Kỳ 5: Kiên quyết trấn áp
Chính vì không có người đứng ra tố cáo nên công tác điều tra để triệt phá các cá nhân, băng nhóm cưỡng đoạt, cướp tài sản của công nhân gặp khó khăn.
Tố cáo liệu có yên ổn?
Đa phần những công nhân (CN), ca trưởng, quản lý tại các công ty đều là dân tỉnh lên làm việc kiếm sống. Thế nên khi đụng chuyện, nhiều người có tâm lý “đưa tiền cho khỏi rắc rối” – như lời một CN tâm sự.
Anh D. đã hơn 11 năm làm CN và trải qua nhiều chức vụ tại một công ty may mặc thuộc KCN Mỹ Phước 1 (H.Bến Cát, Bình Dương) tâm sự: “Bản thân tôi và các đồng nghiệp đều ít nhất một, hai lần bị “đầu gấu” lâu lâu gọi điện xin tiền uống cà phê, hay ép phải đi nhậu. Có lần, một CN trong xưởng vì bị tôi nhắc nhở nên nó hăm dọa. Sau đó, tôi nhận được tin nhắn “phải chung 5 triệu” nếu không sẽ mất một cánh tay. Sau nhiều lần thỏa thuận tôi cũng phải mất 2 triệu đồng cho chúng mới được yên thân”. Khi chúng tôi hỏi sâu hơn về các băng nhóm trên, cũng như việc tố cáo lên công an, anh D. lắc đầu: “Nói các anh biết vậy thôi, chuyện cũng qua rồi, bọn nó mà biết tôi nói ra thì rắc rối lắm. Còn việc tố cáo bọn nó thì tôi không dám mơ. 2 triệu đồng thì to thật, nhưng so với công việc, cuộc sống gia đình tôi ở đây thì không là gì cả. Tố cáo bọn nó rồi liệu tôi có được yên thân để tiếp tục làm tại đây? Vợ con tôi liệu có yên ổn? Công an có bắt 1, 2 thằng đi tù, nhưng băng nhóm của nó đông lắm, đường nào mình cũng chuyển nơi ở nếu như dám đứng ra tố cáo”.
Hầu hết các CN tiếp xúc với chúng tôi đều rất e dè khi kể về những câu chuyện bị cưỡng đoạt tiền của mình. Có một số ít CN, sau khi nghe chúng tôi hứa sẽ không tiết lộ tên, tuổi, nơi làm việc thì họ mới yên tâm kể về những câu chuyện của mình và bạn bè. Anh Th. là CN tại KCN Đồng An cũng từng là nạn nhân của nhóm đàn em thuộc băng nhóm H. (biệt danh H. tóc dài) dè dặt: “Đây là câu chuyện bọn em nói ra để mấy anh nghe thôi, chứ tới tai bọn nó thì bọn em phải tốn tiền ăn nhậu nữa”.
Nghi can Kha cầm đầu băng trấn lột người khuyết tật và nghi can Hoàng Xuân Vũ – Ảnh: công an cung cấp
Công nhân khuyết tật cũng không tha
Video đang HOT
Liên quan đến nạn “đầu gấu” KCN như Báo Thanh Niên đã nêu, chiều 7.1, thượng tá Võ Văn Phúc – Trưởng công an TX.Dĩ An (Bình Dương) cho biết, lực lượng công an vừa triệt phá 2 băng nhóm, bắt tạm giam 8 nghi can.
Ngày 7.1, Cơ quan CSĐT Công an TX.Dĩ An đã thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với: Lê Huỳnh Quốc Kha (23 tuổi, quê Tây Ninh), Nguyễn Văn Tú (20 tuổi, quê Nghệ An), Phạm Quý Lâm (26 tuổi, quê Bà Rịa-Vũng Tàu), Mai Thy Dũng (20 tuổi, quê Tây Ninh) và Bùi Ngọc Đức (32 tuổi, quê TP.HCM, cả 5 người đều bị khuyết tật, câm điếc bẩm sinh), để điều tra làm rõ hành vi cướp tài sản. Theo điều tra của Công an Dĩ An, nhóm người khuyết tật này do Lê Huỳnh Quốc Kha cầm đầu, hoạt động được khoảng 2 tháng nay. Cả 5 nghi can đều sinh sống ở các nơi khác nhau, nhưng cứ hằng tháng đến kỳ lĩnh lương của CN thì tập trung về địa bàn giáp ranh để trấn lột tiền lương của CN khuyết tật. Biết những CN khuyết tật (trong Công ty TNHH Yazaky, P.Dĩ An, TX, Dĩ An) làm việc hằng tháng được nhiều tiền lại ít tiêu xài, nên Lâm cùng các nghi can bàn cách trấn lột tiền lương của họ.
