Kinh tế đêm – ‘cửa sáng’ cho du lịch Việt Nam
Việc thí điểm phát triển kinh tế ban đêm tại một số thành phố lớn được xem là ‘cửa sáng’ cho du lịch Việt Nam.
Các hoạt động mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí về đêm sẽ giúp dòng tiền không bao giờ “ngủ”.
Phố Tạ Hiện (Hoàn Kiếm, Hà Nội) hấp dẫn du khách khi màn đêm buông xuống. Ảnh: Hạnh Nguyên
“Đỏ mắt” tìm chỗ chơi đêm
Kinh tế ban đêm, “thành phố không ngủ” từ lâu là một phần không thể thiếu ở các đô thị lớn, nhất là đô thị du lịch. Cuộc sống về đêm sôi động luôn khiến du khách chi tiêu nhiều hơn. Tuy nhiên, hoạt động kinh tế về đêm ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hạ Long, Nha Trang, Phú Quốc… từ trước tới nay chỉ được biết đến qua một số chuỗi cửa hàng tiện lợi mở cửa 24/24, một vài chợ đêm, những tuyến phố mang nét đặc trưng như Tạ Hiện (Hà Nội), Bùi Viện (TP.HCM), Chợ đêm Dinh Cậu (Phú Quốc).
Ông Nguyễn Hồng Đài, Chủ tịch HĐQT APT Group chia sẻ: “Các sản phẩm du lịch của chúng ta chủ yếu chỉ tập trung từ 7 giờ đến 18 giờ hàng ngày. Nhưng khung giờ du khách tiêu nhiều tiền nhất là từ 18 giờ tối đến 2 giờ sáng hôm sau, thì đến nay vẫn chưa được phát triển. Khách của APT Travel lưu lại qua đêm ở Hà Nội thường chỉ đi dạo quanh hồ Gươm, xem múa rối nước, thưởng thức bia hơi phố cổ, sau đó một số khách đi bar, còn lại không biết làm gì”, ông Đài dẫn chứng.
Thực tế cho thấy, tại Hà Nội, không có nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, lễ hội phục vụ người dân, du khách. Ngoài chương trình biểu diễn của các nhà hát truyền thống như Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Múa rối Thăng Long…, các hoạt động khác gần như chỉ mang tính thời vụ, hoặc diễn ra vào các dịp lễ.
Ngay cả tại Đà Nẵng, nơi được xem là “thành phố đáng sống nhất Việt Nam”, thì các sản phẩm, dịch vụ du lịch đêm cũng chưa thực sự phong phú. Các doanh nghiệp du lịch vẫn phải “đỏ mắt” tìm chỗ chơi đêm cho khách.
“Thật khó để tìm được một chỗ chơi đêm khiến du khách ưng ý tại Đà Nẵng. Với tour Đà Nẵng 4 ngày 3 đêm, Tiên Phong Travel phải thiết kế cho khách nghỉ 1 đêm tại Đà Nẵng và 2 đêm tại Hội An để các thượng đế không cảm thấy nhàm chán”, ông Phùng Xuân Khánh, CEO Tiên Phong Travel chia sẻ.
Tiềm năng từ những con số khổng lồ
Không phải tất cả dịch vụ kinh tế đêm chỉ để phục vụ khách du lịch, mà trước tiên là đáp ứng nhu cầu của người dân. Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Flamingo Redtours phân tích: “Chỉ tính riêng Hà Nội, năm 2019, ngành du lịch Thủ đô đón 29 triệu lượt du khách (trong đó có khoảng 7 triệu lượt khách quốc tế). Trung bình mỗi khách ở khoảng 1,5 đêm, như vậy là có gần 45 triệu lượt khách lưu đêm. Nhưng Hà Nội có khoảng 10 triệu dân đang sinh sống và người nước ngoài cư trú, nếu mỗi đêm có 1/10 số người có nhu cầu vui chơi, giải trí đêm, thì 1 năm đã có khoảng 365 triệu lượt khách. Đây là con số khổng lồ và rất hấp dẫn các nhà đầu tư”.
