Kỳ 3: Trùm buôn vũ khí, thuốc phiện và chuyên án xuyên hai thế kỷ
Sau khi nghiên cứu những thông tin thu thập được, dựa vào lời khai của Thông, Thuỷ và Sình, Ban chuyên án quyết định chọn tên Hòa là mắt xích dễ “đột phá” nhất và đây chính là con “át chủ bài”, nắm rõ mọi hoạt động trong đường dây.
Vì vụ án liên quan đến nhiều đối tượng ở nhiều tỉnh nên CA tỉnh Tuyên Quang đã đề nghị Cục CSĐT tội phạm về ma túy Bộ Công an cùng tham gia phá án.
Các bị cáo trong vụ án bị dẫn vào phòng xử án.
.
Một tháng trời săn tìm bí mật
Sau khi bắt giữ Hoà, các ĐTV CA tỉnh Tuyên Quang và Cục C17 nhanh chóng di chuyển hắn về Trại giam T16 để khai thác thông tin. Những ĐTV giỏi được tung vào cuộc với nhiệm vụ bắt kẻ nắm giữ những bí mật phải mở miệng. Hàng tuần liền các anh phải ở trong trại giam, tiếp cận Hòa.
Nhưng với một kẻ có bề dày kinh nghiệm như hắn, việc khai thác thông tin không hề dễ. Mất ngủ và căng thẳng, mắt ai cũng trũng sâu, bù lại Hòa cuối cùng phải nói ra sự thật, ai cũng vui vì hơn tháng trời ăn, ngủ trong trại giam của họ không vô ích.
Nhiệm vụ đầu tiên đầy gian nan, thử thách, quyết định cho việc xóa sổ cả một đường dây tội phạm bước đầu có triển vọng. Từ lời khai của Hoà và những kẻ bị bắt như Sình, Thuỷ, Nuôi, bắt đầu lộ diện những ông trùm buôn bán ma tuý, vũ khí từ 10 năm trước, có liên quan đến hàng loạt các đường dây buôn bán ma tuý lớn khác đã từng bị triệt phá như: Nguyễn Văn Tám, Đặng Văn Ấu…
Video đang HOT
Vì các đối tượng có liên quan đều sống ở những vùng cao của tỉnh Hà Giang nên ròng rã nhiều tháng sau, các trinh sát, ĐTV của CA tỉnh Tuyên Quang và Cục CSĐT tội phạm về ma túy phải hàng trăm lượt lên Đồng Văn, Hà Giang để điều tra và bắt đối tượng. Vì chúng đều thuộc dân tộc Hán, có quan hệ họ hàng với nhau, sống ở nơi phức tạp, từng xảy ra những vụ thanh toán, trả thù nhau do buôn bán phạm pháp nên rất manh động.
Để bắt được chúng mà vẫn đảm bảo an toàn cho lực lượng vây bắt, các trinh sát phải đến Tuyên Quang từ tối hôm trước, đợi đến nửa đêm bắt đầu đi tiếp làm sao để đến Đồng Văn là khoảng 5g sáng, bất ngờ ập vào nhà đối tượng đúng lúc chúng đang ngủ, không kịp giải cứu cho nhau.
Kể lại những ngày đó, Đại tá Nguyễn Chí Lễ, Cục phó Cục CSĐT tội phạm về TTXH Bộ Công an, khi đó là Cục phó Cục CSĐT tội phạm về ma túy cho biết, khi phá án đang là mùa đông nên việc đi đêm lên cao nguyên đá Đồng Văn không đơn giản chút nào.
Con đường ngoằn ngoèo, nhiều khúc cua tay áo, chạy theo chiều xiên đứng, ngồi trong ô tô mà cảm tưởng như có người cầm chân lôi đi, ngoài trời thì sương giăng mù mịt, ban ngày còn khó đi nữa là đêm tối, chỉ sơ sẩy một chút là lao xuống vực. Mặc dù được trang bị đèn vàng nhưng ánh sáng của nó không “phá” nổi màn sương dày ở cao nguyên đá Đồng Văn nên các trinh sát phải thay nhau chạy bộ, cầm đèn bão đi trước dẫn đường.
