Kinh tế Mỹ thụt lùi trong quý đầu năm
Nền kinh tế lớn nhất thế giới sụt giảm nhiều hơn dự báo trong quý 1/2015 vì đồng USD tăng giá và mùa đông lạnh bất thường trong nhiều năm qua.
Kinh tế Mỹ sụt giảm 0,7% trong quý đầu năm 2015 – Ảnh: Reuters
AFP và Bloomberg hôm 29.5 đưa tin Bộ Thương mại Mỹ công bố tăng trưởng GDP của nước này sụt giảm 0,7%, nhiều hơn so với mức sụt giảm 0,2% theo dự kiến. Trước đó, cuộc khảo sát 84 nhà kinh tế học do Bloomberg thực hiện cho ra dự báo kinh tế Mỹ sụt giảm đến 0,9%.
Báo cáo trên làm tăng thêm nghi ngờ về sức mạnh tổng thể của nền kinh tế Mỹ. Hồi quý 4/2014, nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng 2,2%. Tốc độ tăng GDP của Mỹ trong nửa đầu năm 2015 được dự báo sẽ đạt mức thấp nhất kể từ năm 2011.
Có hai nguyên nhân dẫn đến số liệu đáng thất vọng trên: đồng đô la tăng giá 4% vào tháng 3, kéo giảm độ cạnh tranh của hàng Mỹ và làn sóng đình công kéo dài của công nhân các hải cảng bờ Tây.
Điều này làm số liệu xuất khẩu Mỹ giảm đến 7,6% trong quý 1, sau khi có mức tăng 4,5% trong quý liền trước, và kéo GDP nước này hạ khoảng 1,9%.
Ngoài ra, thời tiết mùa đông khắc nghiệt ở nhiều bang, đặc biệt nhiệt độ giảm đến mức thấp nhất trong vòng 100 năm qua ở Washington trong tháng 2, cũng là nguyên nhân làm giảm tốc độ phục hồi của nền kinh tế. Số liệu tiêu dùng cá nhân, đầu tư kinh doanh và chi tiêu chính phủ cũng yếu.
Video đang HOT
Song nền kinh tế Mỹ vẫn có mặt tích cực: chi tiêu cho nhà ở và thiết bị kinh doanh có cải thiện trong quý 1. Các chuyên gia kỳ vọng Mỹ sẽ lấy lại đà tăng trưởng từ quý 2/2015.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
IS phạm sai lầm khi dầu mỏ mất dấu thiêng
Khi nguồn thu từ dầu mỏ bị "chặt gãy", IS dùng nhiều mánh khóe để bù đắp, khiến người dân tại nơi chúng kiểm soát thấy ngột ngạt, có thể thôi thúc họ đứng dậy chiến đấu chống nhóm cực đoan.
Nhà nước Hồi giáo (IS) là tổ chức khủng bố giàu nhất thế giới, và có khả năng vẫn giữ nguyên vị trí như vậy. Theo RAND Corporation, tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu chính sách công, IS kiếm hơn một triệu USD mỗi ngày bằng tống tiền và áp đặt thuế. Baghdad vẫn đang trả lương cho nhân viên chính phủ làm việc tại vùng IS kiểm soát. Số tiền này bị đánh thuế lên đến 50%, IS có thể đã kiếm được ít nhất 300 triệu USD từ nguồn này.
Ước tính các nguồn thu của IS năm 2014. Đồ họa: NY Times
IS còn áp đặt nhiều loại "thuế" tại vùng nhóm này kiểm soát, từ phí rác thải cho đến "thuế đường". Xe đi qua lãnh thổ IS phải nộp 10% giá trị hàng hóa vận chuyển, trong khi các cửa hàng phải giao 2,5% doanh thu hàng năm. Các công ty cũng bị đánh thuế đến 20% doanh thu. Theo chính phủ Iraq, IS còn bắt các tín đồ Kitô giáo nộp phí bảo kê 200 USD để tránh bị đóng đinh. Khi các dòng thu nhập khác như dầu mỏ đình trệ, IS đã điều chỉnh để kiếm thêm tiền từ việc đánh thuế.
