Kpop bị tình dục hóa – nữ thần tượng vừa là trinh nữ, vừa là gái điếm
Một chuyên gia về Hàn Quốc nhận định từ nhiều năm qua Kpop đã bị tình dục hóa nghiêm trọng và các nữ thần tượng luôn mang song song hai bộ mặt: trinh nữ và gái điếm.
Vì sao các nữ ca sĩ Kpop có thể thể hiện hai thái cực ngây thơ và gợi dục tùy theo ý tưởng của MV hoặc bộ ảnh mà họ tham gia? Phải khẳng định họ là những nghệ sĩ trình diễn giỏi, có khả năng hóa thân chuyên nghiệp, theo đúng yêu cầu, nhu cầu của công ty quản lý lẫn khán giả.
Người hâm mộ nhìn vào sự đa dạng của thần tượng và tin rằng đó là tính cách của họ. Những giới chuyên môn khẳng định thực ra đó là những nhân cách được nhào nặn. Các cô gái này chuyên nghiệp như những cỗ máy và được đào tạo để có khả năng biểu cảm tùy thuộc vào hoàn cảnh.
Những người đã nhào nặn nên họ cũng thực sự giỏi, biết rõ làm thế nào để thu hút sự chú ý của khán giả và cướp lấy trái tim họ.
Mặt trẻ thơ, trang phục gợi dục, biểu cảm hỗn hợp
Một điều đặc biệt dễ nhận thấy ở Kpop là các thần tượng thường có gương mặt trẻ so với tuổi rất nhiều. Nhờ công nghệ mỹ phẩm, kỹ thuật làm đẹp và rất nhiều thủ thuật khác, một nữ thần tượng 25 tuổi có thể trông như 15 tuổi và không ai thắc mắc về điều đó. Người hâm mộ cũng quen với chuẩn mực ngoại hình này nên vô tình luôn đòi hỏi như vậy.
Bên cạnh gương mặt trẻ thơ hoặc trẻ trung, trang phục và biểu cảm của thần tượng lại có khả năng thay đổi xoành xoạch tùy theo bài hát, MV, bộ ảnh, chiến dịch quảng bá lúc đó. Trên trang Quora, từng có câu hỏi “Liệu Kpop có bị gợi dục hóa quá mức?”. Một người trả lời tên Julia Yang đưa ra phân tích khá lý thú.
Các nhóm nữ Kpop tổng hòa yếu tố ngây thơ và gợi dục, điều giúp họ hút hồn fan. Ảnh: Dispatch.
Jang lấy ví dụ phần trình diễn của nhóm nhạc Twice (Hàn Quốc) và nữ ca sĩ Iggy Azalea. Twice gồm các thành viên từ 20 đến 25 tuổi, mặc quần áo như học sinh nhưng váy ngắn và đi kèm tất gợi cảm, trình diễn điệu nhảy ưỡn mông. Còn Iggy Azalea mặc trang phục bó sát khoe vòng ba, đi bốt cao cổ và nhảy múa bên đống tiền USD.
Nhưng trong hai hình ảnh, Julia Yang cho rằng hình ảnh của Twice mới là “gợi dục hóa”. Nguyên nhân? Bài hát dễ thương, các thành viên có gương mặt ngây thơ nhưng trang phục của họ lại khoe da thịt và điệu nhảy đầy khêu gợi. Điều đó mang dáng dấp một sự “đội lốt”. Còn Iggy Azalea vào vai một vũ công thoát y trong MV của mình và sòng phẳng, thẳng thắn thể hiện điều đó.
Mặt trẻ thơ, trang phục gợi dục, còn biểu cảm là sự pha trộn giữa cả hai. Điều này nghe quen không? Quá quen vì gợi nhớ đến hình tượng Lolita. Vô số lần, công chúng Kpop mê mệt vì hình ảnh các thần tượng nữ mặt ngây thơ xinh xắn nhưng lại táo bạo diện “váy 5 cm” (cách gọi nôm na những chiếc váy cực ngắn của giới thần tượng), khoe đôi chân nuột nà.
Các thần tượng luôn phải sexy hơn người khác để chiếm “spotlight” trên sân khấu và mạng xã hội. Ảnh: Yuraday.com.
