Kinh hoàng vay tiền qua ứng dụng với mức lãi “cắt cổ”
Vay tiền qua ứng dụng (App), người vay không những phải chịu l ãi suất “cắt cổ” mà còn bị gọi điện đe dọa, khủng bố tinh thần khi chưa trả được nợ.
Hiện nay, trên mạng xã hội nở rộ nhiều trang web cho vay tiền qua App với những lời chào mời hấp dẫn như: thủ tục vay nhanh chóng, mức vay từ 2-10 triệu đồng, không cần thế chấp hay ký hợp đồng, không giữ giấy tờ, không gặp mặt hay gọi người thân…
Chỉ cần đánh từ khóa “vay tiền qua App” trên google hay facebook, hàng trăm trang cho vay qua ứng dụng này đã hiện lên với các tên như: Vay tiền qua app, App vay tiền online mới uy tín, Hỗ trợ vay tiền qua app, Vay tiền qua app – chỉ cần CMND…
Điều đáng nói, các ứng dụng này đều công khai mức lãi suất rất vừa phải, không vượt quá 20%/năm – mức trần lãi suất theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thực tế, mức lãi suất đó chỉ là “tượng trưng”, nếu người vay không trả đúng hẹn thì sẽ phải chịu các khoản phí và lãi phạt rất cao.
Phổ biến nhất là quy định cộng dồn lãi suất vào hợp đồng vay thành khoản vay ngay từ ban đầu, người vay sẽ phải chịu lãi suất nhiều hơn số tiền vay ban đầu và bị trừ trước vào khoản vay. Ví dụ, nếu vay 1 triệu thì người vay chỉ nhận được 700.000 – 800.000 đồng, còn khoản gốc thì vẫn phải trả đầy đủ…
Nhiều người phải chịu lãi suất “cắt cổ” khi vay tiền qua App. (Ảnh minh họa: KT)
Nhiều người khi lâm vào hoàn cảnh túng bấn, gặp được một App nhiệt tình chào mời vay tiền thì “như vớ được vàng”, đã lập tức vay “ nóng” mà không nghĩ đến khoản tiền lãi “cắt cổ” và cũng không tính toán được khả năng chi trả món nợ của mình hay những hệ lụy mà nó để lại.
Chị Trần Ngọc Minh, ở Cầu Giấy (Hà Nội) là một nạn nhân của việc vay tiền qua App. Hồi đầu tháng 5, do có việc đột xuất và cần một khoản tiền 5 triệu để giải quyết công việc. Chị đã “liều” kick vào một trang cho vay tiền qua app, với thủ tục nhanh gọn, chị đã vay được số tiền này trong thời gian 1 tháng. Tuy nhiên, đến hạn, chưa thể trả, chị đã bị tính lãi phạt tới 30% của số tiền vay thực.
Video đang HOT
Những ngày sau đó, chị liên tục nhận được các cuộc gọi “khủng bố” đòi tiền. Không chỉ vậy, người nhà, người thân, bạn bè của chị không vay cũng bị đòi nợ theo. Sau nhiều ngày như thế, chị Minh đã rơi vào tình trạng hoảng loạn và run sợ mỗi khi nghe tiếng chuông điện reo…
Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBlaw, sở dĩ có tình trạng “một người vay, nhiều người bị ảnh hưởng” là các ứng dụng vay tiền yêu cầu người vay tạo một tài khoản bằng cách cung cấp các thông tin cá nhân (hình ảnh, số CMND, hình CMND, số tài khoản ngân hàng) và đồng ý các điều khoản trên hợp đồng điện tử do ứng dụng soạn sẵn. Trong đó có điều khoản, buộc người vay đồng ý cho ứng dụng truy cập danh bạ trên điện thoại di động.
Nếu người vay đáp ứng đầy đủ điều kiện vay tiền thì hệ thống tài khoản của công ty sẽ tự động chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của người vay. Tuy nhiên, vấn đề đáng nói là lãi suất của các App cho vay này rất cao, có thể lên đến 900%/năm.
Ví dụ, khách hàng vay 1.700.000 đồng nhưng thực tế chỉ nhận được số tiền 1.428.000 đồng, còn 272.000 đồng là tiền phí dịch vụ. Trong vòng 8 ngày, người vay phải trả 2.040.000 đồng (trong đó gồm 1.700.000 đồng tiền gốc và 340.000 tiền lãi). Nếu khách vay tiền trả chậm sẽ bị phạt 102.000 đồng/ngày.
