Koeman quyết trị lối ’sống ảo’
Nhằm ngăn chặn cuộc sống ảo của các cầu thủ, HLV Ronald Koeman đang áp dụng phương pháp tiên tiến “life kinetics” tại CLB Southampton. Đây là giáo trình huấn luyện não giúp các cầu thủ giao tiếp tốt hơn trên sân, đồng thời phát triển kỹ năng vận động song hành cùng nhận thức.
Koeman quyết trị lối “sống ảo”
Koeman cho rằng các cầu thủ ngày nay rất lười giao tiếp. “Bây giờ họ đều cắm mặt vào smartphones và chỉ giao tiếp qua mạng xã hội. Đó là một vấn đề quan ngại với bóng đá.
Các cầu thủ nói chuyện quá ít để hiểu nhau, đặc biệt là trong trận đấu”, vị thuyền trưởng Southampton phát biểu trong hội nghị Y tế bóng đá tại London tuần này.
“Thời tôi còn thi đấu, các cầu thủ bàn tán sôi nổi về trận đấu trên đường ra sân. Và trong trận đấu chúng tôi quát tháo lẫn nhau. Còn bây giờ chiếc điện thoại khiến họ xa cách nhau. Đó cũng là một trong các lý do khiến họ trở nên lầm lỳ trong thi đấu”, Koeman phân tích.
Tuyên chiến với lối sống ảo của các học trò, Koeman đã áp dụng phương pháp huấn luyện “life kinetics”. Giáo trình xuất phát từ Đức này gồm các bài tập yêu cầu cầu thủ vừa thực hiện động tác chuyên môn (đỡ bóng, sút bóng…) vừa đáp ứng mệnh lệnh của đồng đội.
Video đang HOT
Đây là một bài tập điển hình: cầu thủ A ném bóng cho cầu thủ B, đồng thời hét to họ muốn cầu thủ B bắt bằng tay nào. Về phía cầu thủ B, anh ta phải bước lên bằng chân ngược với tay bắt bóng.
Có thể hiểu, phương pháp “life kinetics” kích thích não bộ cầu thủ thực hiện cùng lúc hai việc chơi bóng và thực hiện mệnh lệnh. Ngoài ra, nó cũng phát triển tư duy giao tiếp giữa các cầu thủ trên sân.
“Life kinetics” phá phổ biến ở Bundesliga và HLV Juergen Klopp từng áp dụng thường xuyên tại Dortmund trước kia. Nhưng ở Premier League, Ronald Koeman mới là người tiên phong.
Theo Bongdaplus
Lee Nguyễn và gáo nước lạnh từ Ronald Koeman
Ở tuổi 18, Lee Nguyễn đã được PSV Eindhoven chiêu mộ - điều mà bất cứ cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp nào ở Mỹ cũng thèm khát. Nhưng cuộc đời không chỉ màu hồng.
Lee Nguyễn đã có một khởi đầu đầy đẹp đẽ, nhưng cuộc sống khắc nghiệt luôn thử thách anh.
Trong số 22 cầu thủ tuyển U20 Mỹ tham dự vòng chung kết U20 thế giới năm 2005 tại Hà Lan, chỉ một mình Lee Nguyễn nhận được lời mời từ một CLB châu Âu, mà đó lại là đội bóng nổi tiếng PSV Eindhoven - nơi chắp cánh cho biết bao ngôi sao bóng đá, trong đó có huyền thoại Ronaldo.
"Hợp đồng ba năm của PSV Eindhoven còn hơn cả giấc mơ, và nó khiến tôi choáng ngợp đến mức không thể đưa ra lựa chọn khác", Lee Nguyễn kể lại với Báo.
Mức lương mà PSV đề nghị Lee Nguyễn là 200.000 đôla một năm, số tiền không nhỏ cho một cầu thủ vừa tròn 18 tuổi. Cùng thời điểm đó, giải MLS cũng chào mời Lee Nguyễn ký hợp đồng với số lương tương đương, nhưng sức hấp dẫn khi được huấn luyện bởi Guus Hiddink là điều ít ai có thể cưỡng lại.
Việc một cầu thủ trẻ mà lại gốc châu Á được PSV Eindhoven ký hợp đồng là một sự kiện gây xôn xao với giới bóng đá Mỹ thời điểm cuối năm 2005. Đó là một vinh dự lớn lao bởi một số ít các cầu thủ Mỹ sang châu Âu chơi bóng rồi thành danh, hầu hết đều bắt đầu ở các đội bóng còn kém danh tiếng hơn PSV Eindhoven.
Hãng thể thao Nike đã chộp ngay cơ hội và chìa ra bản hợp đồng năm năm với trị giá 500.000 đôla để ký độc quyền với Lee Nguyễn. Ông Nguyễn Văn Phẩm cho biết: "Các hãng thể thao như Nike thường đánh hơi và ký ngay hợp đồng khi các cầu thủ mới ở dạng triển vọng. Nếu sau này vận động viên đó thành danh, họ sẽ hốt bạc". 500.000 đôla với một kỹ sư điện toán làm công ăn lương như ông Phẩm là "số tiền khổng lồ mà cả đời nằm mơ cũng không thấy".
