Kỳ án Kennedy sau 50 năm – Kỳ 3: Cao thủ tình trường
Quan hệ tình ái của Tổng thống Mỹ đời thứ 35 cũng bí ẩn không kém cái chết của ông.
Cuộc hội ngộ định mệnh giữa John F. Kennedy (phải) và nữ diễn viên Marilyn Monroe
- Ảnh: AFP
Theo Robert P.Watson, sử gia chuyên nghiên cứu tình sử phong lưu của các đời tổng thống Mỹ, phải đến ít nhất 7 vị có quan hệ tình ái ngoài luồng trước và sau khi vào Nhà Trắng, từ Thomas Jefferson đến Bill Clinton. Tuy nhiên, không ai có thể tranh đua được với John F.Kennedy (JFK) về mặt tình trường.
Bẩm sinh đào hoa
Nhà viết tiểu sử cho Kennedy, ông Robert Dallek đã mô tả JFK là “kẻ sát gái bẩm sinh”, không ngừng lao đầu vào các cuộc chinh phục tình ái.
Video đang HOT
Theo Đài National Geographic, tác giả này cho hay ngay chính bản thân Kennedy cũng chẳng lý giải được tại sao mình cần quan hệ với nhiều phụ nữ như vậy. Nhưng theo ông Dallek, nhu cầu xác thịt của JFK có thể được xem như một cách giải tỏa căng thẳng, giống như những tổng thống Mỹ khác thích chơi golf, đua thuyền hay câu cá để thư giãn. “JFK thích phụ nữ…”, theo Dallek dẫn lại lời một người bạn của tổng thống là thượng nghị sĩ George Smarthers.
Những chuyến phiêu lưu tình ái của Kennedy bắt đầu nhiều năm trước khi ông chạm đến chiếc ghế quyền lực. Theo các nhà viết tiểu sử Michael Meagher và Larry D.Gragg, lịch sử tình trường của vị tổng thống tương lai đã nhen nhóm từ thời trung học ở Trường Choate, và trong Thế chiến thứ hai, JFK dính líu đến Inga Arvad, đối tượng theo dõi của FBI do nghi ngờ người phụ nữ này là gián điệp của Đức.
Trong thập niên 1940 đến đầu 1950, nghị sĩ trẻ tuổi của bang Massachusetts luôn trong vòng tay của vô số người đẹp. Có thể nói câu lạc bộ tình nhân của JFK hết sức phong phú do nhân vật chính chẳng quá kén chọn, tuyển chọn theo tiêu chí chú trọng số lượng hơn chất lượng, nên không thiếu các phụ nữ thành đạt đến vũ nữ thoát y, tiếp viên hàng không, thư ký… theo ông Dallek. Đến khi JFK gặp gỡ và cưới người đẹp Jacqueline Bouvier vào năm 1953, cùng năm đắc cử vào Thượng viện Mỹ, ông vẫn tiếp tục theo đuổi các mối quan hệ ngoài luồng, không màng đến nguy cơ bê bối tình dục có thể đe dọa khả năng chạy đua vào Nhà Trắng. Sau khi JFK bị ám sát, những lời đồn đãi về các quan hệ tình ái lăng nhăng của vị tổng thống hào hoa bắt đầu phát tán.
Tình nhân nổi tiếng
Sợi dây tình ái giữa JFK với minh tinh Marilyn Monroe luôn được nhắc đến mỗi khi đề cập đến tổng thống lắm tài nhiều tật của Mỹ.
Theo nhà viết tiểu sử cho Monroe, ông J.Randy Taraborrelli, nữ diễn viên kiều mỵ của Hollywood nhanh chóng lọt vào mắt xanh tổng thống khi xuất hiện tại buổi tiệc của ông này ở New York vào tháng 2.1962. Theo một số nguồn tin, hai người đã hội ngộ tại Palm Springs vào cuối tháng 3 năm đó. Tuy nhiên, nếu Monroe xem mối quan hệ này là nghiêm túc, JFK đối xử với cô cũng giống như vô vàn tình nhân khác trước đó. “Căn bản là ông ấy chẳng xem chuyện đó là quan trọng”, thượng nghị sĩ Smathers giải thích.
