Kỳ công nuôi “đàn ngậm miệng nhả ngọc” , trai làng 9X thu tiền tỷ
Với biệt tài cấy ngọc vào “đàn trai” nuôi dưới sông, 9X- Nguyễn Đình Tùng (SN 1992), thôn Dạo Lưới, xã Đông Hưng, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang sẽ thu về gần 5 tỷ đồng ở vụ đầu tiên này.
Một góc nuôi trai của chàng trai 9x Nguyễn Đình Tùng. Ảnh: Nguyễn Hoàn.
Tình cờ bén duyên với nghề độc, lạ
Năm 2015, trong chuyến thăm bạn ở tỉnh Ninh Bình, Nguyễn Đình Tùng tình cờ biết đến mô hình nuôi trai lấy ngọc. Nhận thấy tiềm năng nghề mới mẻ, độc đáo Tùng quyết định học hỏi. Sau 1 năm ở lại trang trại nuôi trai của bạn để học, tích lũy kinh nghiệm, tháng 6.2016, Tùng trở về quê quyết tâm khởi nghiệp.
Được sự ủng hộ của gia đình, Tùng gom được gần 1 tỷ đồng làm vốn. Anh thả nuôi 10.000 “con ngậm miệng” trên diện tích 5 sào nước mặt. Anh Tùng chia sẻ, nghề nuôi trai lấy ngọc là cả một quá trình. Sau khi bắt trai từ sông thì cần phải “thuần hóa” bằng cách đổ ra suối “dưỡng” giúp trai ổn định. “Khi đem trai về thí điểm, vừa làm vừa thử nghiệm ở các sông, hồ khác nhau, với độ nông sâu khác nhau. Mục đích để xem trai thích nghi tốt ở môi trường nào, độ sâu nào thì sẽ cấy trai số lượng lớn ở vị trí đó”.
Anh Tùng bên một con trai lớn đã “cấy” ngọc. Ảnh: Nguyễn Hoàn.
Tiết lộ với PV Nhà nông/Danviet, ông chủ trẻ cho hay, một lứa trai kéo dài 2 năm, sau khi chọn giống thả trai vào ao, suối để thuần trong 10-20 ngày. Sau đó, đưa vào bể dưỡng 24-48h để trai nhả bùn. Kế tiếp thực hiện công đoạn cấy ngọc vào trai. Sau khi cấy ngọc chuyển trai sang bể dưỡng (không có bùn, đất) trong 15-20 ngày để trai lành vết thương. Lúc này, cho từng con trai vào mỗi túi lưới khác nhau, treo lên giàn ngầm chìm xuống bể nuôi. Túi trai ngâm sâu trong nước từ 50-100cm, xong công đoạn này là chăm sóc và chờ ngày thu hoạch.
Anh Tùng kiểm tra trai trong bể nhả bùn trước khi “cấy” ngọc. Ảnh: Nguyễn Hoàn.
Theo anh Tùng, nguồn nước để nuôi trai cũng rất nghiêm ngặt, nhiệt độ phải luôn duy trì từ 20-30 độ. “Nếu nhiệt độ nước quá cao hoặc thấp quá sẽ khiến cho trai chết, gây thiệt hại cho người nuôi. Khi mới bắt đầu, phải xem nguồn nước có bị phèn chua không, không ở gần các khu công nghiệp dễ bị ô nhiễm nguồn nước. Đặc biệt, một năm cần phải thay ít nhất lần nước để đảm bảo tỷ lệ trai sinh trưởng tốt” – anh cho biết.
Video đang HOT
“Thức ăn chính của trai là tảo. Trong bể tôi nuôi kết hợp cá chép với số lượng vừa phải. Cá chép sẽ có nhiệm vụ khoắng nước dưới bể giúp tảo bám vào thành túi, cung cấp thức ăn cho trai”, anh Tùng nói tiếp.
Sẽ thu hoạch gần 5 tỷ đồng
Chia sẻ về phương pháp cấy ngọc vào trai anh Tùng cho hay, cấy ngọc phải trải qua 2 công đoạn cắt tế bào và cấy ghép. Các công đoạn này đòi hỏi người thợ sự kiên nhẫn, tỷ mỉ, chính xác đến từng milimet.
Một lứa trai “cấy” ngọc kéo dài 2 năm. Ảnh: Nguyễn Hoàn.
Cũng theo anh Tùng, thời gian nuôi thả trai cấy ngọc vào khoảng 2 năm, trung bình 1 con trai cấy 2 viên ngọc. Tỷ lệ cấy thành công 60%. Kỹ thuật cấy ghép cần thực hiện rất cẩn thận tránh trai bị nhiễm trùng, đảm bảo tỷ lệ trai ngậm nhân cao.
