Kinh nghiệm “xương máu” khi cải tạo chung cư của cô vợ ở Hà Nội: Tuyệt đối không được tiếc tiền cho 5 thứ này!
Cắt giảm khoản nào cũng được, nhưng 5 khoản này thì tuyệt đối không.
2 năm trước, gia đình Thu Hiền chốt mua một căn chung cư 2 phòng ngủ ở Hà Nội. Sau khi nhận nhà, vợ chồng cô không dọn vào ở ngay, mà đã đầu tư khoảng 100 triệu để thiết kế lại toàn bộ nội thất theo đúng nhu cầu và mong muốn.
Sau khi hoàn thành quá trình sửa nhà, Thu Hiền đã rút ra được khá nhiều kinh nghiệm bổ ích, một trong số đó là 5 đầu mục không nên tiếc tiền, càng không nên nghĩ tới việc sử dụng các phương án thay thế giá rẻ. Bởi đã dọn vào ở rồi, việc khắc phục, sửa sang lại 5 hạng mục này sẽ rất tốn kém và gây ra nhiều bất tiện.
5 thứ không nên tiết kiệm khi cải tạo chung cư, cụ thể là những gì nhỉ?
1 – Chất liệu sơn tường
Thử tưởng tượng đi, sau một vài năm dọn vào ở, tường “bỗng dưng” bẩn hoặc mốc, làm thế nào cũng không sạch lại được. Lúc này mà muốn sơn lại toàn bộ ngôi nhà, đầu tiên là tốn tiền (rõ ràng rồi), tiếp đó là tốn thời gian di chuyển, bọc phủ đồ đạc, cộng thêm cả thời gian chờ cho mùi sơn bay hết đi nữa. Nói chung là rất tốn kém và rất phiền.
Bởi thế, chất liệu sơn tường là thứ rất đáng đầu tư. Bạn có thể lựa chọn loại sơn dễ lau vết bẩn, sơn có độ bền và độ giữ màu cao.
Nói chung, bạn nên ưu tiên chọn các thương hiệu sơn đã “có tiếng” trên thị trường để tổ ấm của mình bền đẹp trong vòng 10 năm sau khi sửa sang, dọn vào ở.
Chia sẻ của Thu Hiền
2 – Máy hút mùi
Nấu ăn 30 phút nhưng nửa ngày sau mùi thức ăn vẫn vảng vất khắp phòng khách, thậm chí bay cả vào phòng ngủ, đây chắc chắn là điều không ai muốn. Nhưng nếu không đầu tư một chiếc máy hút mùi tốt, chuyện đó là điều hoàn toàn có khả năng xảy ra, đặc biệt là vào mùa nồm – khi bạn không thể mở cửa sổ cho mùi thức ăn bay đi, vì chỉ cần hé cửa ra thôi là một lúc sau sàn đã ướt nhẹp rồi. Đặc sản mùa nồm xứ Bắc mà!
Video đang HOT
Chính bởi thế, đừng tiếc tiền cho 1 chiếc máy hút mùi công suất lớn!
Thu Hiền khuyên bạn nên chọn máy hút mùi công suất lớn ngay từ trước khi có bản vẽ thiết kế tủ bếp, vì thông thường, khu vực đặt máy hút mùi sẽ gắn liền với hệ tủ bếp bên trên
3 – Ghế sofa
“Không có cái gì tốt mà lại rẻ” chính là câu nói phù hợp nhất dành cho mặt hàng sofa. Sofa da đểu thì rẻ đấy nhưng dễ nổ. Sofa nỉ giá cũng “êm êm” nhưng lại khó vệ sinh, đặc biệt là với những gia đình có trẻ nhỏ hoặc những người có thói quen nằm vắt vẻo trên sofa vừa ăn, vừa uống, vừa xem phim.
Đầu tư sofa da xịn một chút là phương án về lâu về dài, vừa không lo da nổ, vừa dễ vệ sinh.
Sofa da xịn hơi đắt nhưng mà bền và dễ vệ sinh
4 – Chống thấm
Nhà mà dột là… hỏng rồi! Dù là nhà chung cư hay nhà đất thì việc đầu tư cho hệ thống chống thấm cũng là điều tuyệt đối không thể bỏ qua, đặc biệt là khi bạn ở những khu vực có mùa mưa hoặc mùa nồm.
Các vị trí có nguy cơ gây thấm dột cao đều phải được xử lý đúng quy trình và chủng loại ngay từ khi lên phương án cải tạo. Nếu không đến khi tường mốc, nhà dột mới xử lý, có khi phải phá cả tường cả trần ra để làm đấy!
Chân tường, sàn nhà vệ sinh và trần nhà là 3 vị trí dễ bị thấm dột nhất theo chia sẻ của Thu Hiền
5 – Tủ bếp
Thu Hiền cho biết tủ bếp nhà cô được làm bằng gỗ thịt – loại gỗ có độ bền cao, có khả năng chịu lực lớn. Sở dĩ, tủ bếp là nơi đựng nhiều thiết bị và bát đũa, lựa chọn chất liệu giá rẻ có thể khiến tủ nhanh hỏng, vừa tốn tiền sửa lại vừa gây ra nhiều nguy hiểm trong quá trình nấu nướng, đứng bếp.
Tủ bếp chính là hạng mục cuối cùng trong danh sách 5 hạng mục “không nên tiếc tiền” khi sửa nhà
Hy vọng với những chia sẻ của Thu Hiền, bạn sẽ bỏ túi được những bí kíp, những kiến thức “tuy nhỏ mà có võ” để chuẩn bị cho hành trình xây dựng, cải tạo tổ ấm của mình.