Đề cập cụ thể hơn về các dịch vụ, ông Đài nêu quan điểm: kinh tế ban đêm không chỉ gói gọn trong chợ đêm hay phố đi bộ, vũ trường, quán nhậu, karaoke…, mà còn bao gồm hàng loạt dịch vụ như dịch vụ vận tải, thương mại, thậm chí là giao dịch tài chính xuyên quốc gia do đặc thù múi giờ khác nhau giữa các nước. “Chẳng hạn, rất nhiều chuyến bay đến thành phố vào buổi tối, hay có nhiều lao động đi làm buổi tối”, ông Đài nêu ví dụ.
Do đó, theo Chủ tịch HĐQT APT Group, ngoài nhu cầu mua sắm, ăn uống, khi kinh tế ban đêm phát triển, sẽ có nhiều loại hình thương mại, dịch vụ khác phát triển theo. Cùng với đó, các địa phương cần xem xét cho phép các loại hình dịch vụ casino, trường đua ngựa… hoạt động để thu hút chi tiêu lớn. Khi khách du lịch có tiền, có nhu cầu vui chơi, giải trí mà trong nước không đáp ứng được, thì tiền sẽ chảy ra ngoài.
Còn theo ông Hoan, muốn phát triển kinh tế đêm, cần xác lập khu vực, không gian công cộng, các khu vực chiến lược riêng biệt để phát triển các hoạt động về đêm như các khu văn hóa di sản mang tính quốc tế, vùng, địa phương đặc trưng, khu vực chuyên về ẩm thực, mua sắm, khách sạn, chăm sóc sức khỏe, trình diễn nghệ thuật, thể thao…
Khai thác tối đa lợi ích từ du lịch
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng, hoàn thiện Đề án Phát triển kinh tế ban đêm.
Video đang HOT
Theo Đề án, khái niệm kinh tế ban đêm được hiểu là các hoạt động thương mại và dịch vụ diễn ra từ 6 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau.
Việt Nam hội tụ rất nhiều điều kiện để phát triển kinh tế đêm như: tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú; văn hóa – nghệ thuật và ẩm thực đặc sắc; dân số trẻ đông, sống tập trung tại các thành phố có mức độ hội nhập và toàn cầu hóa cao.
Những năm gần đây, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng, song mức chi tiêu trung bình còn khá thấp – bình quân khoảng 96 USD/ngày, trong khi du khách tại Bangkok (Thái Lan) chi tiêu khoảng 173 USD/ngày. Dư địa để khai thác khách du lịch ở Việt Nam và phát triển kinh tế ban đêm, do đó, được coi là rất lớn.
Đặc biệt, Việt Nam có nền chính trị ổn định, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế ban đêm. Tạp chí Global Finance mới đây đã công bố bảng xếp hạng các quốc gia an toàn và nguy hiểm nhất thế giới trong năm 2019. Theo đó, Việt Nam xếp thứ hạng 83/128 quốc gia (trên Thái Lan).
Cần xóa bỏ định kiến tiêu cực về kinh tế đêm
“Cần xóa bỏ định kiến tiêu cực về kinh tế đêm như hoạt động vũ trường, quán bar, karaoke, nhà hàng, cũng như các điểm vui chơi giải trí về đêm. Phải tư duy mở hơn về một số hoạt động lâu nay vẫn bị coi là nhạy cảm như mại dâm, cá cược, cờ bạc. Quy định hiện hành cấm, nhưng thực tế, các hoạt động này vẫn diễn ra lén lút dưới nhiều hình thức, phát sinh nhiều tiêu cực rủi ro cho khách hàng và người phục vụ.
Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng cơ chế triển khai thử nghiệm chính sách kinh doanh dịch vụ nhạy cảm theo hướng hợp thức hóa một số loại hình hoạt động giải trí với người trưởng thành nhằm tăng sức hút với khách du lịch, trình Chính phủ vào năm 2021″.
(Trích nội dung Đề án Phát triển kinh tế ban đêm)
Kinh tế ban đêm đã hình thành ở Việt Nam từ nhiều năm nay và được đánh giá là cơ hội mới trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Hiện cả nước có khoảng 20 chợ đêm phục vụ du lịch và khoảng 1.000/2.300 cửa hàng tiện lợi hoạt động 24/24 giờ, chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TP.HCM, góp phần tăng thu ngân sách cho các tỉnh/thành phố có hoạt động giải trí và mua sắm sôi động.
Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế ban đêm nhìn chung còn nghèo nàn, đơn điệu và đặc biệt còn mang tính “chộp giật”. Kinh tế ban đêm cũng mới chỉ xuất hiện manh mún tại một số đô thị, trung tâm du lịch lớn.
Kinh tế ban đêm tại Việt Nam cũng đặt ra yêu cầu đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội địa phương, kiểm soát các vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn, ánh sáng, rác thải; rủi ro phòng cháy, chữa cháy, tình trạng chiếm dụng trái phép không gian công cộng phục vụ hoạt động kinh doanh, đặc biệt là tệ nạn xã hội. Bên cạnh đó, là áp lực về cung cấp hệ thống hạ tầng thiết yếu như: xử lý chất thải; cung cấp điện, nước; kiểm soát vệ sinh, an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa, xuất xứ và giá cả hàng hóa…
Nhận định rằng, phát triển kinh tế ban đêm là phù hợp với xu hướng phát triển của quốc tế, tạo ra động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam năng động…, nhóm nghiên cứu Đề án Phát triển kinh tế ban đêm đề xuất một số giải pháp quan trọng. Một trong những giải pháp hàng đầu là đổi mới phương thức quản lý nhà nước, trong đó chú trọng nâng cao trình độ, năng lực quản lý của bộ máy nhà nước đáp ứng yêu cầu quản lý. Đặc biệt, vai trò của chính quyền địa phương được coi là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của kinh tế ban đêm.
Các thành phố được khuyến nghị xây dựng các chương trình/kế hoạch phát triển kinh tế ban đêm với sự tính toán kỹ lưỡng các yếu tố tác động cả tích cực và tiêu cực. Trong quá trình xây dựng Quy hoạch Phát triển kinh tế – xã hội thời kỳ mới, cần nghiên cứu quy hoạch những khu vực, địa điểm có khả năng phát triển kinh tế ban đêm để có cơ sở triển khai trong tương lai.
Để phát triển kinh tế đêm, cần thu hút và lựa chọn các doanh nghiệp uy tín, giàu kinh nghiệm trong việc tham gia phát triển hoạt động kinh tế ban đêm lành mạnh ở địa phương. Các hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa địa phương cần được chú trọng phát triển để khuyến khích khách hàng trải nghiệm nhiều hơn và chi tiêu nhiều hơn.
Theo các chuyên gia, địa phương muốn phát triển kinh tế đêm buộc phải chi thêm tiền để bảo đảm an ninh trật tự, đầu tư hạ tầng chiếu sáng, các dịch vụ giải trí, mua sắm về đêm để phục vụ nhu cầu người dân và hấp dẫn du khách. Bởi, kinh tế đêm không chỉ là “cửa sáng” cho ngành du lịch, mà còn là động lực tăng trưởng kinh tế trong tương lai.
Kích thích tiêu dùng nội địa, kích cầu du lịch
TS. Trần Thị Thu Hương, Phó trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương)
Đề án Phát triển kinh tế ban đêm hướng tới hai mục tiêu chính là kích thích tiêu dùng nội địa và kích cầu du lịch.
Kinh tế đêm hướng tới giới trẻ, khách du lịch nước ngoài, những người có khả năng chi tiêu cao. Bên cạnh đó, tầng lớp trung lưu trong xã hội cũng tăng nhanh, giai đoạn 2014 – 2016, mỗi năm có 1,5 triệu người Việt gia nhập tầng lớp trung lưu, có mức sống từ 15 USD/ngày trở lên, có xu hướng dành nhiều tiền, thời gian để tận hưởng du lịch. Đây là những nhóm người có nhu cầu chi tiêu cao, có nhiều khả năng tham gia các hoạt động kinh tế ban đêm. Việc phát triển kinh tế đêm thời gian tới sẽ khai thác được tối đa lợi ích từ du lịch.
