Kỳ án 5 người dính án 32 năm tù chỉ vì… một chiếc bát
Chính vì chiếc bát chuyên được sử dụng trong công nghệ “ cờ bạc bịp” này, đối tượng Chu Ngọc Sơn đã từng dính án tù năm 2010. Trong phiên tòa xử gần đây, Sơn tiếp tục dính tội “Cướp tài sản” và “Đánh bạc” vì cố tình đòi lại chiếc bát từ đàn em của mình.
Hé lộ công nghệ “cờ bạc bịp” qua một phiên tòa
Phiên tòa tổ chức hồi giữa tháng 12/2013 thu hút hàng trăm người tham gia. Trong số người dự khán, ngoài người thân quen của bị cáo, bị hại, còn có không ít đệ tử của trò “đổ bác”. Nhiều người đến phiên tòa này mới vỡ lẽ vì sao “cờ bạc là bác thằng bần”, vì bản cáo trạng cũng như lời khai của các bị can đã hé lộ công nghệ cờ bạc bịp tinh vi.
Bị cáo Chu Ngọc Sơn và Nguyễn Mạnh Thật (trú tại Khoái Châu, Hưng Yên) là hai bị cáo bị khởi tố đầu tiên với tội danh “Cưỡng đoạt tài sản” (Quyết định khởi tố bị can số 38, 39, ngày 17/05/2013 của Cơ quan CSĐT công an huyện Văn Giang ). Hơn một tháng sau, hai bị cáo này bị khởi tố theo hướng thay đổi tội danh từ “Cưỡng đoạt tài sản” sang tội “Cướp tài sản” (Quyết định thay đổi Quyết định khởi tố bị can số 01, 02, ngày 26/6/2013). Riêng bị cáo Sơn bị khởi tố thêm tội danh “Đánh bạc”. Cùng ngày, ba bị cáo Nguyễn Văn Thái, Trần Văn Duy, Đàm Văn Chung cũng bị khởi tố về tội “Cướp tài sản”.
Những dụng cụ cờ bạc bịp luôn được dân “đỏ đen” săn lùng (ảnh minh họa)
Theo cáo trạng: Ngày 14/5/2013, Chu Ngọc Sơn cùng hai người bạn đến quán café ở Văn Giang (Hưng Yên) chơi. Tại đó Sơn thấy có Vũ Đức Quyền và một số người khác ngồi chơi đánh bài.
Quá trình đánh bạc, Sơn thấy Quyền lấy xe máy ra về trước. Vì có “ân oán giang hồ” với nhau từ trước, Sơn lấy xe máy đuổi theo yêu cầu Quyền quay lại quán café để “nói chuyện”. Theo lời khai của Sơn, hắn muốn đòi lại Quyền chiếc bát hình (loại bát đặc biệt dùng trong chơi cờ bạc). Quyền đã mượn của Sơn từ năm 2010, nhưng lợi dụng chuyện Sơn bị bắt vì tội “đánh bạc” ngay trong năm đó nên “lờ đi” chưa trả.
Trong lúc đuổi theo, Sơn còn gọi điện cho Thái, nhờ người này chặn Quyền lại để nói chuyện. Khi Thái giữ chân Quyền ở Hội trường thôn Hoàng Trạch (Văn Giang, Hưng Yên) thì cả bọn gặp nhau.
Tại đây, Sơn bảo Quyền “Mày định bịp cả tao nữa à, mượn của tao chiếc bát hình bây giờ có định trả tao không?”. Quyền giải thích chiếc bát đó do Toản mượn chứ Quyền không mượn và chiếc bát đó đã bị mất. Vừa nói, một tay Sơn túm cổ áo, một tay cầm loại dao bấm dọa Quyền và nói “Mày có tin tao cắt tai mày không?”. Thấy vậy, Thái ra can ngăn: “Thôi không đánh nó để anh bảo nó trả tiền”.
Nghe vậy, Sơn buông lỏng tay, Quyền giằng ra được và có va vào tay Chung, Chung liền dùng chân phải đạp Quyền một cái và nói: “Tao làm gì mày mà mày đánh vào tay đau của tao” (lúc này Chung đang bị bó bột tay).