“Khi đến gần thời hạn trả nợ, nhân viên bộ phận thu hồi nợ sẽ điện thoại nhắc nhở người vay phải trả đúng hạn. Đến hạn trả nợ mà người vay chưa trả nợ hoặc không trả nợ thì nhân viên thu hồi nợ sẽ điện thoại cho những người trong danh bạ điện thoại của người vay để chửi bới, đe dọa và yêu cầu những người này phải nói người vay trả tiền cho công ty. Thậm chí có app còn cho chạy quảng cáo trên facebook hoặc dán ảnh con nợ lên khắp nơi, gây ảnh hưởng đến hình ảnh của người này”, ông Nguyễn Thanh Hà cho hay.
Cũng theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, nguyên nhân của tình trạng này là do quy định của pháp luật còn nhiều kẽ hở nên các đối tượng cho vay nặng lãi dễ dàng lách luật. Chẳng hạn, quy định lãi suất cho vay không quá 20%/năm nhưng các đối tượng này lách bằng cách hợp đồng ghi lãi suất 20%/năm nhưng phí hơn 100%.
Cùng với đó, nhiều App cho vay trực tuyến đang hoạt động dựa trên mô hình cho vay ngang hàng (P2P Lending). Toàn bộ hoạt động vay, trả nợ giữa người đi vay và người cho vay được nền tảng giao dịch trực tuyến ghi nhận và lưu trữ bằng các bảng điện tử, số hóa. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật Việt Nam hiện tại chưa có quy định cụ thể về hoạt động của P2P Lending, lợi dụng điều này, nhiều App cho vay đã có nhiều chiêu trò để cho vay với lãi suất cắt cổ.
Nói về mức phạt với các đối tượng cho vay lãi suất cao qua App, luật sư Nguyễn Thanh Hà cho hay, các đối tượng thực hiện có tổ chức với hành vi tinh vi để lừa những người đang gặp khó khăn về tài chính thì có thể bị truy tố hình sự với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật hình sự 2015. Tùy theo mức độ, các đối tượng có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, phạt tù từ 2 – 7 năm, 7 – 15 năm, phạt tù từ 12 – 20 năm hoặc tù chung thân và có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 – 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Các đối tượng khi thúc nợ, đòi nợ sẽ dùng các biện pháp như đe dọa, xúc phạm, khủng bố người vay, thì cũng có thể bị truy tố về các tội danh khác như: cưỡng đoạt tài sản, đe dọa giết người… Do vậy, cần phải xem xét tất cả các thủ đoạn, hành vi của các đối tượng trên để áp dụng chế tài phù hợp.
“Ngoài sự can thiệp của các cơ quan chức năng, người dân cũng phải tìm hiểu, cân nhắc kỹ khi sử dụng hệ thống tín dụng qua mạng, vay tiền qua các App online. Phải lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ thể hiện đầy đủ thông tin như: tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, điện thoại… Ngoài ra, các App cho vay phải thể hiện rõ các thông tin, tài liệu liên quan đến giao dịch như: công bố rõ ràng chính sách bảo vệ thông tin, mẫu hợp đồng, biểu phí, xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể tham gia giao dịch… để tránh rủi ro”, luật sư Nguyễn Thanh Hà khuyến cáo.
Cẩn trọng với "tín dụng đen" bùng phát trong mùa dịch
Trong bối cảnh khó khăn chung do ảnh hưởng của dịch bệnh, tín dụng đen đã bùng phát mạnh, để lại nhiều hệ lụy khó lường, người dân cần cẩn trọng.
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo theo nhiều hệ lụy khác của xã hội như: sản xuất, kinh doanh, buôn bán ngưng trệ; Nhiều người bị thất nghiệp, mất việc, giảm thu nhập hoặc không có tài sản tích lũy, dẫn đến đời sống gặp nhiều khó khăn. Với những doanh nghiệp vừa và nhỏ thì khó có cơ hội để tiếp cận với các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân hàng, các tổ chức tín dụng hợp pháp. Những đối tượng này là "con mồi béo bở" của thị trường tín dụng đen.
Anh Đào Hữu Hải, chủ một xưởng nội thất ở Mỹ Đình (Hà Nội) cho biết, gần 3 tháng qua, do dịch bệnh bùng phát nên xưởng của anh hoạt động không ổn định. Các đơn hàng giảm tới 70% so với trước đó. Lợi nhuận thu được chỉ đủ trả chi phí cho thuê cửa hàng, nhân công, điện, nước. Từ khi thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội, xưởng nghỉ hoạt động hoàn toàn. Không có thu nhập nhưng vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng, anh Hải lâm vào tình cảnh bí bách từ đây.
