Kinh nghiệm xương máu từ những bại phẩm di động
Có những xu hướng phát triển smartphone chỉ mang lại thất bại cho nhà sản xuất.
Trong thị trường di động vốn cạnh tranh khốc liệt, các nhà sản xuất luôn nỗ lực tạo ra các thiết bị sở hữu các chức năng độc đáo nhằm tăng tính cạnh tranh so với đối thủ. Tuy nhiên, không phải cố gắng của họ lúc nào cũng được đền đáp xứng đáng. Để thành công, những đại gia công nghệ cần phải nghiên cứu, tính toán kỹ càng hơn về những chức năng mà mình cho là đột phá liệu có thực sự phù hợp với người dùng hay không. Đôi khi cần cả một chút may mắn để thành công, thất bại là điều khó tránh khỏi nhưng điều quan trọng là rút ra được kinh nghiệm xương máu từ những bại phẩm của mình.
1. Nhỏ hơn không phải là tốt hơn
Trước xu thế smartphone ngày càng trở nên to hơn với màn hình càng rộng càng tốt, ít ai biết được rằng trong quá khứ, một số nhà sản xuất trong đó có Palm (sau này đã được HP mua lại) đã đi ngược lại xu hướng này bằng những chiếc điện thoại có kích thước rất nhỏ chỉ vừa bằng lòng bàn tay của người dùng. Tiêu biểu trong số đó là HP Veer. Với màn hình cảm ứng chỉ 2,6 inch, chiếc điện thoại này dường như chỉ để nghe và gọi vì các tác vụ khác trên màn hình nhỏ tỏ ra vô cùng khó khăn. Hiển nhiên là HP Veer 4G không được thị trường đón nhận hào hứng và sớm bị khai tử.
Video đang HOT
2. Smartphone hai màn hình
Nghe thì có vẻ rất hấp dẫn nhờ khả năng chuyển đổi dễ dàng từ điện thoại trở thành máy tính bảng mini mà không làm ảnh hưởng nhiều tới kích thước nhưng thực tế, smartphone hai màn hình là một xu hướng sai lầm của ngành di động thế giới, ít nhất là ở thời điểm này và trong tương lai gần. Bởi lẽ, người dùng chưa thực sự có nhu cầu sử dụng đến hai màn hình cho các tác vụ khác nhau trong khi gò bó cả hai màn hình vào một chiếc điện thoại sẽ làm thiết kế trở nên cồng kềnh hoặc dị hợm hơn.
3. Smartphone 3D
Trong vài năm gần đây công nghệ 3D được ví von như một cuộc cách mạng làm nâng cao trải nghiệm người dùng, lần lượt những bộ phim bom tấn đã được 3D hóa rồi đến những chiếc điện thoại dần được trang bị tính năng này, điển hình là HTC EVO 3D hay LG Thrill 4G. Không thể phủ nhận khả năng xem hình ảnh và phim 3D trên hai chiếc điện thoại này đem tới rất nhiều trải nghiệm thú vị cho người dùng. Tuy nhiên, khi cảm giác mới lạ qua đi, tính năng 3D lại trở nên thừa thãi và sớm bị bỏ xó. Bằng chứng là từ đó cho đến nay, chúng ta không hề thấy sự xuất hiện của bất cứ một smartphone nào có khả năng hiển thị 3D.
4. Điện thoại Facebook
Đến giờ phút này, chúng ta có thể khẳng định hoàn toàn rằng điện thoại Facebook hay còn được biết đến với tên gọi HTC First là một thất bại hoàn toàn với doanh số bán hàng cực thấp cũng như liên tục phải giảm giá. Khi mà ứng dụng Facebook trên smartphone hiện nay dần được hoàn thiện thì ý tưởng tích hợp sâu các tính năng mạng xã hội vào một chiếc điện thoại bỗng trở nên ngớ ngẩn vì không hề tạo được sự khác biệt. Việc kết nối liên tục với Facebook khiến smartphone như thế sẽ nhanh chóng bị cạn kiệt năng lượng trong khi người dùng không phải ai cũng cần và sử dụng đến Facebook.
5. Smartphone chuyên chơi game
Xperia Play là một ví dụ đúng đắn nhất cho việc smartphone kiêm máy chơi game chưa thực sự thành công vào lúc này. Sự thiếu thốn ở kho ứng dụng game độc quyền cũng như thời lượng pin quá ít ỏi không thể đảm đương được cả hai nhiệm vụ máy chơi game cầm tay và smartphone chính là những rào cản khiến Xperia không thể thành công. Hoặc chúng cũng đủ sức khiến làm Sony nhụt chí để không tung ra những phiên bản tiếp theo của Xpleria Play.
6. iPhone 5c
Tuy chẳng đại diện rõ ràng cho một xu hướng nào cả nhưng thẳng thắn mà nói thì iPhone 5c là một thất bại của Apple. Lấy bộ khung phần cứng của iPhone 5 để ghép vào lớp vỏ nhựa nhiều màu kém mã hơn hẳn vỏ nhôm sang trọng cộng thêm mức giá có phần “chát chúa”, Apple đã không thể thuyết phục người dùng bỏ tiền túi ra mua iPhone 5c như mong muốn. Thay vào đó, họ sẽ cố gắng lựa chọn iPhone 5s hoặc đơn giản hơn là iPhone 5 cũ hoặc tồn kho. Thất bại của iPhone 5c minh chứng cho sự thiếu đầu tư về thiết kế lẫn tính năng của Apple trong bối cảnh thế giới di động đang ngày càng tiến lên.
Theo VNE