Quyền nói hiện chỉ có 6.600.000 đồng nhưng còn để đi Hà Nội nên đưa trước 5.000.000 rồi hẹn vài ngày sau sẽ trả tiếp số tiền 15.000.000 đồng còn lại.
Chiếc bát có gắn chip được phát hiện trong một vụ bắt bạc (ảnh minh họa)
Trong khi Quyền đếm tiền giao cho Sơn thì Duy lúc này đang ngồi trên xe của Quyền nhìn thấy chiếc chìa khóa xe của Quyền vẫn cắm ở ổ khóa điện nên đã rút chìa khóa mở cốp xe lấy bộ bài tú lơ khơ đưa cho Sơn. Trước khi về Sơn còn dặn Quyền trả tiền đúng hẹn
Gần đến hẹn trả tiền nhưng không thấy quyền có động thái gì nên Sơn bảo Thái gọi điện nhắc. Sau đó, khoảng 15 giờ ngày 16/5/2013, Quyền gọi điện cho Sơn và hẹn Sơn lên quán “Chè Ngọc” ở Văn Giang, Hưng Yên để giao tiền. Sơn không đi lấy tiền mà bảo Thật đi lấy hộ. Khi Thật đang nhận số tiền 5.000.000 đồng thì bị bắt giữ. Cùng ngày, Sơn cũng bị bắt.
Video đang HOT
Khi ra phiên tòa, hàng trăm người tham dự phiên tòa ngày hôm đó mới vỡ lẽ ra là có những chiếc bát mà dân cờ bạc chuyên nghiệp có thể định giá với nhau là hàng chục triệu đồng. Vì những “dụng cụ” đặc biệt này mà “nhà cái” có thể “nắm chắc phần thắng” trong tay. Dân cờ bạc cũng sẽ bằng mọi giá để giành giật nhau những dụng cụ “phù phép” ván bài như vậy.
Phán quyết khiến cả bị cáo và bị hại đều không đồng tình
Trở lại diễn biến phiên tòa, phiên xử ngày 18/12/2013 là phiên sơ thẩm lần thứ hai, sau khi Tòa án nhân dân huyện Văn Giang ra Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung ngày 15/10. Tại phiên tòa lần này, cả bị hại Vũ Đức Quyền lẫn 5 bị cáo đều cho rằng việc truy tố các bị cáo với tội danh “Cướp tài sản” là không phù hợp. Các bị cáo đồng loạt kêu oan.
Lời khai của bị cáo và bị hại tại phiên tòa đều khác nhiều so với những lời khai của họ tại cơ quan điều tra. Lý giải tại sao tại phiên tòa các bị cáo thay đổi lời khai, bị cáo Sơn, cho rằng do tại giai đoạn điều tra, cán bộ điều tra giải thích rằng cứ có hành vi đe dọa và nhận tiền từ bị hại là phạm tội “Cướp tài sản”. Đối với bị cáo Thật, Thái, Duy thì cán bộ điều tra giải thích rằng: Cứ có mặt ở đó là đồng phạm rồi. Vì cách giải thích như vậy nên các bị cáo “tặc lưỡi cho qua”, ký luôn vào bản cung.
Riêng đối với bị cáo Chung, trước sau như một luôn khẳng định bị cáo không phạm tội “Cướp tài sản” vì đã cướp tài sản thì phải cướp hết, không có lý gì lại để cho bị hại có thời gian đếm tiền và bớt lại 1.600.000 đồng chỉ đưa 5.000.000 cho Sơn. Mặt khác, bị cáo lúc đó bị gãy tay thì làm sao có thể giúp sức cho Sơn được.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hà (VP Luật sư Hà Lan và cộng sự, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), người bào chữa cho bị cáo Chu Ngọc Sơn – đối tượng bị đề xuất mức án lên tới 8 năm 6 tháng tù, đã đưa ra những dẫn chứng khẳng định bị cáo Sơn cũng như các bị cáo khác không phạm tội “Cướp tài sản”.
