Kinh tế 9 tháng: Xuất khẩu tăng trưởng trong khó khăn
Lạm phát toàn cầu đang phả hơi nóng vào mọi hoạt động của đời sống kinh tế khiến nhu cầu hàng hoá giảm, chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu gián đoạn và chi phí sản xuất tăng.
Cùng đó, biến động tỷ giá từ đầu năm đến nay đã tạo ra tác động nhiều chiều tới hoạt động thương mại. Điều này đã tạo ra không ít khó khăn lớn cho sản xuất kinh doanh, nhất là xuất khẩu trong những tháng cuối năm.
Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương đã cụ thể hóa kế hoạch hành động để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Sao Mai, tỉnh An Giang. Ảnh tư liệu: Vũ Sinh/TTXVN
Chủ động thích ứng
Thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong 15 ngày đầu tháng 9/2022, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 12,75 tỷ USD. Như vậy, tính chung từ đầu năm đến 15/9, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 265,34 tỷ USD, tăng 17,82% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương kim ngạch tăng thêm hơn 40 tỷ USD.
Nhận định về tăng trưởng xuất khẩu tiếp tục đạt 2 con số, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) chỉ ra yếu tố thuận lợi lớn nhất giúp hoạt động xuất nhập khẩu đạt được thành tích đó là việc sớm mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế từ quý IV/2021; trong đó, các ngành sản xuất, dịch vụ đã tranh thủ đáp ứng các yêu cầu của thị trường thế giới để đẩy mạnh xuất khẩu.
Ngoài ra, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã góp phần giúp doanh nghiệp có được thị trường xuất khẩu một cách thuận lợi hơn.
Hơn nữa, dù lạm phát cũng khiến nhu cầu về tiêu dùng của nhiều thị trường thắt chặt hơn nhưng việc Việt Nam xuất siêu là một yếu tố rất tốt để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô cũng như tạo động lực để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu những tháng cuối năm.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tỷ giá biến động chắc chắn ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Với những quốc gia đang giảm giá mạnh đồng nội tệ trước sức ép của đồng USD, giá hàng hóa của các nước này sẽ rẻ hơn rất nhiều so với hàng hóa nhập khẩu.
Theo ông Lê Quốc Phương, Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), kinh tế Việt Nam cũng bắt đầu phục hồi bởi Chính phủ có các chương trình phục hồi và ưu tiên cho các ngành xuất khẩu và doanh nghiệp cũng bắt đầu hoạt động trở lại.
Tuy nhiên, cùng với những thuận lợi thì xuất khẩu cũng đối diện với những khó khăn từ cuộc xung đột Nga – Ukraine ảnh hưởng nhiều đến giá cả, chi phí, làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Cùng với sự gia tăng của giá năng lượng, giá nguyên vật liệu tăng rất mạnh.
Ngoài ra, Trung Quốc thực hiện nghiêm ngặt chính sách “Zero COVID” không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế sản xuất, kinh tế Trung Quốc mà còn ảnh hưởng đến kinh tế thế giới.
Hai sự kiện này và nhiều yếu tố khác nữa đã đẩy lạm phát của các nước lên rất cao, như tại Hoa Kỳ, EU lên tới con số gần 10% – cao nhất trong hơn 40 năm nay.
Lạm phát tăng cao khiến nhiều nước phải sử dụng công cụ nâng lãi suất cơ bản để kiềm chế lạm phát.Những việc này đã đẩy các nền kinh tế đến nguy cơ suy thoái và tác động trước mắt là làm cho tiêu dùng giảm là nguyên nhân khiến đơn hàng cho Việt Nam giảm.
Chia sẻ về đơn hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ giảm, ông Vương Đức Anh, Chánh văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) bày tỏ, do tỷ lệ lạm phát tăng cao, nền kinh tế Hoa Kỳ dự kiến tăng trưởng chậm trong quý III và quý IV-2022 nên nhu cầu mua sắm thời trang giảm. Dự báo đơn hàng trong những tháng tới có thể giảm do tỷ lệ hàng tồn kho của thị trường này cao.
