Kpop bành trướng thị trường quốc tế
Phần lớn doanh thu của các công ty giải trí Hàn Quốc trong nửa đầu năm nay đến từ thị trường nước ngoài. Bởi vậy, khán giả quốc tế đang là mục tiêu của Kpop.
Theo The Korea Times, các công ty giải trí tên tuổi tại Hàn Quốc đã chứng kiến sự gia tăng doanh thu từ nước ngoài trong nửa đầu năm. Số lượng và ảnh hưởng của người hâm mộ nước ngoài với Kpop tăng mạnh trong những tháng qua.
Bởi vậy, hầu hết nhóm nhạc ra mắt thời gian qua đều nhắm tới thị trường quốc tế bằng cách theo đuổi dòng nhạc mạnh mẽ, chăm chỉ giao tiếp qua các nền tảng mạng xã hội.
Doanh thu từ thị trường ngoại địa tăng mạnh
The Korea Times trích dẫn dữ liệu trên hệ thống Dịch vụ Giám sát Tài chính, doanh thu nội địa của Hybe, công ty quản lý BTS, Seventeen và Enhypen chỉ chiếm 24,96% trong tổng số 456,9 tỷ won (390 triệu USD) của nửa đầu năm nay.
Bắc Mỹ chiếm 19,83% tổng doanh số, châu Á chiếm 11,27% và các quốc gia khác là 2,31%. 41,44% doanh số bán hàng đến từ mảng trực tuyến. Hybe cho biết phần lớn doanh số bán hàng trực tuyến ước tính từ thị trường nước ngoài.
JYP Entertainment, công ty có các nhóm nhạc nổi tiếng, chẳng hạn 2PM, TWICE, Stray Kids, ITZY cũng chứng kiến doanh thu ở nước ngoài vượt quá trong nước. Trong nửa đầu năm, tổng doanh thu của công ty đạt 72,9 tỷ won. Trong đó, 39,5 tỷ won từ thị trước nước ngoài và 33,3 tỷ won của bán hàng nội địa.
JYP Entertainment – công ty của TWICE – có doanh thu lớn từ thị trường quốc tế
Với sự nổi tiếng nhanh chóng của ca sĩ, nhóm nhạc Kpop ở thị trường quốc tế, các kênh phân phối trực tuyến nhắm tới người hâm mộ trên toàn thế giới là khách hàng mục tiêu.
Ktown4u, nơi bán các album và hàng hóa liên quan đến Kpop, không chỉ có bản tiếng Hàn, tiếng Anh mà cả tiếng Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Indonesia để phục vụ người hâm mộ nước ngoài.
HM International, nhà điều hành kênh Ktown4u, đã chứng kiến doanh thu nửa đầu năm tăng 133,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong bối cảnh đó, việc một album có âm nhạc, phong cách thu hút người hâm mộ nước ngoài trở thành chìa khóa giúp các nhóm nhạc, ca sĩ Hàn Quốc nâng cao doanh số.
The Korea Times nhận định rất khó để bán được lượng lớn album nếu chỉ nhắm tới khán giả trong nước. Do đó, hầu hết nhóm nhạc Hàn Quốc đang tập trung vào thị trường quốc tế.
“Doanh số bán album của các nhóm nhạc nam đã tăng lên rất nhiều sau sự bùng phát của Covid-19. Và đúng là người hâm mộ ở nước ngoài góp một phần đáng kể trong doanh số bán album”, một quan chức từ công ty giải trí lớn cho biết trên The Korea Times.
Một chuyên gia khác nhận định: “Khi các nhóm nhạc Kpop hoạt động tốt ở thị trường Mỹ và Nam Mỹ, không chỉ album mới mà các sản phẩm cũ của họ cũng đột ngột tăng doanh số và đạt nhiều kỷ lục. Nếu các sự kiện âm nhạc, concert tiếp tục bị hủy bỏ vì Covid-19, thị trường quốc tế có thể sẽ được công ty giải trí chú ý nhiều hơn nữa”, chuyên gia nói thêm.
Công ty giải trí không dám làm phật ý khán giả quốc tế
The Korea Times chỉ ra lượt xem cũng là một trong những kênh tiêu thụ lớn của Kpop. Nhóm nhạc nữ hàng đầu Kpop BlackPink đã đạt được 9,15 tỷ lượt xem trong năm qua, trong đó 96% đến từ khán giả nước ngoài. 4% còn lại, tương đương 361 triệu lượt xem được tạo ra bởi khán giả Hàn Quốc.
