Kỳ bí câu chuyện về ‘Thần nước’ ở Nghệ An
Ocirc;ng Hoàng xác định mạch nước ngầm chỉ mất từ 5 đến 7 phút với dụng cụ rất thô sơ đó là hai thanh sắt hình chữ L dài khoảng gần 50cm.
Về xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An hỏi nhà ông Trần Huy Hoàng ai cũng biết vì hàng chục năm nay mỗi khi trời khô hạn, nguồn nước khan hiếm thì bà con trong làng và nhiều nơi khác lại tìm đến ông Hoàng mong ông giúp tìm ra mạch nước để sinh hoạt hàng ngày và phục vụ sản xuất.
Việc tìm ra mạch nước chính xác còn giúp người dân giảm bớt chi phí, tốn công sức và thời gian thay vì phải nhiều lần đào hay khoan giếng. Chính bởi cái biệt tài không phải ai cũng làm được này mà người dân gọi ông Hoàng với cái tên đầy kính phục là “ Thần nước”.
Không như các nhà khoa học phải dựa vào bản đồ, phải xác định địa tầng với thời gian khá lâu mới tìm thấy mạch nước. Ông Hoàng xác định mạch nước ngầm chỉ mất từ 5 đến 7 phút với dụng cụ rất thô sơ đó là hai thanh sắt hình chữ L dài khoảng gần 50cm. Cứ đến nơi cần tìm mạch nước ông chỉ cầm thả lỏng phần đầu ngắn thanh sắt có hình chứ L đó trên đôi bàn tay mình, phần dài của thanh sắt cứ treo lủng lẳng thẳng đứng xuống mặt đất và hai thanh sắt ấy cứ dần chuyển động theo hướng có mạch nước. Việc của ông Hoàng bây giờ chỉ là điều chỉnh người và đi theo đúng hướng mà hai thanh sắt di chuyển, cứ đi như thế đến nơi có mạch nước thì hai thanh sắt lại đứng yên không di chuyển nữa, nơi đó chính là nơi có mạch nước ngầm đang chảy.
“Thần nước” Trần Huy Hoàng biểu diễn biệt tài của mình. Ảnh: ANTĐ
Nhìn cái cách ông làm thì rất đơn giản tưởng chừng ai cũng làm được, không ít người đã thử cầm với hai thanh sắt ấy của ông nhưng hai thanh sắt chỉ đứng yên chứ không di chuyển như trên đôi tay của ông Hoàng. Theo ông Hoàng, để có được khả năng này ông cũng phải luyện tập rất nhiều lần, khi cầm hai thanh sắt trên tay, hơi thở phải nhẹ và đều, có khi là không thở, tinh thần phải tập trung cao độ.
Ông Hoàng cho biết, ông làm quen với việc tìm mạch nước khá sớm, từ năm lên 14 tuổi ông đã theo bố mình đi tìm nguồn nước sinh hoạt cho gia đình cách nhà ông không xa khi nước giếng và nước sông hồ đã cạn kiệt. Lúc ấy bố ông và nhiều người khác chỉ dùng 10 đồng tiền xu xâu vào một sợi dây, buộc sợi dây vào cổ tay còn để đồng xu rà trên mặt đất, người phải đi chân đất, nếu có nguồn nước thì đồng xu sẽ kéo về hướng đó. Với cách này gia đình ông cũng tìm ra nguồn nước nhưng phải mất thời gian rất lâu, có khi đến mấy tháng liền.
Video đang HOT
Một thời gian dài nguồn nước dồi dào không thiếu nước nên ông cũng không phải dùng đến cách đó để tìm nước nữa. Đến năm 1995 cả làng gặp đại hạn, nguồn nước khan hiếm, dựa trên việc rà đồng xu tìm nước mà bố ông làm ngày trước ông bắt đầu tự nghĩ và làm quen với cách tìm nước mới bằng hai thanh sắt.
