Kinh tế tiếp tục đà phục hồi, nhưng chưa bền vững
Nền kinh tế có chuyển biến tích cực nhưng vẫn khiến cử tri lo lắng bởi chưa thực sự ổn định.
Sáng 20/10, Quốc hội khóa XIII đã khai mạc phiên họp thứ 10. Trong phiên khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, đây là kỳ họp cuối năm, kỳ họp có khối lượng công việc rất lớn, nhiều nội dung quan trọng. Do đó, nhiệm vụ của Quốc hội rất nặng nề và trách nhiệm cũng rất lớn lao.
Có chuyển biến nhưng còn nhiều thách thức
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng, trong đó phải kể đến là xem xét, thông qua 18 dự án luật, nhiều nghị quyết, cho ý kiến về 8 dự án luật khác. Đồng thời, xem xét các báo cáo về kết quả phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2015, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016, kết quả thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015, kế hoạch 5 năm tiếp theo 2016-2020…
Sau phiên khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày báo cáo tình hình kinh tế xã hội năm 2015 và 5 năm 2011 – 2015; phương hướng nhiệm vụ 5 năm tiếp theo 2016 – 2020…
Báo cáo đánh giá, nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi, có nhiều chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực, nhưng cũng còn nhiều khó khăn, thách thức.
Kinh tế vĩ mô cơ bản được ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,4% so với tháng 12/2014, bình quân 9 tháng đầu năm tăng 0,74% so với cùng kỳ năm trước. Đây là năm có mức tăng giá thấp nhất so với cùng kỳ 15 năm qua.
Video đang HOT
Tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 10,78% (cùng kỳ năm 2014 tăng 6,62%), cao hơn gần 1% so với tốc độ tăng tiền gửi; cho thấy có sự cải thiện khá rõ nét trong việc khai thông nguồn vốn tín dụng cho phát triển đầu tư, kinh doanh.
Chính phủ cũng nhìn nhận còn nhiều tồn tại, như năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp. Cân đối ngân sách khó khăn, bội chi còn cao; nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, nợ xấu còn lớn và xử lý nợ xấu còn nhiều vướng mắc; doanh nghiệp trong nước và khu vực nông nghiệp, xuất khẩu nông sản đang rất khó khăn; nhập siêu tăng trở lại.
Thể chế kinh tế thị trường chậm được hoàn thiện, còn nhiều hạn chế, các loại thị trường vận hành chưa thông suốt. Một bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều mặt hạn chế, yếu kém về văn hóa, xã hội khắc phục còn chậm; đạo đức xã hội ở một bộ phận không nhỏ xuống cấp; tình trạng tham nhũng chưa được đẩy lùi…
Mặc dù những kết quả phát triển kinh tế xã hội được đánh giá cao, nhưng báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri cho thấy, vẫn còn nhiều lo ngại bởi tình hình kinh tế chưa thực sự bền vững, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm, chưa đạt tiến độ đề ra; chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động chưa cao; giá một số sản phẩm nông nghiệp giảm; ô nhiễm môi trường chưa được giải quyết tốt; an toàn vệ sinh thực phẩm chưa đảm bảo…
Trước tình hình này, Ủy ban kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược, tăng cường giám sát bảo đảm triển khai hiệu quả nhất là nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư phát triển nguồn nhân lực.
Sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện tái cơ cấu và trình Quốc hội bổ sung hoàn thiện đề án tái cơ cấu nền kinh tế triển khai giai đoạn 2016-2020; đẩy mạnh và cương quyết tái cơ cấu một số ngành, lĩnh vực còn yếu nhất là đối với Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, phát triển công nghiệp hỗ trợ và lĩnh vực dịch vụ còn nhiều tiềm năng.
Đề xuất phát hành trái phiếu quốc tế ngắn hạn
Trong phiên làm việc buổi chiều, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày báo cáo thực hiện dự toán và phân bổ ngân sách.
Theo đó, năm 2015, thu nội địa ước vượt dự toán 48.400 tỷ đồng (vượt 7,6% so dự toán và tăng 17,7% so với thực hiện 2014). Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu dự ước đạt 100% dự toán và hoàn đủ số thuế GTGT trong năm 2015 so với dự toán.
Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, tăng thu chủ yếu từ ngân sách địa phương (khoảng 47.700 tỷ đồng), còn ngân sách trung Ương hụt thu 31.300 tỷ đồng. Do vậy, Ủy ban đề nghị Chính phủ cần tính toán các giải pháp để bù hụt thu, đảm bảo cân đối NSNN.
Đáng chú ý, để đáp ứng nhu cầu chi ngân sách trong bối cảnh phát hành trái phiếu chính phủ dài hạn gặp khó khăn, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép đa dạng hóa các kỳ hạn để bù đắp bội chi.
Ủy ban Tài chính ngân sách cơ bản tán thành với đề xuất của Chính phủ, nhưng đề nghị việc phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế phải bảo đảm chi phí vay vốn nước ngoài bằng hoặc thấp hơn chi phí vay vốn trong nước để cơ cấu lại nợ chính phủ. Đồng thời, đề nghị Chính phủ cân nhắc sửa đổi đưa vào giới hạn việc phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước, chỉ cho phép phát hành trái phiếu Chính phủ từ 3 năm trở lên và khối lượng không quá 30% tổng khối lượng TPCP phát hành, thực hiện trong năm 2015 và 2016.
Hoàng Duy
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Thông xe dự án mở rộng quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Quảng Bình
Sang nay, 6-10, tại TP Đồng Hới, Bộ Giao thông - Vận tải phối hợp với UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức lễ thông xe dự án mở rộng quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Quảng Bình sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.
Đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải và tỉnh Quảng Bình cắt băng thông xe kỹ thuật đoạn tuyến quốc lộ 1A.
Dự án mở rộng quốc lộ (QL) 1 đoạn qua tỉnh Quảng Bình sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ có tổng chiều dài khoảng 84 km, do Sở Giao thông - Vận tải Quảng Bình và Ban quản lý dự án 6 (Bộ Giao thông - Vận tải) làm đại diện chủ đầu tư, tổng mức đầu tư hơn 3.686 tỷ đồng.
Dự án được khởi công tháng 9-2013 với tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, tốc độ thiết kế chung là 80 km/giờ, một số đoạn qua khu vực đô thị, khu đông dân cư có tốc độ 60 km/giờ; chiều rộng nền đường 20,5 m gồm bốn làn xe cơ giới, hai làn xe thô sơ, dải phân cách, dải an toàn và lề đường. Riêng các đoạn qua đô thị bố trí bó vỉa, rãnh thu nước và hệ thống thoát nước dọc hai bên.
Thứ trưởng Giao thông - Vận tải Lê Đình Thọ cho biết, dự án nâng cấp, mở rộng QL 1A được xác định là công trình trọng điểm phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì vậy, Bộ Giao thông - Vận tải đã có yêu cầu đặc biệt cao về chất lượng cũng như tiến độ hoàn thành công trình. Đến nay, các dự án mở rộng QL 1A đoạn qua tỉnh Quảng Bình sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đã hoàn thành vượt kế hoạch đề ra bốn tháng.
Theo Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Quảng Bình Phạm Quang Hải, việc đưa vào sử dụng dự án và kết nối với hai dự án BOT đã hoàn thành trước đó tạo thành hệ thống giao thông đồng bộ liên hoàn xuyên suốt từ đầu đến cuối tỉnh Quảng Bình, đáp ứng kịp thời nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao và giúp địa phương có thêm điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng.
HƯƠNG GIANG
Theo_Báo Nhân Dân
Prudential cam kết phát triển lâu dài và bền vững tại Việt Nam Ngày 29/7/2015, Prudential đã chính thức nhận chứng nhận đầu tư của Bộ Tài chính cho khối lượng kỷ lục Trái phiếu Chính phủ (TPCP) trị giá 3.200 tỷ đồng (tương đương 100 triệu bảng Anh) với kỳ hạn 20 năm trước sự chứng kiến của Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Anh. Ông Wilf Blackburn, CEO của Prudential đã trao đổi...