2 điều cần cẩn trọng trước khi mua chung cư nếu bạn không muốn rơi vào cảnh bỏ tiền tỷ mua nhà mà cuối cùng trở thành "đi thuê dài hạn"
Mua nhà là mục tiêu lớn và chính đáng, nhưng càng là chuyện lớn càng không nên nóng vội.
"Giá nhà quá đắt, chấp nhận ở thuê cả đời còn hơn buộc mình trong những khoản nợ" là suy nghĩ phổ biến của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Nhưng cách tư duy này lại không quá phổ biến ở Việt Nam. Nếu có cũng chỉ là số hiếm.
Làm gì thì làm, đến khi đã lập gia đình và có con, người ta vẫn muốn được ở trong căn nhà của mình, đứng tên mình chứ không còn muốn ở thuê nữa. Mua nhà là mục tiêu lớn và chính đáng nhưng trong bối cảnh giá BĐS nói chung và giá BĐS nhà ở nói riêng đang tăng cao như hiện nay, xuống tiền mua nhà trong nóng vội là quyết định tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn.
Ảnh minh họa
Để không phải chịu áp lực quá lớn từ việc vay nợ mua nhà, hoặc tệ hơn là phải bán nhà để lấy tiền trả nợ... mua nhà, bạn nên cân nhắc kỹ 2 điều dưới đây.
1 - Cảnh giác với chung cư chưa có sổ hồng hoặc nhà đất chưa chưa được quy hoạch
Mua nhà nói chung mà vấn đề pháp lý chưa rõ ràng, ví dụ điển hình nhất là chung cư không có sổ hồng hay nhà đất chưa được quy hoạch, là quyết định vô cùng mạo hiểm. Nghĩ kỹ thì quyết định này cũng chẳng khác nào chi tiền tỷ để thuê cố định 1 căn nhà trong thời gian dài.
Dẫu vậy, vẫn có không ít người chấp nhận mua chung cư chưa cấp sổ hồng hoặc nhà đất đang "nhập nhằng pháp lý", vì loại hình BĐS này rẻ hơn hẳn.
Rủi ro lớn nhất khi lựa chọn loại hình BĐS này chính là bạn sẽ không được Nhà nước công nhận quyền sở hữu hợp pháp căn hộ, hoặc quyền sử dụng đất. Vì vậy khi xảy ra các tranh chấp liên quan đến tài sản này, bạn sẽ không được pháp luật bảo vệ.
2 - Vay tiền mua nhà trong khả năng chi trả
Từ đầu năm 2024, lãi suất vay mua nhà của phần lớn các ngân hàng Việt Nam đều giảm. Ở thời điểm tháng 6/2024, mức lãi suất cho vay mua nhà của các ngân hàng đang giao động trong khoảng 5% - 10%/năm.
Vay ngân hàng để mua nhà là lựa chọn dễ hiểu vì không phải ai cũng sẵn trong tay tiền tỷ để trả đứt giá trị một khối BĐS. Tuy nhiên, việc tính toán số tiền cần vay và cân đối với khả năng trả nợ của bản thân thì không phải ai cũng biết. Chưa kể, đặt trong bối cảnh suy thoái kinh tế và làn sóng sa thải, việc tính tới trường hợp tệ nhất là mất việc, giảm thu nhập thì lấy đâu ra tiền trả nợ là câu hỏi không nên bỏ qua.
Để loại trừ tối đa xác suất bị ngân hàng "siết" nhà do không còn khả năng trả nợ, bạn cần biết tới quy tắc 28/36 - Quy tắc giúp người đi vay mua nhà tự cân nhắc khả năng tài chính của bản thân.
Ảnh minh họa
Theo quy tắc 28/36: Bạn chỉ nên dành tối đa 28% tổng thu nhập hàng tháng của mình cho khoản vay mua nhà, và tối đa 36% thu nhập cho toàn bộ các khoản vay khác.
Ví dụ thế này: Thu nhập hàng tháng của bạn là 30.000.000 đồng. Như vậy, trong 1 tháng:
- Số tiền tối đa mà bạn nên dành cho khoản vay mua nhà là: 30.000.000 x 28% =8.400.000.
- Số tiền tối đa mà bạn nên dành cho tất cả các khoản nợ khác (bao gồm cả nợ vay mua nhà) là: 30.000.000 x 36% = 10.800.000.
Trong trường hợp bạn không có khoản nợ nào khác ngoài tiền vay mua nhà, bạn có thể cân nhắc tăng tỷ lệ vay mua nhà lên thành 36%/tổng thu nhập hàng tháng.
Ngược lại, nếu bạn cần chi trả 20 triệu/tháng cho khoản vay mua nhà và 4 triệu/tháng cho các khoản vay còn lại, tổng nợ phải trả hàng tháng của bạn là 24 triệu. Vậy mức thu nhập bạn cần có để đảm "độ an toàn" khi trả khoản nợ 24 triệu này là: 24.000.000/28% = 85.800.000.
Căn hộ rộng 19m2 được cải tạo thành không gian đủ cho 3 người ở vẫn thoáng mát, thậm chí đón được khách tới chơi Người ta vẫn luôn than phiền và cảm thấy chán nản khi phải sống trong 1 căn hộ nhỏ hẹp. Thật may mắn, cuộc sống hiện đại với nhiều đổi thay đã giúp chúng ta giải quyết vấn đề này. Dù chỉ có 19m2 nhưng nhà mới của chị Mei vẫn đáp ứng đủ nhu cầu của hai thế hệ, với 3 người...