Kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy yếu
Những số liệu không mấy khả quan đang phủ bóng lên kinh tế Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục suy yếu trong tháng 4.2015, khi tăng trưởng cung tiền ở mức thấp kỷ lục và đầu tư tài sản cố định tăng trưởng thấp nhất trong 15 năm qua, Thượng Hải Nhật báo đưa tin.
Công nhân Trung Quốc đang làm việc tại một dự án động sản ở thủ đô Bắc Kinh – Ảnh: AFP
Theo số liệu do Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố hôm 13.5, tăng trưởng đầu tư tài sản cố định chỉ ở mức 12% trong 4 tháng đầu năm 2015, thấp nhất từ năm 2000 đến nay. Đây là chỉ số phản ánh chi tiêu công vào cơ sở hạ tầng của Trung Quốc, gồm hệ thống đường xá, cầu cống, sân bay và nhiều công trình khác.
Chúng buộc chính quyền Trung Quốc phải có những chính sách mạnh mẽ hơn để nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 7% trong năm nay.
“Nó còn tồi tệ hơn so với những gì người ta từng dự đoán, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư. Điều này cho thấy những áp lực kéo giảm tăng trưởng kinh tế Trung Quốc vẫn còn dai dẳng”, Reuters dẫn lời chuyên gia kinh tế Louis Kuijs thuộc Ngân hàng Royal Bank of Scotland ở Hồng Kồng.
Cũng theo NBS, sản xuất công nghiệp tháng 4.2015 tăng 5,9%, thấp hơn mức dự báo 6% của mà các chuyên gia đưa ra trước đó. Doanh số bán lẻ chỉ tăng 10%, mức thấp nhất trong 9 năm qua.
Video đang HOT
Các tiểu thương tranh thủ chợp mắt vào buổi trưa tại một ngôi chợ ở thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc – Ảnh: Reuters
“Các số liệu này cho thấy tăng trưởng trong những tháng đầu của quý 2/2015 sẽ xuống dưới mức 7%. Nhiều chính sách nhằm ổn định tăng trưởng có thể sẽ được triển khai”, chuyên gia kinh tế Chu Hạo tại Ngân hàng Australia & New Zealand Bank nhận định.
Để tăng lượng cung tiền và vực dậy tốc độ tăng trưởng, ngân hàng trung ương Trung Quốc hồi cuối tuần qua đã tiếp tục hạ lãi suất và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Đây là lần hạ lãi suất thứ ba trong 6 tháng qua của ngân hàng trung ương Trung Quốc, theoThượng Hải Nhật báo.
Quyết định này đến khi tăng trưởng cung tiền trong tháng 4.2015 của Trung Quốc đã rơi xuống mức thấp kỷ lục với 10,4%. Không những vậy, bất động sản vốn là lĩnh vực trụ cột và là động lực tăng trưởng lớn nhất của Trung Quốc, trong 4 tháng đầu năm chỉ tăng 6%, thấp nhất kể từ năm 2009 đến nay.
Ngọc Quý
Theo Thanhnien
Nguyên nhân thay đổi trật tự thế giới
Sau Chiến tranh Lạnh, trật tự thế giới do Mỹ chi phối đang dần mất đi, thế giới đang đứng trước cánh cửa của một cuộc "Chiến tranh Lạnh mới".
Hiện có một ý kiến khá phổ biến rằng trật tự thế giới thay đổi là do sự suy yếu của phương Tây, mà cụ thể là sự suy yếu của siêu cường Mỹ. Ý kiến này không hoàn toàn phù hợp với thực tế.
Xe quân sự Ukraine bị phá hủy trong cuộc giao tranh với lực lượng li khai ở thành phố miền đông Metalist ngày 23/3. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Không thể tranh cãi là tiềm lực quân sự, kinh tế của Mỹ và các nước phương Tây so với tương quan chung của thế giới đang có xu hướng giảm sút. Hãy quan sát kỹ các vấn đề "nóng" ảnh hưởng đến trật tự thế giới hiện nay: Xung đột Ukraine được xem là tạo ra ảnh hưởng lớn nhất đối với hệ thống an ninh của thế giới sau Chiến tranh Lạnh. Sự xuất hiện của tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng ở Trung Đông cũng khiến cho tình hình ở Iraq và Syria càng thêm hỗn loạn và khó kiểm soát. Tuy nhiên, hai vấn đề này không phải là do sự suy giảm sức mạnh của Mỹ và phương Tây tạo ra.