Tính theo quốc gia, Indonesia là nơi có số lượt xem MV BlackPink lớn nhất với 758 triệu, tiếp theo là Thái Lan (736 triệu), Ấn Độ (679 triệu), Philippines (638 triệu) và Mexico (514 triệu). Lượt xem MV cũng rất quan trọng đối với các công ty vì chúng được sử dụng để tính thứ hạng ở chương trình âm nhạc truyền hình trong nước.
Trong bối cảnh đó, các công ty Kpop giờ đây không chỉ quan tâm đến người hâm mộ trong nước mà còn tìm hiểu đặc điểm văn hóa của các quốc gia khác nhau để tránh những tranh cãi không đáng có liên quan đến nghệ sĩ của họ. Các công ty nhận ra một số vấn đề có thể làm tăng sự tức giận của người hâm mộ từ các quốc gia khác.
Ví dụ gần đây nhất là Giselle – thành viên của nhóm nhạc nữ aespa. Nữ ca sĩ đã phải đăng lời xin lỗi trên Twitter sau khi hát theo ca khúc Love Gallore của SZA trong hậu trường quay MV Savage. Nữ ca sĩ bị chỉ trích và chịu sự phản đối mạnh mẽ từ người hâm mộ nước ngoài vì bài hát cô hát theo có từ “niggas” miệt thị người da màu.
Video đang HOT
MV của BlackPink vướng tranh cãi. Ảnh: YG Entertainment.
IZ*ONE – một nhóm nhạc dự án đã tan rã – phải xóa teaser của MV Secret Story of the Swan vào tháng 6/2020 khi khán giả quốc tế chỉ ra món đồ trang sức mà thành viên Kwon Eun Bi đeo trên trán giống với Bindi. Bindi là một biểu tượng tôn giáo, văn hóa, chính trị và thường xuất hiện trên trán của phụ nữ Ấn Độ.
Cũng vào năm 2020, BlackPink đã gây tranh cãi vì sử dụng tượng thần Ganesha của đạo Hindu trong video âm nhạc How You Like That. Chi tiết gây tranh cãi nằm ở phân cảnh của thành viên Lisa. Khi cô ngồi trên ngai vàng và hát, tượng thần Ganesha bị đặt dưới sàn nhà. Điều này khiến nhiều người giận dữ, coi đây là hành động thiếu tôn trọng và phỉ báng. Công ty quản lý YG Entertainment đã sửa đổi cảnh quay để xoa dịu sự phản đối của người hâm mộ Ấn Độ.
Ca sĩ Kpop giờ đây không nhất thiết phải hát tiếng Hàn
Để mở rộng phạm vi hoạt động ra thị trường quốc tế, ngày càng nhiều ca sĩ Kpop phát hành bài hát có lời được viết hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Từng có khoảng thời gian nền âm nhạc Hàn Quốc bị chỉ trích vì lạm dụng tiếng Anh, khiến người nghe cảm thấy khó chịu.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của những ca khúc được hát hoàn toàn bằng ngôn ngữ khác tại thị trường Kpop, điển hình như Dynamite và Butter của BTS, trong những năm gần đây khiến nhiều khán giả đặt ra câu hỏi: "Ca sĩ Kpop không nhất thiết phải hát tiếng Hàn?".
Trong khi nhiều khán giả hoan nghênh động thái này, khẳng định xu hướng sử dụng ngoại ngữ trong lời bài hát Kpop giúp thu hút công chúng trên toàn thế giới, thì một số người bày tỏ sự lo lắng: "Liệu một ca khúc Kpop không có tiếng Hàn có còn là Kpop không?".
Khát khao phủ sóng toàn cầu
Đầu tháng 10, nhóm nhạc nữ Kpop TWICE phát hành đĩa đơn tiếng Anh đầu tiên The Feels . Nhóm lần đầu trình diễn ca khúc này tại chương trình talk show nổi tiếng The Tonight Show Starring Jimmy Fallon.
JYP Entertainment - công ty chủ quản của TWICE - cho biết The Feels là sản phẩm âm nhạc được sản xuất riêng cho người hâm mộ tại thị trường quốc tế. Ngoài ra, đĩa đơn cũng đóng vai trò như "bàn đạp tăng tốc", hỗ trợ kế hoạch hoạt động trên quy mô toàn cầu của nhóm nhạc nữ.