Vì vụ án có liên quan đến một số người đang phục vụ trong lực lượng CA nên yếu tố bí mật được đặt lên hàng đầu. Các trinh sát chỉ được biết tối lên đường làm nhiệm vụ còn đi đâu, làm gì thì chỉ khi đã yên vị trên ô tô, điện thoại đưa lãnh đạo “cất giùm”, mới được chỉ huy thông báo công việc phải làm. Sau những chuyến đi ấy, 58 đối tượng bị bắt giữ, với tội danh mua bán trái phép ma tuý và vũ khí quân dụng, trong đó số ma tuý mà chúng tiêu thụ lên tới gần 1 tấn, một con số kỷ lục thời bấy giờ.
Kẻ cầm đầu và những người vợ hờ khờ khạo
Cầm đầu và là những kẻ tiên phong trong việc mở ra đường dây mua bán gần một tấn thuốc phiện này là Nguyễn Văn Tiến, Trương Phát Hòa, Phạm Xuân Lộc, Phạm Văn Tuấn, Sùng Quang Phàn, Phạm Văn Dương. Nguyễn Văn Tiến, SN 1958 ở Hà Tây, còn gọi là Tiến “còi”, trước đây làm lái xe cho Cty Vận tải Hà Giang nên những chuyến chở hàng và hành khách xuôi ngược Hà Giang đi các tỉnh đã giúp kẻ ham tiền như Tiến bắt quen với các “đại gia” buôn bán ma tuý ở các nơi, như Nguyễn Văn Tám, Đặng Văn Ấu, Nguyễn Văn Quang. Sau khi móc nối được với đầu ra, nguồn hàng, Tiến tự đứng ra xây dựng một đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy từ Hà Nội đi Hà Giang.
Do thường xuyên cùng Quang mang hạt rau giống từ Hà Giang về Hà Nội bán, hay vào nhà Lộc, gần bến xe Long Biên, gửi hàng nên Tiến nhanh chóng biến Lộc trở thành điểm trung chuyển ma túy cho chúng. Từ Sơn La, Quang đưa ma túy về Hà Nội và từ Hà Nội, ma túy được Tiến đưa lên Hà Giang (Quang đã bị tử hình ở vụ mua bán 227kg thuốc phiện do TAND tỉnh Sơn La xét xử năm 1995).
Những khi chở hàng về Hà Nội, Tiến chỉ bảo Lộc tìm nguồn mua thuốc phiện nhưng khi có “hàng” do Quang đưa về, Tiến viện lý do xin nghỉ việc để khỏi phải lái xe chở khách, sau đó bí mật đón xe khách về nhà Lộc, ngủ lại một đêm rồi hôm sau đón xe, mang thuốc phiện lên Hà Giang.
Chuyến đầu tiên, khoảng tháng 9-1991, Tiến xuống nhà Lộc mua 2,6kg thuốc phiện với giá 800.000đồng/kg, đem lên Hà Giang giao cho Trương Phát Hòa đưa sang Trung Quốc bán. Những lần sau, lúc thì 1kg, lúc thì 2,5kg, Tiến đều mua hết đưa lên cho Hòa bán.
Tiến rất giỏi tán gái nên có biệt hiệu là Tiến “gái”. Trong các cuộc tình, Tiến vung tiền thể hiện nhưng khi chiếm được thân xác họ chỉ vài lần là anh ta rũ bỏ. Chẳng hiểu do mê anh chàng còi hào hoa hay vì “chết” hắn ở điểm ăn chơi ngang tàng mà nhiều cô cứ chết như điếu đổ. Tất cả những người đàn bà Tiến ve vãn, mục đích của anh ta không phải chỉ để quan hệ xác thịt mà còn để chọn ra trong số các cô, kẻ nào khờ khạo nhất dùng làm tấm lá chắn cho hành vi làm ăn phạm pháp của mình.
Sau rất nhiều lần vung tiền chiều gái đẹp, cuối cùng Tiến cũng chọn được hai người đàn bà dám chết vì mình là Pờ Thị Hoà và Trần Thị Phấn. Phấn là người đàn bà ba con, thường đi buôn chuyến từ thị xã Hà Giang lên Phó Bảng. Phấn si mê đến độ bỏ cả chồng, cả con, một lòng một dạ theo Tiến.