Mới đầu ông chỉ mong tìm nguồn nước sinh hoạt cho gia đình, sau đó ông cũng giúp đỡ bà con làng xóm xung quanh, tiếng lành đồn xa cái biệt tài của ông được người dân ở nhiều vùng biết đến. Mỗi khi có người tới nhờ thì ông lại hăng hái lên đường đi giúp các gia đình, các cơ quan hay các tập thể thường cho đưa xe tới tận nhà đón ông đi. Đến nay, ở cái tuổi 76, ông không nhớ nổi mình đã giúp bao nhiều hộ gia đình, bao nhiêu cơ quan tìm ra mạch nước nữa, không chỉ ở địa phương hay các tỉnh lân cận mà ngay cả Hà Giang, Hòa Bình, Bình Thuận, Đồng Nai, Khánh Hòa, Lâm Đồng… ông cũng đã đặt chân đến.
Đi đến đâu ông cũng được bà con nể phục bởi biệt tài của mình, ông đã từng lên tận cao nguyên Đồng Văn, tỉnh Hà Giang theo lời mời của lãnh đạo một khu công nghiệp khai thác thiếc để tìm nguồn nước phục vụ công nhân. Ông nhớ, trên đó nguồn nước khan hiếm lắm, công nhân cả khu công nghiệp thường lấy bạt trải giữa đất để hứng tận dụng nước mưa để dùng qua ngày, ngay khi ông lên tới nơi nhiều mạch nước ngầm đã được tìm thấy, người ta bắt đầu khoan giếng và công nhân khu công nghiệp thoát cảnh thiếu nước sinh hoạt.
Hay năm 2012 ông còn được thủ trưởng cả đơn vị bộ đội X9 51 lúc đó là ông Đỗ Như Thủy mời lên Hòa Bình tìm nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho bộ đội, chiến sỹ. Trước đó đơn vị này cũng đã nhờ đến khoan địa chất, chụp ảnh vệ tinh để xác định nguồn nước để đào giếng nhưng vẫn không có kết quả. Không ngại đường sá xa xôi lên tới nơi ông đã giúp đơn vị bộ đội tìm được 3 mạch nước phục vụ sinh hoạt cho toàn đơn vị.
Gần đây nhất vào tháng 3/2013 ông đã có chuyến đi vào tận Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận tại đây ông cũng đã giúp hàng chục hộ gia đình tìm ra nhiều mạch nước ngầm đề đào giếng phục vụ cho việc tưới hàng ngàn ha cây thanh long vốn trồng để xuất khẩu ra nước ngoài đã gần đến mùa thu hoạch mà lại thiếu nước để tưới do trời nắng nóng kéo dài.
Ông Hoàng cho biết, cách đây mấy năm trước có hai nhà khoa học ở Hà Nội về tận nhà gặp để tìm hiểu khả năng đặc biệt của ông. Khi được tận mắt chứng kiến thấy ông tìm nước giúp dân họ tỏ ra rất ngạc nhiên về cách làm đơn giản của ông nhưng rồi họ cũng chưa đưa ra lời giải thích nào về khả năng này của ông Hoàng. Còn theo ông Hoàng, không tự nhận mình là một người có khả năng khác thường hơn người khác mà ông luôn cho rằng mình có được khả năng này là do luyện tập và đúc rút kinh nghiệm của thế hệ trước mà nên.
Ông Hoàng cũng giải thích, mạch nước ngầm chảy dưới lòng đất, chưa qua khí trời nên có thể hút thanh sắt về theo hướng có mạch nước ngầm còn với nước ở ao hồ sông suối thì ông cũng làm tương tự nhưng thanh sắt vẫn không di chuyển. Suốt bao nhiêu năm giúp dân tìm mạch nước trăn trở lớn nhất của ông là không thể xác định được độ nông sâu khi đào để chạm mạch nước ngầm dưới lòng đất.
Không chỉ giúp dân tìm mạch nước mà ông còn giúp nhiều hộ gia đình xác định nguồn nước đang dùng có phải nước sạch chảy tự nhiên dưới lòng đất hay không. Theo ông, có nhiều hộ gia đình đã đào nhiều giếng không trúng mạch nước ngầm nhưng vẫn có nước quanh năm, nếu không có mạch nước ngầm chảy dưới lòng đất mà giếng vẫn có nước thì đó là nước rỉ ra từ xung quanh và thường là nước bẩn, nước thải của các nhà máy lân cận.
