“Kình ngư” một chân ngụp lặn cứu người
Người đàn ông ấy được mệnh danh là “vua đầm Thủy Triều”, không chỉ bởi thời gian gắn bó với đầm lâu nhất, mà vì ông là người hiểu rõ đầm này nhất so với những bạn lặn. Điều đặc biệt hơn cả là ông thợ lặn này chỉ có một chân.
“Kình ngư” một chân
Nếu là dân lặn biển, lặn đầm thì một người có sức khỏe bình thường cũng chẳng ai dám lặn như người đàn ông ấy. Vậy mà ông chỉ có một chân, vẫn ngày ngày lặn ngụp nơi đầm Thủy Triều để mưu sinh, để cứu vớt những phận người suýt làm mồi cho hà bá. Chúng tôi biết chuyện về ông qua một thợ lặn khác, và chẳng thể ngờ được, câu chuyện về ông lại đặc biệt hơn cả những lời kể.
Nay đã hơn 54 tuổi, cái nghề ấy vẫn chưa chịu từ bỏ ông. Ông làm việc còn hăng hái và thành thạo hơn trai tráng, mỗi lần lặn đầm của ông có lúc kéo dài đến 4 tiếng. Ông Nguyễn Kính (xóm 3, Cam Hải Đông, Cam Lâm, Khánh Hòa) thực sự khiến nhiều người kinh ngạc, không chỉ với tài lặn mà còn vì những hiểu biết của ông về quy luật của cái đầm dài hơn 20km này.
Tài lặn của ông ở xứ này không ai không biết. Năm 14 tuổi, ông giẫm phải mìn còn xót lại trong chiến tranh khi đang vui chơi với bạn bè. Thế là ông chỉ còn một chân. Lớn lên bên đầm Thủy Triều, số phận đã gắn kết ông với nghề chài lưới lặn đầm, kể cả khi ông bị thương tật. “Đó là cách duy nhất để tôi mưu sinh mà. Khi tôi còn trẻ, ngày bơi qua đầm mấy lần ấy chứ, bây giờ thanh niên trai tráng còn phải thua xa!”, ông tự hào nói về khả năng bơi lặn đặc biệt mà mình có được.
Nhưng lúc đầu khi ông mon men ra bến thuyền để lặn, nhiều người đã không khỏi lo sợ: “Chân tay như thế mà lặn cái gì! Người ta lành lặn mà còn chẳng ăn ai, huống chi què cụt như thế!”. Nhưng rồi, ông lao xuống nước và làm một mạch khiến mọi người trên bờ phải thất kinh. Từ đó, ông theo nghề lặn để mưu sinh khiến nhiều người phải ngỡ ngàng.
Ông Kính đang chuẩn bị thiết bị lặn đầm
Tôi chẳng thể nào tưởng tượng được cái cách mà ông ngụp lặn giữa dòng nước như thế nào. Nhưng ông cười hềnh hệch bảo đơn giản thôi. Vì mất đi một chân, nên trọng lượng cơ thể của ông dồn hết về 1 phía, do đó, khó khăn lớn nhất là lúc nổi lên mặt nước và trèo lên thuyền.
Video đang HOT
“Tôi không giữ thăng bằng được như người ta, nên để có thể leo lên thuyền, tôi đã phải luyện chiếc chân trái của mình trở nên dẻo dai và thành chân thuận; vì ở dưới nước người sẽ nổi lên, quan trọng là chân có đủ dẻo để giơ lên và bám vào thuyền rồi trèo lên hay không thôi?”.
Trong trường hợp trời mưa, ướt thuyền, gỗ trơn trượt, ông Kính phải bám vào thành thuyền và bơi kéo thuyền vào bờ, chứ không nhất thiết phải lên thuyền. Nhằm đảm bảo cơ thể ở dưới nước trong thời gian khoảng 2 tiếng/lần lặn, ông Kính đã buộc vào mình 1 khối lượng chì nặng 20kg, và mặc áo lặn để góp phần giữ nhiệt cho cơ thể vào mùa lạnh hoặc những khi lặn quá lâu. Ông chỉ nổi lên khi có việc cần thiết, còn không thì cứ ở lì dưới đáy đầm để kiếm sống.
Nói về “con rái cá trên đầm Thủy Triều” này, ông Nguyễn Phổi, tổ trưởng tổ dân phố Cam Đức, Cam Lâm, Khánh Hòa cho biết: “Tôi biết ông Kính lâu lắm rồi, nếu nói về người chỉ còn 1 chân mà đi lặn đầm và bắt hải sản tài như ông ấy thì quả là hiếm gặp. Trước kia, khi chưa có sự hỗ trợ của ắc-quy và quần áo lặn biển, ông Kính vẫn thường “lặn bộ”, tức là mình trần lao xuống đáy đầm và bắt hải sản trong vài phút rồi lại nổi lên, cứ như vậy cả ngày.
