Kinh tế miền Tây đang… tuột dốc
Do nhiều nguyên nhân, kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) – nơi vốn được đánh giá là có nhiều tiềm năng, lợi thế lại tiếp tục tuột dốc. Theo các chuyên gia, ngoài tự lực phấn đấu, vùng này cần T.Ư hỗ trợ về nhiều mặt.
Suy giảm từ năm 2011 đến nay
Trong một cuộc họp vừa được tổ chức mới đây, ông Võ Hùng Dũng – Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) thông tin, kinh tế ĐBSCL giảm từ năm 2011 đến nay.
“Dù tính theo bất cứ phương pháp gì đi nữa, tăng trưởng kinh tế của ĐBSCL vẫn đang giảm” – ông Dũng nhấn mạnh.
Sản xuất nông nghiệp ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế vùng ĐBSCL (Trong ảnh, người dân huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long trồng nhãn Ido). Ảnh: Huỳnh Xây
Theo Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, tăng trưởng kinh tế của vùng ĐBSCL năm 2016 (chỉ đạt 6,9%). Trong khi đó, năm 2015 là 7,8% (tức giảm 0,9%). Trước đó, giai đoạn 2001-2010, vùng đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân (khoảng 11,5%/năm); sang giai đoạn 2011-2014 đã giảm xuống còn (8,8%/năm).
Video đang HOT
Nhiều chuyên gia nhận định, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do tác động của nông nghiệp mặc dù lĩnh vực này chỉ tham gia 1/3 trong sản lượng kinh tế của vùng. Ông Dũng cho biết, nông nghiệp ảnh hưởng rất lớn đến công nghiệp chế biến. Các mặt hàng như: Tôm, cá, lúa gạo, trái cây và các hoạt động mua bán của các mặt hàng này suy giảm đã tác động rất lớn sự tăng trưởng kinh tế. Sự suy giảm này do sự thay đổi nhu cầu của người tiêu dùng. Họ đòi sản phẩm sạch, chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng sản xuất lại chưa thay đổi kịp.
Thực tế, các sản phẩm của vùng ĐBSCL như cá tra, lúa gạo xuất sang châu Âu, Mỹ trong thời gian vừa qua đều bị cảnh báo về việc sử dụng thuốc hóa học, kháng sinh quá mức. Qua đó, ảnh hưởng uy tín nghiêm trọng đến người tiêu dùng quốc tế và tác động không nhỏ đến sự tăng trưởng của nông nghiệp vùng ĐBSCL. Mặt khác, nền nông nghiệp của vùng ĐBSCL còn suy giảm do thiệt hại từ biến đổi khí hậu, đặc biệt là những tháng đầu năm 2016.
Hạ tầng giao thông mang tính quyết định
Lãnh đạo các địa phương nhận định, địa phương hạ tầng giao thông tốt sẽ dễ mời gọi doanh nghiệp đầu tư, có vốn đầu tư nước ngoài nhiều. Từ đó, sẽ dẫn đến tăng trưởng cao và ngược lại, địa phương có nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn đều có tỷ lệ tăng trưởng thấp.
Theo một số chuyên gia kinh tế, Trà Vinh là trường hợp đáng chú ý để nói về những khó khăn, vướng mắc của vùng ĐBSCL cũng như cách tháo gỡ. Trước đây, tỉnh Trà Vinh là nơi “khỉ ho, cò gáy”, nhưng gần đây thu hút đầu tư nhiều và đã giảm tỷ lệ dân di cư, đặc biệt là đang tăng trưởng khá. Sở dĩ có được kết quả trên là do tỉnh này được thừa hưởng bởi tuyến đường ven biển đã được hình thành sớm (nối thông với tỉnh Bến Tre bằng cầu Cổ Chiên để đi TP.HCM).
Như vậy, muốn tăng trưởng kinh tế cao, cần phải có hạ tầng giao thông tốt để mời gọi đầu tư. Thế nhưng, nhiều tuyến đường quan trọng khác ở ĐBSCL vẫn chưa được đầu tư tương xứng với tiềm năng.
Ông Trần Hữu Hiệp – Ủy viên chuyên trách của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho rằng, đầu tư hạ tầng trong bối cảnh hiện nay là một bài toán rất khó, đặc biệt là sử dụng vốn ngân sách nhà nước, bởi nhu cầu thì lớn, còn nguồn vốn lại hạn hẹp. Vì vậy, cần cân đối, tính toán kỹ “coi cái gì ưu tiên trước, cái gì ưu tiên sau để có sự phối hợp thực hiện”.
Theo Danviet
Xuất khẩu gạo tiếp tục gặp nhiều khó khăn
Xuất khẩu gạo tiếp tục gặp khó khăn khi các thị trường lớn của Việt Nam như Indonesia chưa có ý định tiếp tục nhập khẩu gạo. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất là Trung Quốc áp dụng chương trình giám sát chặt chẽ gây bất lợi cho xuất khẩu gạo của Việt Nam.