Ăn chơi thì ra Tạ Hiện
Trong cả những phút giây ngơi nghỉ sau ngày dài ồn ã, phố Hà Nội vẫn còn những tiếng rao đêm đầy khắc khoải. Thuở khó, Hà Nội nghe thấy nhiều tiếng rao đêm ấy lắm. Tiếng rao của người bán bánh mì, cháo, bánh khúc, xôi, khoai nướng, trứng luộc.Tôi đã dạo chơi 'phố Tây' Bùi Viện ở TP.HCM. Nó ồn ào và náo nhiệt quá. Tôi ưa thích phố Tạ Hiện của Hà Nội hơn, dù đó cũng là con phố mang 'chất Tây'.
Tạ Hiện có vẻ "sành điệu" của đô thị lớn những vẫn có những nét cổ kính của một Hà Nội cổ điển.
Điều đầu tiên, Tạ Hiện có lẽ là một trong những phố hẹp nhất. Những dãy nhà gần như giáp nhau, đi bộ trong phố một buổi sáng giống như đi trong con ngõ nhà cửa san sát.
Đoạn phố ngắn này lại toát lên vẻ cổ điển của một châu Âu xa vời. Phố được lát đá, những ngôi nhà kiểu thuộc địa hai tầng kiến trúc giống nhau làm thành một dãy.
Bên lẻ mang phong cách kiểu thuộc địa, bên chẵn hơi hướm Á Đông. Đi trong phố vào buổi sáng vắng người sẽ thấy Tạ Hiện mang hơi hướm châu Âu rất đậm trong lòng Hà Nội. Không khí vừa xưa cũ mà vẫn tân kỳ ở những điểm đặc biệt.
Phố Tạ Hiện đã được chỉnh trang bảo tồn và giờ đây là một trong những chốn "ăn chơi" bụi bặm bậc nhất của Hà thành. Con phố là điểm đến ưa thích của người Hà Nội, khách du lịch nước ngoài. Đặc biệt, khi ánh đèn buổi tối hắt xuống, phố bỗng nhộn nhịp, tưng bừng khác thường.
Tạ Hiện đông đúc nhưng không quá ồn ã, cuồng nhiệt như Bùi Viện. Là không gian nhỏ hẹp, phố có phần chật chội, những biệt thự cổ không cho phép nhiều hàng quán bày ra giữa lòng đường.
Các hàng quán ở đây đa phần là hàng ăn uống và khoái thú nhất là món bia. Tôi từng nói một lần, bia là thứ đồ uống mang tính bảo thủ nhất.
Phố Tạ Hiện về đêm. Ảnh: Việt Linh.
Ở Hà Nội, uống bia Hà Nội, trong một không gian đặc chất Hà Nội thì còn gì bằng. Thế nên, đồ uống được gọi nhiều nhất ở Tạ Hiện là bia. Bia uống luôn cả chai, một phong cách được các "chàng Tây" rất ưa chuộng.
Các món ăn đường phố, đa phần giản dị và bình dân. Không chỉ có món bia mát lạnh nhâm nhi cùng lạc rang húng lìu, nem chua, phố còn có những món ăn nhiều màu sắc đa dạng và cuốn hút.
Phố ngắn nhưng như được chia ra thành những đoạn khác biệt. Đoạn hẹp nhất là nơi thú vị và ồn ào nhất. Không gian chật ứ người.
Đến nửa đêm, phố vẫn còn đông đúc, nhất là vào những dịp cuối tuần. Không gian đô thị dù sao cũng là "chốn ăn chơi". Tạ Hiện lại ở giữa trung tâm phố cổ, kiến trúc đẹp, không gian u hoài cổ điển thì thử hỏi sao không lựa chọn.
Buổi tối tấp nập là thế nhưng buổi sáng Tạ Hiện rất yên bình. Phố ít xe qua vì đường hẹp. Những biệt thự màu vàng phơi một vẻ trầm tĩnh, lặng lẽ nghỉ ngơi sau một đêm "thả cửa". Ngắm Tạ Hiện vào sáng sớm hoặc những lúc ít người cũng đem lại sự thích thú không nhỏ.