Đến nay, nhiều khi ông vẫn “lặn bộ”, vì ắc-quy có chì bên trong nên không khí không sạch! Thế mà ông đã lặn được hơn 30 năm rồi đấy!”. Với nhiều người bình thường, kể cả khi có sự hỗ trợ của kỹ thuật hiện đại, việc lặn trong thời gian dài cũng không hề đơn giản. Những ngư dân khác có thể vừa chèo thuyền bằng chân vừa nghỉ ngơi, nhưng ông phải luôn luôn đứng hoặc ngồi xổm trong khi chèo thuyền, vì khớp xương đầu gối của ông đã bị hỏng. Vì lý do này, ông đã sớm trang bị thuyền nhỏ chạy bằng động cơ để có thể tiện lợi hơn trong cuộc sống. Với ông Kính, những chuyến “lặn bộ” vẫn luôn được tiến hành đều đặn, nhất là khi thủy triều hạ, mực nước thấp.
Ông Kính có 2 chiếc chân giả, 1 dùng để đi lại ngày thường, 1 dùng vào những dịp lễ tết, giỗ họ tộc, và những ngày quan trọng khác. Đôi chân gỗ cũ kỹ, được ông đặt làm từ hơn 8 năm trước. Chân phải ông bị mìn cưa nát đến tận đầu gối, những khi “trái gió trở trời” vết thương cũ vẫn hành hạ ông. Nhớ ngày mới tham gia lặn đầm, người trong gia đình ông luôn ngăn cản vì chân ông đã như vậy, sao lại còn lặn được? Nhưng mãi rồi họ cũng quen, ông dần dần trở thành kình ngư! “Không làm thì lấy gì mà ăn, tôi sinh ra bên đầm thì phải dựa vào đầm mà sống chứ!” , ông cười tâm sự.
Một đời với đầm
Giờ đây tuổi đã cao, sức khỏe không còn như trước, nhưng nếu kể đến hiểu biết dưới đáy đầm cũng như kinh nghiệm mò bắt hải sản, có lẽ khó có ai ở đầm hơn ông được. “Ngày tôi chỉ kiếm được khoảng 7-8kg con đuôi heo bán khoảng 150 ngàn, nhưng tôi chỉ làm 1-2 tiếng trong khi cũng cân lượng như thế, thanh niên phải mất từ 3-4 tiếng đấy!”. Chính những hiểu biết của ông về con đầm này mà hiệu quả công việc của ông cao hơn người thường.
Chèo thuyền ra xa bờ để tìm vị trí lặn
Nơi đáy đầm luôn tồn tại những nguy hiểm mà ngay cả những thợ lặn chuyên nghiệp cũng không ngờ tới, nhưng với ông Kính lại là chuyện cơm bữa. Đoạn sâu nhất vào khoảng 7m nước, người lặn mò thủy sản và đuôi heo có thể đi bộ dưới đáy đầm như đi trên bờ một cách thoải mái. Để làm được điều đó, họ phải có sự hỗ trợ của hàng chục ký chì đeo trên người cũng như ắc-quy để chạy máy nổ bơm không khí.
Đầm Thủy Triều, là đầm nước mặn lớn nhất tỉnh Khánh Hòa, trải dài hơn 20km, ăn sâu vào đất liền, nơi rộng nhất khoảng 300m. Đáy đầm có khoảng 1.500 loại thủy sinh cư trú. Đây là nơi có chế độ thủy văn, thủy triều hết sức thuận lợi cho tàu cá loại nhỏ cũng như các loại động vật thủy sinh tồn tại và phát triển. Hiện nay, tài nguyên đầm đang ngày càng cạn kiệt dần. Thời gian gần đây, việc trồng cây ngập mặn và thảm rong biển đang được chú trọng nhằm cải thiện môi trường sống trong đầm.
Không còn đôi chân như những người “chạy đầm” bình thường, nhưng ông có thể lặn với đôi chân giả cũ kỹ của mình. Việc làm này khiến tất cả các thợ lặn trong vùng phải nghiêng mình kính nể. “Tôi bái phục ông ấy thật sự đấy! Chưa thấy ai như ông ấy cả, mất 1 chân, đeo chân giả vô lặn hơn cả đám thanh niên chúng tôi!”, người thanh niên làm nghề trong vùng thể hiện sự kính nể của mình với ông.
