Kỳ 5: Ông vua không ngai
Dẫn đầu thế giới về xuất khẩu điều nhân và chiếm đến 50% sản lượng điều tiêu thụ trên thế giới, ngành điều VN đang là vua, nhưng không ngai.
Thua lỗ nặng nề
Thống kê 4 năm gần đây, từ năm 2009 – 2012, toàn ngành điều xuất khẩu (XK) khoảng 750.000 tấn nhân điều các loại và 110.000 tấn dầu vỏ hạt điều. Trong đó, năm 2009 XK khoảng 158.000 tấn, năm 2010 khoảng 200.000 tấn, năm 2011 khoảng 166.000 tấn và năm 2012 ước khoảng 220.000 tấn. Trong vòng 7 năm liên tục, từ 2006 – 2012, VN đã trở thành quốc gia XK điều nhân lớn nhất thế giới, vượt cả Ấn Độ và Brazil.
Xuất khẩu điều VN đứng đầu thế giới nhưng giá trị thấp – Ảnh: Diệp Đức Minh
Kim ngạch XK riêng sản phẩm nhân điều cũng gia tăng qua từng năm: năm 2009 đạt 740 triệu USD, năm 2010 đạt 1,123 tỉ USD, năm 2011 đạt 1,35 tỉ USD và năm 2012 đạt 1,45 tỉ USD. Hiện sản phẩm điều của VN có mặt trên hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nếu chỉ nhìn vào con số, có thể thấy ngành điều VN đang phát triển. Tuy nhiên thực tế hoàn toàn khác hẳn. Mặc dù đang là “vua” về sản lượng điều nhân XK nhưng ngành điều đang đứng bên bờ vực chông chênh và có nguy cơ đổ vỡ bất cứ lúc nào. Trong vòng 5 năm trở lại đây, các doanh nghiệp (DN) điều đã ít nhất 2 lần thua lỗ nặng nề, trong đó phải kể đến năm 2008, khi giá điều thế giới liên tiếp tăng cao, các DN trong nước đã “lỡ” ký hợp đồng giá thấp liền hủy kèo, xù hợp đồng, dẫn đến việc các nhà nhập khẩu nước ngoài gửi thư khiếu nại đến Thủ tướng Chính phủ, đồng thời hăm dọa đưa ra tòa án quốc tế. Đến năm 2011, do dự báo sai lầm về diễn biến giá điều, các DN lớn trong nước lại tranh nhau thu mua nguyên liệu với giá cao để chờ thời cơ. Năm đó giá điều thế giới rớt mạnh, hầu hết các DN lớn, nhỏ trong nước đều thua lỗ nặng nề, phá sản hàng loạt, dư chấn vẫn còn kéo dài đến nay khiến nhiều DN chưa gượng dậy được.
DN XK bấp bênh nên đời sống người trồng điều cũng vất vả không kém, thống kê bình quân thu nhập người trồng điều chỉ khoảng 11 – 12 triệu đồng/ha/năm, do đó diện tích trồng điều ngày càng thu hẹp vì nông dân chặt phá điều để trồng các loại cây khác.
Câu chuyện bó đũa
Video đang HOT
Ông Hồ Ngọc Cầm, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Điều VN (Vinacas) 2 nhiệm kỳ liên tiếp (1999 – 2006), bộc bạch: “Những năm gần đây sản lượng điều XK tăng, kim ngạch tăng, nhưng hiệu quả đem lại thì vẫn thấp. Bao nhiêu năm những người làm điều đều trắng tay. Nhiều nhà máy giao hết tài sản cho ngân hàng. Nguyên nhân của tình trạng này là do sự đoàn kết của ngành điều rời rạc, không tập hợp được cộng đồng, không thống nhất được giá mua giá bán. Năm 2011 ngành điều thua lỗ lớn, có nhà máy lỗ 150 – 200 tỉ đồng, lỗi là do tổ chức hiệp hội tập hợp DN không hiệu quả, mạnh ai nấy xuất, mạnh ai nấy tranh mua tranh bán nên dẫn đến thua lỗ lớn. 80% DN ngành điều năm trước năm nay đều thua lỗ. Ngành điều muốn vững vàng phải đoàn kết và giữ được uy tín”.
Ông Lê Quang Luyến – Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH sản xuất thương mại Phúc An (Bình Phước), trăn trở: “VN XK nhân điều đứng đầu thế giới, sự thật là vậy nhưng có đáng để tự hào hay không khi chúng ta chiếm lĩnh phần lớn thị trường nhưng không khống chế được giá bán, hoàn toàn lệ thuộc vào khách hàng nước ngoài, họ đưa giá bao nhiêu chúng ta đều phải chấp nhận. Khi nhập khẩu nguyên liệu về chế biến cũng vậy, bị DN nước ngoài ép giá. Bao nhiêu năm nay kim ngạch có sự tăng trưởng nhưng DN lẫn người trồng điều đều bấp bênh, đó chính là sức liên kết của DN trong nước quá yếu. 99% sản phẩm XK chỉ là nhân điều sơ chế, giá trị không cao, một số DN đầu tư sản phẩm cuối nhưng tỷ trọng rất nhỏ. DN XK điều giá thấp thì làm sao mua điều từ nông dân giá cao được?”.
