Kinh tế Ấn Độ nhận nhiều mỹ từ từng thuộc về Trung Quốc
CEO Apple Tim Cook mới đây mô tả tiềm năng kinh tế và cơ cấu nhân khẩu của Ấn Độ là “vô cùng thú vị” và “vô cùng tuyệt vời”. Đây là những mỹ từ mà cách đây không lâu còn được dành cho Trung Quốc.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi – Ảnh: AFP
Theo CNN, CEO Tim Cook đang rất háo hức về Ấn Độ. Trong buổi họp thông báo doanh thu gần đây nhất của Apple, vị giám đốc điều hành cho hay doanh số bán iPhone ở quốc gia Nam Á tăng 76% so với năm trước. Ông Cook mô tả tiềm năng của Ấn Độ là “vô cùng thú vị”, và cơ cấu nhân khẩu học của nước này là “vô cùng tuyệt vời” với độ tuổi trung bình là 27.
Trên đây là những mỹ từ từng được dành cho Trung Quốc. Giờ đây, tình hình Ấn Độ đang tiến triển rất tốt: tăng trưởng kinh tế là 7,3% vượt xa tất cả các nước lớn khác và giá dầu lao dốc giảm thiểu hóa đơn nhập khẩu năng lượng. Trong lúc này, những thành viên khác của nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS (gồm Nga, Trung Quốc, Nam Phi, Ấn Độ và Brazil) đều đang chật vật với tăng trưởng.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, người sẽ kỷ niệm nhiệm kỳ thủ tướng thứ hai của mình vào tháng 5 tới, là yếu nhân góp phần vào sự đi lên của Ấn Độ. Ông đã dành một số vốn chính trị khổng lồ, cố gắng thúc đẩy để các cải cách kinh tế được quốc hội thông qua.
Ông Modi cũng tích cực công du nước ngoài với thông điệp “Make in India” chuyển tới các doanh nghiệp ngoại. Dòng tiền đầu tư từ nhiều công ty như Airbus, Xiaomi, General Electric, Foxconn, General Motors đã và đang chảy về, mở rộng sản xuất tại đây.
Video đang HOT
Chiến dịch của ông Modi tạo nên cơn sốt trong tuần này ở thành phố Mumbai (Ấn Độ), khi một sự kiện “Make in India” được chính phủ tài trợ đã thu hút sự tham gia của giám đốc điều hành các doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Thủ tướng Ấn Độ nhấn mạnh chuyện cải cách, và mời các sếp doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bất ổn trong triển vọng kinh tế đất nước Nam Á. Con số GDP của nước này tách bạch với nhiều chỉ số khác và có các nghi vấn về chất lượng của con số trên. Doanh nghiệp Ấn Độ đang có mức nợ cao còn chỉ số chứng khoán Sensex giảm khoảng 20% trong một năm qua.
Đáng lo ngại hơn, nhiều chương trình cải cách hứa hẹn của Thủ tướng Modi đã không thành công. Đơn cử, đề nghị thiết lập thuế bán hàng trên toàn quốc vẫn đang chờ mòn mỏi trong quốc hội.
Chuyện giảm gánh nặng pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ, một trong những ưu tiên của ông Modi, hầu như vẫn đứng yên. Ấn Độ mới đây được Ngân hàng Thế giới (WB) xếp hạng thứ 130 trong danh sách các nước đo lường gánh nặng pháp lý đặt lên các doanh nghiệp nhỏ. Cơ sở hạ tầng nước này vẫn còn kém và sẽ mất hàng thập kỷ để được nâng cấp.
Arvind Subramanian, cố vấn kinh tế trưởng của chính phủ Ấn Độ, cũng bày tỏ thất vọng về sự thiếu tiến bộ trong thuế hàng hóa và dịch vụ quốc gia, song ông vẫn kỳ vọng rằng những cải cách khác nhằm thúc đẩy cạnh tranh giữa các bang sẽ đảm bảo tiến độ.
Hiện tại, khi nhiều nền kinh tế thế giới đang gặp khó, Ấn Độ vẫn là một điểm đến hấp dẫn cho các công ty đa quốc gia muốn có tăng trưởng tốt. Tầng lớp trung lưu của nước này ngày càng có nhiều tiền để chi tiêu và dân số trẻ là một tiềm năng rất lớn. Ví dụ, hãng Apple vừa nộp đơn để mở cửa hàng bán lẻ đầu tiên ở quốc gia Nam Á.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Nga, Ả Rập Xê Út thảo luận cắt giảm sản lượng dầu
Bô trưởng Dầu mỏ Ả Rập Xê Út lên kế hoạch gặp người đồng cấp Nga ở Doha, thủ đô Qatar vào ngày 17.2 để thảo luận về thị trường dầu mỏ.
Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Xê Út Ali al-Naimi - Ảnh: Bloomberg
Bloomberg dẫn lời nguồn tin giấu tên cho hay Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Xê Út Ali al-Naimi, quan chức dầu khí cấp cao nhất của đất nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, sẽ hội đàm với Bộ trưởng Dầu mỏ Nga Alexander Novak ở thủ đô Qatar trong ngày 17.2.
Nguồn tin này không tiết lộ về chương trình nghị sự dự kiến của cuộc họp, vốn sẽ có sự tham gia của đại diện một thành viên khác trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) là Venezuela.
Ả Rập Xê Út đã kiên trì với chính sách không giảm sản lượng, trừ khi các nhà sản xuất lớn khác bên ngoài OPEC đồng ý hợp tác. Trong khi Novak cho hay ông có thể cân nhắc giảm sản lượng nếu các nước sản xuất dầu khác cũng tham gia, CEO Igor Sechin của hãng năng lượng Nga Rosneft nói rằng ông sẽ bảo vệ các thị trường truyền thống và bày tỏ sự nghi ngờ về chuyện hợp tác giữa các quốc gia.
Giá dầu trượt sâu từ đầu năm đến nay, có lúc xuống dưới ngưỡng 30 USD/thùng. Điều này gia tăng căng thẳng tài chính lên các nước có nền kinh tế phụ thuộc vào dầu thô. Đã và đang có suy đoán cho rằng sẽ có cơ hội về một thỏa thuận giữa hai nhà xuất khẩu dầu lớn thế giới là Nga và Ả Rập Xê Út.
Bộ trưởng Dầu mỏ Nga Alexander Novak - Ảnh: Bloomberg
"Các cuộc đàm phán trở lại tại Qatar đã ở đó được một thời gian. Vẫn còn rất sớm và không có gì cụ thể khi nói về sự đồng thuận, nhưng có một niềm tin đang gia tăng rằng các nước sẽ trở nên linh hoạt hơn, dù Riyadh nhấn mạnh rằng chỉ hành động khi nhiều bên cùng cắt giảm", nhà phân tích dầu thô Amrita Sen của hãng Energy Aspects nói. Giá dầu Brent tại London (Anh) tăng 4% đến mức 34,72 USD/thùng hôm nay 16.2.
Các nước thành viên và không là thành viên OPEC đã liên tục họp từ tháng 11.2014, khi nhóm nước này lần đầu báo hiệu họ không muốn hạ hạn ngạch một mình để hỗ trợ giá cả. Ả Rập Xê Út, Venezuela, Nga và Mexico gặp nhau tại Vienna (Áo) trong tháng 11.2014 mà không đạt được thỏa thuận. Chuyến công du từ Moscow cho đến Riyadh của Bộ trưởng Năng lượng Venezuela Eulogio Del Pino cũng không đem lại tín hiệu tích cực nào.
Dù vậy, những dấu hiệu nhỏ nhất về chuyện hợp tác giữa các nước vẫn tích cực hóa một phần thị trường dầu mỏ. Giá dầu WTI hôm 12.2 tăng 12%, mức tăng trong ngày lớn nhất kể từ năm 2009 sau khi Ả Rập Xê Út tái khẳng định nước này sẵn sàng hợp tác với các nước ngoài OPEC.
Cuộc họp kín vào ngày mai, được lên kế hoạch bí mật và tổ chức bởi Bộ trưởng Dầu mỏ Qatar gợi nhắc về chuyện ngoại giao dầu khí vào cuối những năm 1999. Các nước thành viên OPEC sau đó sử dụng kênh ngoại giao với sự giúp sức của Mexico để dàn xếp một loạt cuộc họp bí mật từ Miami (Mỹ) đến Amsterdam (Hà Lan), kết thúc với việc cắt giảm một phần sản lượng.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Vì sao chưa nước nào lùi lại trong cuộc chiến giá dầu? Cách đây không lâu, giới đầu tư đồng loạt cảm thấy rằng có thể Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và nhiều nhà sản xuất khác sẽ cắt giảm sản lượng. Song vì sao đến nay vẫn chưa nước nào hành động? Ảnh: Reuters Hôm 12.2, giá dầu tăng vọt 12% ở New York (Mỹ), mức tăng trong ngày lớn...