Kỳ họp Quốc hội và những điều “đặc biệt” rất được dư luận chú ý
Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV đã kết thúc (bế mạc sáng 15.6) sau 21 ngày làm việc. Dân Việt tổng hợp những vấn đề diễn ra trong kỳ họp được dư luận xã hội quan tâm.
Chủ tịch Quốc hội kêu gọi người bình tĩnh, tin vào quyết định của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là các dự án Luật Quốc hội đang thảo luận (ảnh VNE).
1. Lùi thời gian thông qua dự án Luật về đặc khu
Theo chương trình kỳ họp thứ 5 được Quốc hội thông qua trước phiên khai mạc, dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc sẽ được thông qua tại kỳ họp này. Dự án Luật này đã được kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV cho ý kiến lần đầu, sau đó còn có những hội nghị khác để góp ý cho dự án Luật. Tuy nhiên gần sát thời điểm dự kiến thông qua, do có nhiều ý kiến khác nhau nên Quốc hội đã quyết định lùi thời hạn thông qua dự án Luật từ kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp thứ 6 (cuối năm 2018) để có thời gian tiếp thu tối đa các ý kiến của đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học và Nhân dân.
Ban soạn thảo cũng bỏ quy định về ưu đãi cho thuê đất 99 năm, thay vào đó thời hạn thuê đất sẽ theo quy định của Luật đất đai hiện hành (thời gian thuê dài nhất là 70 năm -PV).
Liên quan đến dự án Luật này, tại một số địa phương xảy ra tình trạng người dân tụ tập đông người. Có những đối tượng quá khích viện cớ phản đối dự án Luật để kích động người dân gây mất trật tự an ninh. Đỉnh điểm là tại Bình Thuận, đám đông đã phá cổng trụ sở UBND tỉnh, đốt phá hủy hoại tài sản của một số cơ quan. Lực lượng chức năng đã phải tăng cường mới giải quyết, ổn định tình hình.
Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng với tỷ lệ tán thành cao (ảnh quochoi.vn).
2. Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng
Ngày 12.6, Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng với tỷ lệ tán thành rất cao (86,86%), chỉ có 15 đại biểu tương đương 3,08% không tán thànhvà 28 đại biểu không biểu quyết chiếm 5,75%.
Đây là đạo Luật cũng có những ý kiến khác nhau trên diễn đàn mạng xã hội. Nhiều ý kiến lo ngại Luật này sẽ ảnh hưởng đến quyền tự do, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, tại buổi họp báo sau kỳ họp Quốc hội, đại diện cơ quan thẩm tra và trên phương tiện thông tin đại chúng, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo Luật đều khẳng định những lo ngại trên là không đúng. Luật ra đời là tạo hành lang pháp lý để bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của người dân, tổ chức, doanh nghiệp khi tham gia hoạt động trên không gian mạng.
Video đang HOT
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trả lời chất vấn trước Quốc hội (ảnh quochoi.vn).
3. Phiên chất vấn đổi mới: Hỏi nhanh -đáp gọn
Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, lần đầu tiên Quốc hội thực hiện hình thức chất vấn mới, hỏi nhanh – đáp gọn (hỏi 1 phút, trả lời 3 phút, mỗi lượt 3 đại biểu hỏi). Xen kẽ phần hỏi đáp là phần các đại biểu giơ biển tranh luận (tranh luận với Bộ trưởng, tranh luận cả với đại biểu đặt câu hỏi) khiến phiên chất vấn đã diễn ra sôi nổi.
Trao đổi với Dân Việt, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, với hình thức mới này sẽ thuận lợi hơn cho cả người chất vấn và người trả lời chất vấn, tránh việc hỏi nhưng không đi thẳng vào vấn đề, đồng thời tránh việc trả lời vòng vo, không đi vào trọng tâm vấn đề. Với cách làm mới, số lượng người được hỏi sẽ tăng thêm rất nhiều so với cách làm trước đây.
Theo Phó Tổng Thư ký Quốc hội Lê Bộ Lĩnh, tại phiên chất vấn đã ghi nhận những con số kỷ lục, có trên 400 đại biểu đăng ký, số đại biểu hỏi được trả lời cũng lớn nhất khoảng 260 đại biểu.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi nêu vụ án bác sĩ Lương ra diễn đàn Quốc hội (ảnh quochoi.vn).