Vị luật sư này lập luận: “Tại phiên tòa, người bị hại Vũ Đức Quyền cũng như các bị cáo đều có lời khai thống nhất với nhau.Việc Sơn đòi bị hại trả chiếc bát hình là có thật.Việc Quyền đồng ý trả 20 triệu đồng vì bị mất chiếc bát hình cũng là có thật. Chỉ có điều khoảng thời gian kể từ lúc Sơn đe dọa cho tới khi bị hại đưa tiền không diễn ra nhanh như người bị hại khai tại cơ quan điều tra.Và người bị hại cũng không hề lâm vào tình trạng bị tê liệt về mặt ý chí. Điều đó thể hiện ở chi tiết: Giữa bị hại Vũ Đức Quyền và các bị cáo Sơn, Thái, Thật, Duy đều có mối quan hệ quen biết với nhau từ trước. Quyền vừa là bạn bè vừa là người cùng làng với Thái. Sau khi đòi Quyền chiếc bát hình, nghe Quyền từ chối nói không mượn thì Sơn mới dùng dao bấm đe dọa đòi trả chiếc bát đó. Việc dùng dao đe dọa cũng chỉ trong vài giây vì Thái đã can ngăn. Sau đó Sơn đã cất dao vào trong túi quần và tiếp tục nói chuyện với Quyền. Bị hại khai lúc đầu có hơi sợ nhưng sau đó mọi chuyện lại bình thường, họ lại ngồi nói chuyện với nhau như không có chuyện gì xảy ra. Như vậy việc truy tố các bị cáo phạm tội “Cướp tài sản” là quá nặng”.
Có dấu hiệu ép cung?
Trao đổi bên lề phiên tòa, vị luật sư này cho rằng những bị cáo như Nguyễn Văn Thái, chỉ vì hành vi gọi điện cho bị hại và có mặt tại nơi xảy ra xô xát, cũng bị quy kết là “đồng phạm” giúp sức cho Sơn, bị đề nghị mức án lên tới… 7 năm 6 tháng tù là quá nặng. Bị cáo Trần Văn Duy cũng chỉ mở cốp xe của bị hại, lấy bộ tú lơ khơ (trị giá 3.464 đồng) cũng bị đề nghị mức án tới 5 năm 6 tháng tù. “Có thể do các bị cáo có nhân thân không tốt nên các cơ quan tiến hành tố tụng đã nhắm mắt làm ngơ trước sự không thống nhất giữa lời khai trong bản cung và những lời khai của họ tại tòa?” – vị luật sư đặt vấn đề.
Hàng trăm người đến dự phiên tòa ngày 18 – 12 – 2013
Tổng hợp hình phạt dành cho 5 bị cáo lên tới 32 năm tù. Bản án của TAND Hưng Yên khiến cho tất cả những người có mặt tại phiên tòa đều bất ngờ.
Theo luật sư Hà, việc đánh giá bản chất của vụ án cũng phải căn cứ vào kết quả thẩm vấn tại phiên tòa, các bằng chứng khác thu thập trong quá trình điều tra. “Cơ quan tiến hành tố tụng và Hội đồng xét xử cũng cần thay đổi cách nhìn nhận của mình về vụ án này. Đây có thực sự là một vụ án “Cướp tài sản” không? Vấn đề trả hồ sơ để điều tra bổ sung là cần thiết bởi theo quan điểm của luật sư, bị cáo Sơn và các bị cáo khác không phạm tội “Cướp tài sản” – luật sư Nguyễn Văn Hà bình luận.
Kết thúc phiên xử, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân huyện Văn Giang vẫn tuyên các bị cáo Chu Ngọc Sơn, Nguyễn Mạnh Thật, Nguyễn Văn Thái, Trần Văn Duy, Đàm Văn Chung phạm tội “Cướp tài sản”. Riêng bị cáo Sơn bị tuyên phạt thêm tội “Đánh bạc”.
Những người dân có mặt tại phiên tòa cũng bức xúc bởi quyết định của Tòa án đã không khiến họ “tâm phục, khẩu phục”. Mặc dù hình phạt đối với những đối tượng “cờ bạc bịp” là cần thiết, tuy nhiên ngoài mục đích răn đe tái phạm, những bản án còn phải có tác dụng giáo dục, ngăn ngừa tội phạm.
Hiện nay, các bị cáo đã gửi đơn kháng cáo lên Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên. Điều đặc biệt là, nguồn tin từ Tòa án nhân dân Hưng Yên cho biết, chính bị hại cũng gửi đơn kháng cáo vì cho rằng kết quả xét xử không thỏa đáng.
