Kinh hoàng tuyến đường đi qua là muốn ho “rụng phổi” ở Hà Nội
Đoạn đường chỉ kéo dài 2,7km nhưng chỗ nào cũng bám bụi dày đặc khiến cuộc sống của người dân nơi đây bị đảo lộn.
Xe tải chen chúc đi lại trên tuyến đường Hoàng Tăng Bí (Bắc Từ Liêm, Hà Nội).
Đã từ nhiều năm nay, người dân sinh sống dọc con đường Hoàng Tăng Bí (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) phải chịu cảnh khổ sở khi con đường kéo dài khoảng 2,7km hằng ngày phải “cõng” hàng hàng ngàn lượt xe tải, xe bê tông từ các khu công nghiệp chạy qua.
Theo những người dân sống tại đây, đường Hoàng Tăng Bí trước đây là con đường đất chạy qua 3 xã ngày xưa của huyện Từ Liêm cũ là Xuân Đỉnh, Đông Ngạc và Thuỵ Phương. Đến năm 2010, đường này mới được đặt tên là Hoàng Tăng Bí. Thế nhưng từ năm 2014, biển cấm từ đầu đường Tân Xuân rẽ vào Hoàng Tăng Bí không biết vì lí do gì bị gỡ bỏ. Từ lúc ấy, những xe siêu trường, siêu trọng mang theo hàng tấn cát bụi bắt đầu hoành hành.
Những “cơn bão” bụi dày đặc luẩn quẩn trong không khí từ sáng sớm đến tối khuya khiến con đường trở thành nỗi kinh hoàng với người dân nơi đây. Để đối phó với bụi bặm, người dân sống dọc con đường luôn phải phun nước trước cửa nhà để hạn chế hay đóng cửa im ỉm cả ngày, thế nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tình thế.
Người dân sinh sống trong khu vực bức xúc khi hằng ngày có hàng ngàn lượt xe tải cày xới tuyến đường gây bụi mù mịt, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân.
Căn nhà của Ông Bùi Ngọc Giảo (73 tuổi) ở số nhà 299 Hoàng Tăng Bí luôn phải đóng kín cửa bất kể ngày hay đêm vì bụi mù mịt từ con đường. Bản thân do tuổi cao sức yếu nên căn nhà ông dụm tích cóp nhiều năm mới làm được nay cũng không thể ở mà phải cho thuê lại, còn ông phải đi ở nơi khác.
Chỉ tay vào căn nhà đen kịt vì bụi bám, ông Giảo nói: “Nhà tôi ở đây bị ảnh hưởng rất nhiều, an toàn giao thông, tiếng ồn ào đêm ngày, bụi bặm rất nhiều. Con đường bé đến nỗi đi bộ không có chỗ đi. Nhà tôi ngày lau 1 lần không hết. Bụi ở đây còn ảnh hưởng đến sức khỏe của tôi, mỗi lần đi đường về qua nhà để quét dọn tôi đều ho như muốn rụng cả phổi ra”, ông GIảo bức xúc.
Cùng chung cảnh ngộ với ông Giảo, gia đình ông Trần Quang Huy ở số 343 Hoàng Tăng Bí cũng bị khói bụi ô nhiễm gây ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống. “Con đường này không kể ngày hay đêm đều rất bụi, đường ở đây lại không có đèn điện khiến tai nạn xảy ra rất nhiều, tắc đường là chuyện thường xuyên. Nhân dân ở đây nhiều lần phản đổi ngăn chặn xe đi vào nhưng xe vẫn cứ đi. Nhiều cụ già không dám ra đường vì bụi. Xe quá tải chạy buổi đêm khiến nhà rung lắc không thể ngủ được”, ông Huy cho hay.
Video đang HOT
Trao đổi với PV, một lãnh đạo đội Thanh tra GTVT quận Bắc Từ Liêm cho biết: “Có xảy ra việc xe quá tải đang hoạt động công khai trên tuyến đường này. Dù chúng tôi đã xử lý nhiều trường hợp nhưng nhiều chủ phương tiện đã bất chấp vi phạm”.
Cũng theo vị lãnh đạo này, đội vẫn thường xuyên xử phạt các xe vi phạm trên tuyến đường Hoàng Tăng Bí, trong đó lỗi vi phạm vượt tải trọng từ 10 đến 30% thì phạt cả doanh nghiệp và phạt cả xe quá tải, mức phạt áp dụng cho doanh nghiệp là khoảng 7 triệu đồng.
Đường hẹp, lưu lượng xe nhiều nên đường Hoàng Tăng Bí thường xuyên rơi vào tình trạng ùn tắc.
Xe tải cày xới ngày đêm khiến tuyến đường bị xuống cấp nhanh chóng, xuất hiện nhiều ổ trâu, ổ gà.
Nhiều người phải đeo khẩu trang, có người dùng tay che mũi… Không ít người qua lại con đường này hằng ngày phải vật lộn với cảnh bụi bặm bám vào người, quần áo.
Những ổ trâu, ổ voi cứ thế xuất hiện ngày càng nhiều gây nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông.
Căn nhà của ông Bùi Ngọc Giảo (số 299 đường Hoàng Tăng Bí) dù đóng kín cửa nhưng vẫn phủ một lớp bụi dày xám xịt.
Ông Giảo bức xúc bởi khói bụi mù mịt khiến căn nhà mà ông dành dụm cả đời để xây dựng nay không thể ở được.