Ngày 12.11.2012, vào kỳ lĩnh lương, CN Huỳnh Hữu Phước (người khuyết tật, tạm trú tại TX.Dĩ An) đi làm về đến nhà trọ thì nhóm của Lâm kéo đến nhà trọ của Phước rồi nói chuyện bằng cách ra dấu với nhau. Lâm yêu cầu Phước phải đưa 3 triệu đồng. Do Phước không đồng ý nên bị cả nhóm xông vào dùng gạch, đá đánh đập, gây thương tích nặng. Cùng hành vi tương tự, ngày 9.12.2012, nhóm của Lâm tiếp tục kéo đến nhà trọ của CN Nguyễn Quốc Bảo (22 tuổi, quê Tây Ninh, CN Công ty Yazaky) đe dọa yêu cầu đưa 2 triệu đồng. Do sợ bị đánh đập như Phước nên Bảo đã đưa tiền. Qua điều tra, Bùi Ngọc Đức còn khai nhận đã 3 lần đe dọa và trấn lột tiền của CN Trần Khái Tâm (cùng làm trong Công ty Yazaky).
Mới đây, Công an Dĩ An cũng đã triệt phá băng trấn lột tài sản của CN do Hoàng Xuân Vũ (40 tuổi, quê Hải Dương) cầm đầu, bắt tạm giam 3 nghi can, đồng thời đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án. Theo điều tra, từ tháng 3.2012, Uông Văn Lâm (28 tuổi, quê Hà Tĩnh) mâu thuẫn với anh Trần Văn Tuấn (30 tuổi, cùng làm CN Công ty TNHH Shang One, KCN Sóng Thần 1, TX.Dĩ An). Nhân cơ hội này, Nguyễn Ngọc Anh (30 tuổi, quê Phú Thọ, cùng làm CN chung với Lâm), điện thoại cho Hoàng Xuân Vũ và Lâm dàn cảnh đòi anh Tuấn phải “chung” tiền. Lâm đồng ý và cùng đồng bọn nhắn tin đe dọa Tuấn, yêu cầu phải “chung” đủ 6 triệu đồng, nếu không sẽ xẻo tai. Bị đe dọa, anh Tuấn quá sợ đã nhờ Vũ đứng ra dàn xếp và giảm số tiền phải “chung” xuống còn 2,5 triệu đồng.
Khoảng tháng 6.2012, Nguyễn Ngọc Anh tiếp tục “kiếm cớ” với anh Bùi Ngọc Linh (27 tuổi, cùng làm CN trong Công ty Shang One) để dàn cảnh chiếm đoạt tiền. Để thực hiện, Anh rủ thêm Vũ và một số người khác đến nhà trọ đe dọa rồi lấy 2 triệu đồng của anh Linh. Hiện Cơ quan CSĐT Công an Dĩ An khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Vũ, Anh, Lâm để phục vụ công tác điều tra, đồng thời tiếp tục truy bắt các nghi quan liên quan.
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, thượng tá Võ Văn Phúc khẳng định: Các băng nhóm chuyên bảo kê, trấn lột tiền của CN đã nằm trong hồ sơ của công an. Năm 2012, Công an TX.Dĩ An đã triệt phá 7 băng nhóm tội phạm chuyên bảo kê, cho vay nặng lãi, trấn lột, cướp tài sản và đã bắt giữ, khởi tố 80 nghi can. Thượng tá Phúc quả quyết: “Đối với bọn trấn lột thì không có gì phải sợ. Khi bị trấn lột, người bị hại cần đến ngay công an nơi gần nhất để trình báo. Công an Dĩ An kiên quyết đấu tranh, trấn áp, không để bọn tội phạm này lộng hành”.
Theo TNO
Trấn áp quy mô lớn bọn tội phạm
Công an TP.HCM đã huy động hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ thực hiện chiến dịch trấn áp quy mô lớn trong bối cảnh tội phạm diễn biến ở mức đáng báo động.