TWICE không phải thần tượng Kpop duy nhất nhắm tới nền âm nhạc đại chúng Mỹ. Cũng vào đầu tháng 10, ca sĩ kiêm nhà soạn nhạc Woodz phát hành EP Only Lovers Left , với một nửa EP là bài hát tiếng Anh.
"Tôi nghĩ bản thân cần có bước nhảy vọt để vươn ra thị trường âm nhạc thế giới, nên tôi đã sáng tác một số ca khúc được hát hoàn toàn bằng tiếng Anh", nam ca sĩ chia sẻ trong buổi họp báo ra mắt EP.
Woodz tiết lộ: "Tôi chuẩn bị bài hát với hy vọng khán giả ở nước ngoài cũng có thể thưởng thức âm nhạc của tôi. Mục tiêu của tôi cho album này là trở thành nghệ sĩ toàn cầu".
Ngày càng nhiều thần tượng Kpop tích cực hoạt động tại thị trường quốc tế. Vào tháng 5, nhóm nhạc nam TXT cho ra mắt ca khúc tiếng Anh đầu tiên, Magic . Tới tháng 9, nhóm có cơ hội biểu diễn bài hát trên chương trình talk show Mỹ The Late Show with Stephen Colbert.
Trước đó, vào năm 2020, nhóm nhạc nam Monsta X quyết định tiến sâu hơn vào thị trường bằng cách phát hành album All About Luv dành riêng cho khán giả Mỹ, với toàn bộ album được hát bằng tiếng Anh.
Nam ca sĩ Woodz thể hiện mong muốn phát triển bản thân thành nghệ sĩ toàn cầu. Ảnh: 1st Look.
Có thể nói, trong suy nghĩ của hầu hết thần tượng Kpop, phát hành bài hát tiếng Anh đồng nghĩa với phát triển phạm vi hoạt động của họ trên quy mô quốc tế.
Ngày nay, những ca khúc Kpop được hát hoàn toàn bằng tiếng Anh không còn bị coi là bất thường. Trong một số trường hợp, các bài hát này có thể gặt hái thành công ấn tượng, điển hình như ca khúc Butter của BTS với thành tích 9 tuần liên tục đứng đầu bảng xếp hạng Billboard Hot 100.
Chiến lược của Kpop
"Nhóm nhạc nữ Wonder Girls và BoA từng cố gắng tiến sâu vào nền âm nhạc đại chúng Mỹ trong những năm 2000", theo Lee Gyu Tag - giáo sư nghiên cứu về nhạc pop và truyền thông đại chúng tại Đại học George Mason, chi nhánh Hàn Quốc.
Giống với thần tượng Kpop ngày nay, Wonder Girls và BoA cũng từng phát hành album tiếng Anh. Tuy nhiên, những sản phẩm âm nhạc này không thể gặt hái thành công ở cả hai thị trường nước ngoài và nội địa. "Sự khác biệt lớn nhất là Kpop không có chỗ đứng tại thời điểm ấy", Lee phân tích.
Theo Lee, BTS đã xây dựng được cộng đồng người hâm mộ quốc tế vững chắc, đông đảo thông qua các ca khúc tiếng Hàn của nhóm. Do vậy, việc phát hành Dynamite và Butter chỉ nhằm thu hút lượng lớn khán giả vốn không quen thuộc với nền âm nhạc của quốc gia khác.
"Chúng ta phải nhớ rằng BTS đã trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới thông qua những bài hát tiếng Hàn", nhà phê bình văn hóa âm nhạc đại chúng Jeong Deok Hyun khẳng định với tờ Korea JoongAng Daily .
Jeong cho biết nếu BTS bắt đầu tấn công thị trường quốc tế bằng ca khúc tiếng Anh, nhóm sẽ phải đối mặt với phản hồi rất tiêu cực. Nhưng hiện tại, khi Kpop đã vươn ra khỏi phạm vi Hàn Quốc, các bài hát tiếng Anh được coi như hành động thể hiện sự biết ơn dành cho người hâm mộ toàn cầu.
Ngoài ra, theo Jeong, việc phát hành ca khúc tiếng Anh là "chiến lược đặc biệt tốt để bài hát được phát sóng nhiều hơn trên đài radio ở nước ngoài".
Trước đó, nhiều chuyên gia khẳng định sản phẩm âm nhạc không phải tiếng Anh thường gặp bất lợi trên bảng xếp hạng âm nhạc tại phương Tây, vì những ca khúc này không phải lựa chọn hàng đầu của các chương trình radio, bất kể độ nổi tiếng.