Với diện tích điều ngày càng thu hẹp, VN từ vị trí thứ 2 đã rơi xuống thứ 3 trong số những quốc gia có diện tích và sản lượng điều thu hoạch lớn trên thế giới, sau Ấn Độ và Bờ Biển Ngà. Sản lượng điều nhân chế biến XK của VN hiện nay đang lệ thuộc phần lớn vào nguyên liệu nhập khẩu. Theo dự báo của Vinacas, trong giai đoạn 2013 – 2015, ngành điều đặt mục tiêu chế biến khoảng 900.000 tấn điều thô sản xuất trong nước và trên 1 triệu tấn điều thô nhập khẩu. Phấn đấu đạt kim ngạch XK bình quân hằng năm từ 1,4 – 1,5 tỉ USD. Đến năm 2015, tăng tỷ trọng nhân điều chế biến sâu, có hàm lượng giá trị gia tăng cao đạt từ 5 – 7%, tiêu thụ trong nước đạt 5%.
Rối ren
Đại hội Vinacas nhiệm kỳ 2013 -2015 vừa được tổ chức trong tháng 12.2012, tuy nhiên số lượng DN tham gia ít hẳn. Trong số 111 hội viên chính thức chỉ có 65 hội viên tham dự, trong đại hội cũng đã xảy ra tranh cãi giữa hội viên và ban chấp hành về vai trò định hướng, trách nhiệm của Vinacas trong việc dẫn đến thua lỗ của DN. Ngay sau khi kết thúc đại hội, ông Nguyễn Văn Lãng, nguyên Phó chủ tịch Vinacas, đã gửi công văn khiếu nại đến Bộ Nội vụ, Bộ NN-PTNT yêu cầu làm rõ những dấu hiệu vi phạm điều lệ bầu cử và đề nghị phải bầu cử lại. Trong số 1,45 tỉ USD giá trị kim ngạch XK thì các hội viên Vinacas hiện chỉ chiếm dưới 50%, còn lại là do DN ngoài Vinacas nắm giữ, điều đó cho thấy khả năng tập hợp cộng đồng của Vinacas rất yếu.
Theo TNO
Kỳ 4: Nỗi buồn dệt may
Dệt may là ngành đứng đầu về xuất khẩu của cả nước, nhưng đấy chỉ là chiếc vương miện ảo, bởi lợi nhuận thực sự thu về rất thấp so với kim ngạch xuất khẩu.
Dệt may Việt Nam đa số vẫn gia công nên giá trị thu về khá thấp - Ảnh: D.Đ.Minh
Năm 2012, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) ước tính ngành dệt may xuất khẩu đạt 17,1 tỉ USD, tăng gần 8% so với năm 2011. Đây là năm thứ 4 liên tiếp ngành dệt may dẫn đầu về xuất khẩu của cả nước. Thế nhưng, các doanh nghiệp (DN) dệt may vẫn không vui bởi lợi nhuận của họ đang teo tóp đi.
Thặng dư ảo
Để phát triển nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, da giày, phải có chính sách phát triển cụ thể của nhà nước... Nếu không có dệt, nhuộm hay thuộc da thì làm sao đủ cung cấp vải cho ngành may hay da cho ngành da giày
Ông Lê Quang Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty May Sài Gòn
Việt Nam nằm trong danh sách 10 quốc gia dẫn đầu xuất khẩu hàng dệt may trên thế giới. Theo Vitas, giá trị thặng dư của toàn ngành thu về năm 2012 ước đạt 8,4 tỉ USD (lấy tổng kim ngạch xuất khẩu trừ đi kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ cho xuất khẩu), tăng so với năm 2011 dù chưa nhiều. Nhưng theo số liệu của Tổng cục Hải quan thì thặng dư chỉ bằng một nửa. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đạt 15,09 tỉ USD, kim ngạch nhập khẩu gần 11 tỉ USD, giá trị thặng dư chỉ còn 4,09 tỉ USD.
Ông Phạm Xuân Hồng - Phó chủ tịch Vitas - khẳng định các loại vải chính để sản xuất hàng xuất khẩu đa số vẫn phải nhập khẩu. Nguyên phụ liệu trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu sản xuất của ngành dệt may nên giá trị thặng dư của ngành khó được cải thiện. Một số DN cho biết giá trị xuất khẩu của Việt Nam chưa sát thực tế vì nhiều đơn hàng gia công nhưng khi xuất khẩu vẫn được ghi thành giá FOB (chủ động mua nguyên liệu để sản xuất rồi bán thành phẩm) theo yêu cầu của phía nhập khẩu. Điều này làm tăng giá trị xuất khẩu nhưng giá trị thu về thật sự vẫn ở mức thấp. Ví dụ: đơn giá gia công tại Việt Nam cho áo sơ mi từ 1,5 - 2 USD/áo, nếu kê khai thành FOB thì giá lên khoảng 5 - 6 USD/áo nhưng trong đó, có tới 4 - 5 USD chỉ là "số ảo". Thực tế, số DN sản xuất theo mô hình FOB chỉ chiếm dưới 30% trong tổng số hơn 4.000 DN dệt may cả nước. Đó là chưa kể, trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam thì các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm đến 55%. Như vậy các DN trong nước chỉ còn thu về số tiền nhỏ.