“Bão bụi” bám từng lớp dày đặc vào tường những căn nhà mặt đường, thậm chí bụi còn xâm lấn vào những căn nhà đã lùi sâu hàng trăm mét khiến nhiều người ám ảnh kinh hoàng.
Theo Danviet
Bộ trưởng GTVT: "Chưa có con đường nào làm tôi hài lòng"
"Nếu bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng làm một con đường mới, số người được hưởng thụ còn ít nên có ý kiến này nọ, nhưng nếu bỏ ra vài chục tỷ đồng sửa chữa đường bị xuống cấp thì dân sẽ rất mừng. Tôi là Bộ trưởng, nhưng hầu như chưa có con đường nào tôi đi làm tôi hài lòng".
Một tuyến đường ở Nghệ An bị hư hỏng (ảnh: Nguyễn Duy)
Ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) - chia sẻ tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2018 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, diễn ra chiều 2.1 tại Hà Nội.
Tại Hội nghị này, người đứng đầu ngành GTVT đã đưa ra đánh giá không hài lòng về báo cáo của các đơn vị trong lĩnh vực đường bộ, bởi sự chung chung và chưa làm rõ vấn đề vốn dành cho bảo trì mới đáp ứng được một phần, không duy trì được chất lượng.
"Tôi không hài lòng với việc Tổng cục Đường bộ đánh giá trong báo cáo ngày hôm nay. Nếu báo cáo thế, mọi người nhìn vào sẽ thấy chúng ta không làm gì, trong khi còn nhiều khó khăn, đường còn xấu. Năm 2017 lập một dự án trung đại tu đường cần 23.000 tỷ đồng nhưng cả Quỹ bảo trì đường bộ mới có 10.000 tỷ đồng.
Chưa kể, Quỹ này phân chia về cho địa phương 35%, Tổng cục còn rất ít tiền để thực hiện để bảo trì, sửa chữa quốc lộ. Xã hội không biết đang duy tu bảo dưỡng như thế nào trong khi người dân thì hay kêu về chất lượng đường." - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Theo ông Thể, ngành GTVT quản lý 23.000 km quốc lộ, mỗi năm phải đại tu khoảng 2.300 km đường, nên có những đoạn 10 năm mới quay vòng lại. Trong khi đường nhựa cứ 3-4 năm phải tráng nhựa lại, 10-12 năm phải đại tu một lần. Vì không có tiền, nên hệ thống giao thông của chúng ta ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Bộ trưởng Thể yêu cầu con đường nào xuống cấp phải sửa chữa ngay.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phát biểu tại Hội nghị
"Nếu bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng làm một con đường mới, số người được hưởng thụ còn ít nên còn có ý kiến này nọ, thay vào đó nếu chúng ta bỏ ra vài chục tỷ sửa chữa đường của dân đang bị xuống cấp thì họ sẽ rất mừng. Tôi là Bộ trưởng, nhưng hầu như chưa có con đường nào tôi đi làm tôi hài lòng." - ông Thể nhấn mạnh.
Bộ trưởng GTVT cho rằng phải nghiên cứu kỹ thời gian duy tu, ứng dụng vật liệu mới để hình thành nên bộ khung, lập kế hoạch duy tu sửa chữa đường bộ. Các đơn vị quản lý đường bộ phải sửa chữa ngay những con đường xuống cấp. Bảo trì là công tác đặc thù, duy tu phải kịp thời, nếu không từ một "ổ gà" sẽ biến thành "ổ voi", từ một con đường bình thường thành con đường hư hỏng nhanh, tài sản mất mát sẽ rất lớn.
Liên quan đến khoa học công nghệ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhận xét, 2 năm nay Việt Nam mới cài bóc tách khi sửa chữa trong khi các nước khác đã làm lâu. Sự lỗi thời của công nghệ duy tu sửa chữa đường giao thông Việt Nam thể hiện ở thực trạng đường cao hơn nhà dân.
"Các nước xung quanh ai cũng áp dụng khoa học công nghệ hết. Để phát triển xây dựng, bảo dưỡng tốt, dứt khoát phải tăng cường áp dụng khoa học công nghệ. Tại sao ta vẫn làm đường theo truyền thống, mà không học tập công nghệ mới như Trung Quốc, Campuchia? Tại sao họ áp dụng được mà mình không áp dụng? Mặt đường truyền thống hư hỏng, nhiều lớp, khi lún thường lún cục bộ, không êm thuận" - ông Thể cho hay.
Người đứng đầu ngành GTVT yêu cầu báo cáo hàng năm phải trung thực, việc nào làm được đến đâu chứ không phải là theo kế hoạch, giải quyết được gì, khó khăn ra sao phải được nêu rõ và cố gắng đề xuất giải pháp.
Tại Hội nghị này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam tham mưu Bộ GTVT hoàn thành báo cáo gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư một bức tranh toàn cảnh có bao nhiêu km quốc lộ trong vòng 5-10 năm tới cần bảo trì, cần nguồn vốn ra sao.
Theo Châu Như Quỳnh (Dân Trí)
Cận cảnh con đường "hỏng vì không có xe lưu thông" Giám đốc Sở GTVT TP.HCM đã chỉ ra một nguyên nhân khiến đường Trần Văn Giàu xuống cấp là do làm xong nhưng... không sử dụng. Ngày 19/12/2015, lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cùng các nhà thầu cắt băng khánh thành, chính thức thông xe tuyến đường Trần Văn Giàu (nối TP.HCM với tỉnh Long An) để phục vụ nhu cầu đi lại...