Ví dụ điển hình cho trường hợp này là bản hit Gangnam Style phát hành năm 2012 của PSY. Mặc cho thành công vang dội trên quy mô toàn cầu, Gangnam Style vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì thứ hạng trên bảng xếp hạng Billboard.
Có thể nói, một phần thành công của Butter và Dynamite tới từ việc hai ca khúc được trình diễn bằng tiếng Anh - ngôn ngữ mà công chúng Mỹ cảm thấy quen thuộc.
Jeong nhận xét: "Lời bài hát tiếng Anh giúp xóa bỏ rào cản cho những khán giả còn cảm thấy lạ lẫm với ngôn ngữ khác".
Album ra mắt tại Mỹ của nữ ca sĩ BoA không gặt hái thành công như mong đợi. Ảnh: Vogue.
Con dao hai lưỡi
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng ca khúc Kpop tiếng Anh "dễ dàng trở thành con dao hai lưỡi", khi nhóm bài hát này có thể đem lại cảm giác xa lạ cho người hâm mộ Kpop trong và ngoài nước - những người vốn quen thuộc với việc theo dõi ca sĩ yêu thích của họ trình diễn bằng tiếng Hàn.
Melanie Poy, một người Thụy Sĩ yêu thích nội dung giải trí của Hàn Quốc, chia sẻ với tờ Korea JoongAng Daily rằng cô cảm thấy bài hát lời tiếng Anh có thể lấy đi "chất Hàn" trong Kpop.
"Tôi nghe Kpop vì tôi thích ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc nói chung, không chỉ vì âm nhạc", Poy tiết lộ. Cô đồng ý rằng ca khúc tiếng Anh giúp nghệ sĩ Kpop tiếp cận tới lượng công chúng đông đảo hơn, và bản thân cô cũng rất thích các bài hát đó.
Tuy nhiên, Poy cho biết cô không thể khẳng định liệu phương thức này có giúp người nghe quan tâm nhiều hơn tới nét đẹp văn hóa mà Hàn Quốc muốn truyền tải thông qua Kpop hay không. "Kpop không chỉ là âm nhạc", Poy nhận xét.
Giáo sư Lee đồng ý với quan điểm của Poy và bày tỏ hoài nghi về hiệu quả của các ca khúc Kpop bằng tiếng Anh.
"Trên thực tế, nhiều người hâm mộ Kpop tại nước ngoài thích lời bài hát tiếng Hàn hơn tiếng Anh. Nếu họ muốn nghe nhạc bằng tiếng Anh, thì họ đã có quá nhiều lựa chọn thay thế rồi", Lee nhận định.
Theo Lee, kể từ giữa những năm 2010, Kpop không có nhiều điểm khác biệt so với phong cách âm nhạc phổ biến tại phương Tây. Ông phân tích nét đặc trưng của nền âm nhạc Hàn Quốc: "Tất nhiên, Kpop có nhiều yếu tố độc đáo riêng như MV hoành tráng, màn trình diễn công phu, nhưng điểm quan trọng nhất của nó nằm ở lời bài hát tiếng Hàn".
Một ví dụ điển hình là My Universe - ca khúc hợp tác gần đây giữa BTS và ban nhạc rock người Anh Coldplay. Đĩa đơn ra mắt tại vị trí số một trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100. Nếu hầu hết ca khúc hợp tác giữa thần tượng Kpop và nghệ sĩ người nước ngoài là ca khúc tiếng Anh thì ngược lại, khoảng một nửa lời bài hát của My Universe sử dụng tiếng Hàn.
Điều này giúp ca khúc đón nhận phản ứng tích cực từ người hâm mộ Hàn Quốc và quốc tế. Không ít ý kiến cho rằng quyết định của BTS là "nêu bật tầm quan trọng của việc duy trì bản sắc Hàn Quốc".
"Nếu My Universe được thể hiện hoàn toàn bằng tiếng Anh, thì màn hợp tác cùng BTS sẽ không mang nhiều ý nghĩa tới vậy", giáo sư Lee nhận xét.
Ca khúc My Universe hợp tác giữa BTS và Coldplay nhận phản hồi tích cực từ người hâm mộ trong và ngoài nước. Ảnh: Naver .
Theo Lee, việc Coldplay hát tiếng Hàn thể hiện chính xác những gì người hâm mộ Kpop tại nước ngoài mong muốn. Lee tiết lộ: "Họ muốn cái gì đó khác với âm nhạc đại chúng thông thường, và tiếng Hàn là thứ tạo nên sự khác biệt. Lời bài hát tiếng Hàn là điều khiến My Universe trở nên đặc biệt".