Lấy Produce 101 làm ví dụ. 101 thí sinh phải chiến đấu với nhau để trở nên nổi bật hơn trong mắt khán giả. Và khi xem màn trình diễn tập thể, người ta nhận ra rằng “gợi cảm, gợi dục” được đánh đồng với “tự tin”, rằng các thực tập sinh đã được công ty quản lý dạy cách trở nên “siêu sexy” để nhận được sự thán phục từ khán giả. Sexy cũng là yếu tố giúp họ dễ được chọn vào một nhóm nhạc tân binh.
Nhiều nhóm nữ thần tượng đã thực hiện điệu múa cột để trở nên nổi bật và táo bạo hơn những nhóm khác. Múa cột không có gì xấu, cũng là một nghệ thuật, thậm chí có độ khó và nguy hiểm rất cao. Nhưng vấn đề là các nữ thần tượng không được quyền quyết định hay lựa chọn.
Trong nhiều cuộc trả lời phỏng vấn, nhóm nhạc nữ gợi cảm After School kể lại rằng đạo diễn đưa cho họ ý tưởng của 2 chiến dịch quảng bá sắp tới và họ không có quyền phản đối bất cứ ý tưởng nào, trong đó có việc múa cột. Kỹ năng múa cột đòi hỏi khổ luyện hàng năm trời nhưng After School buộc phải thành thạo trong 6 tháng.
Trên sân khấu, trông họ thật quyến rũ, quyền lực. Nhưng trong hậu trường, họ phô bày những đôi chân bầm tím vì luyện tập. Những vết thương lớn và lộ rõ đến mức có thể nhìn thấy bằng mắt thường từ xa. Khi Nana (After School) mặc quần ngắn và để lộ đôi chân bầm tím trong chương trình Star King, ai cũng phải nhìn cô ái ngại.
“Đó chính là gợi dục hóa quá mức. Đó là khi sự gợi cảm bị ép buộc đối với nghệ sĩ thay vì để họ lựa chọn và thoải mái với lựa chọn của mình”, Jang viết.
Điệu múa cột khiến After School khổ sở với đôi chân bầm tím. Ảnh: Koreaboo.
Khi thần tượng bị kiểm soát về thân thể
Trên tạp chí Herizons năm 2016, Oh Ingyu, giáo sư về Hàn Quốc ở Viện nghiên cứu Đại học Hàn Quốc, chỉ ra rằng các thần tượng Kpop cả nam lẫn nữ đều được kỳ vọng mang hình tượng gợi cảm và gợi dục. Để làm điều đó, họ ăn mặc thiếu vải hơn và nhảy những điệu nhảy cách điệu, mô phỏng tình dục.
Người hâm mộ thường nhầm tưởng khi một thần tượng phô bày thân thể cũng là lúc họ thể hiện quyền lực, thứ quyền lực đến từ vẻ đẹp thể xác, của bản thân họ. Nhưng không, điều đó chẳng liên quan gì đến quyền lực của chính họ. Điều đó cho thấy thân thể họ đang bị kiểm soát để mang về quyền lợi cho các nhà tư bản cấp cao hơn.
“Chẳng có sự trao quyền nào ở đây hết”, giáo sư Oh nói, “Đó là kiểm soát thân thể nam và nữ của quyền lực tư bản. Ai sẽ kiếm được tiền từ việc gợi dục hóa hình ảnh các thần tượng? Là những người đàn ông quyền lực sở hữu cổ phần của các công ty quản lý. Họ kiếm bộn tiền vào ví họ mà không cần phải cởi áo phô ngực”.
Ai kiếm được tiền từ việc thao túng thân thể các thần tượng? Tất nhiên là những ông chủ. Ảnh: Twitter.
Một thành viên Super Junior từng nửa đùa nửa thật về nhóm nhạc Girls’ Generation: “Họ có muốn bị đau thì cũng phải xin phép. Cơ thể họ không thuộc về họ. Họ là báu vật quốc gia”. Lời nhận xét đó phần nào thể hiện rõ tình trạng bị kiếm soát cơ thể của các nữ thần tượng.
Với các thần tượng nữ nổi tiếng, nhân cách trên sân khấu của họ được định hình bởi những toan tính chiến lược đằng sau cánh gà. Hình tượng họ khoác lên mình sẽ là “trinh nữ” hay “gái điếm”?.
Điều đó thường không do họ quyết định. Các ông chủ và những bộ óc tài năng lèo lái định hướng sáng tạo của công ty họ sẽ quyết định. Ý tưởng về các bài hát sẽ quyết định.