Video đang HOT
Cùng đó, diễn biến phức tạp của xung đột Nga – Ukraine khiến giá nguyên, phụ liệu liên tục tăng cao đang bào mòn lợi nhuận, sức chống chịu của doanh nghiệp.
Khó khăn hiện nay mà nhiều doanh nghiệp nhất là dệt may và da giày gặp phải đến từ tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ, giá cước vận tải ở mức cao tạo thêm khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu…
Đáng lưu ý, đơn hàng trong các tháng 11 và 12/2022 chưa rõ nhưng lợi nhuận quý III của ngành may dự báo sẽ giảm 25-30% so với quý II.
Còn theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), lạm phát và đồng USD tăng giá đang đè nặng lên khả năng tiêu thụ thủy sản tại các thị trường, nhất là những thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Anh…
Cùng với khó khăn về nguyên liệu, tỷ giá, lạm phát sẽ khiến cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhữngtháng cuối năm không thể duy trì được tăng trưởng cao như nửa đầu năm.
Tuy nhiên, thuỷ sản vẫn lạc quan vào con số xuất khẩu thủy sản trên 10 tỷ USD cho năm 2022, khi toàn ngành đã thu về được gần 6,7 tỷ USD trong 7 tháng qua.
Giải pháp trọng tâm
Đánh giá về tình hình các tháng cuối năm nay, đại diện Vinatex cho rằng, chỉ số giá nguyên liệu nhập khẩu tăng 11,2%, giá trị sản xuất công nghiệp chỉ tăng 4,5%; biên lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất bị bào mòn đáng kể.
Cùng đó là nguy cơ giãn, hoãn hoặc hủy đơn hàng dù đã ký kết có khả năng xảy ra rất cao do diễn biến kinh tế không thuận lợi ở các thị trường chính, lạm phát cao dẫn đến người tiêu dùng tiết giảm chi tiêu.
Để tận dụng hiệu quả các giải pháp xúc tiến thương mại, hướng tới xuất khẩu bền vững, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp cần nâng cao tính chủ động trong tìm hiểu thông tin, cơ chế chính sách, nghiên cứu thị trường, thẩm định đối tác hoặc phối hợp với các tổ chức xúc tiến thương mại để xây dựng kế hoạch và tham gia triển khai.
Các chuyên gia cũng dự báo cơ hội của xuất khẩu năm nay sẽ song hành cùng thách thức bởi lạm phát, suy thoái còn nhiều bất định, nhất là tại châu Âu và Hoa Kỳ.
Hơn nữa, mức độ kéo dài của khó khăn còn phụ thuộc vào tình hình biến động địa chính trị tại nhiều quốc gia cũng như tính đúng đắn trong điều hành chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ và các nước châu Âu, kể cả Việt Nam.
Theo ông Trần Thanh Hải, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay thì nhiều khả năng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả năm 2022 sẽ đạt trên 700 tỷ USD. Cán cân thương mại có thể duy trì xuất siêu và xuất nhập khẩu sẽ vượt mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đã đặt ra là tăng 7-8%.
Tuy nhiên, kết quả này có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố tác động, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi mà những thách thức, rủi ro vẫn còn và có thể tác động đến thị trường.
Đặc biệt, xung đột giữa Nga và Ukraine chưa chấm dứt có thể làm đứt gãy chuỗi cung ứng và việc suy thoái của một số thị trường cũng ảnh hưởng đến nhu cầu và tác động đến hoạt động nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vào các thị trường này.
Tại thời điểm này thì mức tăng trưởng của nhiều ngành hàng; trong đó, có ngành dệt may khá tốt. Dệt may cũng là ngành đang kỳ vọng có những bứt phá và đạt được kim ngạch xuất khẩu khoảng 45 tỷ USD trong năm nay.
