Kỳ án oan trong lịch sử tố tụng – Kỳ 1: Còn một “ông Chấn” ở Bình Thuận?
Sáng 21/11, hai người đàn ông từ phương nam đã có mặt ở Hà Nội để kêu oan cho tù nhân Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) bị kết án chung thân về tội giết người.
Người cha già 89 tuổi vượt hơn 2.000km để kêu oan cho con
Người tù không nhận được lời xin lỗi
6 năm trước – ngày 20/1/2006, Cơ quan Tố tụng tỉnh Bình Thuận đã tổ chức xin lỗi đại gia đình gồm 3 thế hệ (9 người), bị kết án oan trong vụ án “vườn điều”. Người thứ 9 trong gia đình đã không nhận được lời xin lỗi, đó chính là Huỳnh Văn Nén, đang thụ án chung thân vì tội giết người trong vụ án khác.
Chúng tôi xin ngược lại vụ án đã xảy ra 20 năm trước, mà đại gia đình đã bị các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận đẩy vào vòng lao lý, oan ức hơn cả ông Chấn “Bắc Giang”.
Tháng 5/1993, thi thể bà Dương Thị Mỹ được phát hiện tại vườn điều nhà ông Hai Hoàng (thôn 2, thị trấn Tân Minh, Thuận Hải). Ròng rã suốt 5 năm, Công an tỉnh Bình Thuận đã không tìm ra thủ phạm giết người.
Đêm 23/4/1998, bà Lê Thị Bông cũng ở thôn 2 (Tân Minh) bị giết. Gần một tháng sau, ngày 17/5, Huỳnh Văn Nén bị bắt, tình nghi là thủ phạm giết bà Bông.
Chứng cứ để buộc tội Huỳnh Văn Nén chỉ là lời nhận tội của Huỳnh Văn Nén, không có một bằng chứng nào khác, khẳng định Nén đã giết người, cướp của (chiếc nhẫn một chỉ vàng 24K đeo trên tay bà Bông).
Tại hiện trường, con gái nạn nhân thấy một con dao nằm phía trong hàng rào, giữa nhà bà Bông và chùa Thạch Long, một con dao nằm phía ngoài hàng rào. Khi công an khám nghiệm hiện trường thì con dao nằm ngoài hàng rào đã bị mất.
Chiếc nhẫn một chỉ vàng đã bị Huỳnh Văn Nén làm mất. Tuy nhiên, nơi bà Bông bị giết, hiên nhà có dấu chân phải, kích thước 23 x9cm, gót rộng 4,5cm. Trên ghế salông có tới 3 dấu chân, có kích thước 22 x8,5cm, gót rộng 4cm, đoạn dây dù siết cổ bà Bông được tìm thấy cách con đường mòn mà Huỳnh Văn Nén khai đã chạy những hơn 100m.
Kết luận điều tra có ngần ấy chứng cứ để buộc tội kẻ giết người chính là Huỳnh Văn Nén. Tiếc rằng, con dao ở hiện trường có dấu vân tay thủ phạm lại không được Công an Bình Thuận thể hiện trong kết luận? Ba dấu chân trên salông không thể hiện rõ là chân phải hay trái.
Luật sư Trần Vũ Hải nói rằng, chúng ta không được phép suy luận, nhưng dấu chân với hai con dao ở hiện trường thì cho thấy, có cơ sở để nghi rằng có hai người tham gia giết bà Bông chứ không phải một người.
Video đang HOT
Hai chứng cứ quan trọng nhất của vụ án (dấu vân tay và dấu chân) thì đã không được Công an Bình Thuận chứng minh đó là dấu chân, vân tay của Huỳnh Văn Nén. Bản án cuối cùng đã kết tội, Huỳnh Văn Nén là thủ phạm giết bà Bông với án tù chung thân.
Vụ án “vườn điều” đang lâm vào bế tắc, nay thủ phạm giết bà Bông đã rõ. Nạn nhân Dương Thị Mỹ bị giết ở vườn điều lại rất gần nhà Huỳnh Văn Nén. Vụ án “vườn điều” được phục hồi điều tra vì Huỳnh Văn Nén lại khai nhận đã cùng cả nhà vợ (8 người) giết bà Mỹ vì bà Mỹ cặp bồ với anh rể của vợ Nén. Thế là, Công an tỉnh Bình Thuận, bỗng chốc phá được hai vụ trọng án.
