Kỳ họp thứ 9 sẽ tạo điểm nhấn lịch sử trong hoạt động của Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, với sự chuẩn bị kỹ càng, đợt họp thứ hai của Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV sẽ tiếp tục phát huy không khí dân chủ, trách nhiệm và hiệu quả, được lan tỏa mạnh mẽ để kỳ họp thành công tốt đẹp, tạo nên điểm nhấn quan trọng trong lịch sử hoạt động của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc đợt hai của Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV. (Ảnh: TTXVN)
Sáng ngày 8/6, Quốc hội bắt đầu đợt họp thứ hai Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV tại Hội trường Diên Hồng. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu khai mạc đợt hai Kỳ họp.
Phát biểu khai mạc đợt họp thứ hai Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Đến thời điểm hiện nay, kỳ họp thứ 9 đã đi được nửa chặng đường, hoàn thành tốt chương trình nghị sự của đợt 1. Quốc hội đã thảo luận về 10 dự án luật, 07 dự thảo nghị quyết; giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; nghe tờ trình về 06 dự án luật khác và các báo cáo về kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước, báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 9, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8.
Qua tổng hợp nhanh cho thấy, dư luận cử tri và đại đa số đại biểu Quốc hội cho rằng, mặc dù đại dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế – xã hội nước ta, trong đó có hoạt động của Quốc hội, nhưng với quyết tâm, trách nhiệm cao trước đồng bào, cử tri cả nước, Quốc hội đã chủ động, kịp thời đổi mới, linh hoạt, ứng dụng khoa học công nghệ để thích ứng điều kiện hoàn cảnh thực tế, bảo đảm tiến hành kỳ họp thứ 9 theo đúng quy định.
Video đang HOT
Lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam họp trực tuyến liên tục nhiều ngày, các nội dung đã diễn ra thông suốt, vẫn bảo đảm tiến độ, chất lượng và đạt hiệu quả cao; số lượng đại biểu đăng ký phát biểu tăng lên đáng kể; không khí thảo luận, tranh luận tại nghị trường rất sôi nổi, công khai, dân chủ được dư luận và cử tri đánh giá cao. Đây là kết quả bước đầu rất đáng trân trọng, tạo tiền đề để tiếp tục nghiên cứu, phát huy, hoàn thiện phương thức họp Quốc hội trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, kết quả này cũng một lần nữa khẳng định, trong bất cứ hoàn cảnh nào, Quốc hội cũng luôn nỗ lực, trách nhiệm vì lợi ích của Nhân dân và đất nước.
Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc bố trí kỳ họp thành hai đợt và có khoảng thời gian 1 tuần ở giữa là một kinh nghiệm tốt, đã tạo điều kiện thuận lợi để Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội biểu quyết, thông qua. Các vị đại biểu Quốc hội cũng có thêm thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng tài liệu, tham khảo chuyên sâu ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học và đối tượng chịu sự tác động của các chính sách để chuẩn bị tốt ý kiến tham gia thảo luận, xem xét, quyết định tại đợt 2.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, thời gian của đợt hai chỉ kéo dài trong khoảng 11 ngày, nhưng Quốc hội sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung, trong đó có nhiều chính sách lớn, có ý nghĩa quan trọng nhằm khôi phục sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp vượt qua các khó khăn do đại dịch gây ra để phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội nước ta trong năm 2020 và phát triển trong thời gian tới.
“Tôi tin tưởng rằng, với sự chuẩn bị kỹ càng đó và tiếp nối khí thế tích cực của đợt họp thứ nhất, đợt họp thứ hai này sẽ tiếp tục phát huy không khí dân chủ, trách nhiệm và hiệu quả được lan tỏa mạnh mẽ tại Hội trường Diên Hồng trong những ngày làm việc sắp tới để kỳ họp thứ 9 của chúng ta sẽ thành công tốt đẹp về mọi mặt, tạo nên điểm nhấn quan trọng trong lịch sử hoạt động của Quốc hội”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đã gửi lời cảm ơn đến các cơ quan, tổ chức hữu quan, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và các cơ quan tham mưu, giúp việc đã nỗ lực hết mình để tổ chức thành công đợt 1 của kỳ họp thứ 9. Chủ tịch Quốc hội cũng gửi lời cảm ơn sự đồng hành, quan tâm, theo dõi và chia sẻ của đông đảo cử tri, Nhân dân cả nước; sự tham gia, đưa tin kịp thời, đầy đủ của các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước về các hoạt động của Quốc hội.