Ông Kính từng lặn và bắt được những loại cá có trọng lượng lớn, chất lượng thịt cao: cá giò, cá bò, cá bớp… có con thuộc dạng “khủng” nặng hơn 10kg. Nhắc đến Kính “cụt”, hầu như người dân nào ở khu vực đầm thủy triều này cũng đều biết đến ông với tài bơi, lặn thành thạo như con “rái cá” dưới lòng sông. Ông cũng là người trực tiếp trục vớt cả chục người chết đuối, hàng trăm tàu, ghe lớn nhỏ bị va chạm hoặc sóng đánh chìm trên con đầm này…
Nắm rõ quy luật sinh tồn của đầm vốn dựa vào lớp bùn dưới đáy sâu, ông Kính không bao giờ lặn vào thời gian trời mưa gió. “Nếu thời gian mưa gió mà lặn dưới đầm, rất dễ bị chôn sống vì bùn đất các nơi đổ về, đầm nằm ở vị trí thấp, nên lượng đất, cát đổ xuống đáy đầm mỗi khi trời mưa là rất lớn!”, ông Kính cho biết. Học theo ông, nhiều thanh niên đã không còn lặn đầm mỗi khi trở trời, mưa gió. Ông Kính “cụt” là 1 trong các lão ngư am hiểu rõ nhất và trải nghiệm mọi sự thay đổi của đầm Thủy Triều. Vì là đầm nước mặn, mỗi khi mưa bão, nước ngọt từ núi cao đổ về làm cá sẽ thiếu oxy nổi lên dọc 2 bên bờ đầm. “Lúc ấy chỉ việc vớt lên đem bán, cá còn thoi thóp vì nước mặn bị nước ngọt làm loãng chứ không phải dịch bệnh hay thuốc độc gì cả!”, ông Kính chia sẻ kinh nghiệm “thu hoạch” cá mỗi khi trời mưa gió. Điều thú vị này chính là bí quyết nuôi sống những người dân quanh đầm mà không cần phải “chạy đáy” hay thả lưới vào lúc giông bão, tối trời đầy hiểm nguy như trước nữa.
Ngồi trò chuyện với tôi một lúc, ông Kính cười sảng khoái nhưng đôi mắt vẫn hướng ra phía đầm, nơi ấy có những con thuyền nhỏ mong manh như chiếc lá trên mặt nước. Ông bảo nghề lặn đầm bây giờ thu nhập kém hơn trước, nhiều bạn lặn đã bỏ nghề vì không lo nổi cuộc sinh nhai, chỉ còn vài ba người yêu nghề là trụ lại. Nhưng với ông, đầm Thủy Triều dẫu không còn loài thủy sinh cho ông đánh bắt, thì ông vẫn cứ ra đầm, vẫn cứ lặn ngụp, bởi nghề lặn đã ăn vào máu ông rồi, không bỏ được nữa…
Theo Gia Ly – Đức Thọ (Dòng Đời)
Đại gia đình chuyên vớt xác, cứu người
Sinh ra và lớn lên trên dòng sông Hương xứ Huế, anh em lão ngư Nguyễn Văn Nết (SN 1956) nối nghiệp gia đình làm nghề sông nước. Đến khi lên bờ định cư, họ vẫn gắn bó với nghề, và vẫn giữ nguyên tấm lòng thiện nguyện khi cứu được nhiều người nhảy sông, giúp nhiều gia đình tìm được thi thể người thân chết đuối...
Đau đáu những kỷ niệm
Xuất thân là dân vạn đò ở vùng Vĩ Dạ trên sông Hương, ông Nết là đời thứ tư, con thuyền trên sông Hương vừa là nhà, vừa là phương tiện mưu sinh của cả gia đình. Cũng như những cư dân vạn đò khác, gia đình ông Nết cùng các anh em ruột hàng ngày ngược xuôi trên dòng sông Hương thả lưới đánh bắt con tôm, con cá mưu sinh qua ngày.
"Cha tôi là một thợ lặn nổi tiếng vùng sông Hương. Anh em tôi cũng thừa hưởng kinh nghiệm lặn giỏi từ ông, lặn xuống đáy sông sâu hơn hai chục sải tay người lớn là chuyện bình thường. Vì thế, anh em tôi còn đi lặn thuê để tìm những con tàu đắm trên biển, hay nhận các trụ cầu cũ dưới sông để lặn xuống cưa lấy sắt phế liệu... Và lặn sông tìm xác người như cái nghiệp đã ngấm vào mấy anh em tôi, sau những lần được đi theo phụ giúp cha chèo thuyền, đưa xác nạn nhân lên bờ" - ông Nết chia sẻ.