Ngoài cái danh là chốn ăn chơi buổi đêm nhộn nhịp bậc nhất, Tạ Hiện là con phố mang trong nó những trầm tích đằm sâu của Hà Nội xưa cũ.
Đó là rạp Quảng Lạc nằm gần giữa trung tâm của phố. Đây là nhà hát lừng danh của một thời. Nhiều gánh hát tuồng, kịch nổi danh nhất nhì Hà Nội từng diễn ở đây. Đó là những ban Quảng Lạc, Nhật Tân, Quốc Hoa, Liên Hiệp... với vở diễn nổi danh như: Ai giết người, Cô Minh Nguyệt...
Ngôi nhà hát xưa vẫn còn và trên trán nhà, dòng chữ 1.900 vẫn còn rõ nét như nhắc nhở một lịch sử xưa cũ không dễ phai lạt.
Tạ Hiện còn có những con ngõ đặc trưng. Đó là ngõ Sầm Công mà tên mới giờ gọi là ngõ Đào Duy Từ. Tại sao gọi là ngõ Sầm Công?
Sầm Công chính là Sầm Nghi Đống, một bại tướng ở trận đánh lẫy lừng khi vua Quang Trung phá quân Thanh ở gò Đống Đa.
Con ngõ nhỏ này xưa có nhiều Hoa kiều sinh sống và bằng một hành động rất nhân văn nhuốm tinh thần Phật giáo, vua Quang Trung đã cho phép Hoa kiều ở đây lập một đền nhỏ thờ Sầm Nghi Đống. Nhờ thế mà Hồ Xuân Hương đã có bài thơ Đề đền Sầm Nghi Đống đầy tính nữ quyền:
Nghé mắt trông ngang thấy bảng treo
Kìa đền thái thú đứng cheo leo
Ví đây đổi phận làm trai được
Thì sự anh hùng há bấy nhiêu.
Còn Tạ Hiện, người được đặt tên cho con phố này là ai? Tạ Hiện (1841-1887) là viên tướng của triều Nguyễn. Ông từng phối hợp Lưu Vĩnh Phúc phá giặc "Khăn vàng" và được vua Tự Đức phong chức Đề đốc. Nhưng sau đó, triều đình Huế chủ trương hòa hoãn với quân Pháp và yêu cầu ông bãi binh.
Bất bình vì việc trên, Tạ Hiện trả ấn từ quan để phản đối và tiếp tục lãnh đạo phong trào kháng chiến chống Pháp. Đây là hành động dũng cảm và khảng khái của Tạ Hiện vì chống lệnh vua là tội lớn nhưng ông vẫn quyết theo chí của mình.
Nghĩa quân của ông đã gây cho quân Pháp những khốn đốn, nhất là các trận đánh ở vùng Thái Bình quê hương ông. Nghĩa quân có cách đánh rất độc đáo, thường đào những hố lớn ngụy trang và khi thấy giặc đến thì xông ra bắt, nên quân Pháp gọi nghĩa quân là "giặc vồ".
Tạ Hiện trả ấn từ quan thời Tự Đức nhưng sau được vua Hàm Nghi trọng dụng. Ông được thăng chức Đô Thống và trở thành một trong những thủ lĩnh của phòng trào Cần Vương, lập được nhiều chiến công.
Sau Tạ Hiện bị quân Pháp bắt và xử tử ở vùng Phả Lại, Hải Dương. Là người cương nghị và dũng cảm, ông có bài thơ Cái nợ tang bồng thể hiện chí khí của mình:
Cái nợ tang bồng tí tẻo teo,
Nay đòi mai hỏi tiếng ong eo.
Nay ta quyết kéo trời Nam tại
Kéo để giang sơn đổ lộn phèo.
Du lịch đêm: Vì sao cung luôn thua cầu? Ý tưởng du lịch di tích về đêm không đơn thuần là kéo dài thời gian mở cửa vào buổi tối. Thách thức của mô hình du lịch này là tạo ra sản phẩm khác biệt so với du lịch buổi sáng để cuốn hút du khách về đêm nhưng lại cần được 'mở đường' bằng chính sách quản lý và pháp luật....