Tuy nhiên, thực tế, với tình trạng có thể suy thoái và lạm phát ở một số thị trường thì dệt may và tiêu dùng nói chung là nhóm hàng mà có thể thuộc diện thắt chặt chi tiêu cũng như giảm bớt nhu cầu. Hiện nay, đây chính là thách thức lớn đối với ngành dệt may nói riêng và với nhiều ngành khác.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đang phải đối diện với nhiều yếu tố rủi ro khác, như vấn đề về thị trường, dịch bệnh, sự đứt gãy chuỗi cung ứng trên thị trường, dễ tác động bất ngờ, gây ảnh hưởng tới kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.
Trước những khó khăn này, các cơ quan quản lý nhà nước vẫn đang rất tích cực vào cuộc hỗ trợ cho các doanh nghiệp nói chung trong các ngành hàng. Chẳng hạn như tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản qua biên giới Trung Quốc; mở cửa thị trường; chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm…
Đặc biệt, vừa qua, đã có hai sản phẩm là sầu riêng và chanh leo đã được Trung Quốc chấp nhận xuất khẩu chính ngạch. Các mặt hàng khác như gạo, thủy sản, cà phê, hồ tiêu… cũng duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Bộ Công Thương xác định trong những tháng cuối năm sẽ tập trung đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy phát triển sản xuất thông qua hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng cam kết trong các FTA đã ký kết.
Bên cạnh đó, thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới; khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo để tạo ra các sản phẩm mới…
Ở góc độ doanh nghiệp, cần tuân thủ nghiêm túc, đầy đủ những quy định, chính sách của Nhà nước, hướng dẫn của các bộ, ngành trong tổ chức sản xuất, kinh doanh và hoạt động xuất nhập khẩu, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, quy trình quy định, yêu cầu điều kiện của các thị trường ngoài nước.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, những tháng cuối năm sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu thay thế với giá cả phù hợp để đảm bảo đủ nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng…chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm; tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt các FTA đã ký kết để tăng tốc sản xuất, xuất khẩu.
Đặc biệt, việc tạo thuận lợi hóa trong các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp cần được đẩy mạnh hơn nữa thông qua ứng dụng số hóa trong giải quyết thủ tục, điển hình như trong các thủ tục hoàn thuế, thủ tục thông quan xuất nhập khẩu, cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O).
Đưa quan hệ thương mại Việt Nam - Pháp lên tầm cao mới
Kể từ khi thiết lập quan hệ song phương đến nay, Việt Nam và Pháp luôn tạo dấu ấn trong quan hệ thương mại với những con số xuất khẩu ấn tượng.
Đặc biệt, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đi vào thực thi đã tạo đà cho hàng hoá Việt Nam xuất khẩu sâu hơn vào khu vực châu Âu; trong đó, có Cộng hoà Pháp.
Đặc biệt, quan hệ thương mại Việt Nam - Pháp đang phát triển theo hướng có lợi cho Việt Nam và xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới nhờ cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam phù hợp với phân khúc thị trường tầm trung và thấp tại Pháp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp vẫn còn hạn chế và chưa tương xứng với tiềm năng.
Vì vậy, chuyến thăm chính thức Cộng hoà Pháp của Thủ tướng Phạm Minh Chính từ ngày 3-5/11 theo lời mời của Thủ tướng Jean Castex sẽ mở ra cơ hội và đưa mối quan hệ hai nước lên tầm cao mới.
May hàng xuất khẩu sang thị trường EU tại Công ty May Thái Nguyên. Ảnh: Trần Việt/TTXVN
Bạn hàng thân thiết
Đại diện Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, Pháp luôn là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong khối Liên minh châu Âu (EU). Kim ngạch thương mại Việt Nam - Pháp đạt mức tăng trưởng tốt với tốc độ tăng trưởng bình quân 15,7%/năm trong giai đoạn năm 2011-2019. Riêng trong lĩnh vực xuất khẩu, Pháp hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam trong Liên minh EU (EU27), chỉ đứng sau Hà Lan, Đức, Áo và chiếm khoảng 10% tỷ trọng trên tổng xuất khẩu hàng hóa sang EU. Mặc dù vậy tỷ trọng hàng Việt Nam tại thị trường này còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 1,1% trên tổng lượng hàng nhập khẩu của Pháp.
