Kỳ án hiếp dâm: “Tôi không biết đâu là “huyệt trai trinh”
Giáo sư Nguyễn Tài Thu khẳng định, trong y học cổ truyền và châm cứu, không có cách nào để xác định một người nam còn “tân” hay không còn “tân”.
Vụ án hiếp dâm của ba anh em chú cháu họ nhà Nguyễn Đình ở Hà Đông cách đây 10 năm tưởng chừng như đã được khép lại khi 1/2010, Viện KSND tối cao đã ra quyết định kháng nghị, đề nghị hội đồng Thẩm phán TANDTC xét xử giám đốc thẩm, tuyên hủy bản án sơ thẩm, phúc thẩm và tuyên 3 bị cáo vô tội. Nhưng 7/12 vừa qua, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã bác bỏ kháng nghị trên, khiến cho vụ án một lần nữa trở thành tâm điểm của dư luận.
Điều trở thành nghi vấn lớn nhất một lần nữa trở thành tâm điểm là liệu có tồn tại cái gọi là “ Huyệt trai trinh” như lời của lương y Phạm Thị Hồng, người đã lặn lội hết các sở, ban nghành liên quan để kêu oan cho 3 thanh niên. Để tìm hiểu điều này, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với giáo sư Nguyễn Tài Thu, một trong những chuyen gia hàng đầu về châm cứu nói riêng, y học cổ truyền nói chung ở nước ta.
Giáo sư Nguyễn Tài Thu, chuyên gia đầu ngành về y học Cổ truyền ở Việt Nam
Ngay từ đầu cuộc trao đổi, giáo sư khẳng định, trong y học cổ truyền và châm cứu, không có cách nào để xác định một người nam còn “tân” hay không còn “tân”. Lý giải kỹ hơn về điều này, ông nói: Nam giới tầm 14, 15 tuổi đã có khả năng xuất tinh.
Họ có thể xuất tinh bằng nhiều cách, hoặc ngủ tự xuất tinh, hoặc thủ dâm mà xuất tinh. Mà xuất tinh có nghĩa là không còn tân. Vì thế, theo logic, không có chuyện con trai trưởng thành mà còn tân. Kể cả là một người con trai chưa bao giờ xuất tinh, cũng không có cách nào phân biệt.
Video đang HOT
Về hai loại huyệt dương minh và ế phong mà lương y Phạm Thị Hồng đã nhắc tới khi “ giải oan” cho 3 bị cáo trong vụ hiếp dâm, ông nói: Trong y học cổ truyền, không có huyệt nào tên là dương minh. Chỉ có kinh dương minh, bao gồm thủ dương minh đại trường và tức dương minh vị. Đây là những huyệt liên quan tới đường tiêu hóa. Y học cổ truyền dựa vào kinh dương minh để chữa bệnh tiêu hóa.
Có huyệt ế phong nằm dưới tai, nhưng là huyệt liên quan tới trí lực và các vấn đề của tai như ù tai, điếc tai…ông chưa bao giờ nghe ai nói đây là “huyệt trai trinh”.
Chốt lại vấn đề, giáo sư Nguyễn Tài Thu nói thêm, về chuyện giải oan của bà Phạm Thị Hồng, ông đã biết tới nhiều năm nay, nhưng điều mà bà Hồng nói, ông chưa từng biết tới. Những vấn đề y học cổ truyền mà ông không biết, có lẽ ở Việt Nam cũng không ai có thể chứng minh được.
Theo Giáo Dục VN
Những tiết lộ chấn động vụ kỳ án án hiếp dâm tại Hà Đông
Đó là những thông tin mà một điều tra viên trong vụ án thu hút dư luận này xem xét và đó có thể là những chi tiết tạo ra được "bước ngoặt".
Trong báo cáo gửi Giám đốc công an TP. Hà Nội của Đại tá Lã Ngọc Tỉnh - nguyên Chánh Văn phòng kiêm Phó Thủ trưởng cơ quan CSĐT (C.A TP. Hà Nội) cho thấy:
Năm 2009, ông được giao chỉ đạo, xác minh, xem xét, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của các ông: Nguyễn Đình Lộc, Nguyễn Đình Thìn, Nguyễn Đình Nghĩa và bà Nguyễn Thị Hồng liên quan đến vụ án hiếp dâm ở Hà Đông xảy ra từ năm 2000.
Việc ba chàng thanh niên bị kết án cướp của, hiếp dâm và phải đi tù suốt 10 năm đã gây xôn xao rất lớn trong dư luận xã hội.
Qua thẩm tra, xác minh đơn khiếu nại, tố cáo của họ ông cho rằng, cơ quan CSĐT C.A tỉnh Hà Tây (cũ), VKSND tỉnh Hà Tây (cũ) đã khởi tố, bắt tạm giam, bỏ tù 3 thanh niên Lợi, Tình, Kiên là không có căn cứ và vi phạm nghiêm trọng Bộ Luật Tố tụng Hình sự.
Từ một cuộc họp...
Trước đó, ngày 15/9 vừa qua, trong cuộc họp bàn giải quyết vụ án Nguyễn Đình Lợi do TAND Tối cao tổ chức có một số cơ quan chức năng và đặc biệt là các cán bộ của ba ngành tư pháp tỉnh Hà Tây (cũ). Tại đây, TAND tối cao và cán bộ của 3 ngành tư pháp tỉnh Hà Tây (cũ) đều khẳng định Tòa sơ thẩm, Phúc thẩm xét xử tuyên phạt tù 3 thanh niên là đúng, không oan sai.