Theo VTC
Theo chân "thần nước" bói mạch nước ngầm
Sáng nào cũng thế, phải có đủ một can nước sạch 20 lít thì các ông bố, bà mẹ mới dám đưa con đến trường. Bởi, không có nước thì lấy gì để cô giáo nấu ăn, tắm rửa, vệ sinh cho con mình trong ngày.
Một can nước mỗi ngày, tưởng là chuyện không có gì phải bàn, nhưng với người dân xã Văn Lợi, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An - nơi mà 3 tháng rồi không bói ra một giọt mưa - là cả một vấn đề!
Nợ tiền - được; nợ nước - không!
Tôi đến Trường Mầm non Văn Lợi vào lúc chiều muộn. Thế mà, ở trường vẫn chưa hết giờ đón trẻ. Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Minh giải thích, có những cháu, nhà cách trường những 6km, đường rất khó đi. Rồi có những gia đình chiều qua đi làm về muộn, sáng nay phải đi vay nước cho con, vì thế giờ đón trẻ phải dãn ra để thuận lợi cho phụ huynh.
Nếu chỉ nghe nói thôi hẳn nhiều người sẽ không tin rằng, cứ mỗi buổi sáng, bố mẹ đưa con đến trường thì phải kèm theo một can nước sạch 20 lít. Đó là toàn bộ nguồn nước sinh hoạt cho một cháu bé trong một ngày. Ngày nào cũng như ngày nào, con đến trường là mẹ phải nộp nước.
Sáng hôm sau, tôi tận mắt chứng kiến cảnh nộp nước cho con đến trường mà lòng rưng rưng. Bà mẹ nào cũng phía trước xe chở con, phía sau đèo theo một can nước và một bó củi nho nhỏ, tất tả lao về phía trường mầm non. Một bà mẹ đưa con đến muộn. Chị vừa đạp mạnh cái chân chống xe máy xuống đường, vừa vội vã bế thốc con trai ra khỏi xe.
Đứa bé gặp bạn cười rõ tươi rồi chạy một mạch vào lớp. Đằng sau, mẹ nó xiêu vẹo xách can nước vào tận bếp ăn của nhà trường. Vừa đi, chị vừa giơ tay vẫy con, "ngoan nha, chiều mẹ đón sớm"! Trút hết nước vào bể, chị ta lại tất tả ra về, vừa đi vừa chạy. Cô Minh bảo "bà con đang vào vụ làm cỏ mía nên bận túi bụi, tất tả rứa đó".
Mỗi ngày, phụ huynh phải nộp một can 20 lít nước cho con đến trường.
Nhưng tôi cũng "bắt cóc" được một số phụ huynh để hỏi về "việc nước". Mặt ai cũng nhăn nhó, mắt thì không rời chiếc can nhựa trên tay. Chị Phan Thị Ngà ở xóm Thắng Lợi bỗng nhiên bật khóc khi nói đến quãng đường gian nan để đưa con đến trường. Nhà chị Ngà ở xa trường lắm, những 6km. Đường sá thì mùa nào cũng được nhuộm màu đỏ, bùn đỏ mùa mưa, bụi đỏ mùa khô. Nhà có bể chứa nước mưa nhưng cũng chẳng ăn thua, hết mưa là cũng hết nước.
Tháng trước có con chuột chết trong bể, cả nhà bàn mãi cuối cùng quyết định vứt chuột chứ không súc bể. Bởi súc bể thì lấy nước đâu mà dùng? Chồng chị đi đón mãi mới mua được một xe nước, quý hơn vàng. Người ở thị trấn dùng xe công nông, trải bạt lên, bơm vào được đâu hơn một khối nước, thế mà giá bán những 500.000 đồng. Mà ai biết được nước có sạch hay không, thôi thì nhắm mắt mà dùng vậy.
Rồi chị rơm rớm kể về chuyện bị ngã văng cả con lẫn nước: "Hai lần rồi anh ạ. Từ nhà em đến trường vừa xa vừa khó đi. Hai mẹ con với một can nước, qua mấy cái ổ gà khiếp quá, xe em bị trượt ngã, con bé văng ra xa, thâm tím mặt mũi, can nước bị vỡ. Mẹ con ôm nhau khóc, định chở con về, không học hành gì nữa, nhưng về thì ai trông, rồi tương lai của con. Nghĩ thế nên em lại về lấy can nước khác để đưa con đến trường...".