4. Nhiều đại biểu nêu ý kiến về phiên tòa xử bác sĩ Lương
Có thể nói lần đầu tiên trong hoạt động tố tụng một vụ án đang được Tòa xét xử nhận được nhiều ý kiến bày tỏ quan điểm của các đại biểu Quốc hội, đặc biệt những đại biểu liên quan đến ngành Y. Đó là phiên tòa xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương tại Hòa Bình, trong vụ án chạy thận nhân tạo làm 9 người tử vong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Nhiều đại biểu đã bày tỏ quan điểm qua trả lời phỏng vấn bên hành lang Quốc hội theo hướng đề nghị Tòa xem xét cẩn trọng, tránh làm oan cho bác sĩ Lương. Đến phiên Quốc hội thảo luận về kinh tế – xã hội, đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã nêu vụ án này và đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế cần lên tiếng. Ngay sau đó, 3 đại biểu đã tranh luận xung quanh vụ án bác sĩ Lương. Biển tranh luận vẫn tiếp tục giơ lên, tuy nhiên Đoàn Chủ tịch đã cắt nội dung tranh luận này vì phiên tòa đang được xét xử.
Vụ án này sau đó đã được Tòa án Nhân dân thành phố Hòa Bình trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Lần đầu tiên Quốc hội có nghị quyết riêng về kỳ họp (ảnh quochoi.vn).
5. Kỳ họp có thời gian ngắn
Nếu so với các kỳ họp Quốc hội gần đây thì kỳ họp thứ 5 có thời gian ngắn nhất (21 ngày, không tính kỳ họp làm công tác nhân sự như kỳ họp thứ 11 khóa XIII và kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV).
Tại kỳ họp này Quốc hội đã thông qua 7 Luật, cho ý kiến vào 9 dự án Luật. Biểu quyết thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng. Theo Phó Tổng Thư ký Quốc hội Lê Bộ Lĩnh, lần đầu tiên Quốc hội có Nghị quyết riêng về kỳ họp.
Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng tên gọi trạm thu giá BOT là tối nghĩa, Bộ Giao thông Vận tải cần tiếp thu để sửa lại tên gọi cho đúng (ảnh quochoi.vn)
6. Phản ứng việc đổi tên trạm thu phí thành trạm thu giá
Trong kỳ họp Quốc hội, việc Bộ Giao thông Vận tải chuyển tên gọi trạm thu phí BOT thành trạm thu giá BOT, đã có nhiều ý kiến phản đối của các đại biểu Quốc hội, của người dân.
Ngay trước phần bước vào trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải có nhắc lại việc đổi tên trạm thu phí. Ngay lập tức Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có ý kiến. Chủ tịch Quốc hội nói, việc đổi tên trạm thu giá thành trạm thu phí không cần phải trình, cứ trở về tên gọi cũ là được.
Theo Danviet
Hãy thể hiện tình yêu nước một cách sáng suốt và có trách nhiệm
Mỗi cử tri, mỗi người dân hãy thể hiện tình yêu nước một cách sáng suốt, tích cực và phù hợp với quy định của pháp luật trước mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch.
Trong nhiều ngày qua, dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc không chỉ được thảo luận kỹ lưỡng tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV, mà còn là tâm điểm trên các kênh truyền thông.
Các nội dung được đặc biệt quan tâm đó là thời hạn cho thuê đất trong một số trường hợp đặc biệt có thể lên tới 99 năm; và vấn đề bảo vệ chủ quyền Tổ quốc khi các đặc khu này đều nằm ở vị trí trọng yếu về quốc phòng an ninh.
Tại nghị trường, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận hết sức kỹ lưỡng, với tinh thần trách nhiệm rất cao, đề cập nhiều nội dung quan trọng của Dự án Luật, từ công tác cán bộ, cơ chế chính sách, môi trường kinh doanh, thời hạn cho thuê đất tại các đặc khu... và cách làm để thu hút đầu tư, tạo cực tăng trưởng mạnh mẽ, vừa bảo đảm kinh tế đất nước phát triển bền vững, vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, hài hòa lợi ích nhà nước-doanh nghiệp-người dân.
