Kỳ án Kennedy sau 50 năm – Kỳ 2: Những cái chết bí ẩn
Dù chính thức hay chỉ là đồn đoán, các sát thủ được nêu tên trong vụ ám sát J.F.K đều nhanh chóng theo chân Tổng thống Mỹ đời thứ 35 xuống mồ.
Jack Ruby (quay lưng) bắn chết Lee Harvey Oswald ngay đồn cảnh sát – Ảnh: US National Archives
Theo phiên bản chính thức gây nhiều tranh cãi, hung thủ Lee Harvey Oswald, một kẻ hám danh đến từ New Orleans, đã hành động một mình trong vụ ám sát Tổng thống Mỹ John F.Kennedy (JFK) ngày 22.11.1963. Trong trường hợp thực sự vô tội, Oswald cũng không còn cơ hội kêu oan bởi y bị bắn chết trong vòng 48 tiếng kể từ khi JFK lìa trần. Kẻ bắn Oswald được xác định tên Jack Ruby.
Sát thủ đoản mệnh
Tại đồn cảnh sát ở Dallas ngày 24.11.1963, trước ống kính truyền hình, Jack Ruby đã găm một viên đạn vào bụng Oswald, tống tiễn gọn ghẽ kẻ bị bắt vì tội bắn chết một cảnh sát trong một án mạng cách vụ ám sát JFK khoảng 45 phút. Thế là nghi phạm duy nhất của vụ ám sát nhanh chóng theo bước nạn nhân nổi tiếng, làm dấy lên làn sóng nghi ngờ về kẻ thực sự đã giết JFK. Nhiều nghi vấn được đặt ra: Ruby là ai? Làm sao y có thể mang súng vào Sở Cảnh sát Dallas? Động cơ của Ruby là gì? Liệu đó có phải là một phần của âm mưu kinh hoàng để đảm bảo Oswald không bao giờ có cơ hội mở miệng bào chữa?
Sau đây là thông tin được công bố chính thức: Jack Ruby (tên khai sinh Jacob Leon Rubenstein) sinh ra ở Chicago vào năm 1911, chuyển đến Dallas năm 1947, quản lý một loạt các hộp đêm và câu lạc bộ thoát y vũ. Theo báo cáo của FBI, Ruby đã lận theo một khẩu súng lục Colt Cobra trong túi áo bên phải và trà trộn vào đám đông phóng viên dự họp báo tại Sở Cảnh sát Dallas trong đêm tổng thống bị ám sát. Đây cũng là vũ khí gây án tại tầng hầm của Sở Cảnh sát Dallas hai ngày sau đó, khi Oswald bị áp giải từ phòng tạm giam đến nhà tù của hạt Dallas.
Tháng 3.1964, Ruby bị kết tội giết người và nhận án tử hình. Phía luật sư bào chữa kháng án với lý do thân chủ của họ không được xử một cách công bằng tại Dallas. Tòa phúc thẩm ở Texas nhận đơn vào tháng 10.1966 và chuẩn bị mở lại phiên tòa mới tại thành phố Wichita Falls. Tuy nhiên, Ruby không đợi được đến ngày đó. Bị cáo đã chết trong tù do tắc mạch phổi trong lúc chống chọi với bệnh ung thư vào ngày 3.1.1967. Trong báo cáo, Ủy ban Warren bác bỏ khả năng Ruby giết Oswald để bịt miệng theo âm mưu đã định sẵn nhưng bản thân bị cáo luôn khăng khăng điều ngược lại. Ruby khai rằng mình làm theo thỏa thuận với một số quan chức cấp cao nào đấy. Còn theo tờ The Sunday Times, bị cáo từng tiết lộ với bác sĩ tâm thần rằng mình biết danh tính kẻ ra lệnh ám sát JFK. Tuy nhiên, trước khi chết, Ruby đổi lời khai, khẳng định chẳng có ai khác liên quan đến vụ án.
Lời tự thú của sát thủ người Cuba
Trong khi vai trò của Oswald lẫn Ruby đều vẫn chưa được xác định, những giả thuyết khác về âm mưu ám sát JFK tiếp tục mọc lên như nấm sau mưa. Trong số đó, nhà báo điều tra Anthony Summers, tác giả các cuốn sách được đánh giá cao về Frank Sinatra, John Edgar Hoover và Marilyn Monroe, đã đặt vấn đề hết sức thú vị. Nếu Oswald đích thực là hung thủ duy nhất trong vụ JFK, tại sao 1.171 tài liệu của CIA về vụ này vẫn được giữ bí mật đến tận ngày nay? “Chắc hẳn vẫn còn điều gì đó phải che giấu trong bao năm qua”, nhà báo Summers nói. Lời giải đáp thực sự (theo nhận định Summers) xuất hiện khi ông và ông Robert Blakey, cựu luật sư trưởng của Ủy ban Về các vụ ám sát thuộc Hạ viện, phỏng vấn một người Cuba lưu vong tại Miami tên Reinaldo Martinez (81 tuổi) vào năm 2007. Ông Martinez kể về một người bạn thời sinh viên tên Herminio Diaz, vốn là sát thủ chuyên nhận các vụ ám sát chính trị và từng thực hiện thành công đến 20 vụ.
