Kinh tế chưa thể tăng trưởng cao, khó tăng lương trong 1-2 năm tới
Kỳ họp trước, Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình “ướm” trước với Quốc hội về những khó khăn có thể ảnh hưởng đến lộ trình tăng lương tối thiểu. Báo cáo lại vấn đề tại kỳ họp thứ 8 này, ông Bình thừa nhận, chưa thể bố trí đủ nguồn cải cách tiền lương trong 1-2 năm tới.
Nhận định này thể hiện trong báo cáo về việc thực hiện lời hứa sau chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình, gửi đến Quốc hội trước thềm kỳ họp thứ 8. Tại kỳ họp thứ 6 (cuối năm 2013), Bộ trưởng Nội vụ được chọn đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội về các vấn đề Chế độ tiền lương trong lĩnh vực sự nghiệp, phụ cấp công vụ trong các cơ quan, các tổ chức, các đơn vị; chính sách tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để hoàn thành nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức đơn vị…
Cụ thể, về vấn đề cải cách tiền lương, Bộ trưởng Nội vụ cho biết, 1 năm qua Bộ vẫn tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các chính sách về tiền lương, phụ cấp công vụ, cử tuyển đối với cán bộ, công chức cơ sở, cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số, người nghỉ hưu đã hứa tại phiên chất vấn trước.
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình tại phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội 1 năm trước.
Bộ đã xây dựng đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp đến năm 2020. Bao gồm các nội dung: mức lương cơ sở; quan hệ tiền lương thấp nhất – trung bình – tối đa; hệ thống thang, bảng, ngạch, bậc lương; các chế độ phụ cấp và cơ chế quản lý tiền lương.
Tuy nhiên, do việc triển khai thực hiện các giải pháp tạo nguồn và đổi mới cơ chế đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy đối với các cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước và tổ chức chính trị – xã hội mới được hơn một nên chưa có nhiều kết quả.
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình một lần nữa giải thích việc khó bố trí đủ nguồn cho cải cách tiền lương, và tiếp tục “hứa” sẽ trình Trung ương cụ thể về đề án tiền lương vào một thời điểm thích hợp, để có thời gian triển khai có kết quả các giải pháp đã được Trung ương thông qua.
Gần đây nhất, Bộ đã có công văn đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các chế độ phụ cấp lương hiện hành đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Sau đó Bộ Nội vụ sẽ tổng hợp để đề xuất cụ thể trong nội dung của đề án cải cách chính sách tiền lương trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Trong thời gian sắp tới, khi Trung ương chưa thông qua đề án cải cách chính sách tiền lương, Bộ trưởng cho biết sẽ căn cứ vào tình hình kinh tế – xã hội và khả năng ngân sách nhà nước để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội từng bước điều chỉnh tiền lương cho phù hợp.
Video đang HOT
Bộ Nội vụ cũng sẽ trình Chính phủ ban hành nghị định quy định về dịch vụ sự nghiệp công và cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng khuyến khích và tạo điều kiện, môi trường hoạt động bình đẳng cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ sự nghiệp công.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình, với nghị định này sẽ từng bước thay đổi phương thức hỗ trợ ngân sách nhà nước thông qua các đơn vị sự nghiệp công sang hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng chính sách. Giá dịch vụ sự nghiệp công được xác định trên cơ sở định mức kinh tế – kỹ thuật, định mức chi phí do cơ quan có thẩm quyền ban hành và lộ trình tính đủ chi phí,…
Và trên cơ sở các nguyên tắc chung của nghị định nêu trên, các bộ quản lý chuyên ngành xây dựng nghị định đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính và tiền lương gắn với kết quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập của ngành mình cho phù hợp.
Bộ trưởng cũng cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét thông qua vào thời điểm thích hợp, khi có đủ điều kiện bảo đảm để thực hiện.
P.Thảo
Theo Dantri
Tăng lương phải là khoản ưu tiên chi hàng đầu
Lộ trình tăng lương đã phải lùi 2 năm vì kinh tế khó khăn và năm 2015 tới cũng chưa bố trí được nguồn để tăng lương... Nguy cơ hiện hữu này khiến nhiều đại biểu Quốc hội không thể nén bức xúc, lo lắng...
Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi: Lương tăng đúng lộ trình cũng mới đáp ứng 70% nhu cầu
Ảnh: Minh Thanh
Phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại các đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hôm qua, 21/10, ghi nhận nhiều ý kiến thúc giục bức thiết về việc phải dành nguồn tăng lương, dù tình hình kinh tế đất nước có nhiều khó khăn. Tuy nhiên, cũng có đại biểu cho rằng, tăng 100.000 đồng tiền lương không nhiều ý nghĩa, thậm chí còn là thêm áp lực với đời sống người lao động. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Tiền lương được xác định là một trong những nhân tố làm tăng năng suất lao động. Trong lúc tại đất nước ta năng suất lao động thấp, đầu tư cho tiền lương là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển.
Nếu có điều kiện chúng ta cần xử lý ngân sách để nâng lương cho cán bộ công chức, cải thiện điều kiện đời sống làm sao cho tiền lương đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, gia đình của cán bộ công chức. Mức lương thỏa đáng sẽ giúp giải quyết 2 vấn đề lớn, trong đó cơ bản nhất là tăng năng suất lao động.
Vấn đề quan trọng thứ 2 là tăng lương để giải quyết vấn đề xã hội, hạn chế được nạn tham nhũng tiêu cực của một bộ phận cán bộ, khó khăn quá thì dẫn đến sai lầm về tham nhũng, tiêu cực, tiền lương giải quyết như thế. Hiện nay ngân sách của ta còn khó khăn, nhiều chương trình phải đầu tư để đảm bảo quốc kế dân sinh, chăm lo an sinh xã hội, giáo dục, y tế... tức rất nhiều việc phải chi.
Nhưng dù vậy, theo tôi, đầu tư cho con người, cho tiền lương nên là ưu tiên số 1 vì lộ trình cải cách tiền lương đã được đặt ra từ lâu cho giai đoạn 2006-2014. Năm 2011-2013 chúng ta đã 3 lần điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu nhưng bản chất mức lương đó so nhu cầu sống tối thiểu của cán bộ vẫn không đáp ứng được yêu cầu. Khu vực doanh nghiệp thì hàng năm điều chỉnh tiền lương tối thiểu theo 4 vùng, dự kiến năm 2015 cũng sẽ tăng thêm 15% nhưng số tiền này cũng chỉ mới đáp ứng 70% nhu cầu sống tối thiểu.
Vậy theo ông, lý do đưa ra là không thể cân đối thu chi nên không tăng lương có thuyết phục?
Theo tôi nếu không tăng lương thì sẽ gây tác động đến nhiều mặt nên thực hiện kế hoạch cải cách tiền lương phải là một trong những mục tiêu chi ưu tiên hàng đầu. Muốn tái cơ cấu nền kinh tế mà không tái cơ cấu được nhân lực, không bù đắp đủ chi phí cho người lao động, không làm cho đời sống người lao động được đảm bảo để tái sản xuất sức lao động thì cũng có nghĩa là không có điều kiện để tăng năng suất lao động.
Mà hiện nay, như đánh giá của ILO, năng suất lao động tại Việt Nam đang thuộc dạng kém nhất trong khu vực châu Á Thái Bình Dương thì nghĩa là nguồn nhân lực đang kém. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, yếu tố sức khỏe, năng lực con người rất quan trọng nên cải cách tiền lương theo đó cũng là việc trọng yếu.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Vỡ kế hoạch tăng lương vì tinh giản biên chế chậm chạp
Ảnh: Minh Thanh
Thưa ông, lộ trình tăng lương tối thiểu đã bị lùi 2 năm và sang năm 2015 cũng sẽ tiếp tục lùi do ngân sách Nhà nước chưa bố trí được nguồn. Nhiều ý kiến cho rằng, không thể trì hoãn hạn tăng lương cho người lao động thêm nữa vì áp lực chống chọi của người làm công ăn lương trong mấy năm khó khăn vừa qua đã rất nặng nề?