Bên hành lang Quốc hội, đại diện cơ quan xây dựng, trình dự án Luật, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trả lời phỏng vấn báo chí, giải đáp nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm liên quan đến ba đặc khu.
Do còn nhiều ý kiến khác nhau, chiều 7/6 Quốc hội đã tổ chức cuộc họp tiếp thu các ý kiến, chỉnh lý lại Dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.
Cuộc họp do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì, với sự tham gia của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Thường trực Ủy ban Pháp luật, đại diện các Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ban, ngành có liên quan.
Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học, nhà kinh tế, chuyên gia, cử tri và nhân dân cả nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thận trọng, cân nhắc nhiều mặt và thống nhất với Chính phủ chỉnh lý Dự án Luật theo hướng không quy định trường hợp đặc biệt thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu có thể được kéo dài lên tới 99 năm.
Đồng thời, để tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội cho phép xem xét, biểu quyết về Dự án Luật này tại kỳ họp sau.
Chính phủ cũng đã chính thức thông báo về việc trình Quốc hội xem xét, cho lùi thời hạn thông qua Dự án Luật này để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện nhằm bảo đảm dự án Luật khi trình Quốc hội thông qua đáp ứng được các yêu cầu, nguyện vọng của các vị đại biểu Quốc hội và cử tri và cũng là mục tiêu của Chính phủ đề ra là vừa xây dựng thành công ba đặc khu, vừa giữ vững an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia.
Riêng về vấn đề thời hạn cho thuê đất, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho áp dụng như các quy định của Luật Đất đai, không quy định trường hợp đặc biệt kéo dài đến 99 năm.
Những sự điều chỉnh mang tính cầu thị này cho thấy Quốc hội, Chính phủ luôn luôn lắng nghe, tôn trọng ý kiến, nguyện vọng chính đáng của đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước.
Cử tri và đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sự đồng tình với quyết định vừa qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ. Các ý kiến cho rằng đây cũng là sự thận trọng cần thiết trước khi ban hành một chính sách mới và quan trọng, không chỉ liên quan đến kinh tế-xã hội mà còn tác động đến cả quốc phòng và an ninh.
Nhưng thật đáng tiếc, trong những ngày qua, một số đối tượng cơ hội chính trị đã lợi dụng tình cảm của nhân dân, phát tán những lời kêu gọi dưới vỏ bọc "tình yêu Tổ quốc" trên mạng xã hội để kích động, lôi kéo người dân xuống đường, tụ tập đông người, hô hoán, thậm chí manh động tấn công lực lượng chức năng thực thi công vụ... gây mất trật tự an ninh nơi công cộng, tạo nên một hình ảnh Việt Nam "bất ổn" - đi ngược lại với nỗ lực của Nhà nước và nhân dân đang quyết tâm thực hiện nhằm xây dựng một đất nước hòa bình, ổn định, dân chủ và văn minh.
Đây không phải lần đầu những chiêu trò này được những kẻ cơ hội chính trị thực hiện nhằm chống phá Nhà nước, lật đổ chế độ.
Thời gian qua, nhiều âm mưu đen tối của bọn chúng đã được lực lượng chức năng "lật mặt nạ" và những kẻ phá hoại, gây rối đã phải cúi đầu nhận tội, chịu sự trừng phạt của pháp luật.
Mỗi cử tri, mỗi người dân hãy thể hiện tình yêu nước một cách sáng suốt, tích cực và phù hợp với quy định của pháp luật nhằm góp phần tạo dựng cuộc sống hạnh phúc, hòa bình, thịnh vượng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trước mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch.
Theo PV (TTXVN)
"Chúng ta đang làm Luật Đặc khu với tư duy con nhà nghèo" TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng chúng ta đang làm Luật Đặc khu với một tư duy khá nông dân, con nhà nghèo nên mới sa đà vào các tiểu tiết. Nếu chúng ta tạo ra được một môi trường kinh doanh, thể chế tốt thì phượng hoàng sẽ về, mang theo trứng và tự nó xây tổ cho mình, tự nhiên chúng...