Giám đốc một DN dệt may chuyên sản xuất hàng gia công tại Q.Gò Vấp, TP.HCM thú nhận năm 2012, chỉ có những DN sản xuất hàng FOB hoặc những đơn vị gia công lớn mới đạt lợi nhuận. Còn nhiều đơn vị khác chủ yếu hòa vốn hoặc có lợi nhuận không đáng kể. Bản thân DN này cũng gặp nhiều khó khăn và từ gần 200 công nhân đến nay chỉ còn khoảng vài chục người vì càng làm càng bị lỗ. Từ đó có thể thấy, những con số xuất khẩu ấn tượng được công bố nói trên không có ý nghĩa gì đối với ông hay các công nhân của mình.
Thách thức nội địa hóa sản xuất
Dự báo năm 2013, tổng doanh số tiêu thụ hàng dệt may trên toàn thế giới đạt 713 tỉ USD (tăng 2,3% so với năm 2012). Trong đó Mỹ sẽ nhập khẩu khoảng 103 tỉ USD, EU nhập khoảng 234 tỉ USD, Nhật Bản nhập khẩu 49 tỉ USD, Hàn Quốc khoảng 10,5 tỉ USD và các thị trường còn lại khoảng 315 tỉ USD. Theo kế hoạch, ngành dệt may Việt Nam phấn đấu xuất khẩu từ 18,8 - 19,3 tỉ USD, tăng từ 8 - 10% so với năm 2012.
Để gia tăng giá trị xuất khẩu, các DN chỉ có thể thay đổi phương thức sản xuất từ gia công sang FOB nhưng điều đó không dễ. Bởi ngoài nhân sự, tài chính thì một nguyên nhân không kém phần quan trọng là nguồn nguyên phụ liệu phải được sản xuất trong nước. Theo ông Lê Tiến Trường - Phó chủ tịch Vitas - toàn ngành sẽ phấn đấu trong năm 2013 gia tăng tỷ lệ nội địa hóa để giá trị thặng dư thu về đạt hơn 50%. Để làm được điều đó, Tập đoàn dệt may Việt Nam đã và đang đẩy mạnh đầu tư cho lĩnh vực sản xuất dệt, nhuộm. Nhưng việc đầu tư đó vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển của ngành may.
Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần SX-TM May Sài Gòn kể: đầu năm nay, một khách hàng đã chấp nhận cho công ty này mua vải tại Việt Nam với doanh số khoảng 1 triệu USD - chiếm 20% doanh số của khách hàng. Đây là lần đầu tiên khách hàng nước ngoài đồng ý cho công ty này sử dụng nguyên liệu trong nước. Dù chỉ mới đạt một phần nhưng cũng là tín hiệu đáng mừng cho DN FOB. Tuy nhiên, ông đang lo lắng vì khó đáp ứng được yêu cầu của khách hàng khi ngành dệt trong nước chưa phát triển kịp ngành may. "Để phát triển nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, da giày, phải có chính sách phát triển cụ thể của nhà nước. Tôi được biết nhiều DN dệt, nhuộm hay thuộc da đi đến đâu cũng bị địa phương từ chối vì sợ ô nhiễm môi trường. Nếu không có dệt, nhuộm hay thuộc da thì làm sao đủ cung cấp vải cho ngành may hay da cho ngành da giày", ông Lê Quang Hùng nói.
Một chuyên gia trong ngành dệt may phân tích, Việt Nam đang đàm phán Hiệp định thương mại Đối tác xuyên châu Á - Thái Bình Dương (TPP). Nếu TPP được thực hiện, ngành dệt may sẽ đứng trước cơ hội rất lớn khi Việt Nam là một trong 9 thành viên của TPP hiện nay. Tuy nhiên, để được ưu đãi như miễn thuế vào Mỹ, Canada, dệt may Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện cụ thể như tỷ lệ nội địa hóa đạt khoảng 60% hoặc các nguyên phụ liệu phải diễn ra trong khuôn khổ các nước tham gia TPP. Trong khi đó, nguyên liệu sản xuất dệt may của Việt Nam chủ yếu nhập từ Trung Quốc và một số nước ASEAN. Với tình hình như hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa đó sẽ khó đạt được, ngành dệt may khó tận dụng được lợi thế của TPP dù có thể phải hy sinh nhiều ngành thương mại khác khi đàm phán tham gia hiệp định này.
Theo TNO
Về đích tuyệt vời, nhưng chưa thể vội mừng Với việc lần đầu tiên xuất siêu 284 triệu USD sau 20 năm và lạm phát cả năm được kiểm soát cả năm chỉ ở mức 6,81%, thấp hơn chỉ tiêu của Quốc hội đề ra, kinh tế Việt Nam đã vượt qua rất nhiều gian khó để "về đích" 2012 một cách tuyệt vời. Đó là hoàn thành mục tiêu cao nhất:...