Kinh tế Trung Quốc: Sau đỉnh cao số 1, sắp quay về số 3
Một sự kiện nổi bật trong tuần qua của kinh tế thế giới là việc nền kinh tế Trung Quốc đã chính thức vượt qua Mỹ để trở thành số 1 thế giới, dựa trên thông báo của Quỹ tiền tệ quốc tế ( IMF) và Ngân hàng thế giới (WB).
Đây có thể xem là một bước ngoặt lịch sử kinh tế thế giới, khi Mỹ sau hàng chục năm giữ vị trí cao nhất đã phải nhường lại cho một nền kinh tế khác. Nhưng cả thế giới và cả bản thân Trung Quốc, đang đón nhận tin tức lịch sử này với một sự thờ ơ đến kinh ngạc. Đơn giản vì có quá nhiều điều ẩn chứa sau cái mỹ từ “ số một thế giới”.
Kinh tế Trung Quốc sở dĩ được đưa lên ngôi đầu vì IMF và WB đã sử dụng hai phương pháp đánh giá cơ bản là dựa trên GDP và PPP. Trong đó, GDP năm 2014 của Trung Quốc ước tính có thể đạt 17.600 tỉ USD, cao hơn 200 tỉ USD so với GDP của Mỹ. Còn so sánh về sức mua tương đương PPP, Trung Quốc cũng vượt qua Mỹ với tỉ số sít sao là 16,5% so với 16,3%.
Dựa vào kết quả đối chiếu trên, chính phủ và người dân Trung Quốc có thể ăn mừng vì mục tiêu mà nước này đặt ra trong 3 thập kỷ từ khi mở cửa đất nước là soán ngôi nền kinh tế số một thế giới của Mỹ.
Nhưng thực tế, không chỉ người dân mà cả lãnh đạo Trung Quốc đều đang thể hiện một thái độ thờ ơ với tin tức này. Vấn đề ở đây không nằm ở cách biệt sít sao về GDP và PPP của Trung Quốc so với Mỹ khi mà khoảng cách ít ỏi đó có thể san bằng bất cứ lúc nào, bản thân Trung Quốc hiểu kết quả này chỉ mang ý nghĩa tạm thời, nhất là khi kinh tế Mỹ đang có sự hồi phục thần tốc trong khi kinh tế Trung Quốc đang được dự báo sẽ bước vào giai đoạn giảm tốc độ tăng trưởng.
Giới phân tích cho rằng, sở dĩ Trung Quốc có thể đuổi kịp Mỹ về GDP và PPP dù cách đây 14 năm quy mô kinh tế Trung Quốc chỉ bằng 1/3 quy mô kinh tế Mỹ, là vì kinh tế Mỹ lâm vào một giai đoạn suy thoái bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, trong khi Trung Quốc lại gần như rất ít chịu ảnh hưởng từ sự kiện này.
Nói cách khác, quãng thời gian 6 năm suy thoái đã làm kinh tế Mỹ suy yếu còn kinh tế Trung Quốc lại trải qua 6 năm duy trì được tốc độ tăng trưởng cao. Điều này đã dẫn đến việc khoảng cách giữa hai nền kinh tế được thu hẹp.
Video đang HOT
Nhưng giờ đây tình thế đã đổi chiều, kinh tế Mỹ sau 6 năm suy thoái đã có dấu hiệu hồi phục mạnh mẽ còn Trung Quốc được dự báo sẽ bước vào một thời kỳ suy trầm.
Mô hình tăng trưởng dựa vào giá nhân công rẻ và xuất khẩu của Trung Quốc đã đạt đến giới hạn, sự tăng trưởng mạnh mẽ trong 3 thập kỷ qua đã khiến giá nhân công Trung Quốc không còn rẻ như trước và việc các nền kinh tế lớn của thế giới như Mỹ, EU hay Nhật suy thoái khiến lượng hàng Trung Quốc xuất khẩu sang các thị trường này giảm đáng kể.
Các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc đã thừa nhận thực tế rằng kể từ năm tới, Trung Quốc sẽ bước vào giai đoạn phát triển bền vững, với mức tăng trưởng chỉ khoảng 7% mỗi năm để tìm kiếm mô hình tái cơ cấu nền kinh tế.
Trong tình hình đó, ai cũng hiểu khoảng cách ít ỏi về GDP và PPP giữa Trung Quốc và Mỹ kia sẽ nhanh chóng bị san bằng và vượt qua. Nói cách khác, sự chênh lệch nhỏ nhoi đó chỉ là kết quả tạm thời khi kinh tế Mỹ chạm đáy còn kinh tế Trung Quốc đạt đỉnh. Giờ đây khi kinh tế Mỹ hồi phục và tăng trường trở lại còn Trung Quốc đang trên đà đi xuống thì khoảng cách đó là vô nghĩa.
Việc trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vì thế không có nhiều ý nghĩa, thậm chí còn trở thành tin xấu đối với chính phủ Trung Quốc.
Sở dĩ như thế, là vì việc trở thành nền kinh tế số một thế giới sẽ là sức ép buộc chính phủ phải có những khoản chi lớn hơn để cải thiện sinh hoạt của người dân Trung Quốc vốn vẫn đang ở mức quá thấp so với các nước phát triển khác. Tính theo GDP đầu người, người dân Trung Quốc chỉ đứng thứ 99 thế giới và đang đối mặt với đủ mọi vấn đề, từ ô nhiễm môi trường đến giá cả sinh hoạt.
