Kinh tế TP Hồ Chí Minh trở lại quỹ đạo tăng trưởng – Bài 4: Đồng hành cùng doanh nghiệp
Với tinh thần đánh giá, phân tích cụ thể các vấn đề còn tồn tại, Tp.Hồ Chí Minh đã có nhiều giải pháp để tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn đang gặp phải; trong đó, Thành phố xác định doanh nghiệp là chủ thể quan trọng trong quá trình khôi phục và phát triển để chủ động đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp.
Sản xuất hàng may mặc tại Công ty Cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu May Phương Nam (quận Gò Vấp). Ảnh minh họa: Thanh Vũ /TTXVN
Cải thiện môi trường đầu tư
Thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung triển khai nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp trong năm 2022 với các mục tiêu kiên quyết khắc phục những hạn chế, thực hiện có hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng hành cùng doanh nghiệp.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, đầu tư tư nhân hiện chiếm 80% vốn đầu tư xã hội, do đó Thành phố luôn chú ý để hỗ trợ doanh nghiệp một cách tốt nhất. Hiện sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tư pháp, cùng với các sở, ngành khác đang được UBND Thành phố giao thiết lập một cổng thông tin duy nhất để doanh nghiệp, người dân truy cập dễ dàng các vấn đề doanh nghiệp quan tâm. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành cung cấp thông tin đúng và kịp thời đến doanh nghiệp.
Trong việc cải thiện môi trường đầu tư, thành phố cũng đã triển khai nhiều giải pháp, nhóm nhiệm vụ cải thiện chỉ số gia nhập thị trường cho doanh nghiệp, chỉ số tiếp cận đất đai và sử dụng ổn định mặt bằng sản xuất; đồng thời thành lập các tổ công tác để tháo gỡ khó khăn cho từng đối tượng khác nhau.
Thành phố làm việc với Trung ương tháo gỡ một số dự án trọng điểm có vướng mắc kéo dài như: Dự án Khu phức hợp thông minh (Thủ Thiêm Eco Smart City) trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm; dự án giải quyết ngập do triều khu vực Tp. Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) tạo hành lang pháp lý để các dự án có thể tiếp tục triển khai hoàn thành đưa vào sử dụng, có đóng góp chung vào kinh tế – xã hội.
Theo ông Đào Minh Chánh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh, Thành phố cũng chuẩn bị sẵn các điều kiện cần thiết khuyến khích, mời gọi hình thành các dự án, doanh nghiệp có quy mô lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh cao ở khu vực và quốc tế; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng suất chất lượng và đổi mới sáng tạo; hình thành mạng lưới trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển sản phẩm và thị trường.
Video đang HOT
Tp. Hồ Chí Minh cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số, thiết kế đồng bộ, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống tích hợp, kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu lớn; cùng đó, đẩy nhanh chương trình chuyển đổi số để doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận và tham gia hiệu quả vào quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đổi mới quy trình và công nghệ sản xuất; chuyển khu vực kinh tế dịch vụ đơn thuần sang số hóa.
Trong tháng 3/2022, Thành phố tổ chức hội nghị tham vấn các nhà đầu tư góp ý, hiến kế các giải pháp thực hiện định hướng phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2030. Thành phố đã tháo gỡ xong cho các dự án như: Nhà máy liên hợp xử lý chất thải rắn đô thị toàn diện Lemna của Công ty cổ phần Vietstar; Nhà máy điện khí LPG Hiệp Phước của Công ty TNHH điện lực Hiệp Phước; Khu Liên hợp Thể dục Thể thao và Dân cư Tân Thắng; dự án Lotte Cinema Gold View của Tập đoàn Lotte…
Thành phố cũng đang tích cực tháo tháo gỡ, tiếp tục giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các dự án trọng điểm đang tiến hành như: Dự án Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa (quận Bình Thạnh), Dự án Công ty Liên doanh Cao ốc Sài Gòn Metropolitan TNHH….
Về cải thiện môi trường đầu tư, ông Đào Minh Chánh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố tổ chức triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9 tháng 9 năm 2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 và các chính sách, giải pháp về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 với tinh thần hợp tác công tư chặt chẽ để phát huy đồng bộ nguồn lực của nhà nước và doanh nghiệp. Cùng đó, Thành phố cũng hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thực hiện có hiệu quả các cam kết hội nhập quốc tế; nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo các xu hướng thế giới, đặc biệt là các xu hướng của thị trường thế giới nhằm kịp thời điều chỉnh chính sách phù hợp.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Thành phố xác định năm 2022 tập trung phục hồi kinh tế, tạo đà tăng tốc phát triển trong năm 2023 và những năm tiếp theo; trong đó, đặt doanh nghiệp là trung tâm của sự tăng trưởng kinh tế.
Ông Đào Minh Chánh cho biết, thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, thành phố tập trung hỗ trợ về tín dụng; trong đó, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn thông qua các chương trình, gói tín dụng với lãi suất hợp lý; thiết kế sản phẩm cho vay đặc thù, phù hợp với đối tượng khách hàng là doanh nghiệp theo từng nhóm ngành nghề; đồng thời tiếp tục hỗ trợ về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, tháo gỡ khó khăn.