Ngày 21.12, tại buổi gặp mặt báo chí, đại tá Lê Anh Tuấn, Chánh văn phòng - người phát ngôn Công an TP.HCM đã chính thức công bố việc thành lập 34 tổ cảnh sát cơ động (CSCĐ) phối hợp với CSGT, cảnh sát hình sự đặc nhiệm (CSHSĐN) tiến hành tuần tra kiểm soát trấn áp tội phạm, bắt đầu từ ngày 20.12.
24/24
Đại tá Lê Anh Tuấn băn khoăn: "Tình hình tội phạm trong độ tuổi thanh thiếu niên có chiều hướng gia tăng và đáng báo động, chiếm tỷ lệ cao trong số đối tượng bị bắt giữ, xử lý. Nguyên nhân và điều kiện phạm tội trong lứa tuổi thanh thiếu niên chủ yếu là do bột phát tức thời, bốc đồng muốn khẳng định bản thân, thiếu kiềm chế, thiếu hiểu biết về pháp luật. Mặt khác, cũng do ảnh hưởng bởi lối sống thực dụng, đua đòi, chạy theo lối sống hưởng thụ, lười lao động bị tác động xấu bởi phim ảnh bạo lực, đồi trụy, do bị kích động lôi kéo dẫn đến con đường phạm tội. Ngoài ra, còn xảy ra một số vụ án cướp, cướp giật, trộm cắp... mà đối tượng gây án đã sử dụng ma túy trước đó nên khi thực hiện hành vi phạm tội rất liều lĩnh, manh động, táo tợn, thậm chí dã man sẵn sàng chống trả lại lực lượng chức năng, quần chúng khi bị ngăn cản, truy bắt. Điển hình là vụ cướp chém nạn nhân đứt lìa cánh tay ở Q.2".
Trước tình hình tội phạm diễn ra phức tạp và theo quy luật cuối năm cường độ hoạt động tăng mạnh, thiếu tướng Nguyễn Chí Thành, Giám đốc Công an TP.HCM, đã quyết định thành lập 34 tổ CSCĐ phối hợp với lực lượng CSGT và CSHSĐN tiến hành tuần tra kiểm soát từ 22 giờ đêm đến sáng hôm sau. Trong đó, lực lượng CSCĐ, CSGT tuần tra kiểm soát công khai riêng CSHSĐN mật phục. Ngoài ra, CSHSĐN phối hợp với nhiều lực lượng khác thành lập các tổ tuần tra kiểm soát 24/24 giờ khép kín địa bàn. Các lực lượng phối hợp trấn áp tội phạm nói trên do CSHSĐN đóng vai trò chủ công. Lực lượng này sẽ tập trung kiểm tra hành chính số thanh thiếu niên có biểu hiện khả nghi, lang thang vào đêm khuya. "Công an TP sẽ huy động hàng ngàn cán bộ chiến sĩ xuống đường tham gia trấn áp tội phạm trong đợt này. Lực lượng sẽ tập trung tuần tra kiểm soát những tuyến đường vùng ven, địa bàn vắng người qua lại những tuyến đường thường xảy ra cướp, cướp giật các địa điểm tham quan, du lịch tập trung đông người nước ngoài lui tới các bến xe, bến tàu, nơi tổ chức lễ hội, khu du lịch các địa bàn tập trung nhiều cơ sở kinh doanh có khả năng tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có", trung tá Vũ Như Hà, Phó chánh văn phòng Công an TP.HCM, cho biết.
Các tên tội phạm bị bắt giữ tại hiện trường - Ảnh: Đàm Huy
Mô hình mới
Đợt này, Công an TP.HCM cũng đẩy mạnh các công tác báo cáo sơ kết để sớm đưa mô hình "Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm của địa phương do bí thư Đảng ủy phường, xã làm trưởng ban chủ tịch UBND và trưởng công an phường làm phó ban và đại diện các ban, ngành, đoàn thể là thành viên", vào thực hiện trên toàn TP.HCM. Đây là mô hình khá mới đã và đang được thực hiện thí điểm tại 5 phường, xã gồm: P.2 (Q.Tân Bình) P.25 (Q.Bình Thạnh) P.Linh Trung (Q.Thủ Đức) P.Bình Hưng Hòa A (Q.Bình Tân) xã Vĩnh Lộc A (H.Bình Chánh). Cái hay của mô hình này là nếu địa bàn nào để tình hình tội phạm diễn ra phức tạp thì người đứng đầu của ban chỉ đạo phòng chống tội phạm địa phương đó sẽ chịu trách nhiệm và bị xử lý nghiêm. "Trước đây, tại nhiều cuộc họp, lãnh đạo các ngành thường hay nói: "...cần phải huy động toàn bộ hệ thống chính trị để trấn áp tội phạm". Đây là câu nói chung chung. Bây giờ mô hình này sẽ cụ thể hóa thành ban phòng chống tội phạm phường, xã và quy trách nhiệm cho người đứng đầu nếu để địa bàn xảy ra phạm pháp hình sự nhiều...", một cán bộ Công an TP.HCM nói. "Dự kiến thành phố sẽ cho triển khai đồng loạt mô hình này cho các phường, xã trên địa bàn. Công an cũng đang khẩn trương nghiên cứu đưa ra tiêu chí cụ thể để dựa vào đó quy trách nhiệm xử lý người đứng đầu của ban phòng chống tội phạm", trung tá Vũ Như Hà tiết lộ.