Là doanh nghiệp nhỏ nên rất khó có thể tiếp cận các nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng, không còn cách nào khác anh hải phải xoay sang vay tín dụng đen theo ngày để trang trải những chi phí cần thiết. Theo đó, anh đã vay 50 triệu đồng trong vòng 3 tháng với mức vay 5.000 đồng/triệu/ngày. Như vậy, sau 3 tháng anh Hải sẽ phải trả số tiền lãi là 22,5 triệu đồng. Đây là số tiền không nhỏ đối với doanh nghiệp trong bối cảnh đầy khó khăn hiện nay...
Tín dụng đen đang bùng phát mạnh và để lại nhiều hệ lụy.
Hiện nay, người dân không chỉ có thể vay tiền từ các "ngân hàng cột điện", tờ rơi, quảng cáo trá hình mà nắm bắt được tâm lý và hoàn cảnh của nhiều người, dịch vụ cho vay này còn bùng phát rất mạnh trên mạng xã hội dưới mác "cho vay tiêu dùng" với những lời mời chào đầy hấp dẫn.
Với từ khóa "vay tiền nhanh", trên google hay mạng xã hội cho hiển thị hàng trăm kết quả với các dịch vụ có tên gọi như: Hỗ trợ vay tiền nhanh; Hội cần vay tiền Hà Nội; Vay tiền nhanh; Vay tiền online giải ngân trong ngày; Vay tiền nhanh, vay tiền trong 24h...
Thủ tục để vay tiền từ các tổ chức này khá đơn giản, chỉ cần có chứng minh thư hoặc căn cước công dân, số hộ khẩu gốc hoặc bằng lái xe gốc là có thể được giải ngân ngay sau 30 phút làm việc... Vì sự dễ dàng trong thủ tục và có thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng ngay và luôn nên những dịch vụ này luôn hấp dẫn khách và thu hút được một lượng lớn người "follow" trên các fanpage.
Mặc dù thời gian qua, các tổ chức tín dụng đen liên tục bị cơ quan chức năng "thổi còi", triệt xóa, được tuyên truyền, người dân cũng đã phần nào cảnh giác nhưng trong tình hình hiện nay, những tổ chức này bắt đầu hoạt động trở lại.
Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB Law, việc người dân tìm đến tín dụng đen hay cho vay tiêu dùng để giúp ổn định cuộc sống trong mùa dịch này là điều không hiếm. Việc vay tín dụng đen được nhiều người lựa chọn chủ yếu bởi những lời quảng cáo đầy hấp dẫn như: thủ tục gọn nhẹ, đơn giản, nhanh chóng, lãi suất vay thấp, thậm chí 0%... Thế nhưng, khi làm thủ tục xong rồi mới phát sinh nhiều chi phí khác, tiền gốc còn không được nhận đủ, lãi mẹ đẻ lãi con, khi chưa kịp trả thì bị đe dọa, chửi bới, gây ảnh hưởng đến tâm lý và đời sống sinh hoạt. Nói chung, hệ lụy do tín dụng đen để lại là rất lớn.
Ông Nguyễn Thanh Hà đưa ra lời khuyên, trước khi vay tiền từ một tổ chức nào đó, người dân cần tìm hiểu kỹ các loại hình cho vay, nếu không sẽ bị lừa vay phải lãi suất cao, dẫn đến mất khả năng trả nợ. Bởi bên cạnh hệ thống ngân hàng, công ty tài chính hoạt động chính thống, bài bản thì cũng có hàng loạt mô hình biến tướng tín dụng đen như: cầm đồ, vay tiền online qua app. Do đó, người dân cần phải rất cảnh giác cao với những loại hình cho vay này.
"Khi có nhu cầu vay tiền, người dân cần tìm hiểu rõ thông tin pháp lý của đơn vị cho vay trước khi quyết định nộp hồ sơ vay. Khi trao đổi thông tin với nhân viên tư vấn tín dụng, khách hàng cần hỏi rõ các thông tin của nhân viên tư vấn hoặc yêu cầu nhân viên tư vấn cung cấp hình chụp danh thiếp, tránh tình trạng bị giả mạo đánh cắp thông tin", Luật sư Nguyễn Thanh Hà nhấn mạnh./.
Chung Thủy
Nhân viên bất động sản "khủng bố" khách hàng vì từ chối mua đất giá cao Sau khi khách hàng từ chối mua đất vì giá cao, hai nhân viên của một công ty chuyên về môi giới bất động sản ở Tp.Vinh (Nghệ An) đã tìm đến nhà, nơi làm việc của khách để khủng bố tinh thần, yêu cầu phải chi tiền dịch vụ. Ngày 12/6, Phòng cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã...