Kpop ‘xâm thực’ mạnh mẽ văn hóa Việt năm 2012
Trong năm qua, nhạc Hàn tạo được chỗ đứng ổn định ở Việt Nam và tạo nên những hệ quả cả tích cực lẫn tiêu cực.
Năm 2012 khép lại với nhiều thành công đáng nhớ cho âm nhạc Hàn Quốc (hay còn gọi là Kpop) trong đó nổi bật nhất là sự kiện ca khúc Gangnam Style của Psy trở thành hiện tượng toàn cầu với kỷ lục Guinness được xác lập cho Video được yêu thích nhất. Trong hành trình tiến tới mốc 1 tỷ lượt xem trên Youtube, chủ nhân của Gangnam Style – Psy đã nhận được những lời đề nghị “trong mơ”, gặp gỡ nhiều nhân vật đình đám nhất nước Mỹ như Tổng thống Barack Obama.
Trong buổi tọa đàm “Hiện tại và tương lai phát triển của làn sóng Hàn Quốc” (gọi tắt là Hallyu) tổ chức tại Hà Nội vào trung tuần tháng 11, ông Kang Cheol Keun, chủ tịch Hiệp hội giao lưu văn hóa quốc tế Hallyu nhấn mạnh: “Thế kỷ 21 là thế kỷ của văn hóa, phải có sự cởi mở để phát triển”. Không có gì “cởi mở” và có sức lan tỏa mãnh liệt hơn là âm nhạc đại chúng.
“Gangnam Style” đưa cơn sốt Kpop lan tỏa đi khắp thế giới trong năm qua.
Nắm bắt được điều đó, phía Hàn Quốc rất khéo trộn lẫn hai yếu tố chính trị và văn hóa để biến 2012 trở thành năm “bản lề” đẩy mạnh nhạc Hàn vào Việt Nam qua những buổi giao lưu âm nhạc kỷ niệm 20 quan hệ ngoại giao hai nước. Đêm nhạc Việt – Hàn vào tháng 3/2012 tại Trung tâm hội nghị Quốc gia (Hà Nội) chính là sự mở màn hoành tráng báo hiệu cho một năm sôi động của nhạc Hàn ở Việt Nam, sau đó là Wonder Girls trong đêm nhạc M Live Mo.A.
Kết thúc chuỗi hoạt động kỷ niệm là Kpop Festival 2012 quy tụ gần 100 nghệ sĩ nổi tiếng Hàn Quốc như: Dong Bang Shin Ki (DBSK), T-ara, SNSD, Sistar… chưa kể những nghệ sĩ khác là nhóm Big Bang, Jae Joong, nhóm Brown Eyed Girls cũng ghé thăm Việt Nam với mục đích thương mại hay đại sứ tuyên truyền.
Nếu như năm 2011, sao Âu Mỹ chiếm thế thượng phong trong các đêm nhạc ngoại ở Việt Nam thì năm nay, các “oppa”, “unnie” xứ Hàn lại trở nên áp đảo về số lượng đêm nhạc lẫn nghệ sĩ hùng hậu tham gia. Điều này giúp cho những ngôi sao nhạc Hàn tới gần hơn với khán giả xứ sở hình chữ S, mở đường cho Kpop xâm lấn mạnh mẽ vào Việt Nam.
Kpop phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam là hệ quả tất yếu của công cuộc “mưa dầm thấm lâu” mà Hàn Quốc đã làm bấy lâu nay. Nó kéo theo những mặt tích cực mà ai cũng phải gật gù thừa nhận. Khán giả Việt có nhiều cơ hội gặp gỡ thần tượng mà họ ngưỡng mộ qua các kênh truyền thông. Nhạc Hàn với sự phong phú về thể loại và phong cách đa dạng đã đáp ứng nhu cầu giải trí của giới trẻ Việt.
Nhiều fan ngất xỉu trước phần trình diễn của nhóm Big Bang tại Soundfest trong TP HCM hồi tháng 4.
Đây còn là cơ hội tốt để ca sĩ trẻ trong nước có dịp học hỏi cách làm việc và biểu diễn chuyên nghiệp của đồng nghiệp Hàn Quốc. Dàn nghệ sĩ đình đám xứ Hàn qua Việt Nam trình diễn cũng thu hút sự chú ý của đông đảo bạn bè quốc tế. Trên các trang mạng xã hội và một số forum, fan trên khắp thế giới bày tỏ sự ganh tị đối với khán giả Việt Nam khi trong một năm được đón tiếp nhiều sao đến vậy.
Nhưng còn có thực tế Kpop khi xâm nhập Việt Nam lại bị định hình một cách méo mó qua các hành động không đẹp của fan cuồng. Trong đêm nhạc Việt – Hàn tháng 3/2012, có fan không ngại lên forum đổi “tình một đêm” để lấy vé vào xem nhóm nhạc Super Junior lần đầu diễn tại Hà Nội. Trước khi diễn ra đêm nhạc, nhiều fan cuồng gây ồn ào bằng cách phá hàng rào an ninh, xông vào Trung tâm hội nghị Quốc gia làm một số người đứng sát hàng rào suýt bị đè bẹp.
Sau đó một tháng, dư luận lại không khỏi bàng hoàng khi nhìn thấy những hình ảnh đẫm máu của người hâm mộ chờ xem nhóm Big Bang tại đêm nhạc Soundfesttháng 4/2012. Hàng loạt trường hợp ngất xỉu, co giật, chen lấn, dẫm đạp dẫn đến bị thương, thậm chí là cả máu me đầm đìa do bị vật cứng ném vào đầu làm khán giả có mặt sợ hãi, hoảng loạn.
Video đang HOT
Các fan nam ôm nhau òa khóc khi đi đón nhóm T-ara ở sân bay Nội Bài hồi cuối tháng 11. Ảnh: Anh Tuấn.
Cuối tháng 11, hình ảnh các fan nam ôm nhau òa khóc khi nhìn thấy 7 cô gái nhóm T-ara ở sân bay Nội Bài trở thành đề tài nóng trên mạng trong nhiều ngày liền. Nhiều ý kiến trái chiều nổ ra, nhà thơ nổi tiếng Đỗ Trung Quân cũng vào cuộc bằng một bài thơ cảnh tỉnh khán giả cuồng si Kpop, ra sân bay chỉ để “đón đứa lạ huơ lạ hoắc”. Tuy nhiên, hình ảnh người hâm mộ đa số đều là sinh viên, học sinh vật vờ, khóc lóc ở sân bay cả ngày mong đón thần tượng đã trở thành quen thuộc mỗi khi có nhóm nhạc hay ngôi sao nổi tiếng Hàn Quốc tới Việt Nam.
Qua nhiều trường hợp thể hiện lòng hâm mộ một cách thái quá, fan cuồng Kpop vô tình được dư luận đặc biệt quan tâm. Thậm chí, vấn đề này còn là “cú hích” mạnh mẽ để Bộ giáo dục Việt Nam đưa “thảm họa” fan cuồng vào đề thi Văn đại họckhối C, D năm nay. Những người trước nay chưa biết nhạc Hàn là gì, các nhóm nhạc Hàn nổi tiếng là ai, giờ cũng phải chú ý đến chỉ vì hình ảnh fan cuồng đầy rẫy trên mặt báo.
Kinh doanh nhạc Hàn không dễ
Sự bùng nổ của làn sóng Hàn Quốc vài năm gần đây ở Việt Nam đã tạo nên tâm lý rằng nhạc Kpop đang phát triển mạnh mẽ và có thể “hái” ra tiền. Nhưng thực tế lại không dễ dàng như vậy.
Đa số đêm nhạc Hàn tại Việt Nam hiện nay đều “núp” mác giao lưu văn hóa và không đặt nặng vấn đề kinh doanh lời lãi. Kpop Festival 2012 vừa qua có thể coi là một phép thử đối với thị trường Việt Nam khi lần đầu tiên có một đêm nhạc Hàn tổ chức bán vé công khai. Dù được quảng bá rầm rộ bằng các thông tin bên lề câu khách và dàn sao đình đám Hàn Quốc, đêm diễn còn thừa rất nhiều chỗ trống.
Kpop Festival 2012 có sự tham gia của đông đảo nghệ sĩ Hàn Quốc được yêu thích tại Việt Nam như Dong Bang Shin Ki, SNSD, T-ara, Kara… nhưng vẫn không lấp kín được sân Mỹ Đình. Ảnh: Anh Tuấn.
Trước đó, đại diện truyền thông của công ty tổ chức cho biết: “Giả dụ có bán hết 50.000 vé đi chăng nữa thì vẫn xác định là không có lãi trong đêm nhạc này”. Khán giả yêu Kpop đa số còn đang ở tuổi teen, có hâm mộ các “oppa, unnie” đến mấy thì vấn đề tài chính luôn là giới hạn. Theo thống kê từ ban tổ chức Kpop Festival 2012, những hạng vé bán chạy đều rơi ở ngưỡng vài trăm nghìn và thưa thớt dần với các giá vé từ 1 triệu tới hơn 2 triệu. Đêm nhạc M Live Mo.A cũng gặp tình trạng tương tự. Tuy ban tổ chức đã nỗ lực giảm giá vé tới 30% trong nhiều ngày liền vẫn không đủ sức nóng để lấp đầy 5.000 chỗ của Nhà thi đấu Phú Thọ.
Trước khi cho nghệ sĩ của mình đến Việt Nam biểu diễn, công ty giải trí hàng đầu Hàn Quốc – SM Entertainment – thẳng thắn thừa nhận: “Không nhìn thấy tiềm năng thương mại ở Việt Nam”. Xét về khía cạnh kinh doanh, thị trường Việt Nam thua xa các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, hàng loạt đêm nhạc Hàn vẫn được diễn ra để phổ biến văn hóa Hàn ở Việt Nam. Có nhiều đêm nhạc được dự tính sẵn cho năm tới như Super Junior in Vietnam – Asian Super Showcase chậm nhất sẽ diễn ra vào tháng 3/2013. T-ara hứa hẹn trở lại Việt Nam với một tour concert quanh khu vực Đông Nam Á. Chưa nhắc tới chuyện lời hay lỗ, chỉ tính riêng việc quảng bá văn hóa sâu rộng tại Việt Nam, Hàn Quốc đã có nhiều lợi thế hơn các quốc gia khác.
Xuân Huy
Theo VNE
Trào lưu Hàn Quốc xâm nhập vào Việt Nam quá mạnh
Làn sóng Hallyu tấn công giới trẻ khiến một bộ phận người hâm mộ có những biểu hiện thái quá, lệch lạc và gây ảnh hưởng tiêu cực, nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội mới cho thị trường giải trí VN.
Trung tuần tháng 11, buổi tọa đàm về Hiện tại và tương lai phát triển của làn sóng Hàn Quốc (hay còn gọi tắt là Hallyu) đã đưa ra những vấn đề cốt lõi trong việc làn sóng này ngày càng phổ biến ở Việt Nam. Trong đó, lòng hâm mộ của giới trẻ Việt Nam được PGS - TS Lương Hồng Quang, Viện phó viện nghiên cứu văn hóa và nghệ thuật Việt Nam, nhắc tới trong phần mở đầu bài phát biểu của mình.
Trước khi bắt đầu, ông kể câu chuyện trong chính gia đình mình: "Bài phát biểu này của tôi xuất phát từ tình yêu mà con gái tôi dành cho Hallyu. Cháu năm nay 17 tuổi, học lớp 12, từ nhỏ đã mê các tài tử Hàn Quốc đẹp trai, mê poster các phim Hàn và đòi tôi phải mua bằng được khi đi công tác hay có đối tác Hàn sang làm việc. Mỗi khi có tin đồn ban nhạc Hàn Quốc tới Việt Nam, cháu đứng hàng giờ ở khách sạn háo hức chờ đón. Không đón được, cháu chưng hửng rồi lại đắm mình trong khán phòng Trung tâm Hội nghị Quốc gia để nghe các ca sĩ Hàn Quốc hát".
Nhiều khán giả ngất xỉu, quá khích trong các đêm nhạc có sự tham gia của nghệ sĩ Hàn tại Việt Nam. Trong ảnh là một bạn trẻ ngất trong đêm nhạc SoundFest có sự tham gia của nhóm Big Bang ở TP HCM hồi tháng 5. Ảnh: Nguyễn Trung Hải.
PGS - TS Lương Hồng Quang chia sẻ lúc đầu cảm thấy rất khó hiểu với tình yêu thần tượng của con gái, nhưng sau đó "như bừng tỉnh khi cháu nó lườm và nói &'Ba biết gì!'". Ông cho rằng các bậc phụ huynh nên đặt mình vào thế hệ con trẻ để hiểu rõ hơn những tâm tư tình cảm của lớp trẻ ngày nay.
Tuy vậy, viện phó Lương Hồng Quang lại thẳng thắn bày tỏ: "Làn sóng Hàn Quốc tấn công giới trẻ khiến một bộ phận người hâm mộ đang có những biểu hiện thái quá, lệch lạc và gây nên ảnh hưởng tiêu cực". Ông thừa nhận sự lệch lạc, thái quá này dường như là điều không tránh khỏi khi làn sóng Hàn Quốc thâm nhập quá sâu vào văn hóa thần tượng của những người Việt trẻ.
Nhưng bên cạnh đó, theo ông: "Cái quan trọng là họ học được gì qua trào lưu Hàn Quốc. Tôi thấy các bạn trẻ có thể học được nhiều điều từ lối sống Hàn Quốc như vượt khó vươn lên, chia sẻ cộng đồng, trưởng thành từ các hoạt động nhóm...". Cuối cùng, ông chốt lại rằng: "Giới trẻ nên ứng xử một cách thông minh, lựa chọn những thứ phù hợp với mình chứ không nên a dua".
Nguyễn Ngọc Trâm Oanh - giảng viên bộ môn Hàn Quốc học ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM cũng tỏ ra rất bất ngờ về làn sóng Hallyu này: "Khoảng 90% sinh viên đăng ký vào chuyên ngành Hàn Quốc học cũng chỉ vì đam mê âm nhạc và phim ảnh Hàn Quốc".
Ngoài ra, trong khuôn khổ buổi tọa đàm này, những người tham gia cũng có một cái nhìn tổng quát hơn về việc hình thành, phát triển và những xu hướng của làn sóng Hallyu trong tương lai.
Làn sóng Hallyu "tấn công" Việt Nam qua phim ảnh
Nhìn lại chặng đường 20 năm qua, có thể thấy làn sóng Hàn Quốc bắt đầu "nhen nhúm" ở Việt Nam từ những năm đầu của thập niên 1990. Khi đó, trong điều kiện phim nước nhà còn đang thiếu những bộ phim hay thì các phim truyền hình Hàn Quốc đã "làm mưa làm gió" trên màn ảnh nhỏ. Có thể kể tới một vài bộ phim tiêu biểu thời bấy giờ như Cảm xúc, Mối tình đầu, Hoa cúc vàng, Người mẫu...
Tuy nhiên, phải đến năm 2000, khái niệm Hallyu mới dần được biết tới ở Việt Nam qua "bom tấn" truyền hình Trái tim mùa thu và sau đó là Giày thủy tinh, Bản tình ca mùa đông, Nàng Dae Jang Geum. Trong thời hoàng kim này, phim Hàn phủ sóng mạnh mẽ tới nỗi mỗi khi nhắc tới nó là người ta có thể hình dung ngay đến "nước mắt, ung thư hoặc tai nạn và mất trí" cùng những thước phim lãng mạn.
"Trái tim mùa thu" thổi bùng làn sóng phim truyền hình Hàn Quốc tại Việt Nam.
Mãi tới năm 2008 - 2009, phim Hàn mới thực sự có một cuộc "lột xác" ngoạn mục khi chuyển dần sang thể loại phim thần tượng mà Boys Over Flowers có thể xem như hiện tượng mở màn. Những chàng trai "đẹp như hoa" cùng mô-típ phim hướng đến đời sống giới trẻ khiến cái nhìn về phim truyền hình Hàn Quốc trở nên đa chiều hơn.
Bên cạnh sự chuyển dịch mạnh mẽ của phim Hàn, làn sóng Hallyu còn đánh dấu một bước phát triển vượt bậc của nhạc Hàn (hay còn gọi là Kpop). Không giống như phim ảnh bị bó hẹp trong một vài mô-típ, nhạc Hàn có sức lan tỏa mãnh liệt hơn nhờ giai điệu, nhờ vũ đạo đẹp mắt và các MV được đầu tư công phu.
Chìa khóa giúp Hallyu thành công là sự cộng hưởng
Cũng trong buổi tọa đàm, chủ tịch Hiệp hội giao lưu văn hóa quốc tế Hallyu, Kang Cheol Keun, có bài phát biểu nhấn mạnh về sự thành công của làn sóng Hàn Quốc như hiện nay: "Thế kỷ 21 là thế kỷ của văn hóa, phải có sự cởi mở để phát triển".
Ông cũng lấy ví dụ về diễn viên Kim Tae Hee đã không được đón nhận ở Nhật Bản, thậm chí còn bị tẩy chay chỉ vì có cách nhìn nhận không phù hợp, thái độ không gây thiện cảm với khán giả xứ Phù Tang. Trường hợp này hoàn toàn khác với "cơn bão" Bae Yong Joon, chàng tài tử Hàn Quốc mỗi lần xuất hiện đều nở nụ cười tươi rói đã chinh phục được trái tim của rất nhiều bà nội trợ Nhật Bản.
Đồng thời, ông Kang Cheol Keun cho rằng: "Hallyu thành công vì nó mang sự cộng hưởng của tư tưởng, tri thức và văn hóa đại chúng, không phải một cơ quan nào làm ra, mà chính những con người bình thường cũng có thể làm được". Nhờ sự cộng hưởng này mà Hallyu còn mang trong đó cảm xúc và sự đa dạng để mở rộng ra nhiều tầng lớp trong xã hội.
Phong cách của những nhóm nhạc Hàn Quốc như SNSD ảnh hưởng mạnh mẽ tới nhiều bạn trẻ Việt Nam hiện nay.
Trong bài phát biểu của mình, chủ tịch Kang cũng dành thời gian nhắc tới hiện tượng toàn cầu Gangnam Style: "Ban đầu, khi Gangnam Style ra mắt, người dân Hàn Quốc đều cảm thấy rất xấu hổ, kỳ quặc. Nhưng bây giờ mọi chuyện đã khác. Gangnam Style thành công trên toàn cầu nhờ điệu nhảy tự do và hoàn toàn thoải mái". Thành công của ca khúc này đã khiến cho nhiều người Hàn Quốc phải suy nghĩ lại về những khuôn mẫu thông thường và tính cởi mở vượt ra ngoài biên giới.
Khép lại buổi tọa đàm, Nguyễn Thị Khánh Chi - sinh viên khoa ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc (Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội) - chỉ ra tương lai phát triển của Hallyu ở Việt Nam. Trong đó, có những xu hướng sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới là: thời trang, trang điểm, các chương trình truyền hình giải trí thực tế... Và đặc biệt là sự xâm nhập của làn sóng Hallyu qua việc tiêu thụ những sản phẩm "made in Korea" như một sự hâm mộ nồng nhiệt trào lưu Hàn Quốc và sẽ mở ra một xu hướng mới trong việc mua sắm.
Có thể nói, trong những năm qua, làn sóng Hallyu đã có những bước phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam. Các công ty giải trí hàng đầu Hàn Quốc cũng đang nhắm tới Việt Nam như một thị trường tiềm năng cho ca sĩ của mình và tìm kiếm những tài năng Việt để đưa sang Hàn Quốc đào tạo.
Sắp tới, nữ diễn viên Ninh Dương Lan Ngọc sẽ sang Hàn Quốc vài tháng để tham gia một dự án điện ảnh hợp tác. Vào ngày 29/11, sự kiện Kpop Festival 2012 được hứa hẹn là "hoành tráng nhất từ trước tới nay" với sự tham gia của 13 nghệ sĩ và nhóm nhạc đình đám K-pop.
Xuân Huy
Theo VNE
Kpop chưa phải là điểm dừng của làn sóng Hallyu Tọa đàm Hiện tại và tương lai phát triển của làn sóng Hàn Quốc - Hallyu tại Việt Nam vừa được Bộ VH-TT&DL phối hợp với Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tổ chức ở Hà Nội chiều 16/11. Cuộc tọa đàm nhân kỷ niệm 20 năm quan hệ ngoại giao Việt - Hàn. Câu chuyện làn sóng Hallyu (tạm dịch là làn...