Kinh tế Việt Nam: Cơ hội và thách thức trước thềm hội nhập
Các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần có những cải tôt về thể chế, cấu trúc sản xuất và xuất khẩu liên quan đến khu vực tư nhân.
“Kinh tế năm 2015 thực sự là một điểm sáng khi GDP đạt 6,68% cao nhất giai đoạn 2011-2015, tuy nhiên nền tảng tăng trưởng vẫn chưa được cải thiện do vẫn nhập siêu”. Đây là nhận dịnh của nhiều đại biểu tại Hội thảo “Kinh tế, xã hội Việt Nam năm 2015 cơ hội và thách thức trước thềm hội nhập” được tổ chức sáng 13/1 tại Hà Nội.
Nhiều chuyên gia kinh tế tại Hội thảo cho rằng, hiện nước ta vẫn thiếu một số động lực cơ bản để vượt qua được vùng trũng suy giảm và đạt tăng trưởng bền vững do chất lượng tăng trưởng vẫn còn thấp, chưa có dấu hiệu cải thiện, tư duy về kinh tế nhà nước chưa có có sự thay đổi trong thực tế.
Khu vực FDI mặc dù đang là động lực tăng trưởng ngắn hạn nhưng đóng góp vào tăng trưởng dài hạn còn rất hạn chế. Trong khi khu vực kinh tế trong nước, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân chưa có nhiều cơ hội để phát triển…Thêm vào đó hiệu lực chính sách tiền tệ chưa cao, cơ chế điều hành tỷ gía đang tạo nhiều sức ép đến tỷ giá và nền kinh tế, thâm hụt ngân sách lớn và rủi ro nợ công đang gia tăng nhanh chóng.
Hội thảo “Kinh tế, xã hội Việt Nam năm 2015 cơ hội và thách thức trước thềm hội nhập”thu hút đông đảo chuyên gia kinh tế và các nhà khoa học.
PGS.TS. Tô Trung Thành, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, tăng trưởng kinh tế năm 2015 của đất nước thực sự là một điểm sáng, là kết quả tốt so với thế giới và khu vực, tuy nhiên chất lượng tăng trưởng chưa bền vững.
“Năm 2016, nhiều hiệp định song phương và đa phương đã được thực thi và ký kết sẽ là điều kiện thuận lợi để đất nước hội nhập, mở rộng được thị trường hàng hóa dịch vụ, cũng như thu hút thêm được vốn đầu tư nước ngoài…
Video đang HOT
Tuy nhiên, kèm theo đó là những thách thức về giảm thu ngân sách từ thuế nhập khẩu, sức ép cạnh tranh, sức ép về cải cách thể chế…Do đó, Việt Nam cần có những cải tổ về bản chất của nền kinh tế liên quan đến khu vực tư nhân về thể chế, cấu trúc sản xuất và xuất khẩu.
GS.TS. Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội khoa học Kinh tế Việt Nam cho rằng, nền kinh tế cũng đã xuất hiện những khó khăn mới của thời cơ mới hội nhập. Nếu không có những cải cách quyết liệt, sẽ không tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, nhất là trong một vài năm tiếp theo sẽ có những khó khăn cực lớn đối với nền kinh tế và đất nước chúng ta.
“Nhà nước cần có những chính sách quyết liệt, điều hành chỉnh đổi chính sách để việc đổi mới được mạnh mẽ hơn nữa thích ứng với thời kỳ hội nhập của đất nước”, GS.TS. Nguyễn Quang Thái đề xuất.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, quá trình hội nhập sẽ tác động đến lĩnh vực tài chính. Khi đó cơ chế điều hành tỷ giá và lãi suất sẽ luôn có sức ép nếu không có thay đổi về chính sách ở trong nước. Vì vậy cần điều hành tỷ giá linh hoạt, hợp lý hơn, giảm thâm hụt ngân sách, giảm nợ công./.
Theo_VOV
Xuất khẩu không đạt mục tiêu nhưng chưa hết thách thức
Doanh nghiệp với sản phẩm xuất khẩu còn chưa tạo được giá trị thương hiệu, phụ thuộc nguồn nguyên liệu sẽ gặp nhiều thách thức khi hội nhập.a
Diễn biến phức tạp của thị trường thương mại thế giới trong năm 2015 đã có những tác động tiêu cực đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Hàng loạt các sản phẩm, mặt hàng vốn có thế mạnh của Việt Nam, đặc biệt là dầu thô đều gặp khó khăn về giá cũng như thị trường bị thu hẹp. Trong khi đó, các mặt hàng nông sản chủ lực như cao su, cà phê, gạo...cũng do cung cầu bất ổn định dẫn tới áp lực lớn cho xuất khẩu của Việt Nam.
Do vậy, mục tiêu xuất khẩu không đạt như mục tiêu đề ra là tăng trưởng 10% khi tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2015 ước đạt khoảng 162,4 tỷ USD, chỉ tăng khoảng 8,1% so với năm 2014, tương đương 12,2 tỷ USD.
Khi nhìn vào bức tranh xuất khẩu của Việt Nam năm 2015 có thể thấy, nhóm hàng của các doanh nghiệp FDI vẫn tiếp tục đóng góp lớn cho tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu. Điều này càng khẳng định điểm yếu nội tại của nền kinh tế với năng lực cạnh tranh sản phẩm còn hạn chế, thể hiện qua giá trị gia tăng sản phẩm, hàm lượng công nghệ, năng suất lao động, thương hiệu ở thị trường thế giới.