Lão ngư Nguyễn Văn Nết kể chuyện cứu người, vớt xác
Những vụ cứu người, tìm kiếm thi thể người luôn để lại trong ông những kỷ niệm buồn. Ông Nết nhớ, năm 1988, khi phát hiện một thi thể trôi dạt vào bờ sông An Cựu ở cầu Kho Rèn, rất nhiều người dân hiếu kỳ và người đi đường dừng xe chen lấn nhau trên cầu để xem lực lượng chức năng khám nghiệm tử thi, dù trời mưa tầm tã. Cầu Kho Rèn thời điểm ấy đã rất "già nua", nên khi dòng người đông đúc chen lấn đã làm lan can cầu bị gãy, kéo theo một mảng lớn mặt cầu cùng mấy chục người đang đứng trên cầu rơi xuống sông. Trong cơn hoảng loạn, họ bấu víu vào nhau nên rất nhiều người thiệt mạng trước khi được đưa lên bờ. "Vụ sập cầu Kho Rèn năm ấy thật kinh hoàng, tiếng khóc than dậy cả khúc sông... Chúng tôi ngụp lặn dưới nước từ 10h đêm đến 2h sáng vớt hơn 30 thi thể. Lúc ấy, ai cũng đã thấm mệt, nhưng do vẫn còn nạn nhân chưa được tìm thấy, nên ai cũng cố gắng tiếp tục lặn..." - ông Nết kể lại với cặp mắt hoe đỏ.
Đại gia đình ông Nết không thể nhớ hết đã lặn vớt bao nhiêu nạn nhân xấu số trong mấy chục năm qua, từ những trường hợp nạn nhân dại dột nhảy xuống sông tự tử vì tình, đến người bị tai nạn, vô tình bị sẩy chân...
Xót xa không kém là vụ hai chiếc thuyền chở cát tông nhau trên sông Hương cách đây hơn 4 năm. Ông Nết xúc động cho biết lúc lặn vào trong thuyền, ông thấy tay người mẹ vẫn nắm chặt thành nôi ru đứa con vẫn nằm trong nôi như say ngủ. Còn vụ chìm đò xảy ra trên sông Hương tháng 8/2003, nước sông Hương khi ấy rất đục, khu vực xảy ra tai nạn lại có rất nhiều hang hốc và ghềnh đá, kính thủy tinh bị vỡ lởm chởm dưới đáy sông vô cùng nguy hiểm, nên anh em ông phải nắm tay nhau dàn hàng ngang, để chẳng may có người gặp nguy hiểm thì còn biết để kịp cứu...
Làm việc thiện không mong ơn nghĩa
Với lão ngư Nguyễn Văn Nết, lặn sông tìm xác là việc làm phước chứ chẳng có thù lao. "Mỗi lần lặn vớt xác, gia đình nào có điều kiện tạ lễ cho vài trăm ngàn, anh em tôi dùng mua đồ cúng bái thần linh sông nước và người đã khuất, còn bao nhiêu thì mua ít rượu để uống cho đỡ lạnh sau khi lặn..." - ông Nết nói. Như sau cơn bão đổ bộ vào Thừa Thiên - Huế năm 1999, mấy anh em ông Nết được người dân thuê lặn vớt tôn, sắt thép đã bị cuốn trôi ở khu vực chân cầu Thuận, thì phát hiện xác người bị chết đang trong giai đoạn phân hủy. Sau khi đưa xác nạn nhân lên bờ mà không thấy thân nhân đến nhận, anh em ông Nết đành bỏ tiền túi ra mua ít vàng mã, hoa quả về cúng bái cho vong hồn người xấu số.
Gần chục năm nay, mấy anh em ông Nết đã được Nhà nước cấp đất lên bờ tái định cư ở thôn Lại Tân. Vợ chồng ông Nết cùng với 7 đứa con cũng đã lên bờ ở thôn La Ỷ, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang. Nhưng dù đã lên bờ và đã có tuổi, nhưng anh em ông Nết vẫn hàng ngày gắn bó với những con thuyền ngược xuôi trên dòng Hương Giang đánh bắt tôm cá và sẵn sàng nhảy xuống nước cứu giúp khi có người cầu cứu. "Bây giờ tôm cá hiếm, ngày nào giỏi cũng chỉ kiếm được 100.000 đồng từ tiền bán tôm, cá, nhưng nghề đã là nghiệp, không bỏ được. Hơn nữa, chúng tôi giữ nghề để con cháu cũng được truyền dạy kinh nghiệm, sau này có thể giúp đỡ được người khác... "- lão ngư Nguyễn Văn Nết chia sẻ.
Theo GTVT
Ký ức của dị nhân vớt xác người tự tử Những câu chuyện của ông Được về cái nghề vớt xác người chết và cứu cả người sống là những câu chuyện đượm buồn, đau lòng nhưng không kém phần đặc dị. Thăng trầm cuộc đời lão dị nhân vớt xác Ông Được "đen" (SN 1946) có tên đầy đủ là Nguyễn Đăng Được. Quê gốc của ông ở Hà Trạch, Bố Trạch,...