Kinh ngạc siêu tàu ngầm Anh lặn 25 năm không cần tiếp liệu
Tàu ngầm mới nhất của Hải quân Anh – HMS Audacious, đã có chuyến ra khơi vào cuối tháng 4 vừa qua, có thể hoạt động dưới nước suốt 25 năm liên tục.
Tàu ngầm hạt nhân HMS Audacious của Anh ra khơi hôm 27/4.
Theo Sputnik, HMS Audacious, được hạ thủy từ nhà máy đóng tàu của BEA Systems ở cảng Barrow-in-Furness, Cumbria. Tàu HMS Audacious là một trong 7 tàu ngầm lớp Astute, được thiết kế để trở thành một trong những tàu ngầm yên lặng nhất thế giới nhờ hệ thống sonar thủy âm hiện đại. Các tàu ngầm lớp Astute, sẽ thay thế các tàu lớp Swiftsure, được đưa vào biên chế nhằm xác lập tiêu chuẩn mới cho hệ thống vũ khí của Hải quân Anh.
Con tàu đã hoàn tất sau 10 năm khởi đóng với kinh phí hơn 1 tỷ USD. Tàu có chiều dài khoảng 97m, tải trọng 7.400 tấn.
Tàu ngầm này dự kiến sẵn sàng phục vụ năm 2018 và được trang bị các lò phản ứng hạt nhân đủ lớn để cung cấp năng lượng ở cả thành phố Swindon.
HMS Audacious được thiết kế để có thể hoạt động dưới nước cho tới năm 2043 mà không cần tiếp nhiên liệu. Đây cũng là tàu ngầm tấn công lớn nhất, hiện đại nhất được đưa vào biên chế của Hải quân Anh. Theo Daily Mail, HMS Artful, tàu “chị em” của HMS Audacious, được hoàn tất vào tháng 5/2014 và có chuyến ra khơi lần đầu cách đây 3 năm cũng từ cảng Barrow-in-Furness.
Mặc dù các tàu ngầm lớp Astute hoạt động nhờ năng lượng hạt nhân, chúng chỉ được trang bị các quả ngư lôi Spearfish và tên lửa hành trình Tomahawk, chứ không phải các đầu đạn hạt nhân. Khi được trang bị tên lửa hành trình Tomahawk, tàu có khả năng tấn công mục tiêu ở cách xa 1.240km với độ chính xác cao.
Hải quân Hoàng gia Anh hiện có 4 tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân của Anh, tên lửa Trident của Mỹ. Chính phủ Anh cho biết có kế hoạch thay thế các tàu lớp Vanguard bằng lớp Successor, sẽ được trang bị một tên lửa mới do Mỹ chế tạo.
Video đang HOT
(Theo Tin Tức)
Người nắm giữ công tắc khai hỏa tên lửa hạt nhân từ tàu ngầm Anh
Sĩ quan hải quân có nhiệm vụ nhấn công tắc khai hỏa dàn tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Anh chia sẻ ông cảm thấy vừa "vinh dự nhưng cũng rất áp lực" vì phải nắm giữ món đồ nguy hiểm chết người này.
Thiếu tá hải quân Anh Woods cầm trong tay công tắc khai hỏa dàn tên lửa Trident trên tàu ngầm HMS Vigilant. Ảnh: PA
Được khóa trong một két an toàn đặt trên tàu ngầm HMS Vigilant của Anh, công tắc có thể cướp đi sinh mạng hàng triệu người trông khá vô hại. Mô phỏng theo báng khẩu súng lục Colt 45 Peacemaker, công tắc này sẽ phóng dàn tên lửa Trident II D5 của tàu ngầm HMS Vigilant, gắn các đầu đạn với sức công phá mạnh gấp nhiều lần quả bom nguyên tử đã phá hủy thành phố Hiroshima của Nhật Bản hồi năm 1945, bất cứ khi nào có lệnh, theo Telegraph.
Trong trường hợp HMS Vigilant được yêu cầu khai hỏa các vũ khí của mình, nhiệm vụ kéo công tắc khởi động thuộc về người đàn ông mang họ Woods, là cha của ba đứa trẻ. Để đảm bảo an toàn, Telegraph không thể nêu tên đầy đủ của người này.
Thiếu tá hải quân Woods đang chuẩn bị cho chuyến tuần tra biển tiếp theo của mình bằng việc ghi âm các câu chuyện trong cuốn tiểu thuyết Harry Potter để bật cho các con nghe trước khi đi ngủ lúc ông vắng nhà. Nhìn vào khung cảnh này, chẳng ai ngờ rằng Woods một ngày nào đó lại có thể chính là người phát động cuộc tấn công khiến một quốc gia biến mất khỏi bản đồ.
Woods chia sẻ ông cảm thấy vừa "vinh dự nhưng cũng rất áp lực" vì phải đảm đương trọng trách lớn lao này.