Có loại bỏ được chữ K trong Kpop?
Mặt khác, Zicarlo van Aalderen - người hâm mộ Kpop lâu năm tại Hà Lan - cho rằng ca khúc Kpop có lời tiếng Anh "vẫn là âm nhạc Hàn Quốc, không thể nhầm lẫn được".
"Tôi không nghĩ việc thêm lời tiếng Anh vào bài hát có thể loại bỏ chữ K trong Kpop", Aalderen nhận xét. Cô đưa ra ví dụ: "Chúng tôi không gạt bỏ sự thật ABBA là nhóm nhạc người Thụy Điển chỉ vì họ có một số ca khúc hit bằng tiếng Anh. Họ vẫn mang âm hưởng riêng biệt của nền nhạc pop châu Âu".
"Dù họ sử dụng ngôn ngữ gì, thì phong cách Kpop luôn tồn tại ở đó", Aalderen khẳng định. Cô đánh giá cao việc các nhóm nhạc Hàn Quốc vẫn đầu tư MV kinh phí cao, màn trình diễn hoành tráng, phức tạp - điểm đặc trưng của nền âm nhạc Hàn Quốc - cho những ca khúc tiếng Anh.
Aalderen chỉ ra lợi ích của việc phát hành sản phẩm âm nhạc bằng tiếng Anh: "Nếu được thực hiện đúng cách, các bài hát Kpop với lời tiếng Anh sẽ giúp mở rộng tệp khán giả, vì mọi người có xu hướng ưa chuộng ca khúc họ có thể hiểu, dễ nhớ và dễ hát theo".
Nhà phê bình Jeong chia sẻ: "Một khi người nghe quốc tế bị thu hút bởi bài hát tiếng Anh, có khả năng họ sẽ tìm kiếm thêm ca khúc khác của nghệ sĩ đó". Theo ông, sự quan tâm của công chúng có thể lan rộng tới cả những bài hát được hát bằng tiếng Hàn.
"Tôi nghĩ đây là chiến lược quảng bá toàn cầu có hiệu quả lâu dài", Jeong nhận xét.
Cả giáo sư Lee và Aalderen đồng ý rằng sự cân bằng giữa yếu tố nội địa và yếu tố quốc tế là điểm mấu chốt trong chiến lược toàn cầu hóa của Kpop.
Lee bổ sung: "Ngành công nghiệp Kpop không nên gạt bỏ hoàn toàn người hâm mộ trong nước". Theo ông, thần tượng Kpop có thể sử dụng bài hát tiếng Anh như bước đệm giúp họ tiến ra thị trường quốc tế, nhưng những yếu tố đặc trưng của Kpop như tính thẩm mỹ, phong cách trình diễn vẫn cần được duy trì và thể hiện.
"Đến BTS cũng phát hành xen kẽ các bài hát tiếng Anh và tiếng Hàn, như khi họ cho ra mắt Life Goes On sau Dynamite ", Lee đưa ra ví dụ.
Aalderen cho rằng những nội dung giải trí Hàn Quốc gặt hái nhiều thành công nhất trên thị trường quốc tế đều mang đậm bản sắc của quốc gia này.
"Trớ trêu thay, bản hit quốc tế đầu tiên của Kpop - Gangnam Style - vốn không hề nhắm tới công chúng nước ngoài. Các yếu tố Hàn Quốc làm cho ca khúc trở nên mới lạ với khán giả quốc tế", cô phân tích.
Người hâm mộ cho rằng thành công của Hàn tới từ yếu tố bản sắc văn hóa Hàn Quốc.
Aalderen bày tỏ: "Ngay cả khi Kpop có được sự chú ý trên toàn cầu, tôi hy vọng nền âm nhạc này không đánh mất bản sắc Hàn Quốc, cố gắng quá sức để thu hút người hâm mộ nước ngoài".
Tranh luận việc BTS không còn là một phần của Kpop và đây là câu trả lời đến từ RM Sự phổ biến nhanh chóng của BTS tại thị trường âm nhạc quốc tế trong những năm gần đây khiến khán giả thế giới đang có cái nhìn cởi mở hơn về những tên tuổi đến từ Hàn Quốc. Trên thực tế, có nhiều ý kiến cho rằng BTS đã vượt qua khái niệm của nghệ sĩ Kpop và từng bước khẳng định...