Kỳ bí chuyện săn voi trắng qua lời kể của một gru cuối cùng
Ông Y Khiă (buôn Tunr, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) là gru cuối cùng có cấp bậc lớn ở xứ sở voi. Bây giờ, ông là thầy cúng voi, vào những dịp lễ hội trong tỉnh, ông luôn được mời để cúng sức khỏe cho voi và cho chủ voi.
Cuộc đi săn kỳ bí
Trong ngôi nhà dài giữa buôn Tunr, xã Ea Wer (huyện Buôn Đôn), đôi mắt buồn miên man của ông Y Khiă, hay còn gọi là Ma Đer chợt bừng sáng khi chúng tôi nói muốn nghe chuyện đi săn voi rừng. Ký ức ngày trước ùa về khiến ông trở thành người độc thoại của cuộc trò chuyện:
Khoảng 14 tuổi, ông đã mình trần đóng khố theo các gru đi bắt voi con. Cuộc đời đi săn của ông đã bắt được 36 con voi, trong đó có một con voi trắng. Ông được phong là gru Tuhey (Gru 100). Cấp bậc lớn trong các gru, hiện tại, ông là gru lớn cuối cùng ở vương quốc voi này.
Già Y Khiă (ngồi bên phải) kể về hành trình săn voi của mình. Ảnh: Mộc Miên.
Ông kể: Ngày ấy, ông cưỡi trên con voi dũng mãnh, thông minh có tên là Gurny lao vào rừng sâu, bắt những chú voi con về thuần dưỡng. Trong chuyến đi săn vào một ngày mùa khô năm đó, cũng như thường lệ, ông thực hiện các lễ cúng đầy đủ.
Một tuần rong ruổi trong rừng sâu, khi xác định được vị trí ẩn cư và quy trình sinh học của bầy voi, tất cả người trong đội mai phục, ông nhìn thấy trong đàn voi ấy có một con voi màu trắng và xác định phải bắt bằng được.
Loài voi trắng rất lanh lẹ, khó bắt và thuần phục, tuy nhiên, Gurny là chú voi săn rất giỏi nên việc bắt bạch tượng không gặp khó khăn. Lặng người một lúc, giọng ông chợt nghẹn lại: Đó là chuyến đi săn cuối cùng của Gurny. Khi bắt bạch tượng về, khoảng 3 tháng sau, Gurny đã qua đời, lúc này, Gurny mới 30 tuổi.
Theo ông Y Khiă, trong suốt hành trình đi săn, đội săn phải liên tiếp thực hiện các lễ cúng, nấu cơm, múc nước, ăn, ngủ, nghỉ… đều phải cúng. Trong đội săn bao giờ cũng có thứ bậc. Thứ bậc được phong theo chiến tích là số lượng voi mà người đó bắt được.
Việc phong bậc được tiến hành bằng một lễ cúng có sự chứng kiến của những người có vị thế trong buôn làng. Thợ phụ chỉ được đóng khố, ở trần, không được ăn cá màu trắng, khi tự mình bắt được 5 con voi rừng sẽ được mặc quần áo, che mưa, ăn cá màu trắng.
Video đang HOT
Bắt được từ 20 con thì được phong bậc gru (dũng sĩ săn voi). Gru là bậc cao nhất trong nghề săn voi, lúc này, người đó có thể tự dẫn quân đi săn voi rừng và toàn quyền trong chuyến đi săn đó. Những gru muốn đạt đến đẳng cấp thượng thặng phải săn được bạch tượng (một con bạch tượng gần bằng 100 con voi đen).
Sau khi săn được 30 con voi đen, bạch tượng là con thứ 31 ông Y Khiă bắt được. Sau khi voi săn Gurny mất, ông mua một con voi săn khác tên là Tok về thuần dưỡng, săn thêm 5 con voi đen. Lúc này, việc săn voi bị Nhà nước cấm nên đồng bào nơi đây đã bỏ nghề.
Tiếng vọng từ đại ngàn
Buổi chiều ở huyện vùng biên không còn nắng gắt bầu trời dịu nhẹ với một màu xanh thẳm, khuôn mặt già Y Khiă bừng lên niềm kiêu hãnh khi kể về chuyện xưa lẫn chuyện nay. Xưa kia, nơi đây rừng ngút ngàn, nước cuồn cuộn tuôn chảy, voi đua nhau tắm ở bến Tha Luống.
Bến Tha Luống, theo tiếng Lào nghĩa là bến vua. Khi xưa, bến này là nơi dừng chân của vua Bảo Đại mỗi lần đi săn tại Bản Đôn, vua Bảo Đại thường đến đây ngồi thư giãn, câu cá và tắm cho voi tại bến này. Từ đó, vào các mùa lễ hội dù lớn hay nhỏ, địa phương đều tổ chức lễ cúng sức khỏe, tắm cho voi tại nơi này.
Bây giờ, không gian tự nhiên dành cho voi ngày càng bị thu hẹp. Voi không còn cảm hứng để “yêu”, để sinh sản. Voi là loại khá kín đáo trong chuyện phòng the. Nếu không có một sinh cảnh thích hợp và đức lang quân vừa ý thì chuyện ấy khó xảy ra.