Anh Trương Văn Lĩnh - ở xóm Tây Lợi - còn nhiều "chiến tích" hơn chị Ngà, đã vỡ đến 3 chiếc can, may là con nhỏ không hề hấn gì. Anh nói, giọng rất khó nhọc: "Có một ít nước mưa phải để dành cho con đi học, còn cả nhà thì dùng nước khác. Bữa nào không mua được nước thì phải đi hơn chục cây số, vào tận mỏ đá lấy nước mỏ về dùng. Không biết nước có sạch không...".
Cô Minh kể cho tôi nghe thêm mấy trường hợp tai nạn nữa, có chị bị sái tay, thương lắm. Giọng cô nghèn nghẹn: "Nhà trường cũng đành chịu, có cách gì khác đâu, không có nước thì các cháu không được vệ sinh sạch sẽ. Trường có 270 cháu và ba điểm trường cơ mà, mùa hè lại càng cần thêm nhiều nước. Hiếm nước nên chúng tôi phải sử dụng nước rất chi ly. Khi trẻ rửa tay, cô giáo phải có mặt để hướng dẫn và giám sát vòi nước. Mỗi ngày dọn nhà vệ sinh 3 lần, mỗi lần không được giội quá 3 xô nước... Nhà trường có thể cho phụ huynh nợ tiền ăn cho trẻ, nhưng nước thì xin phụ huynh là không thể nợ...".
Một ngày "bói" nước
Đích thân ông Bùi Thanh An - Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp - dẫn chúng tôi về xã Văn Lợi để tìm nguồn nước. Ông An mới được luân chuyển về huyện này công tác chưa đầy 9 tháng. Trong rất nhiều việc mà vị chủ tịch trẻ tuổi muốn thực hiện ở Quỳ Hợp thì tìm nguồn nước sinh hoạt cho bà con của 3 xã Văn Lợi, Đồng Hợp và Minh Hợp là điều ông trăn trở nhiều nhất. Nhưng bằng cách nào, khi mà cả xã không có lấy một con khe, ngọn suối? Ai có thể giúp dân tìm được mạch nước ngầm? Thế rồi trời run rủi cho ông đã gặp được "thần nước" Lý Văn Ký ở Gio Linh, Quảng Trị.
"Tôi mừng vô cùng. Tôi có duyên gặp được ông. Thế là bà con 3 xã ở Quỳ Hợp có cơ hội có nước sinh hoạt" - Chủ tịch An mừng rỡ nói về việc gặp được "thần nước". Ông cho biết, có khoảng 15 xóm của 3 xã và một số trường học thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Nếu tìm được nguồn nước, huyện sẽ trích ngân sách, lập tức khoan ngay 17 giếng nước cứu khát cho dân trước đã.
Cô giáo phải giám sát vòi nước mỗi khi trẻ rửa tay.
Sau vài lời giới thiệu ngắn gọn của ông chủ tịch huyện, "thần nước" bắt tay ngay vào công việc. Địa điểm tìm nguồn nước đầu tiên là Trường THCS Văn Lợi. Ông Ký cầm hai que sắt màu trắng, dài chừng 50cm mà tôi gọi là đôi "đũa thần", rồi bước những bước thật nhanh. Nét mặt ông rất căng thẳng, nhưng xem ra những người xung quanh còn căng thẳng hơn.
Bà Nguyễn Thị Nhung - Chủ tịch xã Văn Lợi - gần như không chớp mắt, và không rời ông Ký nửa bước. Vừa đi bà vừa lẩm nhẩm như niệm thần chú vậy: "Lạy trời cho có nước...". Bất chợt ông Ký dừng chân, đám đông nín thở. Đoạn ông dùng mũi giày ngoáy xuống đất để làm dấu, rồi lại tiến, lại lùi thêm mấy lượt nữa, đôi "đũa thần" rung rung, đám đông tự khắc hô vang: "Có nước!". Mặt ai cũng thật tươi.