Một lần Tiến nhờ cầm hộ hai bánh heroin, Phấn không nề hà, giấu ngay vào đống hàng mang lên Phó Bảng cho Tiến mà không cần một đồng tiền thưởng nào. Thấy Phấn quá lú lẫn vì mình, lần tiếp theo, Tiến lại nhờ Phấn mang hộ 2,6 kg thuốc phiện lên Phó Bảng, song lần này Phấn đã không gặp may bởi khi chuyến xe khách đi đến giữa đường thì bị lực lượng CA kiểm tra.
Với số thuốc phiện kể trên trong túi, Phấn bị bắt và bị kết án 78 tháng tù giam. Trong khi Phấn dính vòng tù tội, cải tạo ở trại Quyết Tiến, tỉnh Hải Dương đêm ngày mơ tưởng đến Tiến thì anh chàng lại tiếp tục với những mối tình khác để dụ những con thiêu thân làm kẻ cầm hộ ma tuý.
Trong một lần được chị gái là Trần Thị Tâm vào thăm, Phấn vồ vập hỏi thăm về Tiến rồi kể cho chị nghe việc mình đang cầm hai bánh heroin của Tiến nhờ cất. Phấn nhờ Tâm về lấy số ma tuý trên, bán hộ cho Tiến, việc chưa thực hiện xong thì Tâm bị bắt.
Cả hai chị em bị kết án tử hình (sau giảm xuống chung thân), đã khai số ma tuý trên là của Tiến, tuy nhiên, không đời nào anh ta nhận và Tiến được thả sau bốn tháng tạm giam. Từ phòng tạm giam, được thả tự do, Tiến lao vào công cuộc chinh phục các mối tình khác và tiếp tục con đường buôn bán ma tuý của mình.
Ngoài việc mua lại ma túy của Quang, bán cho Tiến, vì cũng là dân lái xe chạy đường dài nên mỗi khi phải chở hàng lên Yên Bái, gặp người dân tộc nào có thuốc phiện bán, Lộc đều mua hết, mang về Hà Nội cất giấu sau đó bán cho vợ chồng Phạm Văn Dương, Trần Thị Chín ở thị xã Hà Giang. Theo các ĐTV, Lộc chỉ là vai trò thứ yếu trong đường dây này nhưng lại là mắt xích quan trọng kết nối các đối tượng của nhiều đường dây ma túy với nhau.
(Còn nữa)
Theo Pháp Luật XH
Trùm buôn vũ khí, thuốc phiện và chuyên án xuyên hai thế kỷ, Kỳ 2: Phát hiện căn hầm bí mật
Từ bốn khẩu súng ngắn thu được, qua đấu tranh khai thác, CQĐT lần ra đường dây buôn súng có sự móc nối từ "kho" súng tới những kẻ ngoài biên giới.
Sợ có đồng bọn của Thuỷ và Thông bám theo sau nên khi tóm được hai kẻ này, các trinh sát khẩn trương đưa họ về Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm ma tuý Bộ Công an, lập kế hoạch đấu tranh. Cứ nghĩ hai kẻ từng có thời gian tham gia quân ngũ chắc sẽ khó moi thông tin, không ngờ ngay sau khi bị bắt, chúng khai tuồn tuột.
Về hôm bị bắt quả tang vận chuyển bốn khẩu súng, Thủy khai sau khi nhận được đơn đặt hàng của khách, Thuỷ điện thoại hỏi Thông và được thông báo tin đã có "hàng" nên đón xe khách xuống nhà Thông. Vì thấy "hàng" lần này là bốn khẩu súng ngắn, dễ cất giấu nên Thuỷ chủ quan, ở lại nhà Thông cơm rượu xong mới bảo Thông đưa ra bến xe đón xe về Tuyên Quang.