Từ lời nhận tội của Nén, 9 người gồm 3 thế hệ trong gia đình bà Nguyễn Thị Lâm (mẹ vợ Nén) dính vào vòng lao lý. Tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, kể cả khi thụ án trong tù, các bị cáo vẫn một mực kêu oan.
Với những chứng cứ của 3 luật sư nhận bào chữa cho 9 bị cáo, chứng minh cả 9 bị cáo ngoại phạm trong vụ án “vườn điều”, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Bộ Công an vào cuộc, có kết luận “giải oan” cho mẹ con bà Lâm, trong đó có cả Huỳnh Văn Nén, nhưng vì “dính” án chung thân vụ “bà Bông”, nên Nén vẫn phải ngồi tù.
Tại buổi công khai xin lỗi gia đình bà Nguyễn Thị Lâm (ngày 20/1/2006) do 3 cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận tổ chức – mặc dù giận con rể Huỳnh Văn Nén đến “trào cả máu”, vì tội bỗng dưng nhận tội để cả đại gia đình phải đi tù oan, bà Lâm vẫn yêu cầu các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận vào trại giam xin lỗi Huỳnh Văn Nén. Bà Lâm nói: “Nó (Nén) bị dọa tử hình, đánh đau quá, nên mới khai bậy để cả gia đình phải đi tù oan”.
Yêu cầu của bà Lâm là hoàn toàn chính đáng, nhưng rất tiếc lời yêu cầu đó đã không được thực hiện. Bởi, ai lại – các cơ quan tố tụng lại phải đi xin lỗi phạm nhân án chung thân. “Oan” vụ án “vườn điều”, chắc gì đã “oan” vụ “bà Bông”.
Lương tâm tù nhân cũng cắn rứt
Nguyễn Phúc Thành (trú tại khu phố 2, thị trấn Tân Minh), khi đang thụ án 18 tháng tù, vì tội gây rối trật tự công cộng, hay tin Huỳnh Văn Nén có thể lĩnh án tù vì tội giết bà Bông. Phúc Thành đã tâm sự với cán bộ quản giáo và giám thị trại giam, rằng thủ phạm giết bà Bông không phải là Huỳnh Văn Nén mà là Nguyễn Thọ và Hồ Văn Việt (cùng trú tại địa phương). Đêm bà Bông bị giết, Thọ và Việt có kể cho Thành nghe, kể cả việc rủ đi bán chiếc nhẫn một chỉ vàng đã cướp được (Thành là đại ca của Việt và Thọ).
Thành nói rõ cả tiệm vàng mà Thọ và Việt đã đến bán. Được sự động viên của giám thị trại giam, ngày 2/9/2000, Nguyễn Phúc Thành đã viết đơn tố cáo khẩn cấp gửi tới Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Bộ Công an, kể chi tiết vụ giết bà Bông: Được xem chiếc nhẫn cướp được, nhìn thấy ống quần Thọ còn dính máu… Ngay sau khi bà Bông bị giết, Nguyễn Thọ đã trốn khỏi địa phương, nay vẫn chưa rõ tung tích, Hồ Văn Việt đã chết vì HIV.
Ngày 20/11/2013, một lần nữa Nguyễn Phúc Thành lại cầm bút viết đơn kêu oan cho Huỳnh Văn Nén. Lương tâm tù nhân cũng bị cắn rứt vì một người không giết người lại bị kết án chung thân.
Mẹ của Nguyễn Phúc Thành – bà Nguyễn Thị Lụa – kể lại rằng, khi vào thăm con tại trại cải tạo Sông Cái, tôi đã ngất xỉu khi nghe con tôi nói, kẻ giết bà Bông không phải là Nén mà là Thọ và Việt. Tôi nói sao sự việc quan trọng thế bây giờ mới bảo, nếu nói sai mà đang ở trong tù thì càng nặng tội. Thành bảo vì là bạn thân của Thọ và Việt. Thành tin là khi công an điều tra không phải anh Nén giết người thì sẽ thả, nay nghe anh Nén bị tuyên tử hình nên day dứt.
