Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV dự kiến họp trực tuyến trước khi họp tập trung
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc vừa có văn bản gửi đến các vị đại biểu Quốc hội thông báo về Kỳ họp thứ 9. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến tổ chức Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV theo hình thức họp trực tuyến kết hợp với họp tập trung tại Nhà Quốc hội.
Toàn cảnh Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV. (Trang thông tin Quốc hội)
Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, trong thời gian qua, mặc dù có ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan đã rất cố gắng trong chuẩn bị các nội dung cũng như các điều kiện bảo đảm của Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV. Tuy nhiên, việc chuẩn bị, tổ chức, tiến hành kỳ họp trong điều kiện hiện nay cần được cân nhắc kỹ.
Căn cứ các quy định của pháp luật, tình hình thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến tổ chức Kỳ họp thứ 9 theo hình thức họp trực tuyến kết hợp với họp tập trung tại Nhà Quốc hội.
Kỳ họp dự kiến khai mạc trong khoảng 20 đến 25-5 và chia thành hai đợt.
Đợt 1, họp trực tuyến (dự kiến trong khoảng 5 đến 7 ngày) qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư. Đại biểu Quốc hội ở địa phương nào sẽ tham dự ở điểm cầu tại địa phương đó. Đại biểu công tác tại Hà Nội (dự kiến khoảng 165 người) tham gia tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội và sẽ bố trí khoảng cách ngồi phù hợp, bảo đảm yêu cầu của phòng, chống dịch.
Việc thực hiện họp trực tuyến, vẫn tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành về kỳ họp Quốc hội.
Tổng thư ký Quốc hội cho biết, về thực tiễn, đã có nhiều hội nghị trực tuyến được tổ chức từ trụ sở Nhà Quốc hội đến 63 tỉnh, thành phố. Thực tế cho thấy, chất lượng truyền hình ảnh, âm thanh khá tốt, có thể đáp ứng được yêu cầu phục vụ họp Quốc hội.
Được biết hiện nay, Văn phòng Quốc hội đang khẩn trương phối hợp các cơ quan, tổ chức hữu quan rà soát, tiếp tục nghiên cứu nâng cao chất lượng hệ thống trực tuyến, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin và nâng cấp phần mềm biểu quyết được cài đặt trên thiết bị di động của đại biểu Quốc hội.
Nội dung của đợt 1 là họp trù bị, khai mạc kỳ họp; những nội dung không mật đã được chuẩn bị kỹ lưỡng (như các dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8…); xem xét, quyết định một số vấn đề cấp thiết, như Hiệp định EVFTA hoặc một số chính sách, giải pháp liên quan phòng, chống, khắc phục hậu quả của dịch bệnh…
Video đang HOT
Thời gian phát biểu, tranh luận của đại biểu theo quy định hiện hành. Đại biểu tại 63 điểm cầu ở địa phương đăng ký phát biểu qua đường dây nóng, bảo đảm các cuộc gọi đăng ký được thông suốt, không bị nghẽn mạng, kịp thời chuyển đến chủ tọa điều hành.
Việc biểu quyết thông qua chương trình kỳ họp tại phiên trù bị được thực hiện bằng hệ thống điện tử (qua ứng dụng cài đặt trên thiết bị di động).
Trường hợp có những nội dung cấp thiết cần Quốc hội sớm quyết định có thể áp dụng một trong hai hình thức biểu quyết theo quy định: bằng hệ thống điện tử (qua ứng dụng cài đặt trên thiết bị di động); bỏ phiếu kín (ghi phiếu và gửi về Ủy ban Thường vụ Quốc hội).