Vì đảm bảo bí mật nên mãi tới đêm, lệnh khám xét nhà Thông ở xã Trung Văn, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội mới được thực hiện. Qua đó, CQCA thu được một khẩu K54, một hộp 32 viên đạn; ba lò so súng ngắn; cùng nhiều linh kiện của súng K54. Ngay đêm đó, Trần Hữu Thuỷ được di lý lên Tuyên Quang, thực hiện lệnh khám nhà. Trên chuyến xe đưa Thuỷ về Tuyên Quang, mặc dù hắn đã thú nhận còn cất giấu một số súng tại ngôi nhà cao tầng kiên cố nhưng phải mất rất nhiều thời gian, lực lượng CA mới tìm ra số súng này.
Chúng được giấu trong một chiếc hầm bí mật, được Thuỷ thiết kế ngay từ khi bắt đầu xây nhà. Đó là một căn hầm có kích thước 35x35x35cm, nằm ở góc chết gầm cầu thang dưới tầng một, nắp hầm được làm bởi các viên gạch xếp khít khiến không ai có thể ngờ đến.
Tưởng nhà Thủy hôm nay đông khách, Sình liền hỏi xem Thủy đã "mang gỗ" về chưa, lập tức bị các trinh sát giữ lại. Là cô gái dân tộc, một phần vì chỉ làm nhiệm vụ vận chuyển "hàng" theo sự chỉ đạo của chồng và ít tiếp xúc với bên ngoài nên Sình hỏi sao nói vậy. Theo lời khai của Sình thì cô ta quen Thủy từ khi Thủy còn là anh lính biên phòng, đóng quân ở đồn biên phòng Phó Bảng. Thấy Sình nổi tiếng xinh đẹp, một vài lần Thủy tìm đến khi thì lấy cớ vá miếng rách trên vai áo, lúc thì đơm lại khuy áo, may vài chiếc quần.
Các đối tượng trong đường dây vụ án.
Lần nào đến cửa hàng may của Sình, Thủy cũng kiếm cớ ngồi lại rất lâu, trò chuyện cùng Sình. Chẳng biết có phải do "cảm" màu áo xanh hay vì miệng lưỡi có duyên của Thủy mà Sình đem lòng si mê. Được một thời gian thì Thủy với Sình trở thành nhân tình của nhau và để dễ bề đi lại, Thủy đã kết bạn với Hòa rồi trở thành kẻ đồng hành với Hòa trong việc buôn bán vũ khí lúc nào không hay. Từ ngày xuất ngũ, Thủy không còn bị bó buộc về thời gian và đồng nghĩa với nó là số lần đôi tình nhân này sống giây phút ngoài chồng, ngoài vợ cũng tăng theo.
Về phần Thông, khi được hỏi, anh ta khai việc buôn bán vũ khí bắt đầu thực hiện từ đầu năm 2002, khi anh ta sang hàng xóm chúc tết. Người hàng xóm mà Thông nói chính là Nguyễn Mạnh Đức, khi ấy đang công tác tại một đơn vị chuyên lưu trữ vũ khí cũ, hỏng do các đơn vị trên cả nước đưa về sửa chữa. Hôm sang nhà Đức chúc tết, thấy trên tường treo cuốn lịch của Trung tâm cơ khí và vũ khí chuyên dụng, Thông hỏi Đức có lấy được súng bán không và được Đức trả lời để xem đã. Vì là thủ kho nên Đức thừa biết việc này nghiêm trọng thế nào song vẫn lấy một khẩu bán thử cho Thông với giá 1,8 triệu đồng.
Sau khi mua khẩu súng trên, Thông cất lên gác xép rồi đón xe lên nhà Thủy ở Tuyên Quang, nhờ tìm nguồn tiêu thụ. Thuỷ nhớ ngay tới vợ chồng Sình-Hòa. Tuy nhiên, vì lúc này Thủy cũng đang thất nghiệp, không đủ tiền mua nên đã rủ Đặng Văn Bắc là người cùng quê góp tiền mua khẩu súng của Thông với giá 3,5 triệu đồng. Ngày hôm sau, Thủy đón xe khách lên Hà Giang, bán cho Hòa khẩu súng trên với giá bảy triệu đồng. Lần buôn bán này, Bắc được Thủy trả công 500.000 đồng.