Trưởng giám thị trại giam Sông Cái – trung tá Phạm Văn Phóng xác nhận đã fax về Cục 26 – Cục Quản lý trại giam – đơn tố cáo khẩn cấp của Nguyễn Phúc Thành.
Ròng rã kêu oan
Chiều đầu đông, ngày 21/11, chúng tôi ngồi với hai người đàn ông lặn lội từ phương nam, ôm đơn ra Hà Nội kêu oan cho Huỳnh Văn Nén. Một là ông Huỳnh Văn Truyện – cha của Nén – năm nay đã 89 tuổi. Ông ở tận Cà Mau, cứ làm thuê, làm mướn, có được ít tiền lại lên thành phố, gõ cửa các cơ quan pháp luật để kêu oan cho con. Người đàn ông thứ 2, đó là ông Nguyễn Thận – nguyên Chủ tịch thị trấn Tân Minh.
Hơn chục năm nay, ông chủ tịch thị trấn vẫn miệt mài viết đơn kêu oan cho Huỳnh Văn Nén. Ông Thận cho chúng tôi xem, bản báo cáo về việc đơn thư tố cáo hành vi giết người, cướp của do công dân chuyển đến. Bản báo cáo ký ngày 29/9/2000 có đóng dấu đỏ, được gửi đến Chánh án TANDTC, Viện trưởng Viện KSNDTC, Bộ trưởng Bộ Công an, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận về lá đơn tố cáo của Nguyễn Phúc Thành.
Bà Nguyễn Thị Lụa (mẹ Thành) đã trực tiếp gặp chủ tịch thị trấn báo cáo bằng miệng và gửi lá đơn của Thành – nhờ mẹ chuyển.
Mười ba năm có lẻ, ông chủ tịch thị trấn, nay là Phó Chủ tịch UB MTTQ huyện Hàm Tân cùng người cha già đã gần đất xa trời của phạm nhân Huỳnh Văn Nén vẫn kiên trì đi gõ cửa các cơ quan chức năng, kêu oan cho Nén. Ông Thận nói với chúng tôi rằng, không làm thì day dứt lương tâm cả đời.
Luật sư Trần Vũ Hải cho biết, lá đơn tố cáo trực tiếp của Nguyễn Phúc Thành là tình tiết mới, được tố cáo từ năm 2000, được gửi đến các cơ quan như Viện Kiểm sát NDTC, Tòa án NDTC, Bộ Công an nhưng 13 năm qua không một cơ quan nào xem xét, làm rõ nội dung tố cáo của Nguyễn Phúc Thành. Nay, cần sớm truy tìm được Nguyễn Thọ (Việt đã chết) để làm rõ Huỳnh Văn Nén có giết bà Bông hay không?
Ông Huỳnh Văn Truyện nước mắt chảy dài: “Tôi nghèo, đâu có tiền để đi từ Cà Mau lên tận Đồng Nai thăm con, mỗi lần gặp tôi nói con cứ an tâm cải tạo, cha còn sống còn kêu oan cho con”. Ông mếu máo nói với chúng tôi: Nào có hay kháng cáo là gì đâu, khi nghe người ta chỉ, đi đến nơi này lại chỉ nơi kia, họ bảo thằng Nén mới được viết đơn kháng cáo, con tôi lại ở trong tù. Khi nghe vụ ông Chấn bị oan, giống hệt chuyện con tôi, nên tôi cố ra Hà Nội một lần, nếu có nhắm mắt xuôi tay cùng đã… làm hết vì con.
Còn nữa…
Theo Xahoi
Bắc Giang: Thêm án nghi oan
Nạn nhân duy nhất trong vụ án "mua bán phụ nữ" đột ngột trở về minh oan cho người bị cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang kết tội, phải ngồi tù hơn 5 năm.
Bà Đỗ Thị Hằng và hai lá đơn từ những người liên quan xác nhận để minh oan
Chiều 18/11, bà Đỗ Thị Hằng (SN 1953, ngụ phường Mỹ Độ, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) đã tới Văn phòng Chủ tịch nước để nộp đơn kêu oan. Bà Hằng đề nghị cơ quan chức năng sớm giải quyết vụ án oan sai mà bà phải gánh chịu hơn 15 năm qua, trong đó có hơn 5 năm bị tù giam.