Anh Tùng thực hiện cấy”ngọc vào trai. Ảnh: Nguyễn Hoàn.
Nguyễn Đình Tùng thổ lộ với PV Nhà nông/Danviet rằng, ngọc trai kích cỡ nhỏ hơn 5 mm sẽ có giá từ 300 – 500 nghìn đồng/ viên. Những hạt từ 6mm – 9mm giá dạo động từ 600 – 800 nghìn đồng/ viên. Được biết, chưa đầy 1 năm nữa anh Tùng sẽ thu hoạch lứa trai đầu tiên. Với tỷ lệ cấy ngọc trai thành công 6.000 con trai sinh trưởng tốt, dự tính anh Tùng sẽ thu được 12.000 viên ngọc-tương đương sẽ thu được gần 5 tỷ đồng.
Những viên ngọc trai- thành phẩm của chàng trai trẻ Nguyễn Đình Tùng (ảnh nhân vật tự cung cấp). Ảnh: Nguyễn Hoàn.
Hiện tại, danh tiếng trại nuôi ngọc trai lấy ngọc của anh Tùng vang tới tận Nhật Bản, Hồng Kông. Một số doanh nghiệp các nước này đã đặt hàng số lượng lớn ngọc trai của trại anh Tùng. Anh Tùng phấn khởi nói: “Tôi sẽ phát triển trong nước nhiều hơn bởi nhu cầu sử dụng sản phẩm ngọc trai thuần khiết của người Việt là rất lớn. Trong tương lai, tôi sẽ mở rộng quy mô sản xuất để tăng hiệu quả kinh tế”.
Trao đổi với PV Nhà nông/ Dân Viêt, Ông Phạm Hải Dương – Chủ tịch UBND xã Đông Hưng nói: “Mô hình nuôi trai nước ngọt đem lại hiệu quả kinh tế cao. Kết quả thí điểm lần này rất khả quan. Trong tương lai, UBND xã Đông Hưng sẽ tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ, tạo điều kiện cho anh Tùng có thể nhân rộng ra các đập, hồ với diện tích lớn hơn để nuôi trai”.
Theo Danviet
Đi tìm "sâm tiên" tương truyền dùng chữa sáng mắt mẹ vua Tự Đức
Tương truyền, loại sâm này từng được dùng chữa bệnh lòa mắt cho mẹ vua Tự Đức (Hoàng Thái Hậu Từ Dũ). Đã có thời gian loài "tiên dược" bị khai thác gần như tuyệt diệt. Có một lão nông đã âm thầm bảo tồn loài "sâm tiên" trên núi Dành, xã Việt Lập (Tân Yên, Bắc Giang).
Truyền thuyết "tiên dược"...
Nhân vật đặc biệt chúng tôi đề cập là lão nông Thân Hải Đăng, hiện là trưởng thôn Đầm Sen, xã Việt Lập. Tiếp chuyện PV Nhà nông/ Dân Việt ông kể, đây là loài sâm quý, được dân gian ví như "tiên dược". "Loài sâm quý có ở quê hương tôi từ xa xưa, thời các cụ truyền lại rằng, từ thời vua Tự Đức, mẹ vua Tự Đức bị loà mắt, thương mẹ, nhà vua đã tìm mọi thảo dược quý hiếm cũng như các bậc lang y tài giỏi lúc bấy giờ cứu chữa song bệnh ngày càng nặng.Mọi lang y kỳ tài, những phương thuốc hay đều đã dùng cả nhưng vô hiệu.
Ông Thân Văn Đăng với gốc cây Sâm "đại thụ" quý hiếm. Ảnh: Nguyễn Hoàn.
Vào lúc nhà vua vô vọng, một vị quan dâng lên một loài sâm quý tại vùng núi Dành (nay thuộc xã Việt Lập, huyện Tân Yên). Chẳng ngờ, sâm quý như thuốc tiên đã giúp đôi mắt thân mẫu nhà vua là Hoàng Thái Hậu Từ Dũ (Từ Dụ) sáng lại. Từ đó, sâm núi Dành được ví như kì thảo, "tiên dược", trở thành sản vật tiến vua hàng năm", ông nói.
Cây sâm con sau khi được ông nhân giống thành công. Ảnh: Nguyễn Hoàn.
Tâm huyết bảo tồn loài kì thảo
Được coi như "tiên dược" nên "sâm tiên" bị săn lùng ráo riết, có thời gian loài kì thảo bị khai thác đến suy kiệt. Hơn 50 năm trước, gia đình ông Đăng may mắn phát hiện loài sâm quý và bảo tồn cho đến nay...
Bới một gốc sâm quý để phóng viên mục sở thị. Ảnh: Nguyễn Hoàn.