Vậy thì nguyên nhân nào đã tạo ra sự mất cân bằng trật tự quốc tế? Giới quan sát đã đưa ra những lý do sau:
Thứ nhất, Mỹ và các nước phương Tây đã sử dụng các biện pháp không phù hợp với thực tế. Các nước phương Tây không chỉ coi vấn đề "dân chủ", kinh tế thị trường làm trụ cột quốc gia, mà còn cho rằng nó là chuẩn mực giá trị được sử dụng phổ biến. Vì vậy, đối với những nước bị họ cho rằng không phù hợp với quan niệm giá trị dân chủ và kinh tế thị trường, họ sẽ sử dụng mọi thủ đoạn để thay đổi hiện trạng ở những nước này. Do Mỹ và các nước phương Tây cho rằng chính quyền Ukraine tham nhũng và phi dân chủ, nên họ đã khuyến khích người dân Ukraine xuống đường biểu tình, lật đổ chính quyền được cho là không theo phương Tây.
Mặc dù các nước phương Tây đã thành công trong việc lập ra chính quyền mới ở Ukraine, song Ukraine lại không có được hòa bình và sự ổn định. Việc Crimea sáp nhập vào Nga và những bất ổn ở miền Đông là điều mà Mỹ và các nước phương Tây không lường trước. Điều quan trọng hơn là cách làm của các nước phương Tây đang khiến cho thế giới bước vào một "cuộc Chiến tranh Lạnh mới".
Thứ hai, Mỹ và các nước phương Tây không đánh giá đúng thực lực của bản thân. Điều này được thể hiện ở hai khía cạnh: Một là bắt nguồn từ việc theo đuổi "học thuyết Bush" của chính quyền George W. Bush với việc phát động hai cuộc chiến tranh. "Học thuyết Bush" nhấn mạnh đến việc duy trì địa vị siêu cường về quân sự, theo đuổi và tôn sùng "an ninh quốc gia tuyệt đối". Sau các vụ khủng bố nhằm vào nước Mỹ ngày 11/9/2001, chính quyền Bush cho rằng dựa vào sức mạnh to lớn của Mỹ, các hành động quân sự có thể bảo đảm được an ninh tuyệt đối cho nước Mỹ. Tuy nhiên, kết quả ngược lại, các hành động quân sự của Mỹ không những không mang lại an ninh cho Mỹ và thế giới, mà còn khiến cho tình trạng bất ổn ở Afghanistan và Trung Đông càng thêm nghiêm trọng.
Hai là, để theo đuổi cái gọi là "an ninh tuyệt đối", ngay sau khi nhậm chức, bất chấp sự phản đối của Nga và các đồng minh, Tổng thống Bush đã quyết định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia (NMD). Việc khuếch trương "an ninh tuyệt đối" của Mỹ cho thấy rõ sự mở rộng của NATO về hướng Đông. Tuy nhiên, sự mở rộng của NATO hoàn toàn không giúp tăng cường an ninh cho các nước phương Tây mà còn dồn Tổng thống Nga Vladimir Putin vào chân tường, biến Nga trở thành kẻ thù của họ.
Mặc dù sau Chiến tranh Lạnh, chính phủ Mỹ đã thay đổi nhiều lần, song kiểu chính sách đối ngoại làm thay đổi trật tự thế giới mà Mỹ vẫn thực hiện về cơ bản không thay đổi. Mặc dù chính quyền của Tổng thống Barack Obama nhận ra rằng Mỹ rất khó duy trì vai trò "cảnh sát thế giới", và đã không còn tham dự vào tất cả các công việc của thế giới như trước đây, song trong vấn đề đối phó với Nga, Mỹ vẫn tiếp tục tiến hành các biện pháp trừng phạt kinh tế với mong muốn khiến chính quyền Nga sụp đổ hoặc gây áp lực lên ông Putin để đạt được sự thỏa hiệp. Xem ra, Mỹ vẫn chưa ý thức sâu sắc được rằng chính những hành động của họ mới là nguyên nhân sâu xa khiến cho trật tự thế giới thay đổi.
Theo Lê Hải (theo báo "Liên hợp Buổi sáng")
baotintuc.vn
Tổng thống Obama bị tố 'làm suy yếu nước Mỹ' Cựu Phó tổng thống Mỹ Dick Cheney lên tiếng tố Tổng thống Mỹ Obama chính là người đã làm suy giảm sức mạnh của nước Mỹ giữa lúc nguy cơ khủng bố ngày càng leo thang. Cựu Phó tổng thống Mỹ Dick Cheney - Ảnh: Reuters Ông Cheney đưa ra hàng loạt những chỉ trích nhắm vào Tổng thống Obama trong quyển sách...