Đầu năm 2006, Lee Nguyễn chia tay nước Mỹ để bắt đầu sự nghiệp mới. Mọi thứ ở Hà Lan rất lạ lẫm với anh vì đó là môi trường mới hoàn toàn, nhưng Guus Hiddink lại là HLV tuyệt vời và có nhiều thiện cảm với các cầu thủ gốc Á sau nhiều năm làm việc ở Hàn Quốc. Hiddink đưa Lee Nguyễn về với mục đích tìm ra người kế thừa Park Ji Sung vừa đầu quân cho Man Utd.
Lee Nguyễn nhớ lại: "Ở PSV Eindhoven lúc đó có rất nhiều cầu thủ đẳng cấp như đội trưởng Philipp Cocu, trung vệ Alex của Brazil, tiền đạo Farfan... Tôi chỉ là một cầu thủ trẻ nên mọi thứ thật bỡ ngỡ, tôi học hỏi từng ngày, từng chút từ những cầu thủ đàn anh để thích nghi với cuộc sống mới. Áp lực ở đội bóng như PSV là vô cùng lớn". Cũng có chút may mắn cho Lee Nguyễn là PSV lúc đó có một cầu thủ người Mỹ khác thi đấu - Da Marcus Beasley.
Để chen chân vào đội hình chính PSV không đơn giản. Các cầu thủ trẻ phải nỗ lực hết mình mới mong được HLV Hiddink điền tên vào danh sách thi đấu hàng tuần. "Ở PSV, Lee và Ibrahim Alfellay cùng tuổi với nhau nên rất thân thiết nhưng cũng luôn phải cạnh tranh với nhau để được vào đội hình một. Vị trí của hai đứa chúng nó thường là thứ 16 và 17 trong danh sách của Guus Hiddink, tức là chỉ vào sân từ ghế dự bị. Alfellay có tốc độ khoảng ngắn rất tốt nhưng Lee lại mạnh hơn ở độ lắt léo. Dù vậy, lợi thế lớn của Alfellay là người Hà Lan nên được đá nhiều hơn", ông Phẩm chia sẻ về quãng thời gian qua Hà Lan để coi sóc con trai. Ở đó, mọi cầu thủ đều tự túc việc ăn ở, đi lại kể cả những cầu thủ trẻ. Lee Nguyễn thuê một căn hộ để sống trong thời gian đầu quân cho PSV Eindhoven.
Sang Hà Lan tháng 1/2006 nhưng mãi ngày 11/3/2006, tiền vệ gốc Việt mới được HLV Hiddink tung vào sân từ ghế dự bị ở trận thắng Heracles Almelo 1-0.
Nửa mùa bóng đầu tiên của Lee Nguyễn ở PSV Einhoven là không tệ, nếu như không có sự thay đổi lớn lao trong thành phần ban huấn luyện. Tháng 6/2006, Hiddink chia tay đội bóng để sang Australia dẫn dắt đội tuyển quốc gia nước này tham dự World Cup 2006. Người thay thế ông sau đó là Ronald Koeman và mọi thứ sụp đổ với Lee Nguyễn.
"Ngay từ khi về PSV, ông Koeman đã gọi riêng Lee Nguyễn và cả Alfellay ra nói chuyện để thông báo rằng cả hai không nằm trong kế hoạch của ông ấy. Nếu muốn thì cứ ở lại đúng như hợp đồng đã ký, còn tốt hơn thì nên tìm CLB mới để có cơ hội ra sân", ông Phẩm cho hay.
Lee Nguyễn cùng gia đình.
Đúng như những lời "dằn mặt" của Ronald Koeman, ngoài trận đấu với Ajax hồi tháng 8/2006, nơi PSV thua 1-3 trước Ajax, thì suốt cả mùa 2006-2007 Lee Nguyễn không được đá thêm trận nào nữa. Tâm lý nóng ruột và có phần chán chường của Lee Nguyễn bắt đầu xuất hiện, đặc biệt là khi HLV Bob Bradley của tuyển Mỹ cảnh báo rằng anh sẽ không gọi vào đội tuyển Mỹ và tuyển Olympic Mỹ tham dự Olympic Bắc Kinh 2008 nếu tiếp tục dự bị ở PSV. Trước đó, năm 2007, Lee Nguyễn đã được HLV Bob Bradley gọi vào tuyển Mỹ và đã có ba lần ra sân (một trận thắng giao hữu Trung Quốc 4-1 ngày 2/6, trận gặp Paraguay và Colombia ở Copa America tháng 7).
Chính sức ép của HLV Bob Bradley đã khiến Lee Nguyễn đi đến quyết định đào thoát khỏi PSV Eindhoven và đầu quân cho Randers FC tại giải vô địch quốc gia Đan Mạch (Danish Superliga) vào tháng 1/2008 với hợp đồng một năm cùng mức lương 250.000 đôla. Trong màu áo Randers FC, Lee Nguyễn thi đấu tổng cộng 23 trận, trước khi đầu quân cho Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức vào đầu năm 2009.
Theo TTVN
Van Gaal không chơi mạng xã hội Bạn là HLV của một trong những đội bóng nổi tiếng nhất thế giới. Trước đó, bạn đã là một HLV danh tiếng từng có nhiều chiến tích lẫy lừng. Thử hình dung Louis van Gaal sẽ có thêm nhiều fan và nổi tiếng hơn nhiều nếu quả thực ông chịu là "thành viên trung thành" của trào lưu chơi mạng xã hội...