện cây lim xanh - báu vật nghìn năm tuổi giữa Vườn quốc gia
Không chỉ là cây cổ thụ duy nhất còn sót lại ở Vườn quốc gia Bến En (Thanh Hóa), cây lim xanh nghìn năm tuổi còn có giá trị lớn về bảo tồn nguồn gen, giúp ngành lâm nghiệp khôi phục lại rừng lim đang mai một.
Nhắc đến Vườn quốc gia (VQG) Bến En (thuộc huyện Như Thanh và Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa), nhiều người dân địa phương vẫn nhớ đến vùng đất một thời được mệnh danh là xứ sở của lim xanh. Thập niên những năm 80, 90 của thế kỷ trước, cứ bước vào rừng là gặp lim xanh, loài gỗ quý này có ở khắp mọi nơi. Nhưng rồi, khi nạn phá rừng tràn về, rừng lim bỗng chốc bị "xóa sổ" gần hết, duy nhất chỉ có 1 cây lim xanh cổ thụ còn sót lại khi lâm tặc nhiều lần tìm cách đốn hạ nhưng bất thành.
Chuyện quanh cây lim nghìn tuổi
Phải mất gần 2 giờ đồng hồ để vượt quãng đường khoảng 60 km từ TP.Thanh Hóa tới Trạm kiểm lâm Xuân Lý (thuộc VQG Bến En). Từ trạm này, có thể tận mắt chứng kiến 1 cây cổ thụ cao vút, buông tán cây rộng khắp 1 vùng, đứng sừng sững giữa đại ngàn xanh thẳm. Đó là cây lim nghìn tuổi.
Theo ông Lê Xuân Thái, cán bộ pháp chế - VQG Bến En, cây lim xanh nằm trên địa phận giáp ranh 2 xã Xuân Khang (huyện Như Thanh) và Tân Bình (huyện Như Xuân). Đây là cây gỗ quý có đường kính lớn và được xem là "báu vật" còn lại trong VQG Bến En.
Không ai rõ cây bao nhiêu tuổi, nhưng người dân quanh vùng thường gọi đây là cây lim nghìn tuổi, bởi nhiều già làng nói lớn lên đã thấy cây lim đứng sừng sững giữa đất này.
Thân cây lim nhiều người ôm không xuể.
Cũng theo ông Thái, cây lim có chiều cao hơn 30 m, có đường kính gần 2m, còn vòng tròn thân cây khoảng 5 người vòng tay mới ôm hết. Gốc cây sần sùi, mốc meo và có 2 vết cắt, trong đó có một vết khá lớn được cắt sâu vào 1/3 thân cây. Đó là những vết cắt mà lâm tặc đã nhiều lần cố đốn hạ cây.
"Cách đây khoảng 10 năm, lợi dụng lúc trạm kiểm lâm đang ăn cơm chiều, một nhóm lâm tặc đã mang cưa, rìu vào để đốn cây. Nhận được tin báo của nhân dân, ông Lê Thế Long hồi đó là Giám đốc VQG (hiện là Phó giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa) đã huy động 20 anh em tới hiện trường để ngăn chặn. Nhưng nhóm lâm tặc vẫn hung hãn không dừng lại mà còn tấn công cả kiểm lâm, chúng tôi đã phải báo cáo huyện điều công an tới, nhóm lâm tặc mới bỏ đi"- ông Đặng Hữu Nghị, Giám đốc VQG Bến En kể lại.
Không những bị lâm tặc lăm le đốn hạ, khoảng 3 năm trước,1 cành trên cây lim bất ngờ bốc cháy dữ dội trong đêm. Lực lượng kiểm lâm đã phải huy động hàng chục người tìm cách cứu cụ cây. Tuy nhiên, vị trí cháy cách mặt đất khoảng 30 m nên kiểm lâm không thể tiếp cận được mà phải nhờ đến công an, quân đội đưa cần cẩu tới mới dập được lửa, cứu cây an toàn.
Khôi phục lại những cánh rừng lim
Nằm trong nhóm "tứ thiết" (đinh, lim, sến, táu), nên lim xanh là loài cây gỗ quý được phân bổ chủ yếu ở một số tỉnh như Lạng Sơn, Phú Thọ, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa... và cây lim xanh ở VQG Bến En là một trong số ít những cây lớn, nhiều năm tuổi còn sót lại ở Việt Nam.
Thấy được giá trị của loài lim, VQG Bến En đã bắt đầu nghĩ đến việc khôi phục, nhân rộng những cánh rừng lim đã bị xóa sổ trước kia. Và một đề án phát triển, bảo tồn loài cây này đã được UBND tỉnh Thanh Hóa thông qua.
Là người gắn bó với rừng hàng chục năm, ông Lê Đình Phương, Phó giám đốc VQG Bến En cũng là người có tâm huyết trong việc khôi phục lại những cánh rừng lim xanh bạt ngàn.
Trải qua cả nghìn năm, cây lim xanh vẫn sừng sững giữa đất trời.
"Năm 2011, dự án được phê duyệt, chúng tôi đã tiến hành điều tra đặc điểm phân bố, cấu trúc lâm phần, tổ thành loài, đặc điểm hình thái, sinh thái, đặc điểm tái sinh của loài lim xanh. Giám sát tại những khu vực có lim xanh còn sót lại phân bố tập trung, đồng thời, theo dõi quá trình sinh trưởng của cây ở vườn ươm, rừng trồng và rừng tự nhiên. Từ đó, xây dựng bản đồ hiện trạng, phân bố loài lim xanh ở VQG Bến En để triển khai việc bảo tồn và phát triển loài"- ông Phương chia sẻ.
Cũng theo ông Phương, đa số rừng lim xanh còn lại trong VQG là những cây nhỏ, đường kính đang còn bé, nên đơn vị đã chú trọng đến việc khôi phục cây lim xanh cổ thụ để phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học.
"Hiện nay, chúng tôi đang khoanh vùng khoảng 1.000 ha lim xanh tự nhiên và trồng mới khoảng 5 ha rừng lim (được lấy hạt từ cây lim cổ thụ và hạt lim trong rừng) để phục vụ cho việc phát triển, bảo tồn loài. Nhờ đó mà giờ đây, nhiều cánh rừng lim xanh tại VQG đang phát triển sinh trưởng tốt, góp phần tạo nên sự đa dạng sinh học tại đây "- ông Phương thông tin.
Theo Bình Minh (Dân trí)
Cây cổ thụ bất ngờ đổ trúng xế sang, nhiều người may mắn thoát chết Chiếc ô tô hạng sang bất ngờ bị thân cây phượng cổ thụ gẫy gập xuống, đè vào phần đầu xe gây hư hỏng nặng. Nhiều người đi đường hoảng hốt, thoát chết trong gang tấc. Vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 13h ngày 15.11 tại phố Phan Huy Chú, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Vào thời điểm trên, chiếc xe ô...