Kinh tế Mỹ bất ngờ tăng trưởng âm 1,4% trong quý 1
Kinh tế Mỹ tăng trưởng âm trong ba tháng đầu năm 2022 và đây cũng là quý kinh tế Mỹ rơi vào tình cảnh tệ nhất kể từ thời điểm dịch COVID-19 mới bùng phát hồi mùa xuân năm 2020.
Tiêu dùng vẫn là điểm sáng hiếm hoi của kinh tế Mỹ trong quý 1 năm 2022. Ảnh: Getty Images
Theo số liệu được Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 28/4, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý 1 giảm 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái, một mức giảm mạnh so với tốc độ tăng trưởng 6,9% trong quý 4 năm 2021. Mức suy giảm này đã được điều chỉnh theo lạm phát và khiến giới chuyên môn bất ngờ.
Đà suy giảm đến chủ yếu từ hai nhân tố biến động mạnh nhất trong báo cáo quý vừa qua, đó là hàng tồn kho và thương mại quốc tế có mức thâm hụt tăng cao. Chi tiêu chính phủ đứng ở mức thấp cũng là một rào cản đối với tăng trưởng.
Bất chấp thông tin không mấy tích cực này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng về tổng thể kinh tế Mỹ sẽ lấy lại được đà tăng trưởng vừa phải kể từ quý 2 trở đi, một phần là chi tiêu tiêu dùng và chi tiêu doanh nghiệp vẫn khá tích cực.
Chi tiêu tiêu dùng – đầu tàu cho tăng trưởng của Mỹ, tăng 0,7% trong quý 1, bất chấp tác động từ làn sóng lây nhiễm Omicron, làm giảm chi tiêu về ăn uống nhà hàng, đi lại, các loại hình dịch vụ khác. Khảo sát do Wall Street Journal thực hiện với giới kinh tế cho thấy GDP của Mỹ đạt mức tăng 2,6% năm nay, bằng với mức tăng của năm 2019, nhưng kém xa mức tăng 5,5% hồi năm ngoái.
Thách thức lớn nhất với kinh tế Mỹ ở thời điểm hiện tại là lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 7% trong quý 1. Thu nhập sau thuế của người Mỹ sau khi điều chỉnh lạm phát giảm quý thứ tư liên tiếp. Giá hàng hóa, dịch vụ tăng hiện chưa tác động nhiều đến mức độ sẵn sàng chi trả của người tiêu dùng. Nhưng xu thế có thể sẽ khác đi nếu lạm phát tiếp tục đứng ở mức cao, vượt xa mức tăng thu nhập.
Mỹ thâm hụt thương mại kỷ lục trong năm 2021
Bộ Thương mại Mỹ ngày 8/2 cho biết thâm hụt thương mại cả về hàng hóa và dịch vụ của Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục 859,1 tỷ USD trong năm 2021 do nhập khẩu tăng vọt.
Hoạt động tại cảng Long Beach, ở Los Angeles, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo Bộ trên, nhập khẩu đã tăng khoảng 20,5% lên 3.390 tỷ USD trong năm 2021, còn xuất khẩu tăng khoảng 18,5% lên 2.530 tỷ USD. Mức chênh lệch này tương đương 3,7% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2021, tăng so với mức 3,2% GDP trong năm 2020.
Các chuyên gia kinh tế Tim Quinlan và Shannon Seery thuộc công ty dịch vụ tài chính đa quốc gia Wells Fargo Securities ngày 8/2 cho hay việc tăng nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu hàng hóa trong nước đã khiến thâm hụt thương mại hàng hóa và dịch vụ mở rộng lên mức 27% trong năm 2021 và là mức thâm hụt kỷ lục.
Các chuyên gia này cho biết kinh tế Mỹ phải đối mặt với dịch COVID-19 trong năm thứ ba liên tiếp, dẫn đến dự báo thâm hụt thương mại sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2022. Nhu cầu bổ sung hàng dự trữ sẽ khiến cho nhập khẩu tăng mạnh ngay cả khi nhu cầu trong nước trở lại bình thường. Thêm vào đó, tăng trưởng xuất khẩu không ổn định sẽ trở thành một yếu tố làm cản trở tăng trưởng kinh tế Mỹ mỗi quý trong năm.
Kinh tế Mỹ đã tăng 5,7% trong năm 2021 một phần nhờ các biện pháp hỗ trợ tài chính và tiền tệ lớn, sau khi sụt giảm 3,4% vào năm 2020 do đại dịch gây ra.
Các nhà phân tích cho biết lạm phát gia tăng cũng là yếu tố khiến nhập khẩu tại Mỹ tăng do người tiêu dùng phải trả giá cao hơn. Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng 7% trong tháng 12/2021 so với một năm trước đó, mức tăng lớn nhất trong 12 tháng kể từ tháng 6/1982.
Mỹ ghi nhận mức thâm hụt thương mại 80,2 tỷ USD trong tháng 11/2021 Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 6/1, Cơ quan phân tích kinh tế và Cơ quan điều tra dân số Mỹ công bố, thâm hụt thương mại của Mỹ đã tăng vọt lên 80,2 tỷ USD vào tháng 11/2021, gần với mức kỷ lục 81,4 tỷ USD được thiết lập vào tháng 9/2021. Bốc dỡ hàng hóa tại cảng ở Long Beach,...