Những con voi bắt được hương tình của nhau nhưng đành bất lực bởi những sợi dây xích oan nghiệt. Có lẽ, đó là câu trả lời tại sao trong ngần ấy năm, chưa có một bé voi ra đời trong điều kiện nuôi nhốt.
Gìa Y Khiă chuẩn bị cúng sức khỏe cho voi và chủ voi. Ảnh: Mộc Miên
Trong câu chuyện cùng Phó Chủ tịch UBND xã Ea Wer Y Du Knul, được biết, trước đây, người M’nông nuôi voi phải kiêng kỵ nhiều điều. Voi rất kỵ chuyện tình cảm nam nữ. Những gia đình nuôi voi càng tôn trọng điều này. Ở trong buôn, nếu người con gái có thai mà chưa được cưới hỏi thì người già nhìn vào voi sẽ thấy biểu hiện voi đang bình thường tự nhiên buồn, bỏ vào rừng, nước mắt chảy.
Những gia đình nuôi voi sẽ biết có chuyện trái đạo lý, họ sẽ tổ chức cúng cho voi, người vi phạm phải đến từng nhà có voi để xin lỗi, xuống bến nước tắm rửa tội. Nhưng đó là chuyện ngày xưa, bây giờ ở xã này không còn voi nữa.
Chúng tôi ra về khi ánh hoàng hôn phủ dần lên buôn làng, từ sâu thẳm ánh mắt của người dân tộc bản địa tràn ngập sự lo âu. Trong tĩnh lặng ấy, chúng tôi nghe được cả tiếng trở mình của những già làng tâm huyết với voi.
Theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh hiện có 45 con voi nhà và khoảng 80 – 100 cá thể voi rừng. Trong những năm qua, nhiều voi nhà, voi rừng chết với nhiều nguyên nhân khác nhau. Từ năm 2012 đến nay, có 10 con voi nhà chết; từ năm 2009 đến nay, có 25 con voi rừng chết.
Theo Mộc Miên (Báo Biên phòng)
Bảo tồn văn hóa nhưng lại "bức tử" voi (?)
Mặc dù đều đã lớn tuổi, nhưng những con voi hiếm hoi còn sót lại ở Đăk Lăk vẫn phải oằn lưng trong những hoạt động hết sức nặng nhọc.
Liệu vài năm tới, Đăk Lăk có còn voi để tham gia các hoạt động được gọi với cái tên mỹ miều là "bảo tồn văn hóa dân tộc"?
Bảo tồn hay bức tử?
Mặc dù được Tổ chức Động vật Châu Á (AAF) có văn bản đề nghị bỏ các hoạt động có tính đối kháng mạnh với voi, nhưng cuối cùng UBND tỉnh Đăk Lăk vẫn đưa vào "Hội voi Buôn Đôn" (một hoạt động trong Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 vừa qua) với các nội dung như: Voi đá bóng, voi chạy 100m, voi vượt sông...
Nhiều du khách không hài lòng khi thấy nài voi dùng gậy sắt để "hành hạ" voi. Ảnh: Duy Hậu
Tại đây, 15 con voi có tuổi đời từ 35 - 40 được chọn ra để tham gia lễ hội. Theo Ban tổ chức, Hội voi nhằm tăng cường hơn nữa khối đại đoàn kết các dân tộc anh em trên địa bàn huyện Buôn Đôn; nâng cao ý thức, tinh thần tự hào về truyền thống văn hóa các dân tộc. Đây cũng là dịp tôn vinh những chú voi nhà, biểu tượng cho sức mạnh đoàn kết cộng đồng, đồng thời, là biểu tượng văn hóa của huyện Buôn Đôn. Và đây cũng là một hoạt động được xem là nhằm thúc đẩy du lịch ở địa phương.
Tại lễ hội này, xuất phát từ văn bản đề nghị của Tổ chức động vật châu Á, lãnh đạo tỉnh đã đề nghị các nài voi không được dùng các công cụ như móc sắt, búa gỗ để đánh đập, làm tổn thương voi và không bắt voi tham gia các hoạt động quá sức. Tuy nhiên, trên thực tế, muốn voi tuyệt đối tuân theo sự điều khiển của mình, các nài voi buộc phải dùng "biện pháp mạnh". Anh Y Thế (xã Krông Na) - một nài voi tham gia hội voi cho biết, tiếng cồng chiêng, tiếng hàng trăm người hô hào sẽ làm voi mất bình tĩnh. Mặc dù đã được thuần dưỡng, nhưng nếu voi bị kích động thì cũng sẽ gây ra hậu quả hết sức khó lường. Thế nên, để đảm bảo an toàn cho du khách, anh buộc phải dùng gậy sắt và búa để điều khiển voi.
Lễ hội đã qua, nhưng hình ảnh những chú voi bị "bạo hành" vẫn khiến không ít du khách cảm thấy xót xa.
"Có nhiều cách để thu hút khách du lịch chứ không nhất thiết phải lạm dụng voi làm trò tiêu khiển. Tôi thấy trong các cuộc thi vì cố gắng đạt giải mà các nài voi dùng búa gỗ, dùng gậy sắt đánh voi là không được. Voi nước ta đang có nguy cơ tuyệt chủng. Chúng ta đang kêu gọi người dân chung tay bảo vệ động vật. Thế nhưng các hoạt động tại lễ hội này lại đi ngược lại" - anh Hoàng Quốc - du khách từ TP.HCM chia sẻ.
Chị Thu Hồng - nữ du khách khác cùng đoàn bức xúc: "Việc hành hạ voi bằng cách dùng gậy sắt đâm vào người là đi ngược với chủ trương bảo tồn loài động vật này. Tôi muốn nhìn những con voi thảnh thơi dạo chơi và thực hiện các hoạt động tự nhiên hơn là bị con người gò ép theo ý của mình. Có thể việc đó khiến nhiều người thích thú nhưng liệu chúng ta có nên mua vui bằng những hành động bạo lực với voi như vậy?".
Theo ông Vũ Văn Đông - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đăk Lăk, sau khi có văn bản kiến nghị của AAF, UBND tỉnh Đăk Lăk đã tổ chức nhiều cuộc họp (cả những cuộc họp với dân) mới đi đến thống nhất trong việc tổ chức Hội voi Buôn Đôn. Ông Đông cho biết, để đảm bảo sức khỏe cho voi, các hoạt động mang tính đối kháng mạnh đã được cắt giảm bớt thời gian. Những con voi tham gia cũng được lựa chọn và được cho nghỉ dưỡng một thời gian.
Đàn voi giảm 90% sau 30 năm
Có nhiều cách để thu hút khách du lịch chứ không nhất thiết phải lạm dụng voi làm trò tiêu khiển. Tôi thấy trong các cuộc thi vì cố gắng đạt giải mà các nài voi dùng búa gỗ, dùng gậy sắt đánh voi là không được...". anh hoàng quốc - du khách từ TP.hcm
Chỉ trong vòng 30 năm qua, đàn voi ở Đăk Lăk đã giảm đến hơn 90%, từ hơn 500 con còn 45 con (26 con cái và 19 con đực). Trong số voi còn lại này có 17 con hết khả năng sinh sản, 25 con có độ tuổi từ 30-45 và chỉ có 4 con dưới 30 tuổi. Số voi cái nằm trong độ tuổi sinh sản chỉ còn 8 con. Hiện ngoài 17 con voi của các công ty và tổ chức, số còn lại là của người dân và chủ yếu vẫn phục vụ cho du lịch (chở khách). Chúng thường bị xiềng xích để phục vụ con người, không được tự do trong môi trường tự nhiên. Đây cũng là một trong những lý do khiến hơn 30 năm nay, không có một "chú voi con" nào ra đời.
Mới đây, Tổ chức Động vật châu Á đã hỗ trợ 65.000USD trong thời gian 5 năm cho Vườn Quốc gia Yok Đôn (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk) chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện cùng voi. Số tiền trên được sử dụng vào việc xây dựng khu chăn thả, trồng thêm cây thức ăn cho voi, trả kinh phí chăm sóc voi...
Với mô hình mới này, du khách sẽ được đứng từ xa theo dõi các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của voi như: Ăn, tắm, ngủ, chạy nhảy... Đánh giá của Trung tâm bảo tồn voi Đăk Lăk, qua hơn 8 tháng áp dụng mô hình, những con voi ở Vườn quốc gia Yok Đôn đã khỏe mạnh và sung mãn hơn nhiều so với trước. Chúng không bị ốm vặt và mập mạp hơn những con voi phục vụ chở khách ở các khu du lịch.
Ông Huỳnh Trung Luân - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đăk Lăk cho biết, đơn vị đang tiếp tục kêu gọi Tổ chức Động vật châu Á và các tổ chức, cá nhân hỗ trợ tài chính để nhân rộng mô hình này.
Tuy nhiên, mô hình này còn mới so với Việt Nam, do đó hiệu quả trong kinh doanh du lịch chưa được đáp ứng so với hoạt động cũ. Trong khi đó, phần lớn chủ sở hữu voi là hộ gia đình, cơ sở tư nhân, mà Nhà nước vẫn chưa có kinh phí để hỗ trợ để chuyển đổi sang hoạt động này. Chính vì vậy, muốn voi nhà được "tự do" vẫn còn cần rất nhiều thời gian và sự quan tâm của các cơ quan liên quan.
Theo Danviet
Đàn voi rừng hung dữ kéo về quật bật gốc 100 cây xoài, 50 cây dừa Theo một số người dân, chỉ trong vòng 4 ngày, từ 29-3 đến 1-4, voi rừng lại tiếp tục xuất hiện tại khu vực ấp 5, xã Thanh Sơn (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) và phá nát nhiều vườn trái cây, gây thiệt hại lớn. Theo thống kê ban đầu, có 6 hộ dân bị voi phá hoại khoảng 5 tạ xoài,...