Do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, năm 2020 kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Pháp chỉ đạt 4,8 tỷ USD, giảm 10% so với năm 2019; trong đó, xuất khẩu đạt gần 3,3 tỷ USD, giảm 12,3% và nhập khẩu đạt gần 1,6 tỷ USD, giảm 4,4%. Riêng tháng 9/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Pháp đạt 187,9 triệu USD và tính chung 9 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu đạt đạt 2,25 tỷ USD, giảm 9,9% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ, hàng hoá của Việt Nam xuất khẩu sang Pháp tương đối phong phú, đa dạng, bao gồm: giày dép; dệt may; đồ gia dụng; hàng nông, lâm, thuỷ sản; đá quý, đồ trang sức; đồ điện, điện tử; dụng cụ cơ khí; gốm sứ các loại; cao su; than đá; đồ chơi, sản phẩm thể thao, giải trí; sản phẩm nhựa; hàng mây tre đan...
Để thúc đẩy việc đưa hàng Việt vào thị trường Pháp, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại qua hệ thống phân phối của Pháp đã và đang liên tục được triển khai. Đơn cử như mới đây, lô vải thiều Thanh Hà đầu tiên gắn tem truy xuất nguồn gốc itrace247 đã có mặt tại hệ thống siêu thị Á Châu tại Paris (Pháp). Với tem truy xuất nguồn gốc itrace247, người tiêu dùng tại Pháp có thể ngay lập tức tiếp cận toàn bộ lịch trình chi tiết từ quá trình nuôi trồng, chăm sóc thu hoạch hay đóng gói đều được hiển thị rõ ràng theo trình tự thời gian.
Cho tới nay, trái vải Việt Nam mặc dù vẫn đang được nhập khẩu vào Pháp nhưng đều qua kênh nhập khẩu số lượng nhỏ, nhập khẩu chung với các loại trái cây khác. Hoặc, đưa vào Pháp từ các nước EU khác có điều kiện nhập khẩu ít ngặt nghèo hơn và gần như chưa được phân phối tại các hệ thống siêu thị lớn tại Pháp.
Trong bối cảnh đó, lô hàng gần 1 tấn vải thiều đầu tiên có gắn tem truy xuất nguồn gốc được nhập khẩu chính ngạch có ý nghĩa "khai thông" quan trọng cho trái vải nói riêng và nông sản Việt chất lượng cao nói chung vào thị trường Pháp.
Cùng với trái vải, số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại quốc tế cho thấy, quý I/2021, Pháp giảm nhập khẩu hạt điều từ nhiều nguồn cung, nhưng tăng mạnh từ Việt Nam và Hà Lan. Thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Pháp tăng từ 58,7% trong quý I/2020 lên 63,35% quý I/2021. Nhu cầu tiêu thụ hạt điều của Pháp được dự báo sẽ tăng trưởng trong thời gian tới, là cơ hội cho các nhà xuất khẩu Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, hàng hóa nhập khẩu từ Pháp về Việt Nam đa phần là những mặt hàng có giá trị cao, hàm lượng chất xám và công nghệ lớn; trong đó, dược phẩm, máy móc thiết bị và phương tiện vận tải luôn chiếm tỷ trọng đáng kể và kim ngạch nhập khẩu cao. Riêng năm 2020, nhập khẩu hàng hóa từ Pháp về Việt Nam đạt hơn 1,5 tỷ USD, giảm 4,3% so với năm 2019.
Về đầu tư, tính đến ngày 20/8/2021, Pháp đứng thứ 16/140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 632 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư trên 3,6 tỷ USD.
Xây dựng chiến lược
Để hàng hóa nông, thủy sản Việt Nam hiện diện nhiều hơn tại thị trường Pháp, các chuyên gia cho rằng, cần có những chiến lược để thu hút người tiêu dùng. Hơn nữa, giá bán hợp lý cũng là một yếu tố để có thể đưa hàng hóa vào được chợ đầu mối hoặc các hệ thống siêu thị đối tác tiềm năng. Bên cạnh đó, cần có chương trình hành động bài bản, kiên trì theo đuổi các đối tác tiềm năng, xây dựng lòng tin cũng như chứng minh được năng lực hợp tác và chất lượng sản phẩm.