Lúc này tôi mới nghe được tiếng bà Nhung, rành rọt: "Trước đây, xã được dự án 134 xây dựng một đường ống dẫn nước tự chảy dài 6km. Nay ống nằm trơ ra đó vì nước đầu nguồn đã bị cạn kiệt. Bốn xóm coi như không có lấy một giọt, hết nước mưa thì phải đi mua. Còn các xóm khác phải dùng nước từ ruộng, biết là bẩn nhưng có còn hơn không".
Ông Tô Văn Toàn - Trưởng xóm Thắng Lợi - mừng ra mặt khi được là xóm đầu tiên đón "thần nước" về làng. Ông nói, làng ông được thành lập từ những năm 1980, và chuyện thiếu nước cũng bắt đầu từ ngày đó. Thiếu nhất là từ tháng 11 cho đến tháng 4 năm sau. "Không ít nhà vì thiếu nước đã bỏ làng đi rồi, nếu tiếp tục hạn hán như thế này thì còn nhiều nhà nữa cũng sẽ đi luôn" - ông Toàn buồn bã nói. Ông cho biết, đã có không ít gia đình chấp nhận bỏ ra hàng chục triệu đồng để khoan giếng nhưng rồi tiền thì mất mà nước chẳng lên. Nhà ông Trương Văn Hợp khoan đến 3 lần, nhưng cả 3 lần đều trồi lên toàn... đá.
"Thần nước" Lý Văn Ký tìm nguồn nước ở Văn Lợi.
Ông Ký dừng chân ngay vị trí trung tâm của làng. Mọi thao tác của "thần nước" được lặp lại. Vẫn đôi mắt căng thẳng, vẫn những bước chân thật nhanh. Và mọi người lại nín thở. Khi mũi giày của ông ngoáy sâu vào mặt đất cũng là lúc ông Toàn reo lên: "Có nước rồi, làng ơi!". Từng tràng pháo tay vang lên không dứt... "Thần nước" nở một nụ cười rất tươi, chậm rãi nói với mọi người: "Không phải thần thánh, ma quỷ chi mô, tui làm theo nguyên lý đo dòng điện âm, xác định từ trường trái đất đó mà. Chỗ mô có nước thì điện trở sẽ khác, rứa là biết thôi". Người ta tin ông, và càng tin hơn khi ông cho biết, chỉ chừng nào giếng có nước ông mới lấy tiền công. Bằng không, một xu cũng không nhận.
Một ngày "quần" ở Văn Lợi, "thần nước" đã tìm ra 5 mạch nước ngầm. Ai cũng vui và ai cũng trông, ít ngày nữa thôi, dòng nước mát từ lòng đất sẽ được ông Ký "gọi" lên để ăn đời ở kiếp với bà con Văn Lợi. Tôi cũng rất mong, sẽ không còn nữa những hình ảnh con trước, nước sau mỗi buổi sáng mai ở Trường Mầm non Văn Lợi. Sẽ không còn nữa những chị Ngà, anh Lĩnh... bị té ngã, văng cả con, vỡ cả can.
"Thần nước"
"Thần nước" Lý Văn Ký năm nay 65 tuổi, ở xã Gio Quang, huyện Gio Linh, Quảng Trị. Trước, ông làm nghề cơ khí, chuyên sản xuất nông cụ phục vụ nông nghiệp. Vào năm 1998, một đợt hạn nặng diễn ra ở ngay làng Trúc Lâm quê ông, bà con đã mất rất nhiều tiền thuê người khoan giếng nhưng chẳng có kết quả. Ông Ký quyết định lần tìm nguồn nước, chế tạo mũi khoan để "gọi" nước lên cứu khát dân làng.
Tiếng lành đồn xa, ở đâu thiếu nước người ta lại tìm đến ông. Biệt danh "thần nước" ra đời từ đó. Với những sáng chế và phát hiện đặc biệt, năm 2003, ông được Bộ Khoa học và Công nghệ tặng bằng khen...
Theo 24h
CSGT bắt quả tang kẻ trộm logo ô tô Khoảng 16h chiều qua 7-3, tổ công tác của Đội CSGT số 4, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt CATP Hà Nội trong khi làm nhiệm vụ tuần tra đảm bảo ATGT trên tuyến đường Đại Cồ Việt đoạn đối diện với số nhà 45 đã phát hiện 1 nam thanh niên đang dùng chiếc bút điện cậy logo được gắn tại...