Ông hồ hởi nhớ lại:"Cây sâm do bố tôi truyền lại, chuyện là từ thời Pháp thuộc, gia đình tôi nghèo, nhà lúc đó không còn gạo mà ăn. Lúc đó, bà và mẹ tôi đưa nhau lên núi tìm sâm bán đổi lấy lương thực. Cả ngày vất vả mới đào được 2 củ sâm tuy nhiên, khi đem đi bán có 1 củ bé quá nên họ không mua. Sau đó, mẹ tôi bị ốm nặng, thuốc uống không giảm. Bố tôi cắt một phần củ sâm nhỏ hôm trước đem sắc cho mẹ tôi uống, bệnh tình giảm dần. Thấy thuốc quý, ông đem phần còn lại của củ sâm ươm trồng lưu lại đến nay".
Dẫn PV tham quan khu vườn trồng sâm, ông lão chỉ vào bụi sâm cuối vườn cho biết tuổi sâm hơn 40 năm. Ông Đăng bảo, sâm núi Dành leo bò như khoai lang, sinh trưởng chậm. Củ ở những cây sâm 2 năm tuổi chỉ to bằng ngón tay út người trưởng thành. Ngoài 5 năm tuổi, sâm mới cho củ chất lượng sử dụng được.
Tương truyền sâm núi Dành từng được dùng làm vị thuốc chữa khỏi bệnh lòa mắt cho thân mẫu vua Tự Đức. Ảnh: Nguyễn Hoàn.
Ông Đăng từng tìm thấy củ sâm lớn bằng nắm tay. Vui mừng, ông đem cắt lát ngâm rượu.Rót chén rượu sâm núi Dành, ông lão nói, sâm núi Dành có vị ngọt nhẹ, nước ngâm rượu trong, uống vào đem lại cảm giác thanh mát, không nồng như các loại rượu khác. Đặc biệt, rượu sâm núi Dành rất bổ dưỡng, cải thiện sức khỏe.
Hàng chục năm giữ gìn, bảo tồn loài sâm quý ông Đăng tâm sự, thời gian đầu nhân giống sâm rất khó khăn. Tích lũy kinh nghiệm, dần dà ông đúc kết bí quyết nhân giống không tốn công sức, hiệu quả cao: "Tôi lấy đất bọc vào nhánh cây sâm, sau một thời gian khi nhánh cây mọc rễ thì chỉ việc bứt ra đem xuống gieo trồng bình thường. Cứ như vậy, sẽ có những cây sâm con", ông nói.Hiện nay, gia đình ông Đăng dành 4 sào để trồng "sâm tiên".
Những ngày nắng nóng này, lão nông sử dụng những cành lá vải che phủ cho những gốc sâm con, đảm bảo cây sinh trưởng ổn định. Ngoài "sâm tiên", ông Đăng còn trồng một số loài sâm khác."Nhiều người mua giống về trồng nhưng chất lượng củ sâm không được như tại nhà tôi. Một phần do kỹ thuật chăm sóc, hơn hết khác biệt do thổ nhưỡng không phù hợp như tại núi Dành. Nơi loài sâm quý phát tích", chủ vườn cho biết.
Bình rượu sâm tiên vàng óng, vị thanh mát. Ảnh: Nguyễn Hoàn.
Qua tìm hiểu, hiện, ông Đăng bán "sâm tiên" với giá 1,5 triệu đồng/ kg (loại củ to), 300 nghìn đồng/kg (loại nhỏ) nhưng cung không đáp ứng đủ cầu. Thời gian này, lão nông chú trọng mở rộng quy mô vườn, nâng cao sản lượng giống sâm quý.
Ông Hoàng Văn Hạ, Phó Chủ tịch UBND xã Việt Lập cho biết, giống sâm gia đình ông Đăng bảo tồn là một loại sâm Nam. Hiện nay: "Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường tỉnh và Viện di truyền ở Hà Nội đang nghiên cứu về giống sâm này. Khi có kết quả, xã sẽ có phương án nhân giống sâm này", ông nói. Còn ông Thân Hải Đăng rất phấn khởi, ông kỳ vọng vào giống cây quý thế hệ trước truyền lại
Theo Danviet
Kinh hoàng nước nổi váng, tanh hôi "giết" lúa cạnh khu công nghiệp Nguyên nhân hơn 10ha lúa lụi tàn cạnh KCN Quang Châu, thôn Quang Biểu (xã Quang Châu, huyện Việt Yên) đến nay vẫn chưa có kết luận. Tuy nhiên, sau khi người dân thu hoạch lúa chết lụi về làm thức ăn cho vật nuôi, nước trên cánh đồng bỗng váng đỏ, từng tảng bọt vơi mau đo loang lổ bốc mùi tanh...