Đến tháng 8 cùng năm, nữ diễn viên qua đời một cách bí ẩn. Theo một số tin đồn, Monroe bị sát hại do mối quan hệ tình ái nhập nhằng với hai anh em nhà Kennedy là JFK và Robert Kennedy, Bộ trưởng Tư pháp. Tất nhiên, đây chỉ là giả định chưa được kiểm chứng trong hơn 50 năm qua.
Trong danh sách người tình của JFK còn có Judith Campbell Exner, bạn gái của Frank Sinatra và sau này trở thành người tình của bố già Sam Giancana thuộc băng mafia Chicago. Người đẹp có mối giao thiệp rộng rãi tại Los Angeles bắt đầu quan hệ vụng trộm với JFK trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1960. Quan hệ này tiếp tục trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của JFK. Exner còn tiết lộ rằng mình đã trở thành thông tín viên bí mật của tổng thống, giúp ông này liên lạc với với các trùm mafia Sam Giancana và Johnny Rosselli.
Theo tiết lộ của Exner, vào năm 1963, trong lần gặp gỡ cuối cùng với Kennedy, cô mang thai nhưng quyết định bỏ giọt máu đó. Đến năm 1975, cuộc tình của cô với JFK được công khai sau khi Ủy ban Điều tra của Thượng viện gọi Exner ra điều trần trong vụ CIA dính cáo buộc lên kế hoạch ám sát Chủ tịch Cuba Fidel Castro.
AFP dẫn lời cựu mật vụ Anthony Sherman kể lại lực lượng bảo vệ JFK cũng phải bó tay không kịp điều tra hết danh tính người tình của ông này. Chẳng ai biết được JFK qua lại với bao nhiêu phụ nữ ở các giai tầng khiến mật vụ lo ngại tổng thống có thể trở thành nạn nhân của một vụ cài gián điệp hoặc bị đối thủ nắm thóp, trong bối cảnh Mỹ và Liên Xô lúc ấy đứng trước bờ vực chiến tranh hạt nhân.
Theo TNO
Kỳ án Kennedy sau 50 năm - Kỳ 2: Những cái chết bí ẩn
Dù chính thức hay chỉ là đồn đoán, các sát thủ được nêu tên trong vụ ám sát J.F.K đều nhanh chóng theo chân Tổng thống Mỹ đời thứ 35 xuống mồ.
Jack Ruby (quay lưng) bắn chết Lee Harvey Oswald ngay đồn cảnh sát - Ảnh: US National Archives
Theo phiên bản chính thức gây nhiều tranh cãi, hung thủ Lee Harvey Oswald, một kẻ hám danh đến từ New Orleans, đã hành động một mình trong vụ ám sát Tổng thống Mỹ John F.Kennedy (JFK) ngày 22.11.1963. Trong trường hợp thực sự vô tội, Oswald cũng không còn cơ hội kêu oan bởi y bị bắn chết trong vòng 48 tiếng kể từ khi JFK lìa trần. Kẻ bắn Oswald được xác định tên Jack Ruby.
Sát thủ đoản mệnh
Tại đồn cảnh sát ở Dallas ngày 24.11.1963, trước ống kính truyền hình, Jack Ruby đã găm một viên đạn vào bụng Oswald, tống tiễn gọn ghẽ kẻ bị bắt vì tội bắn chết một cảnh sát trong một án mạng cách vụ ám sát JFK khoảng 45 phút. Thế là nghi phạm duy nhất của vụ ám sát nhanh chóng theo bước nạn nhân nổi tiếng, làm dấy lên làn sóng nghi ngờ về kẻ thực sự đã giết JFK. Nhiều nghi vấn được đặt ra: Ruby là ai? Làm sao y có thể mang súng vào Sở Cảnh sát Dallas? Động cơ của Ruby là gì? Liệu đó có phải là một phần của âm mưu kinh hoàng để đảm bảo Oswald không bao giờ có cơ hội mở miệng bào chữa?