Theo Đời sống Pháp luật
Xử "đại án" Huyền Như lừa đảo gần 4.000 tỉ đồng: có dấu hiệu "tham ô tài sản"
Chiều nay (6.1), phiên tòa tiếp tục diễn ra với phần đọc bản cáo trạng truy tốHuyền Như cùng 22 bị cáo. Cáo trạng dài 72 trang, khiến thời gian cả buổi chiều nay là phần đọc cáo trạng của 2 vị đại diện VKSND TPHCM giữ quyền công tố tại phiên tòa, được ủy quyền của VKSND Tối cao.
Trong khi vào buổi sáng nay (6.1), các luật sư đề nghị hoãn phiên tòa, đề nghị HĐXX triệu tập nhiều "quan chức" của Vietinbank và cựu quan chức ACB. Tuy nhiên, HĐXX bác yêu cầu hoãn phiên tòa và cho rằng cần thiết sẽ triệu tập các "quan chức" ngân hàng.
Theo nguồn tin của Báo Lao Động, một văn bản kiến nghị của luật sư Đinh Văn Quế - nguyên thẩm phán, Chánh tòa hình sự TAND Tối cao - đã gửi đến TAND TPHCM, VKSND cũng như HĐXX vụ "đại án" Huyền Như.
Trong văn bản kiến nghị, luật sư Đinh Văn Quế cho biết: "Về tội danh đối với Huyền Như, trong vụ án này, các đơn vị, cá nhân bị Huyền Như làm giả giấy tờ để họ chuyển tiền vào các tài khoản theo chỉ định của Như. Sau đó, Như chiếm đoạt là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản như cáo trạng truy tố là chính xác.
Tuy nhiên, đối với các khoản tiền của khách hàng gửi tại Vietinbank từ một hợp đồng hợp pháp, trong đó có khoản tiền hơn 718 tỉ đồng của ACB.
Sau đó Huyền Như mới dùng thủ đoạn gian dối để rút tiền từ Vietinbank thì hành vi của Huyền Như không là hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", mà hành vi này có dấu hiệu của tội "tham ô tài sản".
Trong bản kiến nghị gửi đến tòa, luật sư Đinh Văn Quế cũng cho rằng: "Khi các đơn vị, cá nhân đã gửi tiền vào ngân hàng nói chung và Vietinbank nói riêng. Ngân hàng có trách nhiệm quản lý, khai thác, sử dụng khoản tiền này và có nghĩa vụ trả lãi cho khách hàng theo thỏa thuận với khách hàng.
Vietinbank là doanh nghiệp Nhà nước. Huyền Như được bổ nhiệm làm Quyền GĐ Phòng giao dịch thuộc Vietinbank. Huyền Như có trách nhiệm kiểm soát, xét duyệt các chứng từ chuyển tiền, rút tiền và giao dịch khác trên tài khoản của khách hàng, kiểm tra và đảm bảo các chứng từ chính xác, hợp lệ.
Do có chức vụ, quyền hạn như trên, Huyền Như là người có trách nhiệm quản lý tài sản của Vietinbank.
Theo quy định của Bộ luật hình sự, tham ô là hành vi của người lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý, còn chiếm đoạt bằng thủ đoạn nào (gian dối, lạm dụng tín nhiệm, lén lút hay công khai...) không phải là dấu hiệu đặc trưng của tội "tham ô tài sản".
Tham ô chính là "trộm cắp, lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm... chiếm đoạt tài sản" của người có chức vụ, quyền hạn và lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản do mình quản lý".
Nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao-Đinh Văn Quế nhận định: "Huyền Như là người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, bằng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của Vietinbank do mình có trách nhiệm quản lý là hành vi phạm tội "tham ô tài sản", chứ không phải là hành vi phạm tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Về lý luận cũng như thực tiễn xét xử, chưa có trường hợp nào hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản do mình quản lý lại không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tham ô tài sản".
Luật sư Đinh Văn Quế cũng cho rằng: Theo kết luận điều tra số 12 ngày 3.12.2012 và các bản kết luận điều tra bổ sung số 3, ngày 26.4.2013 (lần 1) và số 8 ngày 26.8.2013 (lần 2) của Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định ACB là "đơn vị bị hại".