Với quy mô nền kinh tế, trình độ công nghệ cũng như quy mô doanh nghiệp đã làm hạn chế đến việc tiếp cận thị trường thế giới, tạo khó khăn khi muốn có thị trường ổn định, bền vững cho sản phẩm.
Cụ thể là sản những phẩm trong nước dù đã có sự phát triển nóng nhưng chưa bền vững bởi chưa tạo được giá trị thương hiệu, chưa hình thành chuỗi sản phẩm trên thị trường thế giới. Ví dụ các sản phẩm nông sản, dù quy mô xuất khẩu lớn nhưng giá trị thương hiệu chưa định hình, chất lượng sản phẩm chưa ổn định. Đây là vấn đề cần đặt ra khi hội nhập sâu rộng.
Bên cạnh đó, do trình độ sản xuất của Việt Nam còn hạn chế nên các sản phẩm chưa có hàm lượng giá trị cao, nhất là chưa có ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, còn phụ thuộc vào nhập khẩu, thị trường cung cấp nguyên liệu đầu vào. Ngành dệt may, da giày, điện tử... còn phụ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập khẩu từ các nước khác. Điều này sẽ ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như các ngành sản xuất của Việt Nam.
Trong khi đó, doanh nghiệp FDI khi tham gia đầu tư ở Việt Nam đã có điều kiện thuận lợi nhất định trong chuỗi giá trị toàn cầu, có giá trị thương hiệu mang lại lợi thế trong việc cạnh tranh trên toàn cầu. Chính từ những điều này càng cần đặt ra vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, ngành sản xuất để đảm bảo khả năng hội nhập và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải đối diện với nhiều áp lực về sở hữu trí tuệ, bảo vệ môi trường, hàng rào kỹ thuật. (Ảnh: Internet)
Với diễn biến trong năm 2015 và bước sang năm 2016, khi tình hình thế giới còn chứa đựng yếu tố bất ổn cho thương mại toàn cầu, việc Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ mang lại cơ hội lớn cho doanh nghiệp, sản phẩm của Việt Nam.
Hàng loạt cam kết xóa bỏ hàng rào thuế quan, phi thuế quan cho các sản phẩm sẽ mang lại thuận lợi trong việc tiếp cận thị trường. Cùng với nỗ lực chung của Chính phủ nhất là trong việc tạo dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cũng mang lại điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí.
Các FTA cũng mở ra nhiều cơ hội để Việt Nam hình thành chuỗi giá trị trong và ngoài nước, thông qua vốn đầu tư nước ngoài lẫn nguồn lực đầu tư trong xã hội để có điều kiện phát triển đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm. Cùng với việc sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước, mô hình đầu tư, hoàn thiện môi trường thể chế chắc chắn doanh nghiệp sẽ có điều kiện cạnh tranh và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Nhìn chung, các FTA hàm chứa nhiều nội dung không chỉ mở cửa thị trường mà còn khiến nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam phải đổi mới mô hình tăng trưởng, quản lý nhà nước. Điều này sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất cũng như năng lực.
Tuy nhiên, những khó khăn không phải là không có, thậm chí còn lớn hơn. Quá trình hội nhập có đặt ra yêu cầu phải mở cửa cho các sản phẩm, doanh nghiệp nước ngoài. Dù muốn hay không, Việt Nam cũng phải cạnh tranh trực tiếp và càng gay gắt hơn nữa ở thị trường nội địa, với hơn 90 triệu dân là thị trường trọng điểm cần chú ý.
Quá trình hội nhập cũng đặt ra nhiều thách thức lớn hơn cho doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm. Bởi sản phẩm dù muốn hay không đều phải đáp ứng được tiêu chuẩn của hàng rào kỹ thuật mà các nước yêu cầu. Trong khi nhiều sản phẩm của Việt Nam còn có những hạn chế nhất định về quy cách, chất lượng sản phẩm thực phẩm, không thể cạnh tranh được nếu không thay đổi tổ chức sản xuất.
Bên cạnh đó, quá trình hội nhập chắc chắc sẽ phát sinh các vụ kiện giữa những sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam với các đối tác lớn trên thế giới. Khi điều này trở nên phổ biến, doanh nghiệp vốn hạn chế về quy mô, công nghệ, tài chính sẽ gặp khó khăn trong tổ chức thực hiện xử lý tranh chấp thương mại theo quy định chung của WTO.
Đặc biệt tới đây, khi xu thế phát triển công nghệ nhanh phát triển, nếu Việt Nam không tổ chức thực hiện cam kết hội nhập có hiệu quả chắc chắn sẽ bị đi sau, thua thiệt. Khi các doanh nghiệp còn chưa thể hiện sự năng động, chủ động trong việc tiếp cận nội dung, cam kết mới thì sẽ phải chịu thiệt hại, thậm chí là thiệt hại nặng nề trước các yếu tố về sở hữu trí tuệ, bảo vệ môi trường, hàng rào kỹ thuật.../.
Nguyễn Quỳnh
Theo_VOV
'AEC giúp vị thế mặc cả của Việt Nam sẽ cao hơn' Cơ hội và thách thức được nhắc đến nhiều phía sau những Hiệp định thương mại và Việt Nam tham gia, với Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) cũng tương tự. Ảnh minh họa. Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã chính thức được hình thành kể từ ngày hôm nay (31/12). AEC kết nối nền kinh tế của 10 quốc gia ASEAN...