Phiên tòa không nhân chứng
Bà Hằng là giáo viên bậc THPT nghỉ mất sức. Năm 39 tuổi, bà bị Phạm Văn Ngọ (ở gần nhà) lừa bán sang Trung Quốc. Khi may mắn thoát khỏi "động quỷ" trở về, bà bị kết án hai tội: "Mua bán phụ nữ" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân".
Theo bản án ngày 24/3/1998 của TAND tỉnh Bắc Giang, chị Dương Thị Liễu (ngụ xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) kết hôn cùng anh Nguyễn Tuấn từ năm 1983 và có 2 con. Hai vợ chồng thường xuyên đánh chửi nhau nên ngày 13/4/1994, Liễu bỏ nhà đến gặp Hoàng Hồng làm quen và tỏ ý nhờ giúp đỡ làm ăn. Hồng quen Phạm Văn Ngọ từ trước và có lần Ngọ bảo Hồng tìm được phụ nữ thì đưa sang Trung Quốc bán. Sáng 14/9/1994, Hồng bảo Ngọ có một cô (là Liễu) bị chồng đánh muốn đi Trung Quốc, giá bán 800.000 đồng. Ngọ đồng ý và báo cho Đỗ Thị Hằng.
Cũng theo bản án, ngày 15/9/1994, Ngọ đưa Liễu đến gặp Đỗ Thị Hằng và cùng nhau qua cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn, vào sâu trong nội địa Trung Quốc. Cả ba vào nhà một phụ nữ cũng tên là Hằng (lấy chồng Trung Quốc) để bán Liễu cho một người đàn ông Trung Quốc lấy tiền chia nhau. Khi vụ việc bị phát hiện, Đỗ Thị Hằng bỏ trốn và bị bắt theo lệnh truy nã, Ngọ và Hồng bị xét xử trước đó.
Không những thế, bà Đỗ Thị Hằng còn bị kết tội đã lừa anh Phan Văn Phương (ngụ cạnh nhà) 20 kg gạo và 400.000 đồng; vay của chị Khổng Thị Mỹ 300.000 đồng rồi chi tiêu hết, cố tình lẫn tránh không trả. Với hai tội danh trên, tổng hình phạt mà TAND tỉnh Bắc Giang đã tuyên với bà Đỗ Thị Hằng là 5 năm 6 tháng tù giam.
Tại CQĐT và trong phiên tòa sơ thẩm, bà Hằng một mực kêu oan. Theo bản án số 72, tại phiên tòa, đại diện người bị hại là Nguyễn Tuấn (chồng chị Liễu), Mỹ và Phương đều vắng mặt. Chỉ có mỗi bà Đỗ Thị Hằng đứng trước vành móng ngựa và không biết lấy gì làm chứng cho sự oan ức của mình ngoài những lời than khóc. Bà Hằng ngồi tù đến ngày 16/3/2002 thì được tha về.
Như "đá ném ao bèo"
Chiều 18/11, ngồi kể cho chúng tôi nghe câu chuyện đời mình, bà Hằng bảo việc đầu tiên khi ra tù là tìm gặp Mỹ và Phương để hỏi cho ra nhẽ. Cả hai đều khẳng định không hề tố cáo bà bởi bà đã trả hết nợ cho họ từ trước khi xảy ra sự việc. Chị Mỹ đã đến UBND phường để làm cam kết xác nhận không hề tố cáo bà Hằng nhưng không hiểu sao CQĐT lại cho rằng chị tố cáo bà Hằng lừa đảo. 10 năm liền gửi thư phản ánh việc bị truy tố sai về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân", bà Hằng nói những đơn thư ấy đều như "đá ném ao bèo".