Họ cho rằng: Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Hà Nội điều tra lại vụ án này là không đúng, vì vụ án đã có hiệu lực pháp luật, không thuộc thẩm quyền của Cơ quan Cảnh sát điều tra.
Nói về cuộc họp này, theo ông Tỉnh, cuộc họp này là không bình thường vì nó không đúng với trình tự tố tụng. Những người đã tham gia điều tra, truy tố và xét xử vụ án này thì "họ phải nhất nhất khăng khăng khẳng định là không oan chứ". Còn đại diện các cơ quan khác lần đầu tiên nghe vụ án hoặc chỉ mới xem lướt qua hồ sơ nên nội dung là "không bình thường và không vô tư ".
Cũng theo báo cáo, cơ quan CSĐT - C.A TP. Hà Nội không điều tra lại vụ án như trong cuộc họp đã nêu mà là xác minh, xem xét đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân cho rằng con họ bị tra tấn, đánh đập...
... đến chiếc áo phông...
Trong tài liệu hồ sơ thể hiện rõ, bị hại Nguyễn Thị Hồng Hạnh khai, tối ngày 24/10/2000, tên hiếp chị cuối cùng bỏ lại 1 chiếc áo phông cổ bẻ màu đỏ, cộc tay, kẻ ngang màu xanh, vàng. Chiếc áo này được chị Hạnh giữ khi đối tượng bỏ chạy.
Tuy nhiên, khi nhận chiếc áo phông ở hiện trường từ công an xã giao cho, C.A tỉnh Hà Tây (cũ) không lập biên bản. Và biên bản khám nghiệm hiện trường hồi 14h30 ngày 25/10/2000 thể hiện, thu giữ được 1 chiếc áo phông cộc tay màu đỏ, cổ chui có các sọc ngang màu vàng, xanh và đen.
Còn phiếu nhập vật chứng hồi 9h ngày 27/10/2000 và phiếu xuất vật chứng hồi 7h30 ngày 12/7/2001 lại ghi có 2 chiếc áo phông, 1 chiếc quần slíp nam nền xanh sọc xanh đỏ (1 chiếc cổ bẻ nền đỏ, sọc trắng đen cộc tay (đã niêm phong) và 1 chiếc áo phông cổ bẻ nền đỏ, sọc xanh trắng cộc tay). Hai chiếc áo này không đúng với đặc điểm chiếc áo mà bị hại Nguyễn Thị Hồng Hạnh nhặt được ở hiện trường.
Tuy nhiên trong hồ sơ không có biên bản niêm phong, biên bản mở niêm phong. Song chính chiếc áo gọi là có niêm phong thì lại không đúng với đặc điểm chiếc áo mà bị hại đã nhặt được ở hiện trường. Như vậy, theo ông Tỉnh, "cái gọi là đã niêm phong chẳng có giá trị pháp lý gì cả".
...và lời khai của bị hại, nhân chứng
Trong báo cáo gửi lãnh đạo ngành công an, ông Tỉnh cũng cho rằng phải cá thể hóa hành vi của từng bị án chứ không thể lẫn lộn hoặc chung chung vì lời khai của các bị hại mâu thuẫn hoàn toàn với lời khai của các bị án và mâu thuẫn với hiện trường.
Được biết, anh Nguyễn Đình Cộng - Công an viên thôn Nghĩa Lộ từng có đơn đề ngày 25/2/2002 gửi Tòa phúc thẩm - TAND tối cao trình bày:
Khoảng tháng 12/2000, anh được anh Bùi Viết Tách - Phó Công an xã giao nhiệm vụ đưa đồng chí Chiến - cán bộ Công an tỉnh Hà Tây (cũ) ghi lời khai của anh Nguyễn Văn Quang; các chị: Nguyễn Thị Tâm, Nguyễn Thị Xuyến, Nguyễn Thị Doàn - đều trú tại thôn Nghĩa Lộ, xã Yên Nghĩa (nay là phường Yên Nghĩa).
Các nhân chứng này cho biết, tối 24/10/2000, thấy Kiên, Tình, Lợi dự sinh nhật chị Doàn từ lúc 22h đến 22h30. Nhưng hồ sơ vụ án lại không có lời khai của họ. Và tại phiên tòa sơ thẩm, cơ quan pháp luật cũng không đưa những xác nhận đó ra để xem xét.
Đặc biệt đáng chú ý, như lời bị hại, 3 tên trong vụ án này nói giọng La Cả gồm 1 đối tượng già, 2 người còn lại trẻ tuổi. Nhưng ở đây, khi vướng vào vòng lao lý, 3 chàng trai là người Yên Nghĩa (không phải người La Cả) có tuổi mới từ 19 đến 20 tuổi.
Ngày 7/12/2011, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã bác kháng nghị của VKSND Tối cao đề nghị xem xét lại vụ án theo trình tự giám đốc thẩm, tuyên 3 thanh niên không phạm tội hiếp dâm, cướp tài sản.
Sau khi có quyết định bác kháng nghị của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, trả lời báo chí, ông Tỉnh đã từng nói: "Người xưa có câu án tại hồ sơ, nhưng rất tiếc trong vụ án này, án lại không nằm trong hồ sơ".
Theo Giáo Dục VN
Kỳ án hiếp dâm: 3 thanh niên bác bỏ thông tin đã bị bắt Trao đổi với PV Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, cả ba thanh niên nhà Nguyễn Đình đều bác bổ thông tin đã bị cơ quan thi hành án bắt đi tù lại... Một số thông tin đã được phát đi rằng cơ quan thi hành án Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã bắt lại ba chàng thanh niên họ...