Thành phố cũng đẩy mạnh thực hiện các chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, chương trình bình ổn giá; nắm bắt thông tin tình hình khó khăn và kịp thời hỗ trợ tháo gỡ, đặc biệt là các thủ tục về tín dụng, tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp trong tiếp cận và cập nhật các chính sách mới của Chính phủ.
Đối với hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn, các ngân hàng thương mại tập trung hỗ trợ 2 nhóm chủ yếu là giảm lãi suất và cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ. Theo UBND Tp. Hồ Chí Minh, trong quý I/2022, các cơ quan chức năng của thành phố đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 577.392 khách hàng với dư nợ hiện tại 141.531 tỷ đồng; miễn giảm lãi cho 217.343 khách hàng với dư nợ hiện tại 6.343 tỷ đồng; cho vay mới hơn 1 triệu khách hàng với dư nợ hiện tại 1.016.459 tỷ đồng.
Cơ quan chức năng của Thành phố cũng tiếp nhận và có kết quả xử lý đối với 878 trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn, bị ảnh hưởng thiệt hại do dịch COVID-19. Qua đó, triển khai thực hiện tốt cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của ngành ngân hàng trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế địa phương theo tinh thần “đồng hành cùng phát triển, chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp.
Song song với hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp với cách thức đã và đang thực hiện trong những năm vừa qua.
Năm 2022, có 14 thương hiệu ngân hàng trên địa bàn đăng ký tham gia gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp với tổng số tiền đăng ký cho vay là 434.280 tỷ đồng, lãi suất áp dụng tối đa không quá 4,5%/năm đối với cho vay ngắn hạn, xoay quanh mức 9%/năm đối với cho vay trung dài hạn và các hình thức hỗ trợ khác như giảm lãi suất khoản vay cũ, tăng hạn mức cho vay, cơ cấu lại kỳ hạn nợ…
Đối với việc hỗ trợ mở rộng thị trường, ông Đào Minh Chánh cho hay, Thành phố thường xuyên trao đổi, tiếp nhận ý kiến của các hiệp hội, nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); từ đó chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh nhanh chóng ổn định trở lại. Đồng thời, Thành phố cũng tổ chức các hội thảo phổ biến, tuyên truyền về các Hiệp định thương mại tự do (FTA) cho cộng đồng doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tận dụng các cơ hội xuất khẩu vào các thị trường trọng điểm.
Tại các buổi làm việc với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư vừa qua, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi nhấn mạnh, lãnh đạo UBND Tp. Hồ Chí Minh sẽ luôn đồng hành với các nhà đầu tư, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư nhằm định vị Tp. Hồ Chí Minh không chỉ là đầu tàu kinh tế của cả nước mà còn là thành phố tiêu biểu của khu vực thông qua các chương trình đầu tư mang tính sáng tạo, tinh hoa và đột phá cao.
Chủ tịch UBND TPHCM trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND cuối năm 2021
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi sẽ trả lời chất vấn của các đại biểu tại ngày làm việc thứ 2 của kỳ họp HĐND TPHCM cuối năm 2021, diễn ra chiều 8/12.
Ngày 7/12, HĐND TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, sẽ triệu tập kỳ họp thường lệ cuối năm nhằm tổng kết, đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ của chính quyền thành phố năm 2021, phương hướng năm 2022 và xem xét một số tờ trình quan trọng. Kỳ họp được tổ chức từ ngày 7/12 đến hết ngày 9/12.
Theo chương trình kỳ họp, HĐND thành phố sẽ dành một giờ tại buổi chiều ngày làm việc thứ 2 để các đại biểu chất vấn ông Phan Văn Mãi , Chủ tịch UBND TPHCM. Đây là lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức người đứng đầu chính quyền thành phố, ông Phan Văn Mãi có buổi chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp của HĐND TPHCM.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM (Ảnh: Hữu Khoa).
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Chủ tịch UBND TPHCM tại kỳ họp thứ 4, HĐND TPHCM sẽ được truyền hình, phát thanh trực tiếp.
Theo chương trình kỳ họp cuối năm, các đại biểu sẽ nghe UBND thành phố báo cáo về tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội năm 2021 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2022; báo cáo kết quả việc thực hiện chủ đề năm 2021; báo cáo quyết toán ngân sách thành phố năm 2020, ước thu chi ngân sách năm 2021, dự toán phân bổ ngân sách năm 2022; báo cáo việc giải quyết kiến nghị cử tri; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2026 cùng một số tờ trình quan trọng khác.
Tại Hội nghị lần thứ X diễn ra đầu tháng 12, Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI đã xem xét, thảo luận và cơ bản đồng tình chủ đề năm 2022 của thành phố là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cũng quán triệt, trong năm 2022, toàn hệ thống chính trị sẽ tập trung nỗ lực cao nhất phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 từ 6-6,5%.
Người đứng đầu Đảng bộ thành phố nhấn mạnh, qua thảo luận, thành phố sẽ không thay đổi các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI đề ra, chỉ điều chỉnh một số nhiệm vụ theo thứ tự ưu tiên phù hợp với yêu cầu tình hình mới.
Hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó do dịch COVID-19 Thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19, nhiều ngân hàng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với các khách...