Kỳ lạ “chuyến tàu nổi” hút khách ở Thái Lan
Chuyến tàu đi qua đập nước Pasak Jolasid ở Thái Lan thu hút rất đông du khách vì mang đến trải nghiệm như tàu lơ lửng trên mặt nước.
Chuyến tàu kéo dài một ngày, xuất phát từ thủ đô Bangkok, mất 6 giờ để tới cây cầu bắc qua đập nước lớn nhất Thái Lan Pasak Jolasid ở tỉnh Lopburi.
Dịch vụ này chỉ hoạt động vào dịp cuối tuần từ tháng 11/2022 tới tháng 2/2023 nhưng vé cho các chuyến đi tới dịp Tết Dương lịch 2023 đã bán hết.
Sở dĩ đông đảo du khách muốn trải nghiệm chuyến tàu nổi như vậy vì đường ray tàu chạy qua đập Pasak Jolasid gần như sát mặt nước, đem lại cảm giác đoàn tàu dường như lướt trên mặt hồ. Giới chức địa phương cho biết mực nước trên đập Pasak Jolasid năm nay cao bất thường do mùa mưa gió mùa có lượng mưa kỷ lục.
Chuyến tàu nổi dừng tại ga trên cầu bắc qua đập Pasak Jolasid, tỉnh Lopburi, Thái Lan. Ảnh: Reuters.
Khi đến ga trên đập Pasak Jolasid, đoàn tàu dừng lại khoảng 20 phút để du khách có thời gian ngắm cảnh, chụp ảnh trước khi tiếp tục hành trình. Khi đến ga cuối, du khách sẽ có vài giờ để đi tham quan xung quanh đập nước, một số khu vườn cảnh rồi quay trở lại Bangkok.
“Tôi chưa bao giờ được thấy cảnh tượng nào thú vị như vậy”, ông Bunyanuch Pahuyut, một trong 600 hành khách có mặt trên đoàn tàu ngày 6/11, chia sẻ.
Vé hai chiều của chuyến tàu có giá 330 baht (khoảng 220.000 đồng) cho ghế ngồi ở toa không điều hòa và 560 baht (khoảng 380.000 đồng) với ghế ngồi ở toa có điều hòa. Vé bắt đầu được bán từ ngày 1/11. Du khách có thể mua vé trực tiếp tại ga tàu hoặc đặt vé trên trang web chính thức của công ty Đường sắt Quốc gia Thái Lan.
Video đang HOT
Chuyến tàu được đưa vào vận hành nhằm thúc đẩy du lịch nội địa tại Thái Lan vốn bị ảnh hưởng nặng nề trong dịch Covid-19.
Du khách Việt choáng ngợp với lễ hội đèn trời rực rỡ ở Thái Lan
Sau hơn 2 năm hạn chế bởi đại dịch Covid-19, lễ hội đèn trời năm nay trở lại cực kỳ ấn tượng với sắc màu rực rỡ và đậm bản sắc văn hoá Thái.
Nhận lời mời của Tổng cục du lịch Thái Lan văn phòng TP.HCM, nhóm chúng tôi gồm các travel blogger và nhà sáng tạo nội dung trên Tik Tok đã có mặt tại thành phố Chiang Mai để tham dự lễ hội truyền thống Loy Krathong (hoa đăng) và Yi Peng (thiên đăng).
Đại diện Tổng cục Du lịch Thái Lan tại TP.HCM, travel blogger Ngô Trần Hải An, Lý Thành Cơ và nhà sáng tạo nội dung trên Tik tok Dương Vũ
Lễ hội thả đèn trời Yi Peng là một trong những lễ hội nổi tiếng của Thái Lan
Sự kiện thú vị này được tổ chức vào rằm tháng 11 âm lịch hàng năm, năm nay lại trùng với ngày nguyệt thực nên càng kỳ ảo, lung linh hơn. Điều khác nhau giữa hai lễ này là Yi Peng là thả đèn lồng lên trời, còn Krathong là thả đèn hoa sen trên mặt nước. Việc thả hoa đăng thể hiện mong muốn mang những điều rủi ro đi thật xa, đón phước lành tới.