(Ảnh minh hoạ).
Báo cáo của Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, tính đến ngày 13/9/2016, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các tỉnh vùng ĐBSCL đã xuống thu hoạch vụ Hè Thu khoảng 1,1 triệu ha với năng suất 5,7 - 5,8 tấn/ha; vụ Thu Đông xuống giống khoảng 650.000 ha/867.000 ha diện tích kế hoạch.
Đáng lưu ý, dù trúng thầu cung cấp cho Philippines 150.000 tấn gạo nhưng giá lúa gạo trong nước lại giảm mạnh từ 200 - 400 đồng/kg do nguồn cung tăng từ một số địa phương vùng ĐBSCL đã bắt đầu thu hoạch vụ Thu Đông.
Tại Tiền Giang, lúa IR5040 tươi bán tại ruộng có giá 4.300 - 4.400 đồng/kg, giá lúa chất lượng cao chưa đến 5.000 đồng/kg, giảm khoảng 200 đồng/kg so với tháng 8/2016. Tại Hậu Giang, giá lúa thậm chí còn rẻ hơn. Lúa IR5040 chỉ có giá từ 3.900 đồng/kg đến 4.000 đồng/kg, giảm tới 400 đồng/kg so với thời điểm đầu vụ và giảm đến 600 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2015.
Về xuất khẩu, xuất khẩu gạo trong tháng 9/2016 ước đạt 250 nghìn tấn với giá trị 110 triệu USD, giảm 43% về lượng và giảm 39% về trị giá so với cùng kỳ 2015. Lũy kế xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2016 ước đạt 3,7 triệu tấn, trị giá ước đạt 1,65 tỷ USD, giảm 15% về lượng và giảm 13% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Vừa qua, VFA đã phải hạ chỉ tiêu xuất khẩu gạo trong năm 2016 xuống còn 5,65 triệu tấn so với chỉ tiêu cũ là 6,5 triệu tấn. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2009, xuất khẩu gạo của Việt Nam xuống dưới mức 6 triệu tấn.
Trung tâm thông tin thuộc Bộ Công Thương dự báo, xuất khẩu gạo tiếp tục gặp khó khăn khi các thị trường lớn của Việt Nam như Indonesia chưa có ý định tiếp tục nhập khẩu gạo. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất là Trung Quốc áp dụng chương trình giám sát chặt chẽ gây bất lợi cho xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Trên thi trương thê giơi, Thái Lan dự kiến sẽ thu hoạch 23,55 triệu tấn gạo trong khoảng tháng 10 -12/2016. Đây là lý do khiến Thái tạm dừng mở bán đấu giá gạo dự trữ để tránh dư thừa trên thị trường trong thời điểm thu hoạch lúa. Xuất khẩu gạo Thái Lan từ đầu năm tới nay đạt 6,57 triệu tấn. Thái Lan đã đặt mục tiêu xuất khẩu 9,5 triệu tấn gạo trong năm 2016. Hiện dự trữ gạo của nước này còn khoảng 8,4 triệu tấn gạo.
Tại khu vực châu Á, giá gạo xuất khẩu nhìn chung ổn định, mặc dù khoảng cách giá gạo Thái Lan và Việt Nam nới rộng trong bối cảnh tiêu thụ chậm, trong khi gạo Ấn Độ giảm giá nhẹ do nhu cầu cũng yếu.
Khoảng cách giữa giá gạo 5% tấm của Thái Lan và Việt Nam đã tăng lên mức 33 USD/tấn. Gạo 5% tấm của Việt Nam giảm mạnh xuống còn 340 - 345 USD/tấn (FOB) so với thời điểm đầu tháng. Gạo 25% tấm hiện khoảng 330 - 332 USD/tấn (FOB) so với 330 - 335 USD/tấn thời điểm đầu tháng 9. Giá gạo xuất khẩu hiện đang ở mức thấp trong nhiều tháng do khối lượng cung cấp cho Philippines quá ít so với nguồn cung dự trữ hiện tại.
Giá gạo trên thế giới được dự báo sẽ tiếp tục ở mức thấp do sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước xuất khẩu gạo, khi nhu cầu tiêu thụ thấp và sản lượng tăng khi các nước xuất khẩu đều dự báo sẽ bội thu trong vụ thu hoạch tới.
Phương Dung
Theo Dantri
Miền Tây lo 'giữ' lũ Sau 20 năm rầm rộ đắp những tuyến đê bao khép kín ngăn lũ, đến nay miền Tây lại phải tính chuyện "giữ" lũ như một giải pháp cứu cả đồng bằng. Tuyến đê bao ngăn lũ ở Tứ Giác Long Xuyên Không thể phủ định những thành tựu từ việc đắp đê bao ngăn lũ đưa nước ta từ một nước thiếu...