Cáo trạng số 16/KSĐT-VKSTC-V1 ngày 16.10.2013 của VKSND Tối cao không có chỗ nào viết: "ACB là người bị hại hoặc là đơn vị bị hại", nhưng tại mục số 9 (trang 11) bản cáo trạng ghi:
" Huyền Như đã lừa đảo chiếm đoạt của ACB" và bản phụ lục 1 kèm theo bản cáo trạng, cột thứ 4 có ghi "Số tiền Như trả lại cho các bị hại". Với cách hành văn này thì có thể hiểu bản cáo trạng cũng xác định "ACB là bị hại".
Bộ luật tố tụng hình sự không có quy định người tham gia tố tụng là "đơn vị bị hại" hay "bị hại", mà chỉ có "người bị hại". Người bị hại là người bị thiệt hại về thể chất, về tinh thần hoặc về tài sản do tội phạm gây ra (khoản 1 Điều 51 Bộ luật tố tụng hình sự).
Người bị hại phải là con người cụ thể chứ không phải là cơ quan, tổ chức; bởi lẽ, nếu người bị hại từ chối khai báo mà không có lý do chính đáng thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "từ chối khai báo" theo Điều 308 của Bộ luật hình sự.
Nếu cơ quan, tổ chức là người bị hại, mà từ chối khai báo thì làm sao mà truy cứu trách nhiệm hình sự được ! Pháp luật nước ta không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cơ quan, tổ chức.
Đây là tiêu chí rất quan trọng để phân biệt người bị hại với nguyên đơn dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự.
Trong vụ án hình sự, các cơ quan, tổ chức, nếu tham gia tố tụng thì không thể là người bị hại. Họ chỉ có thể tham gia tố tụng với tư cách: nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.
Như vậy, ACB không phải là người bị hại trong vụ hình sự nói chung và trong vụ án này nói riêng.
Vậy ACB có tham gia tố tụng trong vụ án này hay không, nếu tham gia thì với tư cách gì, cần làm rõ một số vấn đề sau: Huyền Như bị truy tố về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", trong đó có hơn 718 tỉ đồng. Nguồn gốc số tiền này là của ACB, nhưng đã ủy thác cho 19 nhân viên ACB gửi vào Vietinbank, theo một hợp đồng tiền gửi.
Theo pháp luật dân sự cũng như quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì sau khi số tiền này gửi vào tài khoản của Vietinbank tuy chủ sở hữu vẫn là ACB, nhưng quyền quản lý (chiếm hữu và sử dụng) thuộc Vietinbank chứ không thuộc ACB nữa.
Vietinbank phải chịu trách nhiệm về mọi rủi ro về số tiền hơn 718 tỉ đồng. Nếu số tiền này bị người khác chiếm đoạt thì Vietinbank mới là đơn vị bị thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra và tham gia tố tụng với tư cách là "nguyên đơn dân sự".
"Tại quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung số 04/VKSTC-V1 ngày 23.2.2013 của VKSND Tối cao cũng đã khẳng định 'Việc ký hợp đồng nhận tiền gửi của khách hàng, trách nhiệm quản lý đối với số tiền này thuộc về Vietinbank'.
Khẳng định này là chính xác, đúng pháp luật, phù hợp với quy định của luật dân sự và quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Nếu Vietinbank để người khác chiếm đoạt hoặc bị thất thoát số tiền này thì Vietinbank phải bồi thường cho khách hàng", luật sư Đinh Văn Quế nhận định trong văn bản kiến nghị gửi đến tòa.
Phiên tòa tiếp tục diễn ra ngày mai (7.1) với phần xét hỏi.
Theo Lao động
Táo tợn cướp đột nhập vào nhà dân giữa ban ngày Sau khi đi làm đồng về, anh Nguyễn Văn Hùng (xã Đức Giang, huyện Vũ Quang) hốt hoảng khi thấy vợ đang nằm sấp trên giường trong tư thế bị trói tay. Một vụ cướp táo tợn ngay giữa ban ngày vừa xảy ra chiều ngày 11/12 tại xóm Văn Giang, xã Đức Giang (huyện Vũ Quang). Nạn nhân là chị Đoàn Thị...