Sau phần phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội đã tiến hành xem xét, phê chuẩn các Hiệp định quan trọng giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu, (gồm: Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA)), phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Việc Quốc hội đồng thuận phê chuẩn các Hiệp định này sẽ tạo điều kiện để các Hiệp định sớm đi vào cuộc sống.
Sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để mở khóa toàn bộ tiềm năng của EVFTA
EuroCham cùng với 17 tiểu ban ngành nghề, đại diện cho hơn 1.000 doanh nghiệp thành viên, sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để đảm bảo tất cả các bên có thể mở khóa toàn bộ tiềm năng của EVFTA trong hiện tại và tương lai.
Đây là nhận định của ông Nicolas Audier, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) ngay sau khi Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA)
Sáng 8/6, với sự điều hành của Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội Việt Nam đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Phê chuẩn Hiệp định EVFTA với tỷ lệ tán thành 457/457 đại biểu có mặt, chiếm 94,62% tổng số đại biểu Quốc hội và 100% đại biểu Quốc hội có mặt và tham gia biểu quyết.
Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Hiệp định EVIPA với tỷ lệ tán thành đạt 461/462 đại biểu Quốc hội có mặt và tham gia biểu quyết, chiếm 95,45% tổng số đại biểu Quốc hội.
Chủ tịch EuroCham Nicolas Audier.
Hoan nghênh việc Quốc hội Việt Nam phê chuẩn với tỷ lệ tán thành cao hai hiệp định này, Chủ tịch EuroCham Nicolas Audier cho biết Hiệp định EVFTA sẽ sớm đi vào hiệu lực, trong khi Hiệp định EVIPA sẽ được triển khai sau khi được phê chuẩn bởi từng quốc gia thành viên trong Liên minh châu Âu (EU).
"Sự kiện này cũng đánh dấu một khởi đầu mới trong mối quan hệ giữa Việt Nam và EU. Thỏa thuận lịch sử này tượng trưng cho sự ghi nhận và tin tưởng đối với Việt Nam, khi đây là quốc gia thứ hai trong ASEAN mà Liên minh ký kết Hiệp định Thương mại tự do. EVFTA sẽ mở ra một kỷ nguyên mới với thương mại và đầu tư gia tăng, bắt đầu quá trình loại bỏ gần 99% các dòng thuế và rào cản thương mại trong vòng mười năm tới. Hiệp định này cũng sẽ mở ra thị trường mới cho đầu tư và đổi mới của châu Âu, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững tại Việt Nam", Chủ tịch EuroCham đánh giá.
Ông Nicolas Audier nhận định rằng, trong bối cảnh các cuộc chiến thương mại và đại dịch toàn cầu phá vỡ các hoạt động kinh doanh thông thường ở quy mô chưa từng có, việc thực thi Hiệp định EVFTA trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Thương mại tự do, công bằng và dựa trên nguyên tắc là lộ trình tốt nhất dành cho tăng trưởng kinh tế. Việt Nam sẽ có quyền truy cập vào thị trường tiêu dùng khoảng 500 triệu dân của EU, những người muốn kinh doanh và đầu tư vào một quốc gia an toàn và thịnh vượng ở trung tâm của châu Á.
"EuroCham là một trong những tổ chức ủng hộ mạnh mẽ nhất cho Hiệp định EVFTA ngay từ khi các cuộc đàm phán đầu tiên diễn ra. Thỏa thuận này thể hiện lợi ích đôi bên cùng có lợi ('win - win') thực sự, không chỉ dành cho các doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam; mà còn cho công dân của cả hai phía. Bước tiếp theo là đảm bảo việc triển khai suôn sẻ và hiệu quả Hiệp định này. EuroCham cùng với 17 Tiểu ban Ngành nghề, đại diện cho hơn 1.000 doanh nghiệp thành viên, sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để đảm bảo tất cả các bên có thể mở khóa toàn bộ tiềm năng của EVFTA trong hiện tại và tương lai", Chủ tịch EuroCham nhấn mạnh.
SSI Research: Để cụ thể hóa lợi ích của EVFTA, vẫn phải phụ thuộc vào công suất sản xuất vải của Việt Nam Hơn 60% vải nhập khẩu vào Việt Nam là từ Trung Quốc và Đài Loan, và việc các nhà sản xuất hàng may mặc trong nước chuyển sang nguồn vải của Hàn Quốc là không kinh tế ngay cả khi được hưởng lợi từ mức thuế suất 0% từ EVFTA. Hiệp định EVFTA đang mang lại kỳ vọng mới cho nhóm doanh nghiệp....