“Hình tượng trinh nữ dễ thương đại diện cho đức hạnh của các cô gái Hàn Quốc truyền thống: lễ phép, đạo đức và trong sạch”, Oh phân tích, “Và tiếp đó, là hình tượng trái ngược hoàn toàn: hào nhoáng, đầy nhục dục và nhiều tư thế gợi cảm”.
Một số nhóm nhạc nữ Kpop trung thành với hình tượng dễ thương, trong khi nhiều nhóm khác lại dấn sâu vào con đường gợi cảm ngay từ đầu. Nhóm nhạc nữ Sistar là một ví dụ. Các màn biểu diễn của họ rất gợi dục và từng được yêu thích lẫn bị căm ghét vì điều đó. Tương tự là Bambino với thành viên tiêu biểu Hadam.
Giới chuyên gia cho rằng nguyên nhân lớn nhất xuất phát từ tình trạng phân biệt giới tính trầm trọng trong xã hội Hàn Quốc.
Theo Zing
Nhà báo Mỹ phân tích câu hỏi triệu người tò mò: BTS dùng cách "kỳ diệu" gì mà nổi tiếng đến thế trên toàn thế giới?
Yếu tố nào làm nên sự thành công bùng nổ của BTS trên toàn thế giới?
BTS là một hiện tượng thành công khó tin và có thể được xem là sự kỳ diệu hiếm gặp của showbiz Hàn. 3 năm trước, nhóm nổi lên tại Hàn nhờ loạt bản hit "Fire", "Blood Sweat & Tears", "Dope", vươn lên hàng top idol group đỉnh nhất mặc dù từng bị đánh giá thấp vì xuất thân từ công ty không mấy danh tiếng.
Năm 2017, BTS khiến cả thế giới bất ngờ vì sự nổi tiếng bùng nổ tại thị trường quốc tế, giúp nhóm tiến đến những giải thưởng lớn tại các lễ trao giải nước ngoài và trong nước như Billboard Music Awards, American Music Awards, MAMA, Melon Music Awards... BTS còn đứng top 2 nghệ sĩ bán nhiều album nhất tại Mỹ. Điều vô số chuyên gia, các "ông lớn" Kbiz cùng nhà chiến lược truyền thông cũng như công chúng luôn băn khoăn đó là: BTS làm cách nào mà nổi tiếng đến vậy trên toàn thế giới? Họ đã dùng cách "kỳ diệu" gì để biến mình thành hiện tượng?
Nói về nguyên nhân dẫn đến thành công của BTS, nhà báo người Mỹ Tamar Herman - nhà báo danh tiếng phụ trách danh mục giải trí Kpop trên trang Billboard, làm việc tại Forbes, Kultscene, MTV, NBC Universal... - đã phân tích vô cùng rành mạch. Và theo bà, đây chính là những yếu tố đặc biệt giúp nhóm nhạc này nổi tiếng tại đất Mỹ, dẫn đến sự thành công vượt bậc của họ ở thị trường quốc tế và toàn thế giới.
1. Lấp đầy khoảng trống trong ngành công nghiệp âm nhạc phương Tây
Cả chục năm nay, không ít các nhóm nhạc, ca sĩ châu Á lấn sân sang thị trường Âu Mỹ song chẳng mấy ai thành công trong việc tìm được hướng đi đúng và phù hợp với thị hiếu của khán giả thuộc nền văn hóa này. Theo bà Herman, BTS đã lấp đầy một khoảng trống cần có trong nền công nghiệp âm nhạc phương Tây, dẫn đến sự thành công mĩ mãn của nhóm tại thị trường này.
Ngoài ra, BTS giao tiếp được với fan trên toàn thế giới không chỉ qua ngôn ngữ, các chương trình truyền hình mà còn cả qua âm nhạc, gửi gắm thông điệp về câu chuyện do chính họ trải qua và gây đồng cảm trên diện rộng. Điều này đã phần nào giúp nhóm có được fandom hùng hậu ở nhiều nước trên thế giới. ARMY (cộng đồng fan của BTS) chính là một phần không thể thiếu, giúp nhóm có được vị thế như ngày hôm nay. Họ giúp BTS đạt được những thành tích khủng, dẫn đến những giải thưởng danh giá.
