Kinh tế Hàn Quốc trước nguy cơ tăng trưởng sụt giảm ngày càng tăng
Chính phủ Hàn Quốc cho biết nền kinh tế nước này đang bị lo ngại mất đà tăng trưởng do sự gia tăng các yếu tố kinh tế bất ổn bên ngoài có thể làm giảm đầu tư và đà tăng trưởng của xuất khẩu.
Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Seoul, Hàn Quốc ngày 5/6/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)
Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) ngày 7/8 cho biết, nền kinh tế Hàn Quốc đứng trước nguy cơ tăng trưởng sụt giảm ngày càng tăng, do lạm phát cao và điều kiện kinh tế bên ngoài xấu đi.
Theo báo cáo kinh tế hàng tháng của KDI, nền kinh tế lớn thứ tư châu Á đang trên đà phục hồi tăng trưởng nhẹ, nhưng rủi ro kinh tế sụt giảm đang ngày càng tăng trong ngành sản xuất.
Báo cáo KDI cho biết, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại đáng kể và nền kinh tế Mỹ suy giảm. Tác động lan tỏa của việc tăng lãi suất đang đè nặng lên hoạt động kinh tế nói chung.
Xuất khẩu của Hàn Quốc trong tháng Bảy tăng 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái, kéo dài đà tăng của lĩnh vực này sang tháng thứ 21 liên tiếp. Tuy nhiên, Xứ sở kim chi phải chịu thâm hụt thương mại trong tháng thứ tư liên tiếp do giá năng lượng toàn cầu tăng cao.
Video đang HOT
Trước đó, chính phủ cho biết, nền kinh tế Hàn Quốc đang bị lo ngại mất đà tăng trưởng, do sự gia tăng các yếu tố kinh tế bất ổn bên ngoài có thể làm giảm đầu tư và đà tăng trưởng của xuất khẩu.
Nguy cơ suy thoái toàn cầu đang gia tăng do mối lo ngại rằng việc Fed mạnh tay thắt chặt tiền tệ có thể khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.
Hàn Quốc cũng đang phải đối mặt với áp lực lạm phát ngày càng tăng do giá năng lượng và lương thực tăng cao cùng với việc phục hồi nhu cầu sau đại dịch.
Giá tiêu dùng ở Hàn Quốc trong tháng Bảy đã tăng 6,3% so với cùng kỳ một năm trước, mức tăng nhanh nhất trong gần 24 năm và tăng mạnh so với mức tăng 6% trong tháng Sáu.
Sức ép lạm phát làm xói mòn sức mua của người dân và có thể hạn chế chi tiêu cá nhân. Tăng lãi suất là nhằm kiềm chế lạm phát, nhưng đồng thời làm gia tăng gánh nợ cũng như làm chậm lại đà tăng trưởng kinh tế.
Theo cơ quan thống kê của Hàn Quốc, doanh số bán lẻ của Xứ sở kim chi đã giảm tháng thứ tư liên tiếp trong tháng Sáu, do lạm phát và lãi suất tăng cao đã ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng.
Trong tháng Bảy, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) đã tiến hành một đợt tăng lãi suất chưa từng có, với mức tăng 0,5 điểm phần trăm, nhằm kiềm chế lạm phát. Đây là lần tăng lãi suất thứ sáu kể từ tháng 8/2021. BoK được dự báo sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong những tháng tới.
Chính phủ Hàn Quốc hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 xuống 2,6%, đồng thời nâng dự báo lạm phát lên mức cao nhất trong 14 năm là 4,7%. BoK dự báo nền kinh tế sẽ tăng trưởng 2,7% và lạm phát sẽ tăng lên 4,5% trong năm nay.
Tổng thống Hàn Quốc công bố lộ trình chính sách vượt qua khủng hoảng kinh tế
Ngày 16/6, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho biết chính phủ của ông sẽ theo đuổi các chính sách kinh tế có trọng tâm là tăng trưởng do khu vực tư nhân dẫn dắt, giảm điều tiết nhằm đưa nước này vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế.
Tổng thống đắc cử của Hàn Quốc Yoon Suk-yeol phát biểu tại một sự kiện ở Seoul, ngày 6/5/2022. Ảnh: YONHAP/TTXVN
Phát biểu tại một cuộc họp về định hướng chính sách của tân chính phủ Hàn Quốc nhằm đề ra kế hoạch kinh tế trong 5 năm tới, Tổng thống Yoon Suk-yeol nêu rõ: "Nền kinh tế của chúng ta đang phải đối mặt với những điều kiện khắc nghiệt ở cả trong và ngoài nước. Chúng ta phải giải quyết các vấn đề cố hữu của tăng trưởng thấp và phân cực kinh tế bằng cách nhanh chóng phát triển nền kinh tế, trong khi khắc phục cuộc khủng hoảng hiện nay liên quan tới sinh kế của người dân".
Nhà lãnh đạo Hàn Quốc cũng cam kết dỡ bỏ những quy định lỗi thời gây cản trở hoạt động kinh doanh mới, kêu gọi bắt đầu cải cách thủ tục lao động, hệ thống giáo dịch và các chương trình lương hưu của nước này.
Lộ trình chính sách kinh tế của chính phủ Hàn Quốc được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về kinh tế toàn cầu suy giảm và lạm phát tăng cao.
Cùng ngày, Bộ Tài chính Hàn Quốc cho biết nền kinh tế nước này năm 2022 sẽ tăng trưởng ở mức thấp nhất trong 3 năm trước trong bối cảnh thế giới đối mặt với tình trạng gián đoạn nguồn cung, lạm phát tăng và lãi suất tăng mạnh.
Chính phủ của Tổng thống Yoon Suk-yeol khi đề ra sáng kiến chính sách kinh tế đầu tiên đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 từ 3,1% xuống 2,6% và nâng dự báo lạm phát từ 2,2% lên 4,7% - mức cao nhất kể từ năm 2008.
Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choo Kyung-ho cho biết ông và Thống đốc Ngân hàng trung ương Hàn Quốc Rhee Chang-yong đã nhất trí đặt ưu tiên hàng đầu là bình ổn giá.
Để giúp các doanh nghiệp Hàn Quốc giảm áp lực của lạm phát, chính phủ đã đề xuất giảm thuế doanh nghiệp tối đa từ mức 25% được áp đặt từ năm 2018, xuống 22% - mức trung bình của các nước thành viên trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).
Năm ngoái, Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ 4 ở châu Á đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm cao nhất kể từ năm 2010. Tuy nhiên, khi chính quyền của Tổng thống Yoon Suk-yeol lên cầm quyền hồi tháng trước, nền kinh tế Hàn Quốc đang phải đối mặt với tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, gây khó khăn cho việc duy trì hoạt động xuất khẩu của nước này.
Giải pháp nào để chống thất thoát, lãng phí trong triển khai các dự án giao thông Thời gian qua, cùng với việc đầu tư các dự án, công trình giao thông thì công tác phòng, chống thất thoát, lãng phí cũng được coi trọng, thể hiện trong việc lựa chọn các giải pháp kỹ thuật bảo đảm yếu tố kinh tế - kỹ thuật, kiểm soát chất lượng - tiến độ thi công và quản lý chi phí đầu...