Sự kiện năm nay thu hút hàng nghìn khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới
"Thánh địa" của lễ hội Yi Peng là cố đô Chiang Mai, nơi được tổ chức long trọng, hoành tráng nhất nước. Do đó, vào dịp này, phần lớn khách quốc tế sẽ đổ về Chiang Mai để thả đèn trời. Lễ hội Loy Krathong được tổ chức long trọng khắp nước, và có ba địa điểm thường hút khách dịp này là Bangkok, Pattaya và Phuket, ngoài Chiang Mai.
Có khoảng 4.000 du khách và 6.000 chiếc lồng đèn được chuẩn bị để thả lên trời
Đoàn chúng tôi tham dự lễ hội tại San Pa Tong, Nam Bo Luang, Chiang Mai. Đây được cho là nơi tổ chức hoành tráng nhất và có đông người tham dự nhất, nên số lượng đèn thả cũng nhiều nhất.
Khoảng 6 giờ, lễ hội bắt đầu đón du khách. Mọi người sẽ mua vé từ trước và được cấp thẻ tham dự theo màu cũng như phân chia khu vực thả đèn. Trong gói vé sẽ bao gồm có: Phí tham gia, bộ giỏ đồ ăn và thức uống Lanna Thái, quà lưu niệm tranh vẽ tay, túi vải nhỏ, 2 thiên đăng và một krathong (hoa đăng) cho mỗi người.
Khu vực thả đèn trời được sắp xếp thành hình bát giác
Trong lúc chờ đợi có rất nhiều hoạt động thú vị dành cho du khách, mang đậm tính truyền thống của dân tộc miền bắc Thái như: điêu khắc, kết hoa, trình diễn nghề truyền thống, nhảy múa... khách tham quan được thưởng thức các ẩm thực đặc trưng của Chiang Mai.
Khoảng 4.000 du khách được xếp ngồi xung quanh theo hình bát giác
Đến 8h tối, lễ hội chính thức bắt đầu. Du khách tập trung quanh tháp trung tâm, 4.000 du khách được xếp ngồi xung quanh theo hình bát giác. Đầu tiên là các màn trình diễn múa dân gian, nghệ thuật truyền thống của dân tộc Lanna và lễ cầu may mắn cho mọi người, những điệu múa tiếng nhạc là cho không khí hết sức tưng bừng rộn ràng.
Khoảnh khắc hàng nghìn chiếc đèn lung linh bay lên bầu trời
Và rồi khoảnh khắc mong chờ nhất cũng đến, sau 10 giây đếm ngược, hàng nghìn chiếc hoa đăng lung linh ánh lửa đồng loạt bay lên trời trong muôn tiếng vỗ tay vui mừng, pháo hoa cũng rực rỡ một vùng.
Bầu trời đêm rực sáng với muôn ngọn lửa lơ lửng, những chiếc đèn trắng muốt theo gió cuốn lên cao mãi rồi chỉ còn một chấm lấp lánh như sao, khoảnh khắc giao thoa huyền diệu khiến ai đứng trong không gian ấy cũng không khỏi hân hoan và choáng ngợp.
Năm nay có rất nhiều du khách Việt và khách nước ngoài tham dự ai cũng háo hức thắp đèn gửi lời nguyện ước rồi thả hoa đăng bay lên trời. Thuyết xưa truyền rằng, nếu chiếc đèn nào khi thả bay nhẹ nhàng lên trời đến khi mất hút tầm mắt không bị sự cố nào thì điều ước sẽ thành hiện thực.
Pháo hoa cùng đèn lồng rực rỡ tạo ra một khung cảnh vô cùng choáng ngợp
Những chiếc đèn lồng mang ước nguyện bay lên trời cao xanh
Cá nhân tôi đánh giá thì đây là một sự kiện thật sự ấn tượng và bạn nên thu xếp trong lịch trình khám phá Chiang Mai của mình để có trải nghiệm thú vị này. Nhưng bạn cũng nhớ check thật kỹ thông tin để chọn địa điểm tham gia hợp lý cả về chi phí lẫn sự hoành tráng để không phải tiếc nuối nhé!
Bật mí 5 điểm du lịch thú vị ở Thái Lan, không phải ai cũng biết Đất nước Thái Lan xinh đẹp hấp dẫn khách du lịch bởi cảnh đẹp chùa tháp, bãi biển, thành phố, và ẩm thực tuyệt vời. Tuy thế, vẫn còn những địa điểm du lịch Thái Lan "lạ huơ lạ hoắc" mà bạn có thể chưa biết dù đã đặt chân đến xứ sở chùa vàng này vài lần. Chùa Wat Rong Khun Thái...