Bà Hằng cũng tìm tới nhà chị Liễu nhiều lần để dò hỏi tin tức nhưng vô vọng. Đầu năm 2012, khi theo những người bạn đi lễ chùa, được nhiều người kể về chuyện Liễu đã về, bà Hằng lập tức tới nhà tìm gặp nhưng chị đã lên TP Hà Nội làm thuê, vài tháng mới về một lần. Bà Hằng để lại số điện thoại và 2 tháng sau tất tả tới tìm gặp Liễu ngay khi hay chị về nhà (nhà bà Hằng cách nhà Liễu khoảng 30 km). Đó là lần đầu tiên bà Hằng và Liễu gặp nhau.
Biết sự việc, cả nhà chị Liễu bức xúc và cùng nhau ra UBND xã làm một bản xác nhận năm 1994 bị Ngọ và Hồng đưa đi Trung Quốc bán, đồng thời khẳng định không hề biết bà Đỗ Thị Hằng là ai.
Mong sớm giải oan
"Tôi bị Ngọ lừa bán vào khoảng năm 1991-1992, trước Liễu một thời gian. Đến năm 1997, tôi may mắn thoát nạn trở về thì lập tức bị bắt giam. Trong suốt quá trình điều tra, tôi không hề được đọc bất cứ bản cung nào. Các bản cung đều do điều tra viên lấy lời khai đọc cho nghe, sau đó bảo ký. CQĐT và tòa án cấp sơ thẩm không làm rõ được vai trò của đối tượng tên Hằng trùng tên tôi nhưng lấy chồng ở Trung Quốc. Tôi cho rằng lợi dụng việc trùng tên này mà Ngọ cố ý đổ tội cho tôi để bao che cho Hằng ở Trung Quốc" - bà Hằng nói.
Suốt năm 2012, bà Hằng mang tất cả giấy tờ xác nhận của Mỹ và Liễu ký gửi CQĐT Công an tỉnh Bắc Giang. Sau đó, Ngọ bị bắt giam để làm rõ nhưng đã chết trong trại tạm giam.
"Mới đây, ngày 5/11, có 2 cán bộ của Bộ Công an và Công an tỉnh Bắc Giang tới gặp tôi để lấy toàn bộ thông tin về sự việc mà tôi đã kêu oan. Họ cũng gặp Liễu và Mỹ để xác minh. Dù ông Ngọ đã chết nhưng tôi rất mong các cơ quan chức năng sớm giải oan cho tôi" - bà Hằng mong mỏi.
Tan nát cả gia đình Trước ngày tòa án xét xử (24/3/1998), ông Ngô Văn Mỹ, chồng của bà Đỗ Thị Hằng, đến TAND tỉnh Bắc Giang gặp một người quen nhờ hỏi giúp tình hình. Sau bao nhiêu đơn thư kêu cứu cho vợ không có hồi âm, nghe người quen ở tòa án nói bà Hằng chắc chắn bị kết án tù, ông Mỹ uất ức quá nên để lại một bức thư tuyệt mệnh rồi nhảy xuống ao trước nhà tự tử. Hôm tòa án xét xử, 5 người con của bà Hằng và ông Mỹ trắng vòng khăn tang, khóc hết nước mắt. Từ một gia đình gia giáo, con cái thảo hiền, hiếu học, phút chốc tan nát. Mẹ đi tù được mấy ngày thì cô con gái lớn của bà Hằng bị lừa bán sang Trung Quốc, đến nay vẫn chưa về. Một người con khác thì tụ tập theo bạn bè nghiện ngập, rồi vào tù; 2 đứa con trai khác vào trại tạm giam vì đánh nhau... Trao đổi với phóng viên vào tối 18/11, Dương Thị Liễu cho biết 2 cán bộ của Bộ Công an đã tìm gặp chị để tìm hiểu thông tin về vụ án của bà Đỗ Thị Hằng. Chị đã khẳng định với họ rằng bà Đỗ Thị Hằng không phải người đưa và bán mình sang Trung Quốc. Chị sẵn sàng làm chứng để minh oan cho bà Hằng.
Theo Xahoi
Người đàn ông 15 năm đi kêu oan cho con Măc du đa co nhiêu phan anh nghi an oan sai nhưng suốt 13 năm qua, chưa có cơ quan chức năng nào về địa phương xác minh, làm rõ. Sau nhiêu năm bỏ vườn tược, nhà cửa ở tỉnh Cà Mau để đến xã Tân Minh (nay là thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) để tìm cách kêu...