Khi mệnh lệnh khai hỏa truyền tới, các sĩ quan phụ trách kỹ thuật sẽ không biết mục tiêu mà họ tiêu diệt nằm ở đâu, cũng như số phận của họ sẽ bị ảnh hưởng như thế nào bởi những sự kiện này.
"Chúng tôi hành động theo lệnh của thượng cấp", Woods nói. "Khi dành hầu hết thời gian trên một con tàu ngầm ngoài khơi, bạn không thể nắm hết toàn bộ câu chuyện. Chúng tôi phải tin tưởng rằng họ biết mình đang làm gì".
"Trident cuối cùng chính là một hệ thống vũ khí chính trị. Nó hiện diện ở đó như một lời răn đe", Woods bình luận. "Nếu chúng tôi buộc phải khai hỏa chúng thì điều đó cũng có nghĩa thế răn đe đã mất".
Một khi tên lửa được tàu ngầm phóng đi ở vận tốc 6.000 m/s, lúc đó sẽ không còn cách nào để chặn chúng lại, Woods nhấn mạnh. "Chúng tôi không thiết kế nút tự hủy".
Tàu ngầm lớp Vanguard HMS Vigilant của Anh. Ảnh: PA
HMS Vigilant là một trong 4 tàu ngầm răn đe hạt nhân của Anh. Mỗi chiếc mang theo 8 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Trident và 40 đầu đạn hạt nhân, hiện có nhiệm vụ tuần tra dưới lòng Đại Tây Dương. Các cuộc đi tuần này được giữ bí mật tới mức chỉ 4 trong 135 thành viên thủy thủ đoàn biết chính xác đường di chuyển của tàu trong suốt hành trình.
Trong một cuộc tuần tra dưới đáy đại dương kéo dài nhiều tháng, các thành viên thủy thủ đoàn không thể liên lạc với gia đình và chỉ được phép gửi một bức điện tín dài 120 từ cho người thân hàng tuần.
Mỗi tin nhắn sẽ được 6 đến 7 người kiểm tra trước khi chuyển đi. Vào thời điểm chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ, các thủy thủ phải quyết định việc họ sẽ nhận tin xấu từ gia đình ngay lập tức hay nhận khi kết thúc hành trình trở về.
Lệnh khai hỏa tên lửa chỉ được thực hiện khi có sự xác nhận của thủ tướng cùng hai quan chức cấp cao khác. Khi thông điệp truyền tới tàu, các chuyên gia sẽ giải mã nó để kiểm tra tính xác thực.
"Chúng tôi nhận tín hiệu, xác minh nội dung của nó để chắc chắn rằng chỉ đạo của thủ tướng là thật và không có ai đang cố gắng đánh lừa chúng tôi. Sau đó, chúng tôi bắt đầu chuẩn bị để phóng tên lửa", Woods cho biết.
Mệnh lệnh mà không một sĩ quan nào muốn nghe sẽ có nội dung như sau: "Sẵn sàng hành động, phóng tên lửa chiến lược".
Như một phương án dự phòng, tàu ngầm còn mang theo bức thư từ thủ tướng, được khóa trong két. Lá thư tuyệt mật trên chứa các mệnh lệnh dành cho thuyền trưởng trong trường hợp người này không thể liên lạc với chính quyền Anh.
"Chúng tôi gọi lá thư ấy là bản hướng dẫn cuối cùng", ông Dan Martyn, chỉ huy tàu HMS Vigilant, nói. "Nếu vào giờ phút quan trọng mà tôi không nhận được hướng dẫn nào, tôi sẽ mở thư của thủ tướng trước mặt một sĩ quan khác. Người này đưa cho tôi chỉ dẫn về thứ mà thủ tướng muốn tôi làm".
Nội dung của các bức thư, được viết ngay sau khi thủ tướng nhậm chức, là bí mật quốc gia.
"Thư được chuyển tới tàu và đưa vào két. Nó sẽ về lại tay thủ tướng khi ông rời văn phòng", Martyn nói. "Chưa từng có nhà lãnh đạo nào công bố nội dung họ viết trong những bức thư này".
Binh sĩ thuộc lực lượng vũ trang Anh đứng gác trên boong tàu HMS Vigilant. Ảnh:PA
Vũ Hoàng
Theo VNE
Tham vọng xây dựng đội tàu chiến gần 2.000 tỷ USD của Mỹ Hải quân Mỹ sẽ tốn 102 tỷ USD mỗi năm trong gần hai thập kỷ để đóng mới, vận hành và sửa chữa hạm đội 355 tàu chiến theo kế hoạch đề ra. Mỹ phải thay toàn bộ hạm đội để đạt con số 355 tàu. Ảnh: Business Insider. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) mới đây cho biết kế hoạch...