Kinh hoàng thịt tẩm ướp bằng hóa chất gây loét nội tạng
Nhiều người buôn bán thịt gia súc, gia cầm tại các chợ dùng sunfua dioxit (SO2) tẩm ướp để thịt tươi lâu mà không hề quan tâm đến việc tồn dư quá mức cho phép chất này rất dễ gây ngộ độc, thậm chí loét nội tạng cho người sử dụng…
Công nghệ giữ thịt tươi bằng hóa chất công nghiệp
Với dân bán thịt lợn, việc dùng một thứ chất bột màu trắng để “làm sạch” thịt nhanh chóng cũng như tẩm ướp để giữ thịt tươi lâu không có gì xa lạ. Theo rỉ tai của chị Hóa, là dân buôn thịt từ Ứng Hòa (Hà Nội) ra chợ Thái Thịnh, thịt sai khi bán ế sẽ được mang về chợ Vồ (Quang Trung, Hà Đông) để tiêu thụ. Để thịt trông như tươi mới, trước khi bán ở chợ Vồ, chị Hóa dùng một ít chất bột trắng (mà chị gọi là chất “tẩy đường”) quấy vào nước, sau đó nhúng thịt vào. Chỉ một lát sau, những miếng thịt trở nên mềm mại và có màu đỏ hồng như thịt mới.
Thịt ế được bày bán ở chợ Vồ, liệu có được nhúng chất tẩy để trông thịt tươi?
Theo chỉ dẫn của chị Hóa, phóng viêntìm đến sạp T.P tại chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm, Hà Nội) để hỏi mua chất bột trắng trên.
Tại đây, khi chúng tôi ngỏ lời mua loại bột trắng để bảo quản thịt, ngay lập tức chị chủ sạp T.P từ chối: “Đó là hóa chất, em nên đến phố hàng Buồm mà mua”. Nhưng sau một vòng dạo chợ, chúng tôi quay lại và nói rõ với chị chủ là cần mua chất “tẩy đường”, lúc này chị chủ quầy T.P mới chào giá 30.000 đồng/kg nếu mua cả yến còn mua lẻ giá 35.000 đồng/kg.
Hỏi đích danh chất tẩm ướp giúp thịt tươi trên là “tẩy đường”, hầu hết các quầy hàng khô tại chợ Đồng Xuân đều thừa nhận có bán chất này với giá không chênh lệch so với giá mà quầy T.P đưa ra. Tuy nhiên, sử dụng chất này thế nào thì nhiều quầy… không biết. Như chủ quầy H.M (chợ Đồng Xuân) hồn nhiên nói: “Chị chỉ biết bán thôi, chứ cụ thể cho vào thịt như thế nào thì chịu”.
Tiếp tục có mặt tại quầy hàng khô lớn nhất tại chợ Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) để hỏi mua “tẩy đường”, phóng viên đã “rào trước” với chị chủ quầy rằng đã từng mua chất soda làm mềm thịt ở hàng chị, vì thế chị chủ mới an tâm ra giá: “Nếu em mua ,chị để cho 45.000 đồng/kg”. Chúng tôi thắc mắc giá như vậy là đắt, chị chủ nói: “Tẩy đường cũng có tùy loại, loại này tẩy được thịt cho tươi”.
Chất tẩm ướp thịt có thể gây loét nội tạng?
Video đang HOT
Mới đây, ngày 29/9, cơ quan an toàn thực phẩm của Hong Kong CFS vừa phát hiện ra 9 mẫu thịt không đảm bảo an toàn, do có chứa sunfua dioxit (SO2), chất hóa học bị cấm sử dụng trong bảo quản thịt sống. Các mẫu thịt lợn, thịt bò và thịt cừu này được lấy từ các cửa hàng bán lẻ và cơ sở cung cấp thịt vào thời gian trong tháng 7 và tháng 8/2010.
Liệu chất sunfua dioxit có trong thịt lợn mà cơ quan chức năng của Hong Kong phát hiện có mối liên hệ với những chất bột mà phóng viên VTC News khảo sát? Trao đổi với chúng tôi, PGS – TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết: “Chất sunfua dioxit (SO2) được dùng trong thực phẩm để kéo dài thời gian bảo quản và chống vi khuẩn xâm nhập. SO2 là chất độc, nếu còn dư lượng trong thực phẩm thì làm ngộ độc cho người sử dụng. Trong công nghệ chế biến thực phẩm, các nhà sản xuất có quy trình đưa SO2 vào thực phẩm và tách nó ra khỏi thực phẩm khi đưa đến tay người tiêu dùng (NTD)”.
Theo PGS – TS Nguyễn Duy Thịnh: Dư lượng SO2 quá mức cho phép trong thực phẩm khi xâm nhập vào đường tiêu hóa sẽ gây buồn nôn nhức đầu và gây viêm niêm mạc. Tuy nhiên, người tiêu dùng có thể tách SO2 trong thực phẩm khi đun sôi, SO2 có thể bay hơi hết. Với hoa quả, người tiêu dùng nên bóc, gọt vỏ. Nhưng với người có sức đề kháng yếu, vẫn có nguy cơ bị nhiễm độc nếu ăn phải thực phẩm, hoa quả còn tồn dư SO2.
Cũng theo ông Thịnh, việc cho SO2 vào thịt ôi sẽ làm mất mùi ôi đi chứ không biến thịt ôi thành tươi được. Trong cái ôi đó đã sinh ra độc tố nằm trong thịt và SO2 chỉ làm mất mùi ôi, kiểu “đánh lận con đen”.
TS Thịnh cho biết, trong thực phẩm không dùng SO2 để bảo quản thịt tươi mà chủ yếu dùng để bảo quản rau, quả có vỏ như vải, táo. Các loại quả này được sấy khô xong dùng SO2 để sát trùng bề mặt. Tuy nhiên, những loại quả dùng theo phương pháp này thường được bỏ vỏ khi ăn.
Song TS Thịnh không loại bỏ khả năng nhiều người vẫn dùng SO2 để xông bề mặt thịt. SO2 bám vào thịt sẽ gây nhiễm độc, nhất là với thịt sống vì nó có tính ô xy hóa mạnh, khi vào đường ruột sẽ gây loét, thủng ruột, vào mắt thì mờ mắt.
Vì SO2 là chất khí nên các nhà máy thường sản xuất khí SO2 và nạp vào bình. Khi sử dụng, người dùng mới xả vào chỗ cần dùng.
Trong dân gian, muốn dùng chất này thì phải mua lưu huỳnh vàng đốt lên, cho cục than vào cháy từ từ thành khí bay ra là SO2. Chất khí này bay ngào ngạt tiếp xúc với thực phẩm và bám vào bề mặt. PGS Thịnh phân tích, nếu xông thịt bằng lưu huỳnh, trên bề mặt có mùi lưu huỳnh hắc khó chịu nên NTD sẽ nhận biết ngay.
Tuy nhiên, ông Thịnh cho rằng, có thể người ta dùng SO2 dưới dạng hợp chất khác (như chất bột trắng mà phóng viên nhắc đến ở trên) để hòa vào nước sau đó nhúng thịt vào. Hợp chất này gồm có Na2SO3; NaHSO3 (tẩy đường), KHSO3 được bán khá nhiều trên thị trường. Sau khi các chất trên hòa nước, họ nhúng thịt vào rồi treo thịt lên cho khô nước, còn lại SO2 vẫn bám vào thịt. Nếu NTD ăn phải sản phẩm có tồn dư chất này, SO2 sẽ phản ứng ô xy hóa với các chất trong cơ thể và gây độc. SO2 bị cấm dùng với trẻ em.
“Tẩy đường”, có công thức hóa học NaHSO3, không nhãn mác được bày báb công khai trên thị trường với 35.000 đồng/cân
Về thắc mắc làm sao để có thể nhận biết được thịt dùng SO2, PGS Nguyễn Duy Thịnh chia sẻ: “Nếu nhìn bên ngoài, đến tôi cũng chịu vì vợ tôi mua gì thì tôi ăn đấy thôi”. Theo thông tin từ PGS – TS Nguyễn Duy Thịnh, nồng độ cho phép sử dụng SO2 trong chế biến sữa, quả khô, quả ngâm dấm, mứt, hoa quả lên men, socola, thịt gia cầm, thịt thú xay nhỏ là 500mg/kg khối lượng thịt. Tuy nhiên “Thịt bị ngấm chất này khó ngửi thấy mùi, NTD rất khó nhận biết. Chỉ cơ quan chức năng cần kiểm soát các đơn vị sản xuất mới có phương pháp thử định tính và định lượng”.
Với những thông tin ông Thịnh cung cấp, nhà sản xuất nếu dùng chất NaHSO3 tinh khiết dành cho thực phẩm với hàm lượng tồn dư cho phép sẽ không gây những ảnh hưởng đáng ngại. Nhưng thực tế khảo sát của chúng tôi, những chất bột trắng dùng để bảo quản thịt được bán tại chợ Đồng Xuân và chợ Thành Công đều không có nhãn mác, được bán vô tội vạ và chính người bán cũng không biết sử dụng liều lượng thế nào để hướng dẫn cho khách hàng.
Trong khi đó, tại các công ty kinh doanh hóa chất, chất bột trắng này được nhập về bán dưới dạng hóa chất công nghiệp, không phải phụ gia thực phẩm. Anh Nguyễn Hoàng Kiều, Công ty hóa chất Thuận Phong (Giải Phóng, Hà Nội) cho biết, công ty anh bán NaHSO3 như là hóa chất dùng trong công nghiệp được nhập từ Trung Quốc có mức giá 24.000 đồng/kg, chỉ bán theo bao 25 kg, nếu lấy tại kho có giá 23,5.000 đồng/kg.
Còn tại Công ty hóa chất Thạch An (Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) hiện không có bán bột NaHSO3. Tuy nhiên, có bột KHSO3 nhưng chỉ bán với khối lượng lớn hàng tấn.
Công ty CP hóa chất công nghệ mới Việt Nam (phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội) cũng có bán hóa chất NaHSO3. Theo lời nhân viên tại đây thì chất này được bán theo thùng 50kg, có xuất xứ từ Trung Quốc. Khách hàng mua nếu có hóa đơn VAT giá 1 tạ là 2,1 triệu đồng.
Nhận xét về tình trạng bán tràn lan các chất bảo quản thịt không nhãn mác, TS. Nguyễn Xuân Lãng, Trưởng Phòng Thí nghiệm trọng điểm, Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam cho rằng: “Nếu bán tràn lan mà không đề trên nhãn mác là dùng cho thực phẩm tức là không dùng trong thực phẩm được “.
Việc sử dụng sunfua dioxit phải được thực hiện đúng với những qui định gắt gao trong Bản Qui định tiêu chuẩn thực phẩm (Food Standards Code) bởi một số người có thể bị dị ứng trầm trọng nếu tiêu thụ thực phẩm có chất này mà họ không biết. Trong ngành thịt, sunfua dioxit chỉ có thể được sử dụng với một số loại thịt như thịt gà chế biến và sản phẩm thú hoang sản xuất bằng thịt nghiền nhỏ (thí dụ như thịt băm, thịt sắc thành cục nhỏ v.v.). Tuy nhiên, liều lượng sử dụng SO2 phải ít hơn 500mg/kg thành phẩm. Sản ph ẩm thực phẩm không được phép có sunfua diôxit gồm thịt heo, bò, gà và thú hoang sống, kể cả tất cả các loại thịt băm, thịt muối, thịt xông khói hoặc thịt khô, sản phẩm thịt chưa nấu chín và để lên men. Sử dụng sunfua dioxit không đúng quy định là vi phạm Bản Qui định tiêu chuẩn thực phẩm, Đạo luật thực phẩm NSW 2003 (NSW Food Act 2003) và các chương trình an toàn thực phẩm của tiểu bang. Cá nhân không chấp hành Bản Qui định tiêu chuẩn thực phẩm có thể bị phạt đến 55.000 USD và 275.000 USD đối với công ty. (Theo tài liệu của cơ quan thực phẩm bang New South Wales, Úc)
Theo VTC
Sử dụng quá liều: Thuốc hạ sốt thành... thuốc độc
Không chỉ thuốc ngủ, thuốc diệt cỏ (paraquat), thuốc trừ sâu hay thuốc chuột mới gây ngộ độc, ngay cả thuốc hạ sốt cũng gây ra những nguy hiểm chết người nếu sử dụng quá liều...
Hạ sốt nhanh, bệnh nhi phải vào cấp cứu
Bị sốt 2 ngày liên tiếp không bớt, em Ph.T.B.Ng 6 tuổi, ngụ tại phường 8, quận 4, TP.HCM được người nhà ra nhà thuốc Tây tự mua thuốc uống, trong đó có gói thuốc hạ sốt Paracetamol (Acetaminophen) 250mg. Muốn con hạ sốt nhanh nên mẹ cho Ng. uống liên tục 4 gói chỉ trong vòng nửa ngày, nhưng vẫn không hạ nhiệt. Tại một bệnh viện (BV), em được tiếp tục cho hạ sốt với 2 viên Efferalgan (Acetaminophen) 150mg nhét hậu môn và còn được chích 260mg Perfangan (cũng là Acetaminophen). Sau đó em có triệu chứng ói ra máu và lơ mơ nên được chuyển đến BV. Nhi Đồng 2.
Tại đây, các bác sĩ (BS) ghi nhận em Ng. đang ở trong tình trạng xuất huyết tiêu hóa trên, lơ mơ và liên tục co gồng. Một bệnh nhi khác cũng nhập viện cùng thời điểm là em Đ.Ng 10 tháng, ngụ tại huyện Bù Đốp, tỉnh Bình phước, có bệnh 3 ngày sốt cao liên tục, ói và tiêu chảy nhiều lần. Theo lời khai của người nhà, em được cho uống lên tục 5 liều thuốc hạ sốt, mỗi lần với Paracetamol 325mg. Sau đó em có triệu chứng co gồng và được người nhà cho nhập viện BV. Nhi Đồng 2 với tình trạng môi tái, mạch không bắt được, huyết áp không đo được, có tình trạng suy chức năng gan, thận, rối loạn đông máu.
Sau khi nhập viện, cả 2 em đều được các BS của khoa Cấp cứu và Hồi sức của BV. Nhi Đồng 2 tích cực điều trị. Xét nghiệm và đo nồng độ Acetaminophen trong máu cho thấy P.T.B.Ng. có nồng độ Acetaminophen trong máu rất cao là 199,18/mL> 12giờ (vượt qua ngưỡng ngộ độc là 50/mL giờ thứ 12). Riêng Đ.Ng., dù nồng độ Acetaminophen trong máu không quá cao, không vượt qua ngưỡng ngộ độc Acetaminophen, nhưng do tình trạng nhiễm trùng huyết nặng đồng thời do sử dụng quá liều thuốc hạ nhiệt Acetaminophen, nên tình trạng suy tế bào gan càng trầm trọng, rối loạn đông máu càng nặng hơn. Cả hai đều có triệu chứng tổn thương tế bào gan do ngộ độc vì uống thuốc quá liều.
