Kỳ diệu người mẹ ung thư sinh 2 con khỏe mạnh
Người phụ nữ quyết từ chối điều trị ung thư để sinh 2 con khỏe mạnh không chỉ là sự hy sinh bản thân mình mà còn khẳng định trình độ của các thầy thuốc.
Khó khăn khi quyết giữ thai nhi
Chị H là một trong số nhiều người bệnh ung thư được Chương trình GIPAP (Glivec International Patient Assistance Program) đồng hành và tài trợ 100% thuốc Glivec 100mg. Tháng 2/2020, chương trình này kết thúc, khi đó ngoài việc được BHYT hỗ trợ thì người bệnh sẽ phải trả phí còn lại. Hy vọng, sẽ có các mạnh thường quân cùng chung tay chia sẻ khó khăn để nhiều người bệnh ung thư được tiếp tục quá trình điều trị của mình.
Năm 2013, chị Nguyễn Thị Thu H (33 tuổi, ở thị trấn Nho Quan, Ninh Bình) hạnh phúc khi cưới được người chồng cùng quê. Nhưng chưa đầy 4 tháng sau ngày cưới, hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ gặp thử thách khi chị phát hiện bị ung thư.
Chị H kể, tháng 5/2013, thấy cơ thể mệt mỏi, chán ăn, đau tức vùng bụng nên chị đi khám tại Hà Nội thì phát hiện GIST ruột non. Mọi người 2 bên gia đình đã động viên rất nhiều để chị có tâm lý tốt nhất cho ca phẫu thuật cắt đoạn hỗng tràng, u mạc treo, mạc nối lớn tại Bệnh viện Việt Đức. Chị đã suy sụp rất nhiều khi kết quả chẩn đoán mô bệnh học sau phẫu thuật là ung thư mô đệm đường tiêu hóa với tổn thương ngoài dạ dày, kích thước 6cm, đa ổ. Sau mổ 1 tháng (tháng 6/2013), chị H vào Bệnh viện K để tiếp tục điều trị.
Là bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân H, TS. Đỗ Anh Tú, Trưởng khoa Nội 3 cho biết, theo dự kiến, bệnh nhân (BN) này sẽ điều trị trong 36 tháng. Tuy nhiên, khi đang điều trị được 15 tháng thì BN mang thai. Điều đáng nói, những ngày cuối tháng 11/2014, khi đang ở tháng 4 của thai kỳ thì chị bị chẩn đoán GIST ruột non tái phát, theo dõi di căn gan.
TS.BS Đỗ Anh Tú thăm khám và tư vấn cho bệnh nhân H.
“Trong quá trình điều trị cho bệnh nhân H tái phát di căn, điều tôi ấn tượng nhất là nghị lực và sự quyết tâm giữ con mà không màng sự sống của chị. Khi tôi động viên: Em cần cân nhắc rất kỹ cùng gia đình để đưa ra quyết định, nhưng BN đã xin tạm dừng điều trị để giữ con”, bác sĩ Anh Tú chia sẻ.
Với quyết tâm giữ đứa con đầu lòng của chị H, các bác sĩ Bệnh viện K quyết định tạm dừng quá trình điều trị cho mẹ, phối hợp cùng các bác sĩ chuyên khoa phụ sản để theo dõi chặt chẽ sức khỏe của hai mẹ con với mục đích vừa đảm bảo an toàn tính mạng cho người mẹ, vừa kéo dài tuổi thai kỳ.
Video đang HOT
Tháng 5/2015 (vừa đủ 38 tuần), bé gái khỏe mạnh nặng 3.200gr chào đời trong niềm vui vỡ òa của tất cả các bác sĩ BV Phụ sản TƯ và Bệnh viện K.
Trong quá trình nuôi con, chị H được các bác sĩ khám và kiểm tra định kỳ. Đến ngày 25/11/2015, BN không có triệu chứng lâm sàng bất thường, nhưng khi khám định kỳ, kết quả cho thấy gan xuất hiện các ổ tổn thương di căn. Ngay lập tức, BN được hội chẩn và điều trị tiếp, các xét nghiệm cho thấy các tổn thương di căn tan hết. Kết quả xét nghiệm siêu âm ổ bụng ngày 12/9/2018 là hình ảnh siêu âm ổ bụng không thấy khối bất thường. BN tiếp tục được theo dõi sát sao và dùng thuốc hằng ngày.
Trong quá trình điều trị, chị H lại có thai lần 2 và rất mong muốn được tiếp tục giữ thai. Do bệnh ở giai đoạn di căn, việc giữ thai sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của người mẹ nên các bác sĩ đã tư vấn rất kỹ cho BN và gia đình. “Con đến với mình là món quà trời ban tặng. Tôi tin là may mắn sẽ mỉm cười với gia đình mình một lần nữa”, chị H nhớ lại khi quyết định giữ thai lần 2.