Trong nhiều năm qua, chính phủ Trung Quốc vẫn né tránh những vấn đề này để tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế, nhưng khi đã trở thành nền kinh tế số một thế giới, áp lực từ phía người dân sẽ không cho phép họ tiếp tục.
Quan trọng hơn, Trung Quốc đang phải đối mặt với một loạt những thách thức kinh tế thực sự ở thời điểm hiện tại. Có vô số vấn đề nảy sinh khi một nền kinh tế phát triển quá nóng trong một thời gian dài, các chuyên gia đã bắt đầu cảnh báo Trung Quốc về sự phát triển quá nóng thị trường chứng khoán đang tạo ra tình trạng bong bóng kinh tế có thể dẫn đến khủng hoảng như đã từng diễn ra ở Nhật.
Và nhất là bài toán lớn nhất về tái cơ cấu kinh tế và tìm một hướng đi mới cho kinh tế Trung Quốc trong tương lai. Nếu không thành công, Trung Quốc sẽ rơi vào tình trạng dậm chân tại chỗ, không những khó có thể đuổi kịp Mỹ mà còn có thể bị soán ngôi cường quốc kinh tế số 2 thế giới nếu như những cải cách kinh tế đang diễn ra ở Nhật Bản thành công.
Theo Nhàn Đàm
Một Thế giới/Bloomberg
Báo Pháp: Trung Quốc thực hiện chính sách ngoại giao hai mặt
Kinh tế phát triển vượt bậc đã khiến vị thế của Trung Quốc ngày càng mạnh trên thế giới nhưng cách hành xử hai mặt của nước này khiến Bắc Kinh không xứng đáng với vị thế đang lên đó, tờ Le Monde của Pháp nhận định trong bài viết gần đây.
Trung Quốc phát triển về kinh tế nhưng lại gây quan ngại lớn về chính trị và ngoại giao.
Theo tờ Le Monde, bộ mặt thứ nhất của Trung Quốc là cho thế giới thấy rằng quốc gia này đã trở thành "một nhân tố quan trọng" trên các hồ sơ nổi cộm của thế giới, vươn lên so kè với Mỹ.
Cách đây 45 năm, Liên Xô và Trung Quốc là kẻ thủ của nhau, còn Mỹ là nước ở giữa. Khi đó, Mỹ đã đề nghị Liên Xô từ bỏ dự định sử dụng vũ khí nguyên tử trong cuộc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Giờ đây, Trung Quốc đã "đảo ngược thế cờ" khi đổi vai trở thành quốc gia có khả năng làm trung gian hòa giải cho Mỹ và Nga.
Vị thế hòa giải đó của Bắc Kinh còn được thể hiện qua thỏa thuận cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính đã ký với Mỹ, bởi ai cũng biết một thỏa thuận môi trường toàn cầu sẽ không thể có được nếu thiếu sự tham gia của Mỹ và Trung Quốc, hai "ống khói" lớn nhất của thế giới.
Thế nhưng, ngược lại với bộ mặt tốt đẹp trên, tờ Le Monde cho rằng Trung Quốc cũng đang thể hiện một chính sách ngoại giao khác mang bản chất cứng rắn và hiếu chiến.
"Chính sách ngoại giao của Trung Quốc đã cho thấy nước này "lời nói không đi đôi với việc làm", tức là hành động cụ thể chưa tương xứng với vị thế đang lên trên trường quốc tế", tờ báo viết.
"Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ với hầu hết các quốc gia ven biển Hoa Đông và Biển Đông", bài báo nêu dẫn chứng cho nhận định trên.
Cũng theo bài viết, Trung Quốc đã không chấp nhận ra Tòa án Công lý quốc tế vì "ỷ mạnh", muốn giải quyết tranh chấp trong "sân nhà", muốn đàm phán tay đôi với các nước nhỏ hơn và muốn khẳng định vị thế là "cường quốc số một châu Á".
Ngoài ra, Trung Quốc cũng có thái độ thiếu hội nhập quốc tế trong hồ sơ tài chính và tiền tệ khi cố tình thao túng đồng nội tệ theo hướng có lợi cho nền kinh tế trong nước. Thời gian gần đây, Trung Quốc đã đẩy mạnh ký kết hiệp định thanh toán trực tiếp bằng đồng nội tệ với các nước, đồng thời lập các quỹ và Ngân hàng phát triển cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) để đối trọng với thể chế tài chính khu vực và quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
"Chính sách ngoại giao của Trung Quốc là chính sách hai mặt. Trung Quốc vừa lớn tiếng tuyên bố hội nhập quốc tế, trong khi bản thân vẫn là một cường quốc kiêu căng chỉ biết có mình", tờ Le Monde kết luận.
Vũ Anh
Tổng hợp
Theo Dantri
Báo Pháp: Trung Quốc thực hiện chính sách ngoại giao hai mặt Kinh tế phát triển vượt bậc đã khiến vị thế của Trung Quốc ngày càng mạnh trên thế giới nhưng cách hành xử hai mặt của nước này khiến Bắc Kinh không xứng đáng với vị thế đang lên đó, tờ Le Monde của Pháp nhận định trong bài viết gần đây. Trung Quốc phát triển về kinh tế nhưng lại gây quan...