Đợt 2, sau khi công bố kết thúc dịch, sẽ mời đại biểu Quốc hội về họp tập trung trong khoảng 7 đến 10 ngày để xem xét các nội dung mật, biểu quyết thông qua luật, nghị quyết; bế mạc kỳ họp,…
Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, tại phiên họp thứ 44 (dự kiến khai mạc ngày 20-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét tổng thể công tác chuẩn bị, tổ chức kỳ họp để quyết định triệu tập kỳ họp và gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 9.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị các đoàn đại biểu Quốc hội và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư phối hợp, có cách thức phù hợp để đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri, vừa bảo đảm yêu cầu công tác phòng, chống dịch bệnh, vừa kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng ý kiến, kiến nghị của cử tri và tình hình thực tế ở địa phương; kiến nghị, đề xuất phương án để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
VĂN CHÚC
Giá nếp tăng cao, nông dân vẫn thấp thỏm lo khó tiêu thụ
Dù lúa nếp đang có giá bán cao nhưng nông dân vẫn thấp thỏm không yên vì lo ngại đầu ra hạn chế nếu hạt nếp không được phép xuất khẩu.
Nhiều nông dân ở Long An trước đây trồng lúa cấp thấp nay đã chuyển sang trồng nếp để xuất khẩu vì giá trị cao. Giá nếp tươi tại ruộng hiện đang ở mức hấp dẫn.
Giá nếp tươi tại ruộng hiện đang ở mức cao. Ảnh Trung Chánh
Ông Huỳnh Văn Sơn (ngụ huyện Thạnh Hóa, Long An) kể, vụ đông xuân năm nay, gia đình ông thu hoạch nếp trên diện tích 1,2ha; đạt năng suất 8 tấn/ha. Với giá bán nếp tươi tại ruộng ở mức 7.000 đồng/kg, thu nhập từ việc trồng nếp của ông Sơn trong vụ này cũng hơn 70 triệu đồng.
Tuy nhiên, sau vụ đông xuân, ông Sơn lo lắng việc sản xuất, tiêu thụ nếp trong vụ hè thu và thu đông tới sẽ không còn thuận lợi như vừa qua. Việc điều hành xuất khẩu lúa gạo của cơ quan chức năng nếu không hợp lý sẽ ảnh hưởng đến giá nếp.
Chỉ mấy ngày sau khi có thông tin phải tạm ngưng xuất khẩu gạo, giá nếp tươi trong vùng đã giảm. "Nếu tiếp tục không xuất khẩu nữa, không biết phải bán nếp cho ai", ông Sơn lo lắng.
Nhiều nông dân trồng nếp ở An Giang cũng đang thấp thỏm không yên. Ông Nguyễn Thành Ba (ngụ huyện Phú Tân) cho biết, gia đình có 6ha nếp trồng từ nhiều năm trước với các giống thường sử dụng như nếp CK92, CK2003, nếp Thái...
Nông dân lo lắng việc sản xuất, tiêu thụ nếp trong các tới sẽ không còn thuận lợi như vừa qua
Vụ Đông Xuân vừa rồi, năng suất ruộng nếp nhà ông đạt hơn 6 tấn/ha. Nhờ liên kết bao tiêu với doanh nghiệp xuất khẩu nên ông Ba không lo về giá bán, cũng như nơi tiêu thụ. Hiện, giá nếp tươi tại ruộng ở An Giang dao động từ 5.900 - 6.000 đồng/kg. Với nếp có thời gian sinh trưởng kéo dài 3,5 tháng sẽ có giá cao hơn, ở mức 6.000 - 6.200 đồng/kg.
Thế nhưng, hơn 10 ngày trước, khi trò chuyện với phía đối tác về việc tiêu thụ nếp, ông Ba biết tình hình xuất khẩu gạo tạm ngưng nên hoạt động của doanh nghiệp gặp khó khăn.
Việc hợp tác bao tiêu sản xuất trong vụ tới chưa biết sẽ triển khai theo hướng nào. Nếu không có doanh nghiệp bao tiêu, nông dân sẽ phải bán cho thương lái nhưng khó đảm bảo đầu ra, giá cả cũng bấp bênh.
Cả vùng trồng nếp nên rất dễ rơi vào tình trạng ùn ứ, không tiêu thụ được. "Trồng lúa có thể để dành ăn hoặc bán trong nước, chứ trồng nếp thì nội địa tiêu thụ không bao nhiêu, nông dân khó bán được giá", ông Ba than thở.