Hạnh phúc của các thầy thuốc
Lại một thử thách với các bác sĩ Bệnh viện K khi quyết định ngừng điều trị lần thứ 2 cho bệnh nhân H trong điều kiện chị H được theo dõi sát sao song song về bệnh lý ung thư và sức khỏe thai nhi.
Tháng 5/2019 tại BV Phụ sản Hà Nội, khi bé gái thứ 2 của chị H đủ tháng khỏe mạnh, nặng 3.300gr cất tiếng khóc chào đời khiến người mẹ và các bác sĩ điều trị cho chị cũng vui mừng bật khóc. Những giọt nước mắt của hạnh phúc sau bao ngày hồi hộp, thấp thỏm âu lo vì hai mẹ con chị H. Lúc này chị H chỉ biết nói “không nghĩ mình lại may mắn đến thế”.
Bác sĩ Tú cho biết, sau khi sinh con hơn 1 tháng, BN tiếp tục quay lại Bệnh viện K điều trị đến nay, đánh giá thể trạng BN tốt, không ho, không khó thở, không đau bụng, không có hạch ngoại vi, các xét nghiệm nằm trong giới hạn bình thường. TS. Tú chia sẻ: “Với người thầy thuốc như chúng tôi, người bệnh khỏe lại là món quà quý giá nhất, không hạnh phúc nào sánh bằng”.
Dù phía trước còn rất dài và không ít gian nan, nhưng hình ảnh hai con gái lớn lên khỏe mạnh, ấm áp trong tình yêu thương của mọi người sẽ là nguồn động viên lớn nhất giúp chị H vượt qua, chiến thắng bệnh tật để trở về chăm sóc những đứa con mà chị nguyện đánh đổi, hy sinh bản thân mình…
Câu chuyện của mẹ con bệnh nhân H hy vọng sẽ trở thành động lực để nhiều người bệnh ung thư, đặc biệt là chị em phụ nữ mạnh mẽ và lạc quan hơn, vượt qua mọi thử thách đớn đau để hướng đến một ngày mai tươi sáng./.
Theo VOV
Xoa dịu nỗi đau cho bệnh nhân ung thư
Nhiều lần hẹn, tôi mới gặp được ThS-bác sĩ CKII.Lê Đức Nhân, Trưởng khoa Ung bướu Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, bởi ông luôn bận rộn với các ca phẫu thuật, hội chẩn chuyên môn để đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân ung thư.
Bác sĩ Lê Đức Nhân (giữa) thực hiện phẫu thuật cho một bệnh nhân bị ung thư vú. Ảnh: H.Dung
Tiếp xúc với bác sĩ Nhân, người đối diện nhận thấy ở ông sự nhiệt huyết và cái tâm luôn hướng về người bệnh.
* Gầy dựng chuyên khoa ung bướu tại Đồng Nai
Sau khi tốt nghiệp Trường đại học y dược TP.Hồ Chí Minh, năm 1998, bác sĩ trẻ Lê Đức Nhân về công tác tại Khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Thời điểm này, Đồng Nai chưa có bệnh viện nào có thể điều trị bệnh ung thư. Người dân trong tỉnh khi bị bệnh đều phải chuyển lên Bệnh viện ung bướu TP.Hồ Chí Minh để điều trị, tốn nhiều chi phí, khó khăn trong việc đi lại, thăm nuôi người bệnh.
Trước thực tế này, năm 2003, bác sĩ Lê Đức Nhân đăng ký đi học cao học chuyên ngành ung bướu để gầy dựng ngành ung bướu tại Đồng Nai. Đến năm 2007, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai thành lập Khoa Ung bướu. Bác sĩ Nhân được tin tưởng giao nhiệm vụ trưởng khoa.
Với sự ủng hộ của Ban giám đốc bệnh viện và quyết tâm xây dựng Khoa Ung bướu lớn mạnh, trở thành địa chỉ đáng tin cậy của bệnh nhân ung thư trong tỉnh, tập thể y, bác sĩ trong khoa đã không ngừng cố gắng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Sau 13 năm hoạt động, từ 15 giường bệnh với 3 bác sĩ, đến nay Khoa Ung bướu đã có hơn 60 giường bệnh với 8 bác sĩ, đạt được những bước tiến dài trong điều trị ung thư. Từ việc mới chỉ phẫu thuật được một số bệnh lý như ung thư tuyến giáp, mặt, cổ các bác sĩ trong khoa đã phẫu thuật được hầu hết các bệnh lý ung thư vú, hóa trị phổi, dạ dày. đại tràng...
Những kỹ thuật khó trong điều trị ung thư mà Bệnh viện đa khoa Đồng Nai thực hiện đã được các bệnh viện tuyến trên ghi nhận. Nhiều trường hợp bệnh nhân ở Đồng Nai khi điều trị ung thư tại Bệnh viện ung bướu TP.Hồ Chí Minh hay Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TP.Hồ Chí Minh) đã được bác sĩ ở đây giới thiệu về Khoa Ung bướu Bệnh viện đa khoa Đồng Nai để được điều trị, chăm sóc.