Đúng vậy, tôi cho rằng cần phải tính toán và xem xét kỹ lưỡng để có thể tăng lương tối thiểu cho người lao động. Hiện tại, trong cơ cấu chi ngân sách thì tới 67% dành cho chi thường xuyên (chi lương, công tác hành chính, đi công tác nước ngoài...). Nếu chúng ta "chắt chiu", tiết giảm các khoản chi không cần thiết, như chi cho khánh tiết, chi tổ chức lễ hội, chi tiếp khách.... thì có thể tiết kiệm và khoản này sẽ dành cho chi trả lương.
Thông tin mới nhất khiến nhiều đại biểu cũng bức xúc là dù dự kiến thu ngân sách năm 2014 vượt 10% nhưng Bộ Tài chính vẫn cho rằng, sẽ không còn nguồn nào dành cho chi tăng lương, bởi vượt thu thì phải dành để trả nợ. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Đúng là ngân sách đang rất khó khăn, khoản vượt thu phải dùng vào nhiều việc, trong đó có một phần dành cho trả nợ. Nhưng tôi nhắc lại, việc điều chỉnh tiền lương vẫn có thể thực hiện được nếu tính toán khoa học và cơ cấu lại nguồn chi có giới hạn một cách hợp lý.
Trong trường hợp không thể tăng lương đồng loạt cho các đối tượng thì cũng có thể tính tới phương án tăng từng phần theo từng nhóm đối tượng ưu tiên với tỷ lệ tăng khác nhau. Đơn cử, trong đợt tăng đầu tiên có thể xét ưu tiên tăng lương cho người lao động thu nhập thấp, dưới 5 triệu đồng/tháng. Còn với đối tượng thu nhập hàng tháng trên 5 triệu đồng/tháng thì có thể xét tăng sau. Ứng với từng nhóm cụ thể sẽ có tỷ lệ tăng lương khác nhau, dao động từ 2-5%.
Nếu thực hiện theo phương án này thì chúng ta phải tổ chức, sắp xếp lại lao động. Vì hiện trong cùng bộ máy khu vực Nhà nước cũng có những công việc, vị trí mức lương hàng tháng khá thấp, như y tá, giáo viên... Ngược lại, có những vị trí thu nhập lại rất cao. Phải đánh giá để kéo gần lại khoảng cách chênh lệch về thu nhập hiện nay.
Vừa rồi chúng ta hoãn việc tăng lương vì trông chờ vào kết quả đề án cơ cấu lại, tinh giản biên chế bộ máy hành chính sự nghiệp. Nhưng tiếc là việc tinh giản tiến hành quá chậm chạp, bộ máy vẫn cồng kềnh.
Thực tế lương công chức, viên chức khu vực hành chính hiện tại thậm chí còn thấp hơn khu vực doanh nghiệp, được cho là chỉ đáp ứng được một nửa so với nhu cầu sống tối thiểu. Điều đó gây hệ lụy trực tiếp với nạn tham nhũng. Như ông nói, kế hoạch tăng lương ở khu vực này bằng cách tinh giản biên chế đã thất bại thì cách nào để giải quyết vấn đề này?
Bộ máy hành chính của ta hiện quá lớn. Giờ rất khó khi gần 70% khoản chi ngân sách đã phải dành cho chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển 17% và chi trả nợ 13% cũng là những khoản không thể cắt giảm hơn. Trông chờ lớn nhất là nguồn tăng thu nhưng thu từ dầu thô đã cạn, thu từ xuất nhập khẩu cũng khó khăn. Nguồn duy nhất có thể tăng thu là thu nội địa, trong đó khả năng tốt nhất là thu từ doanh nghiệp nhà nước. Khối doanh nghiệp FDI cũng còn dư địa, nguồn thu chưa tương xứng, cần tăng cường hơn.
P.Thảo (ghi)
Theo Dantri
Cần giảm biên chế, chứ không thể hoãn tăng lương Một số đại biểu Quốc hội đề nghị tăng lương theo lộ trình cho cán bộ công chức, hưu trí và người có công để bảo đảm đời sống. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển, đối với việc tăng lương tối thiểu, một số ý kiến đề nghị cần bố trí kinh phí...