Sau đây là thông tin được công bố chính thức: Jack Ruby (tên khai sinh Jacob Leon Rubenstein) sinh ra ở Chicago vào năm 1911, chuyển đến Dallas năm 1947, quản lý một loạt các hộp đêm và câu lạc bộ thoát y vũ. Theo báo cáo của FBI, Ruby đã lận theo một khẩu súng lục Colt Cobra trong túi áo bên phải và trà trộn vào đám đông phóng viên dự họp báo tại Sở Cảnh sát Dallas trong đêm tổng thống bị ám sát. Đây cũng là vũ khí gây án tại tầng hầm của Sở Cảnh sát Dallas hai ngày sau đó, khi Oswald bị áp giải từ phòng tạm giam đến nhà tù của hạt Dallas.
Tháng 3.1964, Ruby bị kết tội giết người và nhận án tử hình. Phía luật sư bào chữa kháng án với lý do thân chủ của họ không được xử một cách công bằng tại Dallas. Tòa phúc thẩm ở Texas nhận đơn vào tháng 10.1966 và chuẩn bị mở lại phiên tòa mới tại thành phố Wichita Falls. Tuy nhiên, Ruby không đợi được đến ngày đó. Bị cáo đã chết trong tù do tắc mạch phổi trong lúc chống chọi với bệnh ung thư vào ngày 3.1.1967. Trong báo cáo, Ủy ban Warren bác bỏ khả năng Ruby giết Oswald để bịt miệng theo âm mưu đã định sẵn nhưng bản thân bị cáo luôn khăng khăng điều ngược lại. Ruby khai rằng mình làm theo thỏa thuận với một số quan chức cấp cao nào đấy. Còn theo tờ The Sunday Times, bị cáo từng tiết lộ với bác sĩ tâm thần rằng mình biết danh tính kẻ ra lệnh ám sát JFK. Tuy nhiên, trước khi chết, Ruby đổi lời khai, khẳng định chẳng có ai khác liên quan đến vụ án.
Lời tự thú của sát thủ người Cuba
Trong khi vai trò của Oswald lẫn Ruby đều vẫn chưa được xác định, những giả thuyết khác về âm mưu ám sát JFK tiếp tục mọc lên như nấm sau mưa. Trong số đó, nhà báo điều tra Anthony Summers, tác giả các cuốn sách được đánh giá cao về Frank Sinatra, John Edgar Hoover và Marilyn Monroe, đã đặt vấn đề hết sức thú vị. Nếu Oswald đích thực là hung thủ duy nhất trong vụ JFK, tại sao 1.171 tài liệu của CIA về vụ này vẫn được giữ bí mật đến tận ngày nay? "Chắc hẳn vẫn còn điều gì đó phải che giấu trong bao năm qua", nhà báo Summers nói. Lời giải đáp thực sự (theo nhận định Summers) xuất hiện khi ông và ông Robert Blakey, cựu luật sư trưởng của Ủy ban Về các vụ ám sát thuộc Hạ viện, phỏng vấn một người Cuba lưu vong tại Miami tên Reinaldo Martinez (81 tuổi) vào năm 2007. Ông Martinez kể về một người bạn thời sinh viên tên Herminio Diaz, vốn là sát thủ chuyên nhận các vụ ám sát chính trị và từng thực hiện thành công đến 20 vụ.
Theo Martinez, Diaz từng thú nhận đã tham gia vào vụ ám sát JFK. Sau đó, một người Cuba lưu vong khác tên Remigio Arce cũng kể với Martinez rằng người bạn chung Diaz của cả hai là kẻ giết chết tổng thống Mỹ. Diaz đã chết vài năm sau đó trong một vụ án bí ẩn tại Cuba và kết quả là giả thuyết này vẫn chưa được kiểm chứng. (Còn tiếp)
Theo TNO
Kỳ án Kennedy sau 50 năm Ai giết Tổng thống Mỹ John F.Kennedy luôn là đề tài gây tranh cãi và Ngoại trưởng John Kerry là người mới nhất bày tỏ hoài nghi về vụ án. Chuyến diễu hành định mệnh của Tổng thống JFK tại Dallas - Ảnh: US National Archives Bắt đầu từ hôm qua, cả nước Mỹ bước vào tuần tưởng niệm 50 năm ngày Tổng...