Kinh tế có mạnh, quốc phòng an ninh mới vững
Ngày 23-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội và quyết toán ngân sách Nhà nước. Bên cạnh việc mổ xẻ những yếu kém nội tại của nền kinh tế, vấn đề Biển Đông và những tác động của nó tới kinh tế – xã hội tiếp tục là mối quan tâm của nhiều ĐBQH.
“Phải siết chặt chi tiêu ngân sách để dành đóng tàu cho ngư dân bám biển.
Bởi ngư dân chính là người bảo vệ chủ quyền hữu hiệu nhất”,
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM)
Thắt lưng buộc bụng
Tại phiên thảo luận, nhiều ĐBQH lên tiếng kêu gọi “thắt lưng buộc bụng” để dồn sức mua tàu cá hỗ trợ ngư dân bám biển. ĐB Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, kinh tế đất nước cần đặt trong trạng thái động: “Phải ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô gắn với quốc phòng. Cụ thể, Quốc hội cần có nghị quyết về nông nghiệp, liên quan đến nông dân, ngư dân để cải thiện đời sống của người dân”. Đi vào cụ thể, ông Trần Hoàng Ngân đề xuất chính sách tạo nguồn hỗ trợ đội tàu cho ngư dân bám biển sản xuất.
ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) đề nghị tập trung đóng tàu rồi cho ngư dân thuê: “Vinashin đang không có việc làm, đề nghị đóng tàu sắt cho ngư dân thuê. Chúng ta đang rất cần tàu sắt thu mua sản phẩm và chở về đất liền tiêu thụ. Việc này cần có bàn tay Nhà nước”.
ĐB Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) nêu ý kiến: “Vấn đề Biển Đông diễn biến còn phức tạp và nếu trong tình huống xấu nhất buộc chúng ta phải tự vệ. Vấn đề đặt ra là cần tập trung ngân sách quốc phòng, để chủ động trong mọi tình huống. Đã đến lúc chúng ta phải thực hiện thắt lưng buộc bụng nghiêm túc”. ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) cũng đồng tình: “Phải siết chặt chi tiêu ngân sách để dành đóng tàu cho ngư dân bám biển. Bởi ngư dân chính là người bảo vệ chủ quyền hữu hiệu nhất”.
Cần nhiều kịch bản kinh tế
Video đang HOT
Ủng hộ các giải pháp của Chính phủ, nhiều ĐBQH đề nghị, trong tình hình hiện nay, phải tập trung nguồn lực, tinh thần và chuẩn bị sẵn sàng cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia. Do vậy, cần giải pháp động viên toàn dân tăng năng suất lao động, sử dụng tiết kiệm hiệu quả các nguồn lực, tài nguyên để tăng nguồn lực cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Cần khẩn trương rà soát lại các dự án đầu tư, trong đó, ưu tiên các dự án mang tính chiến lược quốc phòng.
ĐB Bùi Đức Thụ (Lai Châu) cho rằng, những nhận định, đánh giá của Chính phủ về kinh tế – xã hội đã tương đối rõ, sát tình hình thực tế. “Tuy nhiên, vừa qua, sự kiện bất ổn ở Biển Đông ảnh hưởng như thế nào đến quan hệ kinh tế, thương mại hai nước. Cần đánh giá kỹ lưỡng vấn đề này để có giải pháp cụ thể và bước đi phù hợp”, ông Thụ góp ý.
Đại biểu tỉnh Lai Châu cho rằng, ở góc độ kinh tế – xã hội, Chính phủ cần đưa ra các kịch bản. Chẳng hạn, nếu tình hình chỉ căng thẳng như hiện nay thì hậu quả thế nào? Từng ngành hàng bị ảnh hưởng thế nào? Doanh nghiệp nào bị ảnh hưởng nhất? “Nếu không có kịch bản thì dễ rơi vào thế bị động. Ngành dệt may đang phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Ngành cao su cũng thế. Đây là những vấn đề lớn mà chúng ta cần phải sớm tính toán, tìm cách gỡ. Kinh tế có mạnh thì quốc phòng an ninh mới vững được” – ĐB Bùi Đức Thụ nói.
ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng, từ thực tế trên, nên coi đó là bài học trong quản lý điều hành kinh tế vĩ mô và dự báo tình hình. ĐB Trần Thị Quốc Khánh cũng đề nghị tập trung đầu tư cho quốc phòng an ninh: “Tôi rất muốn nguồn lực khoa học công nghệ đủ đáp ứng cho quốc phòng an ninh song đáng tiếc chúng ta chưa làm được điều này. Vì thế, cần huy động tổng lực khoa học công nghệ nước nhà để chế tạo ra máy móc, phương tiện hiện đại phục vụ cho quốc phòng an ninh, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội”.
ĐB Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Nhanh chóng chuyển hướng thị trường
“Hiện nay, nhiều ngành hàng phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc. Nếu cứ để vậy thì khó hướng tới TPP (Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương). Rõ ràng, về dài hạn, chúng ta muốn chuyển hướng thị trường. Trong tình hình hiện nay, càng phải nhanh chóng thoát khỏi sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Không thể chuyển hướng nền kinh tế nếu không phát triển công nghiệp hỗ trợ, nhưng đến nay, rất tiếc, đề xuất nhiều mà vẫn chưa làm được công nghiệp hỗ trợ.
Vấn đề lớn nhất của nền kinh tế hiện nay là làm sao khai thông được tổng cầu. Tôi đề nghị cần tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp đang cố gắng phục hồi nhưng tiếp cận vốn khó khăn do vướng nợ đọng. Phải tập trung vực dậy ở nhóm doanh nghiệp này, không thể để họ chết…”.
Theo ANTD
Quốc hội xem xét biện pháp giải quyết tình hình Biển Đông
Báo cáo về tình hình Biển Đông, chủ trương và giải pháp của Việt Nam, do Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trình bày tại Quốc hội ngày mai, sẽ được thảo luận để quyết định những nội dung lớn, tổng quát sau đó...
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thông tin về việc này trong buổi họp báo trước kỳ họp thứ 7 tại Hà Nội chiều nay, 19/5.
Trong chương trình kỳ họp, về công tác giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành thời gian để nghe Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh - trình bày báo cáo về tình hình Biển Đông, việc Trung Quốc đặt hạ trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; chủ trương và giải pháp hòa bình cho Việt Nam.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời các câu hỏi của báo giới trong cuộc họp báo trước kỳ họp.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh: "Vừa qua tình hình Biển Đông hết sức phức tạp. Trung Quốc đã ngang nhiên đưa giàn khoan vào hạ đặt trong vùng đặc quyền kinh tế, thuộc chủ quyền của Việt Nam, hành động vi phạm Công ước Quốc tế về luật biển, DOC và tuyên bố giữa lãnh đạo cấp cao giữa 2 nước. Vì thế kỳ họp này Quốc hội sẽ nghe báo cáo về tình hình này có thời gian trao đổi về vấn đề".
Nội dung báo cáo của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh sẽ được dành thời gian vào buổi chiều ngày mai, 20/5, ngay sau phiên khai mạc kỳ họp. Phần thảo luận về nội dung này, ông Phúc thông tin, Quốc hội họp riêng, có thể họp báo, trao đổi với báo chí sau đó.
Quốc hội cũng sẽ nghe Chính phủ có báo cáo về tình hình và biện pháp giải quyết về việc có một số địa phương xảy ra tình trạng manh động, đập phá nhà xưởng vừa qua.
Ngoài ra, Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc cũng nói rõ, trong quá trình thảo luận về tình hình kinh tế xã hội những tháng đầu năm, Quốc hội sẽ có những trao đổi về vấn đề này. Khi đó, nhiều giải pháp tổng thể giải quyết vấn đề sẽ được bàn. Phiên thảo luận về kinh tế xã hội được truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khái quát, trên tinh thần thượng tôn pháp luật, Quốc hội có chủ trương giải quyết vấn đề trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở Công ước luật Biển và các quy định pháp luật của Liên hợp quốc. Lãnh đạo Quốc hội rất cảm kích khi các nghị sĩ trên thế giới đã lên tiếng phản đối hành động của Trung Quốc, ủng hộ việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam, như việc bày tỏ quan điểm công khai, mạnh mẽ của đoàn nghị sĩ của Thượng viện Mỹ.