Dầu không còn là nguồn thu chính
Theo CNN, IS từng kiếm được một hoặc hai triệu USD/ngày từ việc bán dầu. Khi IS kiểm soát nhiều vùng rộng lớn của Syria và Iraq mùa hè năm ngoái, Cơ quan Năng lượng Quốc tế ước tính nhóm có thể có trữ lượng 3 triệu thùng dầu và vận chuyển lên đến 30.000 thùng/ngày. Các chiến binh buôn lậu dầu vào miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, và bán cho những người rất cần năng lượng để duy trì cuộc sống hàng ngày.
Nhận ra cỗ máy kiếm tiền của IS, liên minh do Mỹ dẫn đầu đã thực hiện các cuộc không kích vào cơ sở dầu do nhóm kiểm soát, nhằm "chặt gãy" nhánh kiếm tiền này. Phiến quân vẫn kiểm soát phần lớn mỏ dầu của Syria, chiếm khoảng 60% sản lượng cả nước. Nhưng các cuộc không kích đã phá hủy cơ sở hạ tầng, giếng dầu, nhà máy lọc dầu, cùng các đoàn xe chở nhiên liệu của nhóm.
Nhà máy lọc dầu Jeribe Modular ở đông Syria trước và sau cuộc không kích của liên minh do Mỹ dẫn đầu. Ảnh: IBTimes
Giá dầu thế giới giảm cũng khiến IS không thể thực hiện chiến lược chào bán dầu ở mức thấp hơn giá thị trường để hút khách. Năm ngoái, IS được cho là đã vận chuyển khoảng 25.000 thùng/ngày qua biên giới, bán ra thị trường chợ đen với giá ít nhất 25USD/thùng, chỉ bằng một phần tư giá thị trường. Tuy nhiên, khi giá dầu giảm xuống chỉ còn 50 USD/ thùng, dầu của IS trở nên kém hấp dẫn đối với các tay buôn ranh mãnh. Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã bắt đầu ngăn chặn các chuyến buôn lậu dầu qua biên giới. Một nhà phân tích cho biết IS "gặp khó khăn trong việc vận chuyển dầu, chủ yếu là dầu thô".
Theo RAND, doanh thu từ dầu của IS hiện giảm xuống còn khoảng hai triệu USD/tuần. Thu nhập của nhóm không còn phụ thuộc chủ yếu vào việc bán dầu nữa. Phần lớn dầu sản xuất ra được IS tự sử dụng hoặc bán cho người dân tại vùng nhóm kiểm soát. Viện Năng lượng Iraq cho biết nhóm cực đoan đang kiểm soát khoảng 6 triệu người. Giá dầu bán cho họ khá thấp và có sự khác biệt tùy từng nơi.
"Sự sụt giảm giá dầu quốc tế kể từ giữa năm 2014 có khả năng tiếp tục làm giảm thu nhập từ nguồn này của IS, tổ chức tư vấn rủi ro Maplecroft Verisk viết trong một báo cáo tháng này.
Mỹ hôm 16/5 đột kích tiêu diệt Abu Sayyaf, người được coi như là "giám đốc tài chính" của IS. Sayyaf là lãnh đạo cấp cao có vai trò chủ chốt trong việc giám sát các hoạt động liên quan đến buôn bán dầu mỏ bất hợp pháp. Sayyaf được cho là nắm giữ những đầu mối liên lạc của IS với các ngân hàng, nhà tài trợ, đối tác làm ăn cũng như mạng lưới tội phạm và buôn lậu.
Sau cuộc đột kích, đặc nhiệm Mỹ đã thu giữ được bộ nhớ máy tính cùng tài liệu quan trọng, và bắt sống được vợ Sayyaf để tra khảo. Washington đã có thêm nhiều dữ liệu về cách thức truyền tin, và hoạt động kiếm tiền của IS, từ đó tìm cách đối phó với nhóm.