Theo Martinez, Diaz từng thú nhận đã tham gia vào vụ ám sát JFK. Sau đó, một người Cuba lưu vong khác tên Remigio Arce cũng kể với Martinez rằng người bạn chung Diaz của cả hai là kẻ giết chết tổng thống Mỹ. Diaz đã chết vài năm sau đó trong một vụ án bí ẩn tại Cuba và kết quả là giả thuyết này vẫn chưa được kiểm chứng. (Còn tiếp)
Video đang HOT
Theo TNO
5 điều ít biết về vụ ám sát tổng thống Mỹ Kennedy
Tròn 50 năm sau ngày tổng thống Mỹ John Kennedy bị ám sát, vẫn còn nhiều bí ẩn về vụ án thế kỷ này vẫn chưa được làm sáng tỏ, những chi tiết mà không phải ai cũng biết.
Lee Harvey Oswald, nghi phạm ám sát Tổng thống Kennedy. Ảnh: Corbis
Nghi phạm bị bắt không phải vì lý do giết tổng thống
Tổng thống Kennedy bị ám sát lúc 12h30 ngày 22/11/1963, khi đang trên đường đến Trung tâm thương mại Dallas, bang Texas. Ông bị bắn hai phát, một ở lưng và vết thương thứ hai ở phía bên phải sau đầu, được cho là chí mạng. Kennedy qua đời sau đó một tiếng tại bệnh viện Parkland.
Lee Harvey Oswald, nghi phạm duy nhất của vụ án, bị bắt 45 phút sau khi vụ ám sát xảy ra, nhưng không phải vì lý do ám sát tổng thống, mà bởi hành vi bắn chết Tippit, một cảnh sát giao thông địa phương.
Oswald phủ nhận cáo buộc giết tổng thống và khăng khăng tuyên bố mình bị hãm hại. Hai ngày sau vụ ám sát, nghi phạm này bị Jack Ruby, một chủ hộp đêm ở Dallas, bắn chết trên đường di chuyển từ sở cảnh sát đến nhà tù địa phương.
Sau đó, một ủy ban điều tra đặc biệt do Tổng thống kế nhiệm Lyndon Johnson thành lập, kết luận Oswald là thủ phạm ám sát Tổng thống Kennedy. Tuy nhiên, những điểm mập mờ trong lời khai và cái chết của Oswald khiến dư luận Mỹ lúc đó có nhiều lời đồn đại về sát thủ thực sự và một âm mưu đen tối đằng sau.
Ám sát tổng thống không phải là tội danh liên bang
Tổng thống Kennedy (trái) và vợ Jacqueline Kennedy vẫy chào người dân Texas ngay trước khi bị bắn. Ảnh: Newsbusters
John Kennedy là tổng thống thứ 4 trong lịch sử Mỹ bị ám sát. Nhưng vào năm 1963, hành vi ám sát và làm hại tổng thống hay phó tổng thống không phải là tội danh liên bang. Tội danh này được bổ sung vào danh sách hành vi phạm tội liên bang vào năm 1965.
Ba tổng thống bị ám sát trước đó là Abraham Lincoln (14/4/1865), James Garfield (2/7/1881) và William McKinley (6/9/1901). Ngoài ra, còn có 15 tổng thống Mỹ khác bị ám sát bất thành, trong đó có Tổng thống đương nhiệm Barack Obama.
Ông Obama cho đến nay có 6 lần bị đe dọa ám sát. Lần gần đây nhất là vào tháng 6 năm nay, khi Nhà Trắng nhận được một bức thư nặc danh gửi đến tổng thống được tẩm thuốc độc, với lời đe dọa "bất kỳ ai tước quyền được sử dụng súng đều phải chết".