Ngoài ra, khâu vận chuyển là khó khăn chung đối với đa số các công ty xuất khẩu Việt Nam, nhưng nếu thuyết phục được nhà nhập khẩu về chất lượng sản phẩm, các nhà xuất khẩu nông, thủy sản Việt Nam còn có được một lợi thế khác. Cụ thể, với mức thuế gần như bằng không, giá bán đến người tiêu dùng sẽ cạnh tranh hơn so với những sản phẩm cùng chủng loại được nhập từ các nước khác, không có Hiệp định EVFTA.
Theo khuyến cáo từ Thương vụ Việt Nam tại Pháp, cơ hội cho hàng Việt tiếp tục thâm nhập vào thị trường Pháp là rất lớn, tuy nhiên, giống như những quốc gia khác thuộc khu vực châu Âu, yêu cầu đòi hỏi của thị trường này cũng rất cao.
Do đó, các nhà cung cấp cần tiếp tục nỗ lực trong việc duy trì chất lượng. Dù giá cả rất quan trọng thế nhưng doanh nghiệp cần tuân thủ, tôn trọng và tự đặt mình vào các tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Đồng thời, cạnh tranh được với hàng hóa đến từ nhiều quốc gia khác.
Mặt khác, doanh nghiệp cũng cần tiếp tục nâng cao hệ thống quản lý chất lượng của các nhà máy bằng cách đạt được những chứng nhận quốc tế và tuân thủ các tiêu chuẩn về thuốc bảo vệ thực vật, phẩm màu, phụ gia thực phẩm.
Thương vụ Việt Nam tại Pháp cũng lưu ý doanh nghiệp có thể tận dụng các doanh nghiệp Việt kiều tại châu Âu để trở thành cầu nối cùng với doanh nghiệp trong nước tận dụng những cơ hội mới từ Hiệp định EVFTA.
Cùng với đó, các doanh nghiệp Việt Nam có thể mời chuyên gia kiểm soát chất lượng sản phẩm và công nhân lành nghề (thợ cả) của Pháp đến Việt Nam làm việc theo hợp đồng có thời hạn. Từ đó, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, vừa thông qua họ tìm hiểu thông tin vào thị trường, quảng bá các sản phẩm Việt Nam tại Pháp.
Đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh, sau 1 năm từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực đồng thời trong bối cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, Hiệp định vẫn đem lại những kết quả hết sức tích cực đối với thương mại - đầu tư song phương Việt Nam-Pháp.
Thế nhưng, để quan hệ thương mại hai bên được nâng lên tầm cao mới, Việt Nam đề nghị Pháp nói riêng và EU nói chung tiếp tục phối hợp chặt chẽ để tận dụng tốt Hiệp định EVFTA nhằm đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân của hai bên.
Theo đại diện Bộ Công Thương, Việt Nam khẳng định sự quyết tâm và dành nỗ lực cao nhất trong việc thực hiện đầy đủ những cam kết đã có trong Hiệp định EVFTA. Do đó, các cấp liên quan của Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Pháp và EU, tiếp tục xử lý những vấn đề vướng mắc trong quá trình thực thi Hiệp định EVFTA đảm bảo hiệu quả cao nhất của quá trình triển khai Hiệp định.
Bởi vậy, Việt Nam mong muốn Pháp và EU ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam, thông cảm về những khó khăn mà Việt Nam đang gặp phải trong quá trình thực thi Hiệp định đến từ những yếu tố khách quan và dành thêm hỗ trợ kỹ thuật riêng cho Việt Nam để thực thi Hiệp định EVFTA.
Bộ Công Thương lập đoàn kiểm tra kinh doanh tạm nhập, tái xuất tại 4 tỉnh biên giới Từ 26/9 - 7/10, Đoàn công tác liên ngành của Bộ Công Thương sẽ kiểm tra tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực hoạt động thương mại biên giới và hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai. Công chức Hải quan Ga Ga đường sắt Quốc tế Đồng Đăng, tỉnh Lạng...