Lộ sai lầm
Theo NYTimes, nguồn chi lớn nhất của IS là tiền lương và bổng lộc, ước tính khoảng 3-10 triệu USD/tháng. IS vẫn cấp tiền cho các cơ quan từng do chính phủ quản lý, chẳng hạn như các ủy ban, truyền thông, tòa án, cơ quan điều tiết thị trường, nhưng lại cung cấp tương đối ít dịch vụ cho người dân. IS tránh đầu tư vào cơ sở hạ tầng vì đây là mục tiêu dễ bị tấn công, và vùng lãnh thổ IS nắm giữ có thể thay đổi nhanh chóng sau các đợt giao tranh với chính phủ.
IS cũng tìm cách giảm thiểu chi phí, bằng cách cách cướp thiết bị quân sự, chiếm đoạt đất đai, cơ sở hạ tầng, và trả lương thấp. Để tránh gặp nguy hiểm, IS hoạt động một cách linh hoạt, khi thì tập trung mở rộng lãnh thổ, khi thì xúi khủng bố. Tuy thất bại ở Tikrit tháng trước, IS không ngừng tung ra các cuộc tấn công vào các vùng khác ở Iraq và Syria. Phiến quân hồi giữa tháng đánh chiếm được thành phố chiến lược Ramadi.
Theo Vox, IS muốn duy trì quyền kiểm soát tại nơi nhóm chiếm đóng. Để làm được điều đó, IS cần quản lý, và "mua chuộc" được dân thường sống ở đó. Nếu quá bất bình với cách cai trị của IS, người dân địa phương có thể hợp tác với chính phủ Iraq để chỉ điểm chiến binh và đồn lũy IS, thậm chí có thể tham gia lực lượng dân quân, hỗ trợ chính phủ chống nhóm cực đoan. Chính vì vậy, nếu IS còn muốn kiểm soát lãnh thổ, thì ngoài reo rắc nỗi sợ hãi, nhóm này cũng cần phải tìm cách làm vừa lòng người dân.
Sự giàu có của IS là lợi thế giúp cho nhóm cực đoan làm được điều đó, IS có thể chi nhiều tiền để trả lương và bổng lộc cho người dân. Tuy nhiên, báo cáo của RAND cho thấy mức bổng lộc mà IS chi tương đối thấp. Việc IS "cung cấp ít dịch vụ công" và "tránh đầu tư vào cơ sở hạ tầng" có thể là điểm yếu đáng kể của nhóm. Những người không nhận được tiền và dịch vụ từ IS sẽ bất bình trước cách cai trị của nhóm.
Lời kể từ những người tại vùng IS kiểm soát cho thấy cuộc sống dưới sự cai trị của nhóm tồi tệ như địa ngục. Người dân sống trong sợ hãi vì những hành vi bạo lực kinh hoàng như đóng đinh trẻ em, chôn sống, và buộc họ đánh bom tự sát. Những khu vực này thường xuyên thiếu thốn điện nước, nạn thất nghiệp thì tràn lan, IS dường như không cung cấp được các dịch vụ xã hội cơ bản. Nếu như dân thường quá bất bình trước sự cai trị của IS, họ sẽ quyết tâm giúp lực lượng Iraq đánh bật nhóm. IS kiếm được nhiều tiền, nhưng cách nhóm chi tiêu chưa thật sự khôn ngoan.
Phương Vũ
Theo VNE
Trào lưu nuôi ngao Tạng Trung Quốc hết thời Những con chó ngao Tây Tạng từng là vật trang sức không thể thiếu của giới nhà giàu Trung Quốc nay phải chịu cảnh nhồi nhét trong các trại nuôi nhốt tồi tàn hoặc bị bán vào các lò mổ với giá rẻ mạt. Giống chó ngao Tây Tạng một thời là biểu tượng của sự giàu sang, là "món đồ trang sức"...