"Nền công nghiệp âm nhạc phương Tây đang bị trói buộc. Đặc biệt ở Mỹ, không có nhiều ngôi sao nhạc Pop thuộc thế hệ trẻ có thể truyền tải được lời nhắn nhủ của họ tới fan một cách nhuần nhuyễn thông qua thứ âm nhạc chất lượng và bắt tai", nhà báo Tamar Herman nhận định.
Có thể thấy rằng, BTS hoàn toàn sản xuất nhạc với lời ca bằng tiếng Hàn thuần tuý, thỉnh thoảng có vài lời nhạc tiếng Anh song chỉ là yếu tố điểm xuyết. Vậy nhưng họ đã phá vỡ ranh giới về ngôn ngữ, bằng cách nào đó khiến khán giả hiểu và đồng cảm được với bài hát của họ, câu chuyện của họ qua những giai điệu bắt tai, vũ đạo máu lửa.
"Những người nghe nhạc ở thế hệ trẻ không thể hiểu được lời nhạc tiếng Hàn ngay nhưng họ có thể tìm cách, như dùng từ điển chẳng hạn. Chính vì vậy, dù ca từ không được viết theo ngôn ngữ tiếng Anh nhưng nó cũng không tạo rào cản lớn", Tamar Herman nhận định.
Sân khấu cho bài hát comeback "Fake Love"tại Billboard Music Awards 2018
2. Thành công của BTS hay thành công của cả nền âm nhạc Kpop?
Được hỏi về việc liệu thành công của BTS có liên quan đến những thành tựu trước đó của Kpop hay không, chuyên gia Tamar Herman khẳng định: "BTS sẽ không thể tiến đến thị trường âm nhạc Mỹ nếu không có Kpop, và Kpop cũng không thể thành công như hiện tại nếu thiếu đi BTS".
Tuy nhiên theo bà, sự thành công của BTS giống như một điều phi thường giữa lòng Kpop, khó ai có thể đạt tới và vượt qua: "Tôi không nghĩ rằng các nghệ sĩ Kpop khác có thể tái hiện lại tiêu chuẩn thành công ở tầm cỡ như BTS. Tất nhiên vẫn có tiềm năng tồn tại ở đâu, nhưng chúng ta không thể biết được rằng những tiềm năng đó có thể đi xa đến đâu".
BTS cháy hết mình trên sân khấu lịch sử Billboard Music Awards
3. Rào cản mà Kpop phải vượt qua
Herman nhận định rằng, Kpop sẽ phải vượt qua rào cản về khác biệt văn hóa trong tương lai để có thể tiến xa hơn trên thị trường âm nhạc quốc tế. "Tôi nghĩ rằng việc khác biệt văn hóa giữa Hàn Quốc và văn hóa phương Tây, cũng như sự giới hạn về sáng tạo là những chướng ngại vật mà Kpop cần phải xóa bỏ. Người nghe nhạc quốc tế coi trọng sự độc đáo, sáng tạo và nguyên bản" - Tamar Herman
Là một nhóm nhạc với hầu hết các thành viên đều có khả năng làm nhạc, sáng tác và thậm chí cả quay, dựng sản phẩm mang tính giải trí, BTS đã thành công trong việc phá bỏ rào cản về sức sáng tạo. Dù đi theo hình mẫu nhóm nhạc Kpop với khả năng hát - nhảy, chú trọng ngoại hình song BTS đã dựa vào chính khả năng sáng tạo, chất riêng của mình để làm nhóm bật lên hẳn so với các đối thủ cùng thời. Đáng buồn ở chỗ, chất nhạc quá độc đáo của BTS từng không được thị hiếu khán giả nước nhà yêu thích và thậm chí còn bị chê bai cho đến tận khi thị hiếu cũng phải bị cuốn theo họ.
Theo Helino
Psy (Gangnam Style) - 'kẻ tâm thần' một lần vụt sáng rồi chợt tắt Thời điểm này 6 năm về trước, "Gangnam Style" bất ngờ trở thành cơn sốt toàn cầu. Bản hit đình đám mang lại cho "kẻ tâm thần" Psy nhiều thứ, nhưng cũng lấy đi của anh không ít. Vào ngày 15/7/2012, nam ca sĩ Psy ra mắt đĩa đơn và MV Gangnam Style ở quê nhà Hàn Quốc. Thời gian đầu, Gangnam Style...