Với tình hình trên, lãnh đạo các tỉnh An Giang, Long An cũng vừa có văn bản kiến nghị gởi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương về việc cho phép xuất khẩu nếp không giới hạn số lượng.
Vụ Đông Xuân 2019 - 2020, Long An có 65.000ha trồng nếp.
Trước đó, trong cuộc họp giữa Bộ Công Thương với các địa phương, cùng 20 doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn hồi cuối tháng 3 vừa qua, Long An và một số tỉnh, thành khác cũng đã kiến nghị cho xuất khẩu nếp. Vì đây là mặt hàng sản xuất nhiều, nhất là tại An Giang, Long An nhưng sản lượng tiêu thụ trong nước không bao tiêu.
Riêng tại Long An, diện tích trồng nếp chiếm khoảng 30 - 32% tổng diện tích xuống giống của tỉnh. Trong vụ đông xuân 2019 - 2020, Long An có 65.000ha trồng nếp.
Trong khi, các hợp đồng đã ký (chưa giao hàng) từ nay đến cuối năm 2020 của các doanh nghiệp ở Long An khoảng 204.570 tấn. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc là hơn 44.300 tấn, chủ yếu là nếp. Tồn kho nếp của các doanh nghiệp hiện cũng gần 56.000 tấn.
Do đó, ông Trần Văn Cần - Chủ tịch UBND tỉnh Long An mới đây tiếp tục đề xuất cho phép xuất khẩu mặt hàng nếp với số lượng không hạn chế nhằm giải quyết tình trạng tồn kho, giúp doanh nghiệp tiếp tục thu mua nếp trong nông dân với giá tốt hơn.
Một số tỉnh, thành kiến nghị cho xuất khẩu nếp
UBND tỉnh An Giang cũng vừa có công văn gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh về tình hình sản xuất lúa gạo trên địa bàn để kiến nghị Chính phủ hỗ trợ tiêu thụ lúa gạo cho nông dân và doanh nghiệp, vừa đảm bảo an sinh xã hội trong điều kiện dịch Covid-19.
Theo đó, tỉnh An Giang kiến nghị Thủ tướng cho phép được ưu tiên xuất khẩu nếp và các loại giống lúa Japonia (hạt tròn). Hiện nông dân An Giang gieo sạ hàng năm hơn 115.000 ha nếp, tương đương 747.500 tấn nếp chưa bóc vỏ và khoảng 10.000 ha lúa hạt tròn với sản lượng 75.000 tấn/năm.
Mục tiêu sản xuất 2 sản phẩm trên chủ yếu để phục vụ xuất khẩu và không dành tiêu thụ trong nước. Hơn nữa, trong những năm qua, nông dân cùng doanh nghiệp tại An Giang đã liên kết, hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ có hiệu quả. An Giang cũng được biết đến là địa phương đầu tiên triển khai các mô hình trồng giống lúa hạt tròn để xuất khẩu sang Nhật Bản từ hơn 10 năm trước.
Ngoài ra, An Giang cũng kiến nghị cho phép thực hiện các hợp đồng xuất khẩu đang có hiệu lực. Trong đó ưu tiên cho xuất khẩu sớm số lượng gạo đã và đang làm thủ tục khai báo hải quan, tồn đọng tại cảng, cùng số lượng gạo đã ký hợp đồng đến hết năm 2020, nhằm giúp doanh nghiệp không bị vi phạm hợp đồng, giảm thiệt hại và giữ ổn định giá lúa trên thị trường.
Nguyễn Vy
Chủ tịch Quốc hội kêu gọi ĐB sát cánh cùng dân chống dịch Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân hôm nay gửi thư đề nghị ĐBQH bằng trí tuệ, tâm huyết và trách nhiệm của mình sát cánh trong cuộc chiến đấu phòng, chống dịch Covid-19. Đầu thư, Chủ tịch QH nhắc lại trong những tháng đầu năm 2020, Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới đang phải căng mình đối mặt với...