Bà Nguyễn Thị Sen (ngụ xã Phú Túc, huyện Định Quán) đang chăm sóc chồng bị ung thư phổi tại Khoa Ung bướu Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho biết, được các bác sĩ ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch giới thiệu, bà đã đưa chồng về điều trị tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Hơn 3 năm qua, bác sĩ Nhân và các bác sĩ, điều dưỡng trong khoa luôn tận tình chăm sóc, điều trị cho chồng bà. Bất kể khi nào chồng bà thấy khó chịu đều được bác sĩ thăm khám kịp thời, dặn dò chu đáo. Gia đình bà rất an tâm và tin tưởng các bác sĩ trong khoa.
* Không được bằng lòng với chính mình
Bác sĩ Lê Đức Nhân cho biết, ung bướu là một chuyên khoa sâu, đòi hỏi bác sĩ trẻ hoặc sinh viên mới ra trường phải thực sự đam mê tìm tòi về các bệnh lý ung thư, các phương pháp điều trị ung thư tiên tiến trên thế giới. Bản thân bác sĩ Nhân cũng thường xuyên cập nhật kiến thức chuyên ngành mới. Hằng tuần, ông trực tiếp sinh hoạt, truyền đạt kiến thức, hướng dẫn những kỹ thuật điều trị mới cho các bác sĩ trẻ trong khoa để các bác sĩ cùng thuần thục nhiều kỹ thuật điều trị.
Theo bác sĩ Nhân, ngoài kiến thức chuyên môn, thái độ, cách ứng xử của y, bác sĩ đối với bệnh nhân ung thư cũng vô cùng quan trọng, bởi một bệnh nhân khi biết mình bị ung thư đã rất hoang mang, buồn chán, lo sợ. Bác sĩ điều trị phải hiểu được tâm lý bệnh nhân để ân cần giải thích, trấn an tinh thần, xoa dịu nỗi đau tinh thần cho họ, tạo sự tin tưởng, giúp bệnh nhân bình tĩnh, tránh stress thái quá, ảnh hưởng đến sức khỏe và quá trình điều trị.
Trước thực trạng nhiều bệnh nhân bị ung thư vú nhưng lo sợ không đến các bệnh viện để thăm khám, điều trị mà nghe theo lời thầy lang đắp lá thuốc gây lở loét, bệnh nặng, bác sĩ Nhân đang ấp ủ dự định thành lập một câu lạc bộ dành cho những bệnh nhân bị ung thư vú. Mục đích để tạo điều kiện cho những bệnh nhân từng bị ung thư vú, đã được điều trị khỏi và đang điều trị có tiến triển tốt chia sẻ kinh nghiệm điều trị, chăm sóc sức khỏe cho những bệnh nhân mới mắc bệnh. Qua đó, giúp bệnh nhân bị ung thư vú có niềm tin và hợp tác tốt với bác sĩ trong quá trình điều trị.
Bác sĩ Ngô Đức Tuấn, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai tin tưởng bác sĩ Nhân và đồng nghiệp sẽ đưa Khoa Ung bướu phát triển hơn nữa trong tương lai, góp phần xây dựng thương hiệu của bệnh viện, trở thành địa chỉ đáng tin cậy của bệnh nhân trong và ngoài tỉnh.
Khi được hỏi điều gì khiến bản thân cảm thấy hạnh phúc nhất trong 13 năm điều trị ung thư, bác sĩ Nhân bộc bạch, đó là sự đồng lòng, đoàn kết gắn bó của tập thể y, bác sĩ trong khoa, là sự ghi nhận, tin tưởng của bệnh nhân và đồng nghiệp, của các bác sĩ bệnh viện tuyến trên.
"Trong thời gian tới, khoa sẽ thực hiện thêm một số kỹ thuật hỗ trợ, điều trị nâng đỡ cho bệnh nhân như: đặt cấy buồng tiêm thuốc, đốt nhân giáp, nuôi ăn đường tĩnh mạch..." - bác sĩ Nhân cho biết.
Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ nhấn mạnh: "Sự ra đời và phát triển của Khoa Ung bướu tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đã mở ra một "trang mới" cho điều trị ung bướu, ung thư tại Đồng Nai. Riêng bác sĩ Lê Đức Nhân là người được đào tạo bài bản về ung bướu, có tay nghề giỏi, có nhiều sáng kiến trong phẫu thuật cho bệnh nhân ung bướu, ung thư, đặc biệt là bướu giáp".
Hạnh Dung
Theo baodongnai
Bác sĩ Ngô Đức Hùng: Tuyên truyền thực dưỡng chữa ung thư là tội ác Mới đây, trào lưu thực dưỡng trong điều trị ung thư lại nở rộ trên mạng xã hội. Những người tự nhận là chuyên gia thực dưỡng cho rằng cách ăn số 7 sẽ chữa được bách bệnh. Hình ảnh chia sẻ về thực dưỡng. Thông tin bẩn hoành hành Hiện nay, không ít người coi thực dưỡng là cách chữa bệnh không...