Phủ nhận khả năng Quốc hội phải điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế xã hội của năm 2014 đã định ra trước đó do ảnh hưởng của vụ giàn khoan Hải Dương 981, ông Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 4 tháng đầu năm 2014 rất tốt, chưa thấy dấu hiệu nào cần phải điều chỉnh.
Chỉ có vấn đề thiệt hại của một số doanh nghiệp bị thiệt hại về tài sản, nhà xưởng do việc người dân bày tỏ lòng yêu nước nhưng bị kẻ xấu lợi dụng, kích động dẫn đến hành vi đập phá, gây tác động đến doanh nghiệp, sản xuất, nhà đầu tư. Ông Phúc thông tin, do can thiệp tích cực, định hướng kịp thời, đến nay, nhiều doanh nghiệp đã khắc phục được hậu quả gây ra, trở lại hoạt động.
Với câu hỏi đặt ra về việc Quốc hội cần thực hiện một chương trình lớn hơn về Biển Đông như xem xét việc tăng cường tiềm lực quốc phòng trên biển, tăng hỗ trợ với ngư dân trên biển, ông Nguyễn Hạnh Phúc đáp, trong quá trình xem xét cụ thể báo cáo của Chính phủ, Quốc hội sẽ quyết định các giải pháp đề xuất Chính phủ trình ra, trong đó có những giải pháp mang tính chất tổng quát.
Nhưng giải pháp nào cũng phải trên nguyên tắc đường lối đối ngoại, trong tình huống nào cũng phải đảm bảo hòa bình, còn cơ hội nào cũng cần hết sức tỉnh táo xem xét, trên tinh thần tuân thủ luật pháp quốc tế.
Biện pháp kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, như trao đổi của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội với phóng viên Dân trí, cũng là một cách thức đấu tranh hòa bình được Chính phủ lưu ý, đề xuất Quốc hội khi cần thiết, để mang lại hiệu quả cao nhất.
"Ứng xử trong mọi tình huống chúng ta đều phải rất khéo léo, linh hoạt, theo kinh nghiệm, truyền thống của ông cha, làm sao phải thật kiên trì để giữ gìn nền hòa bình, ổn định lâu dài, không chỉ cho Việt Nam mà còn cho cả khu vực Biển Đông rộng lớn" - người đứng đầu Văn phòng Quốc hội trao đổi.
Về vấn đề giải quyết việc có một số địa phương xảy ra tình trạng manh động, đập phá nhà xưởng vừa qua, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết UB Thường vụ đang chờ báo cáo của UB Trung ương MTTQ Việt Nam để nắm được tình hình dư luận nhân dân.
Với bức xúc về sự cần thiết có luật Biểu tình để điều chỉnh hoạt động tuần hành của người dân mà Chủ tịch nước, Thủ tướng đã khẳng định về quyền biểu thị chính kiến của mỗi người, ông Nguyễn Hạnh Phúc giải thích, Hiến pháp mới vừa được thông qua năm 2013. Sau khi thông qua có rất nhiều các luật cần bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với Hiến pháp mới.
Hỗ trợ thêm Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trả lời câu hỏi về thông tin nhiều người lao động Trung Quốc muốn về nước sau sự cố tại khu công nghiệp Vũng Áng, Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, sau sự cố, cơ quan chức năng đã tập trung nỗ lực hỗ trợ cứu chữa cho các doanh nghiệp nước ngoài cũng như Việt Nam về những thiệt hại phải gánh chịu.
Hiện tình hình tại địa phương trở lại bình thường, các công nhân, kỹ sư, lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc đã trở lại làm việc. Tổng GĐ công ty Fomosa vẫn cam kết tiếp tục duy trì đầu tư tại Việt Nam.
Theo đề nghị của Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, Việt Nam đã tạo điều kiện cho các công nhân bị thương về nước một cách thuận lợi bằng đường hàng không. Số công nhân khác trong hôm nay cũng có thể về nước bằng đường biển.
P.Thảo
Theo Dantri
Cạnh tranh giữa các quốc gia thực chất là cạnh tranh nguồn vốn tri thức Lần đầu tiên Ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phát động. Thủ tướng nhận định, cạnh tranh giữa các quốc gia suy cho cùng là cạnh tranh nguồn vốn tri thức, thể hiện qua chất lượng nguồn nhân lực và trình độ KHCN. Sáng nay (18/5), tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội đã...