Trước đó, vào đầu tháng 3, Khoa cấp cứu BV này cũng tiếp nhận cùng một lúc 2 em Yến V. (12 tuổi) và Phương T. (9 tuổi) là học sinh nội trú của một trường tiểu học dân lập Quốc tế TP.HCM với chẩn đoán là ngộ độc thuốc. Yến V. đã uống 20 viên Panadol và Phương T. uống 18 viên. Trong vài tháng đầu năm nay, đã có hàng chục ca nhập BV. Nhi Đồng 2 vì ngộ độc thuốc như thế.
Đưa trẻ nhập viện khi thấy dấu hiệu ngộ độc thuốc
Theo BS. Trịnh Hữu Tùng, BV. Nhi Đồng 2, ngộ độc thuốc hạ sốt Paracetamol khi dùng quá liều, dùng trên 150mg/kg cân nặng/liều đơn độc ở trẻ em hay trên 7g cho một người lớn trung bình trong 24 giờ. Tất cả các bệnh nhân (BN) dùng liều trên 350mg/kg sẽ gây độc cho gan nặng. Khi ngộ độc thuốc hạ sốt Paracetamol, BN sẽ có những triệu chứng: buồn nôn hay nôn mửa, vã mồ hôi, tái nhợt, thẫn thờ, lo âu. Từ 24 - 72 giờ sau uống, BN sẽ có triệu chứng của tổn thương gan rõ như: đau hạ sườn phải, gan lớn, tăng các men gan như AST và ALT, tiểu ít và suy giảm chức năng thận.
Một nghiên cứu của Trung tâm chống độc, BV. Bạch Mai, Hà Nội cách đây vài năm đã cho thấy tình hình ngộ độc thuốc Paracetamol có xu hướng gia tăng, vì thuốc này được coi là thuốc an toàn và BN có thể tự ý mua và tự điều trị mà ít cần đơn của BS. Nghiên cứu cũng cho thấy, tỷ lệ ngộ độc Paracetamol đã đứng hàng thứ hai (sau ngộ độc thuốc ngủ và thuốc an thần) trong số các BN ngộ độc thuốc phải điều trị.
Sau 3 ngày, BN có biểu hiện vàng da, lơ mơ, lú lẫn do bệnh cảnh não do gan, và có xuất huyết nội tạng, hạ đường huyết và suy thận cấp do hoại tử ống thận cấp. Tử vong xảy ra trong giai đoạn này thường do suy chức năng đa cơ quan. Từ 4 ngày đến 2 tuần, nếu BN còn sống sẽ bước vào giai đoạn hồi phục, thường bắt đầu ngày thứ 4 và hoàn toàn 7 ngày sau quá liều. Hồi phục có thể chậm hơn ở BN nặng, những triệu chứng và và xét nghiệm có thể không bình thường trong vài tuần.
BS. Tùng khuyến cáo, khi thấy trẻ có triệu chứng hay nghi ngờ trẻ bị ngộ độc thuốc hạ sốt Paracetamol, các bậc phụ huynh cần cho trẻ vào ngay BV để các BS xử trí cấp cứu. Để cấp cứu ngộ độc có hiệu quả, điều hết sức quan trọng là nhận biết kịp thời chất độc hoặc thuốc mà BN đã dùng. Qua những trường hợp trên, các bậc phụ huynh nên lưu ý không được "nóng vội" cho trẻ uống quá liều thuốc hạ sốt Paracetamol (Acetaminophen). Tuân thủ liều điều trị thông thường là 40 - 60mg/kg/ngày chia 3 - 4 lần hay 10 - 15mg/kg cân nặng/lần. Nếu trẻ dùng liều hạ sốt như trên mà vẫn không giảm được nhiệt độ, các bậc phụ huynh cần tham khảo ý kiến của BS, chứ không nên tự tiện dùng tiếp thuốc hạ sốt thêm sẽ dẫn đến quá liều và ngộ độc thuốc.
Theo Sức khỏe đời sống