Kính viễn vọng James Webb truyền về ảnh hành tinh ngoài hệ mặt trời đầu tiên
Kính viễn vọng James Webb đã chụp được những hình ảnh về hành tinh đầu tiên ngoài hệ mặt trời, một lần nữa chứng minh được sự kỳ vọng của giới thiên văn học kể từ kính thiên văn được phóng lên không gian năm ngoái.
Những hình ảnh khác nhau của hành tinh HIP 65426 b do kính viễn vọng James Webb truyền về AFP
Ở vị trí cách trái đất khoảng 1,6 triệu km, kính James Webb vừa truyền về hình ảnh HIP 65426 b, một hành tinh khổng lồ khí không có bề mặt đá và không phù hợp cho sự sống như trên trái đất.
“Đó là thời khắc đánh dấu sự thay đổi, không chỉ đối với kính James Webb mà còn cho ngành thiên văn học nói chung”, AFP dẫn lời giáo sư Sasha Hinkley của Đại học Exeter (Anh), trưởng nhóm nghiên cứu.
Thiết bị hồng ngoại và loại trừ được ánh sáng từ những ngôi sao của James Webb cho phép kính viễn vọng chụp được những hình ảnh trực tiếp của các hành tinh ngoài hệ mặt trời.
“Thật sự vô cùng ấn tượng khi các thiết bị loại trừ ánh sáng sao của kính James Webb cản hiệu quả ánh sáng của sao trung tâm mà hành tinh HIP 65426b đang xoay quanh”, chuyên gia Hinkley đề cập trong thông báo của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) hôm 2.9.
Hành tinh HIP 65426 b có tỷ số khối lớn gấp 6 đến 12 lần so với sao Mộc, và độ tuổi khá trẻ, chỉ khoảng từ 15 đến 20 triệu năm ánh sáng nếu so với tuổi của trái đất là 4,5 tỉ năm.
Trước đó, kính viễn vọng của NASA đã chụp được những hình ảnh trực tiếp về hành tinh, nhưng không thể hiện rõ chi tiết như nhóm ảnh hiện tại.
Phát hiện hành tinh trẻ nhất từ trước đến nay?
Báo cáo đăng trên chuyên san The Astrophysical Journal Letters tuyên bố đã phát hiện một trong những hành tinh trẻ nhất từ trước đến nay, nhiều khả năng là hành tinh nhỏ tuổi nhất mà nhân loại có thể tìm đến.
Sao AS 209 cách trái đất khoảng 395 năm ánh sáng ALMA (ESO/NAOJ/NRAO)
Theo thông cáo của Đài thiên văn Vô tuyến Quốc gia của Mỹ, hành tinh này cách trái đất 395 năm ánh sáng, thuộc phạm vi chòm sao Xà Phu, và đang trong quá trình hội tụ khí và bụi. Điều này có nghĩa là nó vẫn chưa thật sự hình thành.
Hành tinh đang tượng hình xung quanh sao AS 209, khối lượng chỉ nhỉnh hơn mặt trời và mới 1,5 triệu năm tuổi. Nhờ vào kính thiên văn vô tuyến lớn nhất thế giới ALMA, các nhà nghiên cứu có thể quan sát được cái gọi là đĩa xung quanh sao.
Đĩa xung quanh sao là tập hợp khí, bụi và mảnh vụn xung quanh các hành tinh mới sinh. Những đĩa này tạo ra mặt trăng và các tiểu hành đá, cũng như điều phối quá trình phát triển của những hành tinh non trẻ và khổng lồ.
Các chuyên gia cho rằng với việc quan sát AS 209, nhân loại sẽ hiểu biết thêm về nguồn gốc của hệ mặt trời chúng ta và các mặt trăng của sao Mộc.
"Cứ như thể chúng ta đang nhìn vào quá khứ của hệ mặt trời", tờ The New York Times dẫn lời đồng tác giả Myriam Benisty, nhà thiên văn học của Viện Hành tinh học và Vật lý Thiên thể Grenoble (Pháp).
Theo nhóm của bà Myriam Benisty, cần thực hiện các quan sát kế tiếp đối với hệ sao AS 209 để xác nhận sự tồn tại của hành tinh này, hiện vẫn bị che phủ bởi hỗn hợp khí, bụi đang tạo ra nó.
Dự kiến kính thiên văn không gian James Webb sẽ được giao trách nhiệm đo đạc khối lượng của hành tinh, cũng như thành phần khí quyển của nó trong tương lai gần.
Tác giả Jaehan Bae, nhà thiên văn học của Đại học Florida (Mỹ), dự đoán kết quả từ quá trình quan sát sao AS 209 và hành tinh của nó sẽ giúp chúng ta tiến gần thêm một bước trong nỗ lực trả lời câu hỏi: "Con người chúng ta bắt nguồn từ đâu?".
Công bố hình ảnh chưa từng có về sao Mộc NASA hôm 22/8 đã công bố hai hình ảnh mới nhất về Sao Mộc từ Kính viễn vọng Không gian James Webb, cho thấy chi tiết các đặc điểm của hành tinh này. Các hình ảnh được chụp bởi camera hồng ngoại gần của kính viễn vọng, sử dụng bức xạ hồng ngoại để phát hiện các vật thể trong không gian. Do...