Không loại trừ khởi tố hình sự
Cũng tại buổi họp báo, đại tá Lê Anh Tuấn đã truyền đạt quan điểm của Ban Giám đốc Công an TP.HCM là kiên quyết, xử lý nghiêm các cán bộ, chiến sĩ của Công an Q.6, Công an Q.Bình Tân tiêu cực mà BáoThanh Niên (số ra ngày 17, 18, 19.12) đã phản ánh qua loạt bài Cảnh sát trật tự cơ động "làm luật". Đến nay, công an 2 quận đã đề xuất tước quân tịch 7 cán bộ, chiến sĩ liên quan. Ngay sau khi nhận được thông tin của báo cung cấp, Đảng ủy - Ban Giám đốc Công an TP.HCM đã tổ chức họp khẩn với đại diện Ban Chỉ huy Công an Q.6, Công an Q.Bình Tân và một số phòng chức năng của Công an TP.HCM. Qua đó đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác ngay đối với 8 cán bộ, chiến sĩ mà báo nêu có dấu hiệu vi phạm đồng thời giao Thanh tra Công an TP.HCM tiếp tục làm rõ hành vi sai phạm của số cán bộ, chiến sĩ này và những cán bộ có liên quan. Quan điểm của Công an TP là sai phạm tới đâu, xử lý tới đó, không loại trừ việc tước quân tịch và khởi tố hình sự. Hiện vụ việc đang được Thanh tra Bộ Công an phối hợp Công an TP.HCM tiếp tục làm rõ.
Ngày 23.11.2012, Công an TP.HCM đã triển khai thực hiện kế hoạch 218/KH-CATP-PV11 về tăng cường phòng, chống tội phạm xâm phạm sở hữu tài sản trên đường phố và nơi công cộng. Sau 19 ngày thực hiện, Công an TP đã ghi nhận xảy ra 305 vụ phạm pháp hình sự, khám phá 188 vụ (đạt 61,63%), bắt 260 tên. Trong đó án cướp, cướp giật, trộm tài sản xảy ra 255 vụ, khám phá 127 vụ (đạt 56,44%), bắt 186 tên triệt phá 46 băng nhóm, bắt 109 tên (7 băng, 23 tên cướp tài sản 17 băng, 39 tên trộm cắp tài sản 22 băng, 47 tên cướp giật tài sản).
Trong năm 2012, Công an TP.HCM ghi nhận xảy ra 5.001 vụ phạm pháp hình sự, làm chết 121 người, bị thương 606 người và thiệt hại tài sản trên 137 tỉ đồng điều tra khám phá 3.675 vụ, bắt 4.679 tên (đạt 73,48%, tăng 4,51% so với năm 2011) triệt phá 732 băng nhóm tội phạm hình sự, bắt 1.778 tên (trong đó xác lập và khám phá 106 chuyên án bắt 427 tên hoạt động có tổ chức, chuyên nghiệp), khám phá nhiều băng nhóm giết người, cướp tài sản, cướp giật, trộm cắp vận động đầu thú, thanh loại 761 đối tượng truy nã.
Theo TNO
Đặc nhiệm Thủ Đô quyết liệt truy quét tội phạm Trong 3 tháng trở lại đây, đặc nhiệm Thủ đô đã kiểm tra, xử lý hơn 11.000 trường hợp, phát hiện hơn 400 đối tượng có dấu hiệu tội phạm, thu giữ 20 súng và nhiều dao, kiếm các loại... Đối tượng vi phạm bị đặc nhiệm "tóm" Tăng cường trấn áp tội phạm dịp cuối năm Công an thành phố Hà Nội...