Vụ ám sát phủ sóng truyền hình Mỹ suốt 4 ngày
Đài truyền hình NBC đưa tin về vụ ám sát Tổng thống Kennedy. Ảnh: Los Angeles Times
10 phút sau khi Tổng thống Kennedy bị bắn, đài CBS là kênh truyền hình toàn quốc đầu tiên đưa tin. Ngay sau đó, ba đài truyền hình lớn khác là CBS, NBC và ABC quyết định dừng phát sóng tất cả các chương trình không liên quan, chỉ đưa tin về vụ ám sát tổng thống trong suốt gần 4 ngày.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử truyền thông Mỹ, các hãng truyền hình liên tục đưa tin về một sự kiện trong thời gian dài kỷ lục 90 tiếng. Kỷ lục này chỉ bị phá khi vụ khủng bố 11/9/2001 diễn ra, với 93 tiếng đưa tin liên tục.
Kỷ niệm 50 năm ngày Tổng thống Kennedy bị ám sát, hãng CBS quyết định chiếu lại toàn bộ quá trình đưa tin suốt 4 ngày, trên trang web tin tức của hãng vào ngày 22/11/2013.
Người phụ nữ đầu tiên chủ trì Lễ tuyên thệ tổng thống
Bà Sarah Hughes (thứ nhất từ trái sang), thẩm phán liên bang, chủ trì Lễ nhậm chức của Tổng thống Johnson. Ảnh: Wikipedia
Lễ tuyên thệ của tổng thống Mỹ thông thường được cử hành tại Nhà Trắng dưới sự chủ trì của chánh án Tòa án tối cao liên bang. Hiến pháp Mỹ cũng quy định phó tổng thống sẽ lập tức tiếp quản chức vụ nguyên thủ quốc gia trong trường hợp tổng thống chết hoặc không có khả năng điều hành đất nước.
Chính vì vậy, ngay sau khi Kennedy chết, Phó tổng thống Johnson buộc phải phá lệ tiến hành Lễ tuyên thệ trên chiếc máy bay Không quân số 1, chuyên cơ của tổng thống, dưới sự chủ trì của bà Sarah Hughes, thẩm phán tòa án liên bang quận 14 thuộc Dallas. Bà Hughes là người phụ nữ đầu tiên và duy nhất trong lịch sử Mỹ chủ trì Lễ tuyên thệ nhậm chức của tân tổng thống.
Khi đó bà Hughes rất nổi tiếng với cương vị nữ thẩm phán liên bang cấp quận đầu tiên ở bang Texas. Bà cũng được biết đến như người bạn thân thiết lâu năm của gia đình Tổng thống Johnson. Nhiều người cho rằng đây chính là lý do Johnson chọn bà chủ trì Lễ tuyên thệ của mình.
Oswald từng âm mưu ám sát đối thủ của Kennedy
Tướng Edwin Walker. Ảnh: Wikipedia
Trong quá trình điều tra vụ ám sát Tổng thống Kennedy, các nhân viên điều tra phát hiện, Oswald từng âm mưu ám hại Tướng Edwin Walker, đối thủ chính trị của Kennedy, 8 tháng trước đó.
Ông Walker từng là tư lệnh Sư đoàn bộ binh 24 đóng tại Augsburg, Đức, nổi tiếng với quan điểm chính trị siêu bảo thủ. Ông này bị Tổng thống Kennedy công khai cảnh cáo năm 1961. Walker từ chức sau đó và lớn tiếng chỉ trích chính sách phản đối nạn phân biệt chủng tộc của chính phủ liên bang.
Theo lời kể của bà Marina, vợ của Oswald, sát thủ này coi Walker là kẻ phát xít và âm mưu sát hại ông. Oswald bắt đầu theo dõi Walker từ giữa tháng 3/1963 và quyết định thực hiện vụ ám sát vào tối hôm 10/4/1963 ngay tại nhà của ông.
Tướng Walker bị bắn khi đang ngồi tại bàn ăn trong nhà. Tuy nhiên, do cự ly bắn xa tới 30 m, viên đạn đi lệch hướng, chỉ trúng vào phần khung gỗ cửa sổ phòng ăn. Walker chỉ bị thương nhẹ ở cánh tay do các mảnh vỡ văng phải.
Theo VNE
Thêm tình tiết rúng động vụ ám sát Tổng thống Kennedy Cựu chính trị gia Mỹ cáo buộc Tổng thống kế nhiệm Lyndon B. Johnson là chủ mưu vụ ám sát Tổng thống Kennedy gây chấn động nước Mỹ thế kỷ trước. Chiến lược gia đảng Cộng hòa Roger Stone, người từng làm cố vấn cho Tổng thống Richard Nixon tuyên bố sẽ xuất bản cuốn sách vào tháng 10 tới, trong đó có...