Tháng 6-2002, Thủy rủ Nông Phi Cơ góp tiền về Hà Nội mua của Thông bốn khẩu súng sau đó đưa bán cho Sình, Cơ được Thủy chia cho 3,2 triệu đồng.
Vẫn biết điểm đến cuối cùng của đường dây buôn vũ khí này là vợ chồng Sình - Hòa song với một kẻ có xuất thân không bình thường như Hòa thì Ban chuyên án không thể coi như thế là kết thúc vụ án bởi trước đây Thông, Thủy là người cùng đơn vị, đều đóng quân ở Phó Bảng. Việc Thông tìm đến Thuỷ để bán vũ khí chắc chắn phải liên quan đến thời gian trước đó nên CQĐT tập trung khai thác Thông.
Khi các ĐTV hỏi Thông về việc tại sao lại tìm Thủy để hỏi về nơi tiêu thụ súng mà không hỏi ai khác, các anh thực sự bất ngờ khi anh ta trả lời vì Thủy có mối buôn hàng này từ trước đó. Theo lời khai của Thông thì năm 1995, anh ta có mang hai khẩu súng ngắn đến nhà Nguyễn Tiến Nuôi, nguyên Phó đồn Phó Bảng nhờ bán hộ, qua đó mà biết Thủy và Nuôi thường làm ăn buôn bán với nhau. Chính vì lẽ đó mà khi mua được khẩu súng của Đức, Thông không đi Hà Giang tìm Nuôi mà lên Tuyên Quang tìm Thủy cho gần.
Từ lời khai của Thông, Ban chuyên án đã lên Hà Giang, tìm đến nhà Nuôi, lúc này đang là chủ một Cty khai thác khoáng sản, rất giàu có. Khi thấy các chiến sỹ CA xuất hiện trước cửa nhà, đọc lệnh bắt vì liên quan đến việc mua bán vũ khí năm 1995, Nuôi rất ngạc nhiên, không hiểu tại sao CQCA lại lần ra hành vi mua bán vũ khí của anh ta trước đó 9 năm. Theo lời khai của Nuôi tại CQĐT thì tết Nguyên đán năm 1995, sau khi Thông đến nhờ bán hộ hai khẩu súng ngắn mà anh ta nói nhặt được ở bờ suối, Nuôi đã mang bán cho Lý Hội Sèo với giá 9 triệu đồng và lần bán súng này, Nuôi được Thông trả ơn 500.000 đồng.
Nghe Nuôi nhắc đến tên Lý Hội Sèo, những ĐTV đang công tác tại CA tỉnh Tuyên Quang đều giật mình bởi đây là một người đàn bà hành tung bí hiểm, đã một lần bị bắt khi đang tàng trữ vũ khí quân dụng nhưng rồi thoát lưới pháp luật một cách ngoạn mục. Chồng, con Sèo đang trong trại vì tội buôn bán ma tuý. Ban chuyên án quyết định phải tìm hiểu cho ra vấn đề, song để vén bức màn bí mật về những điều xảy ra cách đấy hơn chục năm không hề dễ chút nào.
Mọi tang chứng, vật chứng đều không còn, chỉ còn những kẻ đang là đồng bọn của nhau, phải tìm trong số họ một mắt xích để đột phá. Sau khi cân nhắc, Ban chuyên án quyết định chọn Trương Phát Hòa vì anh ta là người biết rõ mọi chuyện nhất và có khả năng dễ đột phá nhất nếu biết đánh vào điểm yếu của một người chồng bị vợ và bạn làm ăn cắm sừng.
(Còn nữa)
Theo Pháp Luật XH
Trùm buôn vũ khí, thuốc phiện và chuyên án xuyên hai thế kỷ, Kỳ I: Lộ mặt những kẻ giả buôn gỗ Nhắc lại chuyên án buôn bán vũ khí, heroin và thuốc phiện liên tỉnh này, Đại tá Nguyễn Chí Lễ, Cục phó Cục CSĐTTP về TTXH Bộ CA cho biết, không ngờ đường dây này lại lớn đến thế. Một vài lần cơ quan CA bắt quả tang đối tượng mang vũ khí quân dụng nhưng lại không thể khởi tố được vì...